TikTok có thể bị cấm ở Mỹ: Tương lai ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào tối thứ Ba ngày 23/4, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một gói viện trợ, bao gồm lệnh cấm TikTok có thể xảy ra. Tổng thống Joe Biden đã ký các dự luật thành luật vào thứ Tư. Luật mới yêu cầu chủ sở hữu của TikTok, ByteDance, phải bán hoạt động của ứng dụng mạng xã hội này tại Hoa Kỳ trong vòng 9 tháng hoặc một năm, nếu không TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.

TikTok cho biết, họ sẽ khởi động một thách thức pháp lý đối với luật mới, vậy cuộc chiến pháp lý này sẽ đi đến đâu? Liệu luật này có thúc đẩy các quốc gia khác làm theo không? Dưới đây là cái nhìn về luật TikTok và những gì có thể xảy ra tiếp theo.

Vì sao Mỹ muốn tách TikTok khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc?

Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ lo ngại rằng theo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc có thể lấy được dữ liệu của 170 triệu người dùng TikTok ở Hoa Kỳ. Ông Christopher Wray, giám đốc FBI, cho biết ByteDance bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát.

Ông Wray cảnh báo rằng, Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng đến người Mỹ bằng cách thao túng các thuật toán kiểm soát những gì mọi người xem trên TikTok và cho phép chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng cho “hoạt động gián điệp truyền thống”.

TikTok đã phủ nhận việc chính phủ Trung Quốc đang cố gắng lấy dữ liệu người dùng Hoa Kỳ và cho biết họ sẽ từ chối mọi yêu cầu như vậy. Trong lần xuất hiện tại Quốc hội năm ngoái, Giám đốc điều hành TikTok Chu Thụ Tư (Shou Zi Chew) đã nói: “Hãy để tôi nói rõ: Bytedance không phải là đặc vụ của chính phủ Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác”.

Fortune đưa tin vào ngày 15/4, rằng nhiều nhân viên cũ được phỏng vấn (bốn người trong số họ mới được thuê vào năm ngoái) cho biết trong thời gian họ làm việc, ít nhất một số hoạt động của TikTok có liên quan đến công ty mẹ và sự độc lập của công ty với Trung Quốc phần lớn chỉ là bề ngoài.

Các nhân viên cũ được phỏng vấn tiết lộ, rằng các bảng tính chứa thông tin của hàng trăm nghìn người dùng Hoa Kỳ đã được gửi qua email tới ByteDance ở Bắc Kinh cứ sau 14 ngày. Dữ liệu này bao gồm tên, địa chỉ email, địa chỉ IP cũng như thông tin địa lý và nhân khẩu học của người dùng TikTok Hoa Kỳ. Tất cả điều này xảy ra sau khi TikTok bắt đầu thực hiện chính sách lưu giữ dữ liệu nhạy cảm của người dùng ở Hoa Kỳ và chỉ cho phép nhân viên Hoa Kỳ xem dữ liệu đó.

Luật mới mở đường cho việc bán hoặc cấm TikTok như thế nào?

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, lãnh đạo thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết vào tối thứ Ba: “Trong nhiều năm, chúng ta đã cho phép Trung Quốc kiểm soát một trong những ứng dụng phổ biến nhất của Mỹ, điều này là một hành vi thiển cận vô cùng nguy hiểm”. "Luật mới này sẽ yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc bán ứng dụng. Đây là một động thái tốt cho Hoa Kỳ".

Dự luật này yêu cầu công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh của TikTok có 270 ngày để bán hoạt động của ứng dụng tại Hoa Kỳ. Nếu thời hạn đến gần và ByteDance gần hoàn tất thỏa thuận, tổng thống có thể cho phép gia hạn thêm 90 ngày.

Thời hạn cho ByteDance vào khoảng thời điểm tổng thống tiếp theo nhậm chức, nghĩa là quyết định có thể được đưa ra và có nên gia hạn quá trình bán hàng hay không nếu ông Trump thắng cử.

Nếu ByteDance không bán được TikTok, TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn tại Mỹ, tất cả các cửa hàng sử dụng ứng dụng và máy chủ phân phối ứng dụng TikTok đều buộc phải gỡ bỏ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu TikTok và ByteDance tung ra thách thức pháp lý?

Trước khi dự luật trở thành luật, TikTok đã thông báo rằng sau khi dự luật được ký, họ sẽ bảo vệ TikTok trước tòa, tuyên bố rằng luật vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, vốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Vào thứ Tư (24/4), TikTok đã đăng trên X: “Luật vi hiến này là lệnh cấm đối với TikTok và chúng tôi sẽ thách thức nó trước tòa”.

Mặc dù một số phân tích cho rằng, Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ có thể bảo vệ TikTok, bài viết trên Barron's dẫn lời các chuyên gia cho rằng khả năng trì hoãn lệnh cấm của công ty này là thấp.

Barron's ngày 22/4 đưa tin rằng một trong những lý do là dự luật quy định ByteDance hoặc các công ty khác bị ảnh hưởng bởi dự luật có 165 ngày để thách thức pháp luật, hoặc trong vòng 90 ngày, TikTok phải thoái vốn để đưa ra các vấn đề lên tòa án. Các khiếu nại đã được nộp trực tiếp lên Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ cho Khu vực D.C. thay vì ở các tòa án cấp dưới, rút ​​ngắn đáng kể thời gian áp dụng luật trong ngành tư pháp.

Ông Ed Mills, người phân tích chính sách của Washington tại Raymond James, cho biết, bằng cách đưa vụ kiện lên D.C. Circuit, Quốc hội cũng loại trừ khả năng TikTok hoặc ByteDance đệ đơn kiện ở nhiều khu vực pháp lý để cố gắng tìm kiếm các thẩm phán đồng ý với họ.

