Góc nhìn: Trung - Mỹ cạnh tranh ở Đông Nam Á, Việt Nam nghiêng về ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Diễn đàn Tinh Anh" (Pinnacle View) là chương trình truyền hình mới do đài NTD và The Epoch Times đồng sản xuất. Chương trình tập trung vào các vấn đề nóng, ​​phân tích xu hướng chung của thế giới, đồng thời cung cấp cho người xem thông tin về các sự kiện thời sự và những quan sát sâu sắc về sự thật lịch sử. Dưới đây là góc nhìn của các khách mời về chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden:

Tổng thống Hoa Kỳ gần đây đã có chuyên công du tới châu Á. Ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng là một trọng điểm.

Trong chuyến thăm lần này, ông Biden và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc gặp và ký hàng loạt thỏa thuận về hợp tác công nghệ, kinh tế và ngoại giao, nâng quan hệ lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện.

Hầu hết các nhà phân tích đều coi sự cải thiện trong mối quan hệ này là một bước quan trọng trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng liệu mối quan hệ này có thực sự hiệu quả? Liệu Việt Nam có thực sự liên minh với Mỹ để chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)? Trong tương lai, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì ở Đông Nam Á?

Việt Nam là mảnh ghép cuối cùng trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương

Ông Dương Hải Bình (Yang Haiping), học giả nghiên cứu về lịch sử chiến tranh, cho biết trong chương trình “Diễn đàn Tinh Anh” của đài NTD rằng, Hoa Kỳ đang liên kết với các nước nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Hiện nay, ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, mảnh ghép cuối cùng là Việt Nam.

Từ cuối năm 2007, tàu chiến Hoa Kỳ đã bắt đầu đến thăm Việt Nam. Mặc dù trước đây mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không tốt nhưng Việt Nam lại đứng ở giữa các nước lớn. Quốc gia đầu tiên Việt Nam thiết lập liên minh đối tác chiến lược là Nga, Trung Quốc, sau đó mới đến Ấn Độ, Hàn Quốc. Việt Nam hiện nay cần cân bằng mọi lực lượng. Vì thế lực của ĐCSTQ ngày càng lớn nên Việt Nam cần nghiêng về phía Mỹ để tạo đối trọng với Trung Quốc.

Một sĩ quan Hải quân Mỹ đang dẫn du khách đi tham quan trên boong tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Robert Smalls, thuộc nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hải quân Hoa Kỳ, trong chuyến thăm cảng Đà Nẵng, Việt Nam ngày 26/6/2023. (NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Trong lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa Trung Hoa. Người Việt Nam nhìn chung không thích ĐCSTQ, nhưng họ thừa nhận văn hóa Trung Hoa. Họ rất bất bình với ĐCSTQ vì chế độ này quá cường bạo và không giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình.

Tất nhiên, người Việt Nam cũng rất cương quyết, cứng rắn. Họ sẽ chiến đấu kiên cường để chống lại ĐCSTQ.

Mặc dù Việt Nam thực hiện chính sách bốn không, nghĩa là không liên minh quân sự, không đồng minh, không để quân sự nước ngoài tiến vào và không tham gia chiến tranh, nhưng hiện nay Hoa Kỳ đã hỗ trợ quân sự cho Việt Nam nhiều tàu tuần tra và còn giúp huấn luyện lực lượng phòng thủ bờ biển để chống lại áp lực từ Trung Quốc.

Đối với quân đội Mỹ, điều quan trọng nhất là nếu Mỹ có xung đột ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan thì Việt Nam có thể được sử dụng làm căn cứ cung ứng hậu cần, ví dụ khi tàu chiến của hải quân ra khơi, cứ vài tháng một lần họ cần phải thay đổi thủy thủ đoàn và cung cấp lương thực… Vì Việt Nam có vị trí địa lý như vậy, Hoa Kỳ nhất định sẽ duy trì mối quan hệ này.

Nhà bình luận Lý Quân (Li Jun) cho biết trên “Diễn đàn Tinh Anh” rằng, trước đây mọi người có câu nói ‘kinh tế dựa vào Trung Quốc, an ninh dựa vào Mỹ’ nhưng thực tế kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Hoa Kỳ là nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Trung Quốc là nước mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Mỗi năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 100 tỷ USD, trong khi nhập khẩu với Trung Quốc năm 2022 là hơn 60 tỷ USD.

