Việt Nam cần làm gì khi bị Mỹ gắn mác 'thao túng tiền tệ'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump mới có cuộc trao đổi về vấn đề ‘thao túng tiền tệ’.

Trong báo cáo ngày 16/12/2020 có tên “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ.

Đây là lần thứ ba, chính quyền Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ lên một quốc gia, lần đầu là vào năm 1994 và lần thứ hai là vào năm 2019 đối với Trung Quốc, khi hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang thương lượng một thỏa thuận thương mại.

Việt Nam và Thụy Sĩ cùng có 3 tiêu chí được Mỹ xác định là thao túng tiền tệ như sau:

  1. Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỉ USD.
  2. Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP.
  3. Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Việt Nam và Thụy Sĩ vượt xa các tiêu chí này, với mức can thiệp ngoại hối lần lượt là 5% và 14% GDP.

Bộ Tài chính Mỹ nói gì?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Mnuchin cho biết trong một tuyên bố rằng Bộ này "đã thực hiện một bước quyết liệt ngày hôm nay để bảo vệ tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ."

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Việt Nam can thiệp ngoại hối một phần bằng cách hạ giá tiền đồng là nhằm đạt được lợi thế thương mại, trong khi Thụy Sĩ là nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả.

Báo cáo tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Những nước này bị Mỹ đánh giá là có thể đã cố tình phá giá đồng tiền của nước mình so với đồng đôla.

Trong khi đó, một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết nhóm chuyển giao quyền lực của Biden không được thông báo về việc này.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam lên tiếng

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định như sau:

  • "Việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng".
  • "Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam".
  • "Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia".

Việt Nam nói sẽ tham vấn Mỹ để xử lý vấn đề 'thao túng tiền tệ'

"Việt Nam duy trì đối thoại và tham vấn với Mỹ để xử lý vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định chiều 17/12.

"Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao và thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương khác", bà Hằng nhấn mạnh tại họp báo.

"Việt Nam cũng duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Mỹ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hoà lợi ích của cả hai bên", người phát ngôn nói thêm.

Trong khi đó, hãng tin Reuters nói có một số thông tin cho rằng sau khi xác định "thao túng tiền tệ", Mỹ có thể sẽ áp thuế 25% lên các mặt hàng của Việt Nam.

Hệ quả của dán nhãn "thao túng tiền tệ"

Thông tin nói trên đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh vào ngày 18/12.

Chốt phiên, VN-Index giảm 15,22 điểm (-1,43%), xuống 1.051,77 điểm với 148 mã tăng, trong khi có tới 290 mã giảm. Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng 21,66 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 776,84 tỷ đồng, tăng 135,14% về lượng và 242,3% về giá trị so với phiên trước.

Giới phân tích cho rằng, nếu Mỹ và Việt Nam không đàm phán, giải quyết được vấn đề liên quan đến thao túng tiền tệ, thì Mỹ sẽ tiến hành các lệnh trừng phạt thuế quan đối với Việt Nam.

Khi đó, cổ phiếu nhóm xuất khẩu sẽ là nhóm ảnh hưởng nặng nề nhất, cụ thể là nhóm ngành Thủy sản, Dệt may và Gỗ, theo Tạp chí Tài chính.

Trong khi đó, hai cuộc điều tra gần đây theo Điều khoản 301 về gian lận thương mại đối với hai ngành hàng đồ gỗ và dệt may là điều đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp đồ gỗ và dệt may Việt Nam.

Hãng tin BBC cho biết, việc bị dán nhãn thao túng tiền tệ sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ hạn chế quyền tiếp cận các hợp đồng mua sắm chính phủ và nguồn tài chính cho phát triển, theo luật Mỹ.

Việt Nam cũng có thể bị Mỹ đánh thuế lên một số hàng hóa xuất khẩu do cố tình hạ giá tiền đồng - kết quả của một cuộc điều tra riêng của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ được thúc đẩy từ báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.

Biện pháp nào để tháo mác 'thao túng tiền tệ'?

Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ khuyên rằng Việt Nam cần khẩn trương tăng cường khuôn khổ chính sách tiền tệ của mình để tạo điều kiện cho việc chuyển động lớn hơn trong tỷ giá hối đoái để phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế, đồng thời giảm can thiệp và cho phép tăng giá hiệu quả thực sự của tỷ giá hối đoái. Việt Nam cũng nên tăng tính minh bạch về quản lý ngoại hối, can thiệp, cũng như dự trữ ngoại tệ.

Mỹ cũng đề nghị rằng Việt Nam cần dỡ bỏ các rào cản đối với các công ty Hoa Kỳ và hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam để giảm mất cân bằng thương mại song phương.

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Kim Long nói với báo Tuổi trẻ rằng, những việc Việt Nam cần làm là:

  1. Thứ nhất, tiếp tục minh bạch hóa thông tin với phía Mỹ. Cần giải thích Việt Nam không sử dụng can thiệp vào tỉ giá để tạo ra lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu và mục đích dự trữ ngoại hối để ổn định chính sách vĩ mô.
    Sự hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ có thể tạo điều kiện để giải quyết vấn đề thông qua đối thoại song phương.
  2. Thứ hai, giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ bằng các nhóm giải pháp: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phòng chống gian lận xuất xứ để ngăn chặn nước thứ ba lợi dụng xuất xứ Việt Nam để né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề về nhãn mác "thao túng tiền tệ" của Mỹ, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cho rằng, Việt Nam cần đàm phán với Mỹ một hiệp định thương mại tự do song phương.

Vấn đề tỷ giá, thâm hụt thương mại từng được các nước Bắc Mỹ giải quyết trong khuôn khổ Hiệp định USMCA giữa Mỹ với Mexico, Canada (thường được gọi là NAFTA 2.0).

"Nếu Việt Nam với Mỹ ký kết FTAs mới với các điều khoản đàm phán về tỷ giá, điều này vừa giúp cho Việt Nam không phải lo ngại Mỹ dán mác thao túng tiền tệ, vừa giúp thương mại song phương cân bằng, thông qua cơ chế bỏ thuế hàng hóa Mỹ vào Việt Nam", ông Hưng nói với báo Dân trí.

Thủ tướng Việt Nam và TT Trump trao đổi về ‘thao túng tiền tệ’

Hôm 22/12, Thủ tướng Việt Nam đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Tại cuộc trao đổi với Tổng thống Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Trong cuộc điện đàm tối 22/12, Bộ Ngoại giao cũng thông tin thêm, bên lề việc thảo luận về điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Tổng thống Trump về việc phát triển thành công 2 loại vaccine Covid-19 trong thời gian ngắn kỷ lục. Tổng thống Trump khẳng định rất quý trọng đất nước và con người Việt Nam và mong muốn thăm lại Việt Nam vào thời gian tới.

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Việt Nam cần làm gì khi bị Mỹ gắn mác 'thao túng tiền tệ'?