Ông Mills nói: “Chúng tôi đã thấy hệ thống tư pháp được sử dụng để giám sát chặt chẽ các cơ quan quản lý và Quốc hội, nhưng đây sẽ là một cuộc chiến khó khăn đối với TikTok”.

Dự báo cơ bản của Barron's là TikTok (ít nhất là ở thời điểm hiện tại) sẽ không còn hoạt động ở Hoa Kỳ vào năm 2025.

TikTok đã không trả lời yêu cầu bình luận của Barron’s. Sau khi dự luật được thông qua tại Hạ viện, TikTok đã ra một tuyên bố bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Công ty này cho biết dự luật này sẽ "chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, phá hủy 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hàng năm".

TikTok có thể lập luận rằng, dự luật này vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của hiến pháp và là một "dự luật về quyền công dân" vi hiến nhằm trừng phạt các công ty cụ thể mà không cần xét xử. Công ty này đã sử dụng các lập luận tương tự để chống lại một đạo luật khác của Montana cấm TikTok. Một thẩm phán liên bang gần đây đã chặn việc thi hành luật cấm TikTok ở Mỹ, với lập luận rằng luật này có thể vi phạm Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Hoa Kỳ.

Lần cuối cùng Hoa Kỳ cố gắng cấm TikTok là vào năm 2020. Sau khi Tổng thống Trump lúc đó ban hành lệnh hành pháp, TikTok đã nhận được lệnh sơ bộ chống lại lệnh hành pháp của ông Trump sau khi một thẩm phán ở Washington cho biết, lệnh cấm “có thể vượt quá” phạm vi của luật.

Nhưng lần này TikTok đang phải đối mặt với một đạo luật chứ không phải một mệnh lệnh hành pháp của tổng thống. Chính phủ Hoa Kỳ có thể tranh luận trước tòa rằng họ có lý do an ninh quốc gia khi áp đặt lệnh cấm.

The Guardian đưa tin, ông David Greene, Giám đốc quyền tự do dân sự của tổ chức quyền kỹ thuật số Electric Frontier Foundation, cho biết: “Chính phủ phải chứng minh trước tòa rằng những lo ngại về an ninh quốc gia là có thật chứ không phải giả thuyết hay suy đoán… Lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok là một cách tiếp cận được điều chỉnh phù hợp để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia”.

Ai sẽ mua TikTok?

The Guardian đưa tin, rằng các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Hoa Kỳ Wedbush Securities cho biết, họ không mong đợi chính phủ Trung Quốc sẽ phê duyệt các giao dịch bán hàng bao gồm thuật toán TikTok.

Wedbush cho biết trong một lưu ý gửi tới các nhà đầu tư: “Nếu không có thuật toán, giá trị của TikTok sẽ thay đổi đáng kể và khiến việc bán/thoái vốn cuối cùng của TikTok trở thành một hoạt động rất phức tạp, nhiều nhà thầu chiến lược/tài chính tiềm năng đang nóng lòng chờ đợi quá trình này bắt đầu”.

Ông Kevin O'Leary, nhà đầu tư nổi tiếng người Canada, đồng dẫn chương trình Shark Tank, đã tiết lộ trong chương trình Street Signs Asia của CNBC vào tháng 3 rằng, ông đang tập hợp một quỹ để mua lại TikTok với giá khởi điểm từ 20 đến 30 tỷ USD. Con số này thấp hơn 90% so với định giá vòng gọi vốn trước đó của TikTok (theo PitchBook, TikTok được định giá 220 tỷ USD vào năm 2023).

Ông O'Leary giải thích rằng, chính phủ Trung Quốc khó có thể đồng ý bán thuật toán của TikTok, nên mọi giao dịch mua bán sẽ không bao gồm thuật toán. Người mua tiềm năng sẽ phải “mô phỏng lại” các thuật toán này bằng mã của Mỹ và đóng vai trò là “người quản lý” để chuyển đổi nền tảng từ “TikTok China sang TikTok US” nên đã hạ định giá của TikTok.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Steven Mnuchin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng, ông đang tập hợp một nhóm nhà đầu tư để mua hoạt động kinh doanh của TikTok tại Hoa Kỳ, nhưng không tiết lộ chi tiết cụ thể.

Thái độ của chính quyền Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc năm ngoái cho biết họ sẽ “kiên quyết phản đối” việc bán TikTok, nói rằng nó sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Trung Quốc, khi đầu tư vào Hoa Kỳ”.

Trung Quốc cũng có quy định xuất khẩu cấm bán một số công nghệ nhất định.

Các quốc gia khác sẽ làm theo Hoa Kỳ?

TikTok hiện đang chịu áp lực ở các nước phương Tây khác do những lo ngại chung về dữ liệu. Anh, Mỹ, Canada và New Zealand đã cấm sử dụng TikTok trên điện thoại di động do chính phủ cấp và nhân viên của Ủy ban Châu Âu cũng bị cấm sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị liên quan đến công việc.

TikTok cũng bị cấm ở Pakistan, Nepal và Afghanistan, đồng thời bị hạn chế ở nhiều nước châu Âu.

TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc đã bị cấm ở Ấn Độ vào năm 2020 sau khi chính phủ Ấn Độ cho biết chúng “gây phương hại đến chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ, cũng như quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng của Ấn Độ”.

Ở Ấn Độ, lệnh cấm năm 2020 được đưa ra nhanh chóng. TikTok và các công ty khác đã có thời gian để trả lời các câu hỏi về quyền riêng tư và bảo mật, nhưng vào tháng 1/2021, nó đã trở thành lệnh cấm vĩnh viễn.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

TikTok có thể bị cấm ở Mỹ: Tương lai ra sao?