Nói cách khác, nếu Việt Nam không làm ăn với Mỹ thì sẽ không có tiền mua hàng Trung Quốc. Vì vậy, trong trường hợp này, sau khi Việt Nam hợp tác với Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ không chỉ dựa vào Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh mà còn để kiếm tiền từ nền kinh tế Mỹ. Một trong những nội dung trọng tâm của thỏa thuận được ông Biden và Việt Nam ký kết lần này là ngành công nghiệp chip. Tức là sau đây một số ngành công nghiệp chip có thể được chuyển giao sang Việt Nam để sản xuất.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nâng ly chúc mừng với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng trong bữa tiệc trưa cấp Nhà nước tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào ngày 11/9/2023. (NHAC NGUYEN/POOL/ AFP via Getty Images)

Bà Quách Quân (Guo Jun), Tổng biên tập tờ The Epoch Times, cho biết trong "Diễn đàn Tinh Anh" rằng vòng vây của Mỹ đối với ĐCSTQ đang ngày càng rõ nét. Sau khi hình thành liên minh Mỹ - Nhật - Hàn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trọng tâm tiếp theo của Mỹ sẽ là Đông Nam Á.

Đông Nam Á có vai trò rất quan trọng trong bố cục kinh tế và chính trị quốc tế của tương lai. Mười nước ASEAN có dân số 650 triệu người, GDP 3,6 nghìn tỷ USD, tương đương với tổng GDP hiện nay của Ấn Độ và đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Hiện nay mọi người có thể thấy rằng trong các cửa hàng bách hóa của Mỹ ngày càng có nhiều sản phẩm đến từ Việt Nam và Malaysia.

Ngoài kinh tế và dân số, một yếu tố quan trọng khác là Biển Đông, Biển Đông là chiến trường của các nhà chiến lược quân sự. Vào thời kỳ đầu, những mối đe dọa mà các nước Đông Nam Á nhận phải đều đến từ ĐCSTQ.

Tất nhiên các nước khác đều rất lo sợ nên bản chất của ASEAN thời kỳ đầu (với 5 nước gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines) là liên minh quân sự và chính trị.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ ngày càng trở nên hiếu chiến trên trường quốc tế, nên các nước Đông Nam Á ngày càng cảm thấy áp lực. Khi vấn đề an ninh càng nổi bật thì vai trò của Hoa Kỳ ngày một trở nên rõ ràng. Hiện nay, điểm nóng áp lực này chính là Biển Đông.

Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á hiện đang liên kết lại thành một liên minh chiến lược mới. Trong đó, hai quốc gia quan trọng nhất là Philippines và Việt Nam. Philippines là đồng minh quân sự và đã có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Hoa Kỳ hiện đang tăng cường mối quan hệ với Việt Nam.

Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang quan sát tàu tấn công đổ bộ đa năng 'USS Wasp' của Hải quân Mỹ với các máy bay chiến đấu chớp nhoáng F-35 trên boong, trong cuộc tập trận đổ bộ thuộc khuôn khổ tập trận quân sự chung Mỹ - Philippines hàng năm, trên bờ thị trấn San Antonio, tỉnh Zambales, Philippines vào ngày 11/4/2019. (TED ALJIBE/AFP via Getty Images)

Quan hệ Mỹ - Trung - Việt trong lịch sử

Ông Thạch Sơn (Shi Shan), biên tập viên cấp cao kiêm chủ bút của tờ The Epoch Times, cho biết trong “Diễn đàn Tinh Anh” rằng Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong quan hệ Trung - Mỹ. Ông cho biết từng xem một tài liệu của Việt Nam được dịch sang tiếng Trung, trong đó nói rất rõ ràng: “Chúng ta không bao giờ được quên sự can thiệp thô bạo của nước lớn phía Bắc này vào sự thống nhất quốc gia của nước ta”.

Ông Thạch cho biết sau khi đọc được tài liệu này, ông đã đi tìm hiểu lại giai đoạn lịch sử đó và phát hiện ra một số yếu tố rất quan trọng. Cụ thể là sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Trung Quốc, Trung - Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngầm, cũng chính là Mỹ đã rút quân khỏi Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã giúp hai nước Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tiếp tục tồn tại. Có thể nói, ý của ĐCSTQ là Bắc Việt không nên tấn công Nam Việt. Khi người Mỹ rút quân, vào khoảng năm 1974 hoặc 1973, Nam Việt, Bắc Việt, Campuchia và Lào đã tổ chức hội nghị tại Paris để thỏa thuận rằng bốn nước này không xâm phạm lẫn nhau.

