Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền hàng hải trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành động gây hấn tại Biển Đông đang có tranh chấp, Ấn Độ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ quyền quốc gia của Philippines và kêu gọi "tuân thủ nghiêm ngặt" trật tự dựa trên luật lệ.

“Chúng tôi kiên định ủng hộ vai trò trung tâm, sự gắn kết và thống nhất của ASEAN", Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo tại Manila vào ngày 26/3.

Ông Jaishankar kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

"Tất cả các bên phải tuân thủ toàn bộ công ước này, cả về văn bản lẫn tinh thần", ông nói. "Tôi nhân cơ hội này để tái khẳng định một cách kiên định sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia".

Ấn Độ đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Philippines trong các lĩnh vực khác nhau. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, hai nước đã nhất trí đẩy nhanh hợp tác về nhận thức lĩnh vực hàng hải, vận tải biển, tìm kiếm cứu nạn, cũng như thực thi pháp luật.

Cả hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết của “giải quyết hòa bình các tranh chấp” và tuân thủ Phán quyết Trọng tài năm 2016 về Biển Đông, phán quyết này ủng hộ các tuyên bố lãnh thổ của Philippines.

Ông Manalo nhấn mạnh rằng hai quốc gia đang tìm kiếm những cách thức "mà chúng tôi có thể đóng góp vào an ninh của cả hai quốc gia cũng như đảm bảo khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương duy trì sự cởi mở và hòa bình".

Trong chuyến thăm Manila, Ngoại trưởng Jaishankar cũng đã gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và khẳng định lập trường "dứt khoát" của nước mình trong việc tuân thủ phán quyết trọng tài năm 2016 về Biển Đông.

Theo Văn phòng Tổng thống Marcos, ông Jaishankar tuyên bố: "Vì vậy, nếu quý vị muốn tìm một quốc gia tuyên bố (sẵn sàng) chấp nhận phán quyết ngay cả khi phán quyết này không có lợi cho chúng tôi, thì Ấn Độ thực sự là một ứng cử viên tự nhiên. Chúng tôi có thể đồng hành cùng các bạn trên con tàu này".

Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ không can thiệp

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm (Lin Jian), tuyên bố Ấn Độ không có quyền can thiệp vào tranh chấp Biển Đông và hối thúc Ấn Độ tôn trọng các quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc.

"Các tranh chấp trên biển là vấn đề giữa các quốc gia liên quan. Các bên thứ ba hoàn toàn không có quyền can thiệp", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại một cuộc họp báo.

Tòa Trọng tài Thường trực La Haye đã ra phán quyết có lợi cho hành động pháp lý của Philippines vào năm 2016. Tuy nhiên, phán quyết này không khiến Trung Quốc thay đổi hành vi của mình. Bắc Kinh vẫn liên tục xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Vào ngày 23/3/2024, tàu Tuần duyên Trung Quốc đã thực hiện hành động khiêu khích nghiêm trọng khi sử dụng vòi rồng tấn công tàu cung cấp Unaizah May 4 của Philippines đang neo đậu tại bãi cạn Đá Ba Đầu (Second Thomas Shoal) thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Vụ tấn công này đã gây thương tích cho một số thành viên thủy thủ đoàn và làm hư hại nặng cho tàu.

Đây là lần thứ hai trong tháng mà tàu Unaizah May 4 bị tàu Tuần duyên Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng. Vào ngày 5/3, một vụ đụng độ tương tự cũng đã xảy ra, khiến các thành viên thủy thủ đoàn bị thương.

Philippines triển khai "Gói biện pháp phản Kháng" chống Trung Quốc

Sau các sự cố nêu trên, Tổng thống Philippines cam kết triển khai "gói biện pháp ứng phó và phản kháng" đối với các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển lãnh thổ của nước này.

Tổng thống Marcos cho biết ông đã đệ trình "các yêu cầu liên quan" lên các đồng minh quốc tế đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ Philippines trước hành động của Trung Quốc.

Tổng thống tuyên bố: "Trong những tuần tới, các cơ quan và tổ chức chính phủ quốc gia có liên quan sẽ thực hiện một gói biện pháp ứng phó và phản kháng tương xứng, thận trọng và hợp lý trước những hành vi công khai, dai dẳng, bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và nguy hiểm của lực lượng Tuần duyên Trung Quốc và Dân quân Biển Trung Quốc".

Tổng thống Marcos nhấn mạnh các biện pháp này nhằm bảo vệ quyền chủ quyền của đất nước và khẳng định Philippines không có ý định gây ra xung đột với bất kỳ quốc gia nào.

Hôm thứ Năm (28/3), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố rằng Philippines sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng và phù hợp đối với "những hành vi tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và nguy hiểm" của lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố: "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là các quốc gia tự xưng là bạn bè của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không sợ hãi đến im lặng, khuất phục hay phục tùng", ông Marcos nhấn mạnh trong bài đăng trên Facebook.

Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà Trung Quốc là thành viên ký kết, quy định vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia bao gồm các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý (khoảng 230 dặm) tính từ đường bờ biển.

Thềm Maharaja (Second Thomas Shoal), được Philippines gọi là Bãi cạn Ayungin và Trung Quốc gọi là Renai Reef, nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 105 hải lý (185,2 km). Do đó, theo UNCLOS, Thềm Maharaja thuộc thẩm quyền của Philippines.

Ngoài Philippines, các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có những tranh chấp với Trung Quốc về các yêu sách phi lý của họ trên Biển Đông.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền hàng hải trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc