Phía sau hành vi 'nghiện' ẩn chứa một tâm hồn bị tổn thương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những hành vi gây nghiện thường không phải là do bản thân người đó cố ý chọn lựa, mà đó là biểu hiện của một bản thân đang bị tổn thương. Do đó, thay vì chỉ trích hoặc phán xét những người có hành vi nghiện, chúng ta nên dành cho họ sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn, và giúp đỡ họ tìm kiếm những cách lành mạnh để chữa lành những tổn thương của họ.

Ngày càng có nhiều người trong cuộc sống có hiện tượng "nghiện" ở mức độ nhẹ:

Một số loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, nhưng vẫn không thể kiềm chế được việc ăn uống những thứ đó;

Đã lên kế hoạch tiết kiệm tiền, nhưng lại không thể cưỡng lại việc mua sắm những thứ không cần thiết;

Mặc dù có những việc quan trọng cần làm trước mắt, nhưng lại không thể bỏ điện thoại xuống được;

Đã định chỉ xem thêm một tập phim nữa rồi đi ngủ, nhưng không, lại xem hết tập này đến tập khác, rốt cuộc đã quá nửa đêm...

Mặc dù những điều này không quá lớn, nhưng nếu lặp đi lặp lại thường xuyên thì cuộc sống của chúng ta sẽ bị đảo lộn.

Nỗi đau lớn nhất của hành vi nghiện là chúng ta biết nó không tốt, nhưng lại không thể điều khiển bản thân dừng lại được.

Quá trình này khiến chúng ta vật lộn, tự tiêu hao bản thân, lâu dần sẽ cảm thấy thất bại, thậm chí ghét bỏ bản thân.

Tại sao lại không thể kiểm soát được?

Tôi có phải là người yếu đuối không?

Làm thế nào để thay đổi?

Trên thực tế, theo quan điểm tâm lý học, khi trạng thái nội tâm của một người rối loạn và đau khổ, họ sẽ dễ dàng chìm đắm vào các hành vi nghiện hơn, vì nó có chức năng "trốn chạy khỏi nỗi đau". Để thoát khỏi cơn nghiện, chúng ta cần học cách nhìn nhận và đối mặt với nỗi đau bên trong.

Để thoát khỏi cơn nghiện, chúng ta cần học cách nhìn nhận và đối mặt với nỗi đau bên trong. (pixabay)

1. Phía sau những hành vi "nghiện" ẩn chứa một bản thân bị tổn thương

Chúng ta thường cho rằng, một người luôn không thể bỏ được nghiện là vì họ theo đuổi khoái cảm, nhưng thực tế không hẳn vậy.

Lam Ánh gần đây trở nên hơi kỳ lạ. Trước đây, cô ấy thường ngủ đúng giờ vào lúc 11 giờ tối, nhưng dạo này, cô ấy không những không buồn ngủ vào ban đêm mà còn luôn muốn ăn. Mặc dù đôi khi không đói, cô ấy vẫn gọi đồ ăn bên ngoài, nào là đồ nướng, đồ ăn nhẹ, rồi đến 1 giờ sáng mới lên giường. Nhưng cô ấy vẫn không ngủ, mà bắt đầu lướt các ứng dụng mua sắm. Mỗi lần cô ấy mua rất nhiều thứ (mặc dù không dùng đến), đến 2 giờ sáng mới buông điện thoại xuống ngủ.

Không lâu sau, cô ấy tăng cân khá nhiều, và cũng mua rất nhiều thứ không dùng đến. Lam Ánh rất buồn, cô ấy cảm thấy điều này không tốt, nhưng lại không thể kiểm soát được bản thân. Cô ấy vừa xấu hổ vừa tự trách bản thân, cảm thấy mình là một người thiếu lý chí, chỉ biết ham mê hưởng thụ.

Tôi hỏi cô ấy: "Hãy nhớ lại xem, khi ăn và mua sắm, bạn có thực sự cảm thấy luôn hạnh phúc không?".

Cô ấy suy nghĩ một lúc rồi trả lời: "Lúc đầu thì cảm thấy không tệ, nhưng sau này có vẻ như chỉ ăn và mua một cách máy móc, không có cảm giác gì".

Tình huống của Lam Ánh khá tiêu biểu.

Một người bị nghiện dai dẳng, thường là do họ liên tục phải chịu đựng những nỗi đau mà họ không muốn đối mặt, nên họ muốn làm tê liệt nó đi.

Tôi nói với Lam Ánh: "Trên thực tế, nhu cầu thực sự của bạn có lẽ không phải là theo đuổi khoái cảm, mà là để trốn chạy khỏi nỗi đau".

