Việt Nam lập kế hoạch ứng phó nạn châu chấu sa mạc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Bảo vệ thực vật đưa châu chấu sa mạc vào đối tượng giám sát đặc biệt, sau khi đàn châu châu tiến đến Ấn Độ.

Bộ Nông nghiệp & PTNT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình châu chấu sa mạc thế giới và khả năng sẵn sàng ứng phó của Việt Nam.

Theo đó, thông tin mới nhất từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, đàn châu chấu sa mạc trưởng thành đã di chuyển đến phía Bắc Ấn Độ. Đến ngày 26/5/2020, đã có ít nhất một đàn châu chấu trưởng thành đến khu vực phía Đông Bắc Bhopal (thành phố ở miền Trung Ấn Độ).

Từ nay đến tháng 7/2020 dự kiến những đàn châu chấu ở phía Đông sa mạc Rajasthan có thể tiếp tục lây lan sang phía Bắc Ấn Độ và xa nhất đến thành phố Bihar and Orissa thuộc miền Trung Ấn Độ và sau đó có thể di chuyển về phía Tây và trở lại sa mạc Rajasthan bởi sự thay đổi hướng gió mùa, theo các chuyên gia của FAO.

Tình hình châu chấu sa mạc tại Ấn Độ đến ngày 27/5/2020 (FAO).
Tình hình châu chấu sa mạc tại Ấn Độ đến ngày 27/5/2020 (Ảnh: FAO).

FAO cho biết đàn châu chấu với số lượng ước tính hàng trăm triệu con di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ lên đến 13 km/giờ, tàn phá cây trồng và các nguồn thực phẩm khác tại mỗi nơi chúng dừng chân, theo Zing.

Ông Keith Cressman, chuyên gia dự báo về châu chấu của FAO, cho biết thời tiết biến động giúp chúng gia tăng số lượng gấp 8.000 lần, thay vì 400 lần như lâu nay. Ví dụ, một đàn châu chấu vừa tràn vào Kenya đã bao phủ diện tích cỡ Luxembourg.

Kế hoạch phòng chống của Việt Nam

Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật đưa châu chấu sa mạc vào đối tượng giám sát đặc biệt. Hàng ngày Cục bố trí nhân sự nắm thông tin châu chấu sa mạc lây lan, gây hại trên thế giới thông qua internet, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên trang tin điện tử chính thức của FAO. Cục cần cập nhật diễn biến các đàn châu chấu ở Trung Đông, châu Phi, Nam Á.

“Chúng ta cần có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với nạn châu chấu sa mạc. Các thông tin trong lịch sử và hiện tại chứng minh rằng việc đối phó với những đàn châu chấu sa mạc khổng lồ rất khó khăn, khác hoàn toàn việc phòng chống các sinh vật gây hại thông thường”, Bộ NN&PTNT cho biết.

Về kỹ thuật và nguyên tắc phòng chống, đàn châu chấu mới xâm nhập là châu chấu trưởng thành, di chuyển nhanh và gây hại mạnh nên áp dụng biện pháp phun bao vây bằng máy bay. Những diện tích trong hoặc gần khu dân cư thì huy động nhân lực, các loại bình phun, máy phun để phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Một số chuyên gia cho rằng, thời gian tới có khả năng đàn châu chấu sa mạc di cư đến các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây qua bán đảo Đông Nam Á, tương tự con đường sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại năm 2019.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc duyệt chi gần 1,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 200 triệu USD) để ngăn ngừa và diệt côn trùng phá hoại mùa màng, đặc biệt là nguy cơ châu chấu sa mạc đang hoành hành tại Ấn Độ và Pakistan tràn sang nước này, theo SCMP.

Dự báo hướng di chuyển của châu chấu sa mạc từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020 (FAO).
Dự báo hướng di chuyển của châu chấu sa mạc từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020 (Ảnh: FAO).

"Nguy cơ xâm nhập đàn châu chấu sa mạc vào Việt Nam thấp, nhưng không thể chủ quan vì điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay rất khó lường. Đặc biệt, giống như sự xâm nhập, lây lan nhanh chóng và gây hại nặng của châu chấu tre lưng vàng và sâu keo mùa thu di cư tại Việt Nam trong thời gian qua, để giảm thiểu thiệt hại và chủ động chống dịch, chúng ta cần có kế hoạch ứng phó khi châu chấu sa mạc xâm nhập" - ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói với báo Tuổi trẻ.

Bộ Nông nghiệp sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng sử dụng rađa quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển và sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp dịch trên diện rộng.

Châu chấu tre lưng vàng đang gây hại

Tại Việt Nam, tuy nguy cơ xâm nhập của châu châu sa mạc không cao, nhưng châu chấu tre lưng vàng đang gây thiệt hại nhất định.

Từ cuối tháng 3 đến nay, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và gây hại tại 4 tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh với tổng diện tích nhiễm là 69 ha (Điện Biên 59 ha, Cao Bằng 4 ha, Sơn La 4 ha, Quảng Ninh 2 ha).

Mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, mật độ cao lên tới 400 - 600 con/m2. Thậm chí tại Cao Bằng có nơi mật độ lên tới 1.000 con/m2.

Từ tháng 6-7/2020, có khả năng châu chấu trưởng thành từ Lào di trú sang Việt Nam gây hại.

Xem thêm:


Việt Nam lập kế hoạch ứng phó nạn châu chấu sa mạc