Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine bất chấp chỉ trích nhân đạo: Cục diện cuộc chiến có thay đổi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong gói tài trợ 800 triệu USD gửi cho Ukraine, Mỹ gửi viện trợ bom chùm cho Ukraine. Khoản tài trợ gây tranh cãi vì khoảng 20% mìn, đạn nhỏ chưa bị kích nổ sẽ nằm lại trên vườn, ruộng của người dân; trẻ em và người dân Ukraine khi đi làm đồng có thể dẫm phải bom và khiến nó phát nổ. Trong khi đó chuyên gia cho rằng loại bom này không làm thay đổi tình hình chiến sự.

Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine

Theo tin từ Reuters, vào hôm qua, thứ Sáu (7/7/2023), chính quyền tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine các loại bom, đạn chùm, vốn bị cấm rộng rãi trên 100 quốc gia, để nước này phản công chống lại Nga. Bên cạnh đó, lãnh đạo NATO cho biết liên minh quân sự sẽ thống nhất việc đưa Ukraine tiến gần hơn với việc gia nhập liên minh trong một hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới.

Các nhóm nhân quyền và tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã đặt câu hỏi về quyết định của Washington về đạn dược, một phần trong gói an ninh trị giá 800 triệu USD, nâng tổng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ lên hơn 40 tỷ USD kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Một quan chức Lầu Năm Góc nói với các phóng viên rằng bom chùm "sẽ được phân phối trong khung thời gian phù hợp cho cuộc phản công [của Ukraine nhắm vào lực lượng Nga đang chiếm đóng trên lãnh thổ nước này]".

Bom, đạn chùm bị hơn 100 quốc gia cấm. Nga, Ukraine và Hoa Kỳ chưa ký Công ước về cấm sản xuất, tàng trữ, sử dụng và vận chuyển bom, đạn chùm này.

Loại bom này khi kích nổ sẽ giải phóng một lượng lớn bom nhỏ hơn, phân tán trên diện rộng, nhằm gây sát thương bừa bãi trên một khu vực rộng lớn. Vấn đề là, khoảng 20% bom nhỏ khi phân tán ra không nổ ngay, nằm âm thầm trên mặt đất, và lập tức bị kích nổ khi có người, vật dẫm chân lên. Những quả bom không phát nổ gây nguy hiểm trong nhiều thập kỷ cho trẻ em và thường dân sau khi xung đột kết thúc.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết: "Ukraine đã đưa ra những đảm bảo bằng văn bản rằng họ sẽ sử dụng vũ khí này một cách rất cẩn thận" để giảm thiểu rủi ro cho dân thường.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mô tả quyết định về bom chùm là khó khăn nhưng cho biết Ukraine cần chúng.

Tranh cãi

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã cáo buộc các lực lượng quân đội của Nga và Ukraine sử dụng bom chùm, thứ đã giết hại thường dân và sẽ tiếp tục gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ em và người dân Ukraine sau cuộc chiến.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov chỉ trích việc Mỹ chuyển số vũ khí này cho Ukraine.

Hãng thông tấn TASS hôm thứ Sáu dẫn lời ông Antonov cho biết: "Sự tàn ác của Mỹ khi chuyển giao vũ khí sát thương cho Kyiv thật đáng kinh ngạc".

"Giờ đây, do lỗi của Mỹ, sẽ có nguy cơ trong nhiều năm nữa những thường dân vô tội sẽ bị nổ tung bởi những quả bom, đạn nhỏ chưa bị kích nổ".

Ukraine cho biết họ đã chiếm lại một số ngôi làng ở miền nam Ukraine kể từ khi cuộc phản công bắt đầu vào đầu tháng 6, nhưng họ thiếu hỏa lực và không quân yểm trợ để đạt được tiến bộ nhanh hơn. Hãng thông tấn Reuters cho biết họ không thể xác nhận ngay lập tức tình hình trên chiến trường.

Chuyên gia nói gì?

Chuyên gia quân sự Daniel L. Davis, thành viên cấp cao về các ưu tiên quốc phòng và là cựu Trung tá trong Quân đội Hoa Kỳ, ông đã bốn lần thực chiến tại các vùng chiến sự. Ông à tác giả cuốn sách “Giờ thứ mười một ở Mỹ năm 2020", bình luận về sự kiện này trên trang 19foryfive rằng:

"Tôi có thể xác nhận từ kinh nghiệm cá nhân rằng bom, đạn chùm thực sự khá mạnh, nhưng bản thân chúng cũng sẽ không làm nghiêng cán cân quyền lực trong cuộc chiến về phía Ukraine".

Ông Daniel chia sẻ rằng nhiều người dường như ủng hộ cho động thái này của Lầu Năm Góc, họ cho rằng loại bom này có hiệu quả cao và có thể thay đổi cuộc chơi cho cuộc chiến giành Kyiv. Nhưng từ kinh nghiệm thực chiến trong nhiều thập kỷ, vị Trung tá quân đội Hoa Kỳ khẳng định vũ khí mới này không thay đổi được gì trên chiến trường. Để chứng minh nhận định của mình, ông đưa ra các đánh giá về ưu điểm và nhược điểm của vũ khí này.

