Việt Nam nói gì khi Trung Quốc đánh chặn máy bay Úc trong không phận quốc tế ở Biển Đông?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiêm kích J-16 của Trung Quốc đã đánh chặn máy bay giám sát hàng hải P-8 của Úc trong khu vực Biển Đông. Sau khi phóng ra pháo sáng, J-16 đã thả các mảnh vụn kim loại, trong đó có những mảnh nhôm nhỏ, một số đã bị hút vào động cơ của máy bay P-8 gây uy hiếp an toàn của máy bay và phi hành đoàn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin máy bay của Úc bị tiêm kích Trung Quốc quấy rối trong không phận thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bà Thu Hằng cho biết, quan điểm của Việt Nam là “hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, không làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế”.

“Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói.

Trước đó, hôm 5/6, Bộ Quốc phòng Úc tuyên bố một máy bay Trung Quốc đã có hành động can thiệp đe doạ an toàn của các phi công trên chiếc máy bay giám sát hàng hải của Úc khi đang hoạt động trong không phận quốc tế ở khu vực Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Úc cho biết, tiêm kích J-16 của không quân Trung Quốc đã đánh chặn máy bay giám sát hàng hải P-8 của Úc vào ngày 26/5 khi chiếc P-8 đang thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hải thường lệ ở khu vực Biển Đông.

Chính phủ Úc đã nêu quan ngại về vụ việc với Chính phủ Trung Quốc.

Ngày 7/6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản hồi về vụ việc và cho rằng đã cảnh báo một máy bay quân sự của Úc khi máy bay này tiến vào không phận gần khu vực [được Bắc Kinh gọi là] “quần đảo Tây Sa” để trinh sát áp sát và liên tục tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc bất chấp cảnh báo nhiều lần từ phía nước này.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), chiếc máy bay của Úc đã đe doạ nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc; và các biện pháp đối phó của quân đội Trung Quốc là chuyên nghiệp, an toàn, hợp lý và chính đáng.

Thông tin về vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói trên kênh truyền hình 9News của Australia trong một cuộc phỏng vấn: “Máy bay J-16 đã bay rất gần bên cạnh chiếc P-8 ... khi bay sát bên cạnh, nó đã phóng ra pháo sáng .

Chiếc J-16 sau đó tăng tốc và cắt ngang mũi chiếc P-8, cố thủ trước chiếc P-8 ở khoảng cách rất gần".

Ông Marles nói thêm: “Ngay lúc đó, nó [J-16] đã thả các mảnh vụn kim loại, trong đó có những mảnh nhôm nhỏ, một số đã bị hút vào động cơ của máy bay P-8. Rõ ràng, điều này rất nguy hiểm”.

Bộ Quốc phòng Úc cho biết, trong nhiều thập kỷ, họ đã thực hiện các hoạt động giám sát hàng hải trong khu vực và làm điều này phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trong các hải phận và không phận quốc tế.

Úc sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động giám sát hàng hải như vậy trong khu vực theo quyền của họ và luật pháp quốc tế để bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông.

Đặng Hiếu

Xem thêm:

Việt Nam Chính trị

Việt Nam nói gì khi Trung Quốc đánh chặn máy bay Úc trong không phận quốc tế ở Biển Đông?