Việt Nam: Nhiều ý kiến trái chiều về tiêm vắc xin Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi có ý kiến cho rằng “vắc xin nào cũng như nhau", “có vắc xin nào chích vắc xin đó" thì nhiều người bày tỏ không muốn tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất.

Trưa ngày 13/8, một đoạn video dài khoảng 1 phút 20 giây được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, quay lại cảnh phản ứng của người dân với nhân viên y tế về loại vắc xin ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng.

Trong video, một nam nhân viên y tế thông báo qua loa cầm tay: “Ở đây chúng tôi chích ngừa Vero Cell của hãng Sinopharm”.

Có người dân tại điểm tiêm chủng ngay lập tức hỏi lại: “Vero Cell là của nước nào?”. Một số người khác nói thêm: “Của Trung Quốc thì nói là Trung Quốc".

Tiếp đó, một người đàn ông nói: “Thôi đi về" và di chuyển khỏi điểm tiêm chủng.

Nhân viên y tế tiếp tục nói qua loa: “Giờ có thuốc chích là may rồi, giờ muốn đòi hỏi gì nữa". Ngay lập tức, người đàn ông quay lại, lớn tiếng: “Đây mà mày chích mà chết mày chịu không?”.

Video cho thấy có thêm một số người cũng rời khỏi điểm tiêm chủng trong khi những người khác vẫn ở lại.

Đoạn video đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội với hàng nghìn lời bình luận. Trong đó, phần nhiều ý kiến bày tỏ không tin tưởng vào vắc xin do Trung Quốc sản xuất.

Trả lời báo chí chiều 13/8, đại diện Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. HCM cho biết đã nắm được thông tin này và cho hay: "Sáng nay, Quận 1 tổ chức tiêm vaccine tại điểm tiêm số 1, Huyền Trân Công Chúa. Vaccine được tiêm là AstraZeneca. Tuy nhiên, đến 9h thì tiêm hết loại vaccine này, sau đó quận tổ chức tuyên truyền người dân tiêm vaccine Sinopharm thì có một số người dân bỏ về.

Sau đó, quận vẫn tiếp tục tiêm Sinopharm cho người dân tại điểm này trong sáng nay. Chiều nay, quận vẫn tiêm Sinopharm tại đây".

Trước đó, hôm 11/8, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức đồng ý bằng văn bản cho TP. HCM sử dụng 1 triệu liều vắc xin Vero Cell nhập khẩu từ Trung Quốc để tiêm cho người dân.

Trong khi có ý kiến cho rằng “vắc xin nào cũng như nhau", “có vắc xin nào thì chích vắc xin đó" thì không chỉ nhiều người dân ở TP. HCM mà người dân ở nhiều tỉnh thành khác cũng không muốn tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất.

Trong một bài đăng ngày 5/6 của tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng[1], Dang Duong - một chủ nhà hàng 42 tuổi tại TP. HCM bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ sớm có được vắc xin ngừa COVID-19. Công việc kinh doanh của bà đã gặp khó khăn khi không có nguồn khách hàng chính là du khách nước ngoài kể từ hồi tháng 3 khi Việt Nam đóng cửa biên giới ngăn các trường hợp nhập cảnh.

Dang Duong cho biết ngay cả khi bà mong muốn Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, vắc xin Trung Quốc sẽ là lựa chọn cuối cùng của bà.

Huynh Hung (48 tuổi) - một nhà nhập khẩu thiết bị y tế tại TP. HCM cho biết, ông ‘’ngay lập tức’’ nói "không" khi được hỏi có lựa chọn tiêm vắc xin Trung Quốc không. Ông thừa nhận rằng quan điểm của ông phần lớn được hình thành từ kinh nghiệm cung cấp thiết bị y tế nước ngoài cho các bệnh viện ở miền Nam Việt Nam.

“Khi nói đến các loại thuốc truyền thống của họ, tôi không phủ nhận rằng người Trung Quốc rất giỏi. Nhưng tôi không bị thuyết phục bởi năng lực y học phương Tây của họ", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, Việt Nam theo truyền thống nhập khẩu dụng cụ y tế từ nhóm các nước giàu G7 và Liên minh châu Âu, trong khi những dụng cụ được vận chuyển từ Trung Quốc chỉ phổ biến hơn trong những năm gần đây.

Ông nói: “Khi các bác sĩ ở miền Nam chọn thiết bị, họ hiếm khi chọn hàng Trung Quốc.”

Bà Nguyễn Thanh Hạnh - một cư dân sống tại quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội cho biết trên VOA tiếng Việt[2] (ngày 4/6) rằng, bà “rùng mình” khi nghe tin vắc xin Trung Quốc đang được xem xét cấp phép tại Việt Nam bởi xưa nay chưa bao giờ bà tin vào các sản phẩm “Made in China”.

“Đồ ăn thức uống vào người thì sau 4 tiếng có thể thải ra hết, chứ đằng này vắc xin tiêm vào người thì tôi sợ quá. Tôi đã chuẩn bị sẵn rồi, nếu người ta kêu ra phường tiêm vắc xin Trung Quốc thì tôi cho người tiêm ít tiền để họ tiêm xuống đất cho xong, chứ tôi không tiêm,” bà Thanh Hạnh thẳng thắn chia sẻ.

Việt Nam có tránh được “vết xe đổ" của nhiều nước khác?

Đầu năm 2021, ông Đào Lê Nạp [3],- một chuyên gia về vaccine Trung Quốc cho biết trên Wechat, ông đã đọc hướng dẫn sử dụng vaccine Sinopharm, trong đó đề cập đến 73 tác dụng phụ sau khi tiêm. Ông chỉ trích rằng đây là “vaccine không an toàn nhất trên thế giới”.

Ông Đào Lê Nạp đã sững sờ khi đọc xong thông tin điện tử của vaccine Sinopharm. Ông cho biết: “Đọc xong, tôi phải điều tức. Khi tôi đếm cột “Phản ứng có hại”, tổng cộng có tới 73 phản ứng có hại tại chỗ hoặc toàn thân.”.

Nhiều quốc gia nằm trong top đầu của thế giới về tỉ lệ tiêm chủng như: Seychelles, Bahrain, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Chile, Uruguay đã chứng kiến làn sóng COVID-19 mới khi phụ thuộc phần lớn vào vắc xin Trung Quốc.

Tại Seychelles (một quốc gia nhỏ có dân số khoảng 98.000 người, bao gồm các đảo nhỏ phía Đông Bắc Madagascar ở Ấn Độ Dương), tỷ lệ dân số được chích ngừa vắc xin COVID-19 thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Tính đến tháng 5/2021, Seychelles có khoảng 71% dân số[4] đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 và 62% đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong số này, 57% đã được chích ngừa vắc xin Sinopharm của Trung Quốc và 43% là vắc xin AstraZeneca của Anh.

Tuy nhiên, Seychelles đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong tháng 6 với 37% số ca mắc mới[5] và 20% số ca nhập viện là những người đã chích ngừa đầy đủ.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do sự kém hiệu quả của vắc xin[6]. Dữ liệu về giải trình tự gene cho các ca nhiễm ở Seychelles vẫn chưa có nhiều để có thể kết luận chủng biến thể nào đang hoành hành ở nước này. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự đoán rằng sự tăng lây nhiễm ở đây có thể là do các biến thể virus mới như chủng Nam Phi với biến thể B.1.351 đã được tìm thấy ở Seychelles vào tháng 2. Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy hai loại vaccine trên đều kém hiệu quả trong việc phòng ngừa các chủng này.

Gần đây, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc - Gao Fu[7] - cũng công nhận là vaccine nước họ “kém hiệu quả” và lên kế hoạch phối hợp với các vaccine khác để tăng hiệu quả.

Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và quốc gia Bahrain - nơi có chiến dịch chích ngừa vắc xin nhanh nhất thế giới - cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Trong tháng 6/2021, Bahrain đã phải đối mặt với làn sóng ca nhiễm COVID-19 tồi tệ nhất, trong khi các nước UAE ghi nhận số ca mắc cao gấp hai lần so với hồi đầu tháng 12/2020[8].

Tại UAE, chiến dịch tiêm chủng phụ thuộc phần lớn vào vắc xin Sinopharm, được chích ngừa cho dân chúng từ cuối năm 2020.

Các chuyên gia y tế của các nước này đã ghi nhận lượng kháng thể tạo ra ở một số người chích vắc xin Sinopharm của Trung Quốc thấp, không đủ để ngăn cản virus xâm nhiễm. Do vậy, vào tháng 5 vừa qua, họ đã chích “liều thứ 3” bổ sung cho những người đã chích đủ 2 liều vắc xin. Và việc này đã không ngăn được làn sóng COVID-19 mới.