Chuyên gia mô tả lại kinh nghiệm của ông về tính sát thương với đạn chùm khi sử dụng bệ phóng MLRS (hệ thống tên lửa phóng nhiều lần), bắn đạn chùm M77; loại mang theo 644 đầu đạn phụ hoặc bom nhỏ. Khi bắn ra, những quả bom nhỏ bằng bàn tay này sẽ rơi xuống mục tiêu và tỏa ra một khoảng cách đáng kể, dội xuống mọi thứ trong khu vực và tạo ra những vụ nổ mạnh. Loại bom chùm phổ biến nhất là bom thông thường cải tiến hai mục đích (DPICM) dành cho pháo 155mm.

Trong thập kỷ 90, tại cuộc chiến vùng Vịnh, ông Daniel đã kể lại việc Mỹ dùng bom chùm để tiêu huỷ quân địch trên diện rộng. Tuy nhiên, ông Daniel nhấn mạnh rằng để sử dụng được hệ thống pháo bắn bom chùm này, Mỹ đã thiết kế một bộ máy tấn công bao gồm nhiều đơn vị, vũ khí khác nhau, luyện tập, phối hợp nhuần nhuyễn hàng năm trước khi triển khai trận đánh. Theo mô tả của Daniel, để yểm trợ cho bom chùm trong cuộc tấn công, Mỹ đã sử dụng cả một tiểu đoàn pháo binh, một khẩu đội MLRS, một trung đoàn kỵ binh thiết giám trong cuộc tấn công trải dài hơn 10km; bao gồm xe tăng Abrams, xe chiến đấu Bradley, trực thăng trinh sát và tấn công, các máy bay cường kích A10 sẵn sàng yểm trợ phía trên đầu trong khi có hai sư đoàn thiết giáp Hoa Kỳ bọc phía sau. Trong trận chiến sử dụng tới bom chùm đó, ông Daniel cho biết họ đã được huấn luyện, tập trận cùng nhau như một đơn vị trong hơn một năm trước trận đánh. Thêm vào đó, lựa chọn bom chùm bởi vì vấn đề địa hình, nơi chiến đấu là sa mạc mênh mông, nơi quân thù không có khả năng ẩn nấp dưới bất kỳ vỏ bọc nào.

Các binh lính của Mỹ được huấn luyện hơn một năm để thành thạo các vũ khí sử dụng trong cuộc tấn công bằng bom chùm. Trung sỹ Daniel nói, "quan trọng hơn nữa: các nhà lãnh đạo của chúng tôi [Mỹ] ở mỗi cấp – từ trung đội đến lữ đoàn – đều có kinh nghiệm tương xứng với vị trí của họ – một đến hai năm đối với trung đội trưởng, năm năm đối với đại đội trưởng, 12 đến 15 năm đối với tiểu đoàn trưởng và 22 năm đối với đại đội trưởng hoặc trung đoàn trưởng".

Ukraine không có bất kỳ điều kiện nào trong số các mô tả ở trên.

Ông Daniel lấy ví dụ về lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine, Lữ đoàn cơ giới 47, được chỉ huy bởi một sĩ quan – Đại tá Oleksandr Sak, 28 tuổi – với kinh nghiệm ngang với một trung úy dày dạn kinh nghiệm trong lữ đoàn xe tăng Mỹ. Hầu như tất cả các lữ đoàn tấn công của Ukraine được thành lập và huấn luyện chỉ trong vài tháng, với sự huấn luyện cơ bản từ các nước NATO, được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại của phương Tây và Liên Xô cũ. Những lữ đoàn này gần như không đủ thời gian để hình thành các đơn vị gắn kết, khả năng phối hợp vũ khí trong tấn công. Sự phối hợp kém và gắn kết kém sẽ huỷ đi sức mạnh của vũ khí và huỷ đi rất nhiều cơ hội lật ngược thế cờ trong tham chiến.

Vị chuyên gia quân sự này cho rằng ngay cả Ukraine có thêm đạn chùm, bất kể chúng có sức sát thương cao hơn bao nhiêu so với đạn HE 15mm tiêu chuẩn, sẽ không tạo ra sự khác biệt trong kết quả của cuộc tấn công hiện tại. Đạn chùm sẽ tăng khả năng sát thương nhắm vào kẻ thù Nga, nhưng một mình nó không thể thay đổi cục diện cuộc chiến. Ông kết luận "đáng buồn thay, điều tương tự cũng sẽ xảy ra với F-16 và tên lửa tầm xa có thể được cung cấp vào cuối năm nay".

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine bất chấp chỉ trích nhân đạo: Cục diện cuộc chiến có thay đổi?