Nhưng về cơ bản sau khi người Mỹ rút quân xong, Bắc Việt bắt đầu tấn công mạnh mẽ vào Nam Việt. Lúc này, để thực hiện cam kết với Mỹ, ĐCSTQ đã gây áp lực rất lớn lên Bắc Việt. Vì vậy, từ năm 1974 đến năm 1975, ĐCSTQ về cơ bản đã dừng mọi nguồn cung cấp vật tư, vũ khí cho Bắc Việt, toàn bộ nhân viên quân sự đều rút về. Hành động này đồng nghĩa với việc ĐCSTQ yêu cầu Bắc Việt không được động thủ vào lúc bấy giờ mà nên đợi tới 5, 8 hoặc 10 năm sau.

Ông Thạch Sơn nói rằng, ông quen biết rất nhiều người Trung Quốc từng tham chiến ở Việt Nam. Sau khi những người này rút lui, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc về cơ bản trở nên bế tắc, Việt Nam nghiêng hẳn về phía Liên Xô. Mãi đến sau này, ĐCSTQ mới đánh Việt Nam vào năm 1979.

Mối quan hệ ở đây rất phức tạp, chính là do ĐCSTQ muốn thỏa hiệp với Mỹ để đối phó với mối đe dọa đến từ Liên Xô nên đã làm bế tắc mối quan hệ với Việt Nam. Còn về phía Việt Nam, để đối phó với mối đe dọa đến từ ĐCSTQ, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với Liên Xô.

Các thành viên của một đơn vị pháo binh thuộc lực lượng vũ trang Việt Nam chống lại quân xâm lược Trung Quốc dọc theo đường biên giới dài 230 km giữa tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam với Trung Quốc vào ngày 23/2/1979. (STR/AFP via Getty Images)

Trung Quốc đang bị cô lập chưa từng có

Bà Quách Quân cho biết trong "Diễn đàn Tinh Anh" rằng, Việt Nam hiện nay đang ở vị thế rất có lợi trên chính trường quốc tế. Đối với Việt Nam, có thể nói đây là cơ hội trăm năm có một. Hiện nay Việt Nam không chỉ là mục tiêu mà Mỹ muốn liên minh mà Nga cũng đang lôi kéo Việt Nam. Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với Liên Xô cũ và vẫn duy trì quan hệ tốt với Nga. Trong số các sinh viên quốc tế đang theo học tại Đại học quốc gia Moscow, du học sinh Việt Nam vẫn chiếm nhiều nhất.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích chi tiết tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok rằng tại sao trọng tâm chiến lược của Nga sẽ chuyển sang châu Á. Ông Putin cho biết phương Tây đang cố gắng hạn chế nền kinh tế trị giá 2,5 nghìn tỷ USD của Nga. Ông nói, hành động này sẽ khiến Nga đẩy nhanh việc chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á.

Theo bà Quách, kỳ thực, bạn thân nhất của Putin ở châu Á là Việt Nam chứ không phải ĐCSTQ, ông ấy tin tưởng vào Việt Nam hơn. Vì dân tộc Việt Nam tương đối nghĩa khí và người Việt Nam hiện nay cũng rất chán ghét sự bắt nạt của ĐCSTQ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước khán giả trong Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok vào ngày 12/9/2023. (MIKHAIL METZEL/POOL/AFP via Getty Images )

Ông Dương Hải Bình phát biểu trong "Diễn đàn Tinh Anh" rằng, chắc chắn Việt Nam tin tưởng Mỹ hơn là tin vào Trung Quốc, bởi vì trước nay chính quyền ĐCSTQ chưa bao giờ thành tín, hoàn toàn không giống như Mỹ. Ít nhất thì đi theo Mỹ sẽ trở nên giàu có hơn và nền kinh tế cũng sẽ tốt hơn. Đây là sự thực căn bản nhất mà mọi người đều biết.

Singapore là ví dụ điển hình nhất. Những năm đầu ở Singapore, chính phủ nhân dân của ông Lý Quang Diệu theo cánh tả và hoàn toàn thân với phe cộng sản. Tuy nhiên, ngay khi giành được độc lập, ông đã lập tức chuyển sang cánh hữu, quay sang Mỹ đồng nghĩa với việc hợp tác toàn diện với thế giới phương Tây.

Từ đó Singapore mới có sự phát triển, GDP bình quân đầu người tăng từ 500 USD lên 90 nghìn USD. Nếu nói sự phát triển thành công của Singapore là dựa vào Hoa Kỳ thì các nước Đông Nam Á cũng đã thấy tấm gương này. Họ cũng biết rằng đi theo ĐCSTQ sẽ không có kết cục tốt đẹp. Ông Dương tin rằng họ sẽ chỉ có thể ngày càng xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Về cách thức liên minh, có lẽ còn phải chờ xem sự hợp tác kinh tế trong tương lai.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch


Góc nhìn: Trung - Mỹ cạnh tranh ở Đông Nam Á, Việt Nam nghiêng về ai?