UAE đã báo cáo số ca mắc khoảng 2.000 ca/ngày trong khoảng tháng 5 - có giảm so với mức đỉnh điểm vào tháng 2/2021 (3.977 ca) nhưng vẫn nhiều gấp đôi so với 7 tháng trước đó.

Năm 2020, Bahrain (quốc gia ở vùng Vịnh Ba Tư với dân số 1,6 triệu người) là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12.

Ở Bahrain, một đợt tiêm chủng chủ yếu dựa vào Sinopharm (gần 50% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ) cho đến nay đã tạo ra kết quả hỗn hợp và không ngăn chặn được làn sóng virus mới. Đến tháng 6/2021, quốc gia này cũng công khai đưa ra sự nghi ngờ về hiệu quả của vắc xin Trung Quốc.

Theo The Washington Post[9], Bahrain đã rơi vào làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất trong khoảng tháng 5 vừa qua. Số ca mắc mỗi ngày của Bahrain lên đến đỉnh điểm trong tháng 5 với khoảng 3.000 trường hợp.

Chính phủ Bahrain đã thực hiện lệnh phong tỏa trong hai tuần nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Theo Hãng Thông tấn Bahrain, 1.936 trường hợp nhiễm mới đã được báo cáo vào ngày 3/6, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia này lên tới hơn 240.000 người, hơn một nghìn trường hợp tử vong.

Có thể thấy, các dữ liệu thu thập được từ Seychelles, Bahrain, UAE và cả Chile, Uruguay, những quốc gia này đều đã sử dụng vắc xin Sinopharm hay Sinovac của Trung Quốc để nhanh chóng đạt “miễn dịch cộng đồng” đều chứng kiến sự tăng lên số ca nhiễm COVID-19 ngay cả khi đã tiêm hết số liều cần thiết.

Điều này đặt ra ngày càng nhiều nghi vấn về chất lượng vắc xin của Trung Quốc vốn không minh bạch về các dữ liệu nghiên cứu. Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 vẫn đang ở mức 8.000 - 9.000 ca mắc mới/ngày, Việt Nam đang đẩy nhanh việc tiêm vắc xin tại các tỉnh thành. Với lô vắc xin Vero Cell của Sinopharm đang được sử dụng tại TP. HCM, liệu Việt Nam có rơi vào “vết xe đổ" như các quốc gia trên hay không?

Đặng Hiếu

Tài liệu tham khảo:

[1]Coronavirus: Vietnam approves Sinopharm’s vaccine, but will people take it?. https://www.scmp.com/week-asia/health-environment/article/3136137/coronavirus-vietnam-approves-sinopharms-vaccine-will

[2]Tiêm chủng COVID tại Việt Nam: Dân lo ngại vaccine Trung Quốc. https://www.voatiengviet.com/a/tiem-chung-covid-tai-viet-nam-dan-lo-ngai-vaccine-trung-quoc/5915687.html

[3]疫苗是毒药?揭中国武肺疫苗副作用高达73种(组图). https://www.secretchina.com/news/gb/2021/01/06/958203.html

[4]COVID is surging in the world’s most vaccinated country. Why?. https://theconversation.com/covid-is-surging-in-the-worlds-most-vaccinated-country-why-160869

[5] The UAE and Bahrain offer third Sinopharm shots amid questions over vaccine effectiveness. https://www.cnbc.com/2021/05/19/uae-bahrain-offer-third-sinopharm-shots-amid-vaccine-efficacy-worries.html

[6]COVID is surging in the world’s most vaccinated country. Why? https://theconversation.com/covid-is-surging-in-the-worlds-most-vaccinated-country-why-160869

[7] Top Chinese official admits vaccines have low effectiveness https://apnews.com/article/china-gao-fu-vaccines-offer-low-protection-coronavirus-675bcb6b5710c7329823148ffbff6ef9

[8](OFFICIAL) UAE, Bahrain make Pfizer/BioNTech shot available to those who got Sinopharm vaccine https://www.reuters.com/world/middle-east/uae-bahrain-make-pfizerbiontech-shot-available-those-who-got-sinopharm-vaccine-2021-06-03/

[9]China’s great vaccine hope, Sinopharm, sees reputation darkened amid covid spikes in countries using it https://www.washingtonpost.com/world/2021/06/03/bahrain-seychelles-sinopharm-vaccine/


Việt Nam: Nhiều ý kiến trái chiều về tiêm vắc xin Trung Quốc