Sau khi trao đổi sâu hơn, tôi biết được rằng gần đây cô ấy rất bận rộn với công việc, thường xuyên phải về nhà viết báo cáo, sự bực bội và lo lắng khi làm thêm giờ bao trùm lấy cô ấy. Việc ăn khuya hay mua sắm, bề ngoài là để no bụng, bổ sung nhu yếu phẩm cho cuộc sống, nhưng còn có một mục đích sâu xa hơn: chạy trốn khỏi những cảm xúc khó chịu. Chỉ khi ăn khuya hay mua sắm, cô ấy mới có thể cảm thấy bình yên trong một thời gian ngắn, sau một thời gian dai dẳng như vậy mới dẫn đến việc nghiện "ăn" và "mua".

Lam Ánh cũng đã thử ép bản thân không ăn không mua, mặc dù cũng có thể cố gắng làm được, nhưng bản thân lại không thể cưỡng lại việc thức khuya xem phim. Trên thực tế, trong cuộc sống còn có rất nhiều việc khác giúp làm tê liệt nỗi đau, nhưng cũng khiến người ta bị nghiện, ví dụ như xem video ngắn, uống rượu, chơi trò chơi điện tử (game), v.v.

Nhiều lúc, chúng ta không thể trực tiếp bỏ cơn nghiện đi, bởi vì nỗi đau đằng sau vẫn chưa thể giải quyết được. Giống như Lam Ánh, nếu không ăn không mua, cô ấy sẽ bị chìm trong lo lắng, mà cô ấy lại không thể đối mặt với nó. Vì vậy, cô ấy vẫn sẽ không thể kiểm soát được việc ăn và mua, hoặc chuyển sang nghiện xem phim và những thứ khác.

Do đó, nếu muốn thoát khỏi cơn nghiện, chỉ ép buộc bản thân kiểm soát hành vi thì thường không hiệu quả.

Chìa khóa là phải nhìn thấy nỗi đau đằng sau.

Để thoát khỏi cơn nghiện, chúng ta cần học cách nhìn nhận và đối mặt với nỗi đau bên trong. (Shutterstock)

2. Ba loại "nỗi đau" khiến người ta muốn trốn chạy

Nỗi đau đằng sau hành vi nghiện thường rơi vào ba loại:

1. Cảm xúc đau đớn

2. Sự trống rỗng và cô đơn

3. Nỗi đau khi cảm thấy “mình không tốt”

Trong số đó, Lam Ánh thuộc loại đầu tiên. Ở đây chúng ta sẽ lần lượt nói về hai loại còn lại.

Trống rỗng và cô đơn

Loại đau này thường không biểu hiện trực tiếp hoặc quá mãnh liệt, nhưng nó vẫn khiến con người khó chịu.

Một ví dụ điển hình là câu chuyện của Tiểu Mai, một khách hàng của tôi.

Tiểu Mai là giám đốc điều hành của một cơ sở giáo dục, thường xuyên bận rộn với công việc. Trong công việc, cô ấy luôn tỏ ra bình tĩnh và quyết đoán, nhưng lại che giấu đi một mặt yếu đuối và dễ tổn thương của bản thân.

Tiểu Mai cảm thấy chồng mình quá nhu nhược, không thể là chỗ dựa cho cô ấy. Kể từ khi con trai chào đời, cô ấy tập trung vào việc nuôi dạy con cái và không còn giao tiếp cởi mở với chồng.

Hai năm nay, con trai Tiểu Mai đã lên đại học, cô ấy cảm thấy trống rỗng và dường như không thể chia sẻ những tâm tư tình cảm trong lòng với ai.

Từ từ, cô ấy bắt đầu nghiện mua sắm quần áo, túi xách. Mỗi khi có thời gian rảnh, cô ấy lại xem livestream bán hàng.

Nhiều món đồ mua về, cô ấy thậm chí chưa bao giờ mặc ra ngoài, mà chất đống trong tủ, khiến căn phòng chật kín đến mức di chuyển cũng khó khăn.

Tuy nhiên, cô ấy vẫn không nỡ vứt bỏ thói quen này và tiếp tục mua sắm những món đồ mới. Tiểu Mai không thể kiểm soát bản thân và cũng vô cùng đau khổ.

Trên thực tế, con người đều khao khát sự kết nối. Nếu thiếu đi những mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống, con người sẽ hướng đến việc xây dựng mối quan hệ với những thứ khác.

Giống như Tiểu Mai, việc mua sắm điên cuồng của cô ấy là một nỗ lực để lấp đầy khoảng trống do thiếu đi sự kết nối trong các mối quan hệ.

Hành vi nghiện này chỉ là một cách thức ít tốn công sức để xây dựng mối quan hệ, nhưng nó không thể mang lại sự an ủi thực sự cho tâm hồn.

Tuy nhiên, nhiều người không nhận ra điều này, họ lầm tưởng rằng hành vi nghiện có thể mang lại cho họ sự an ủi, từ đó chìm đắm lún sâu vào đó.

Tiểu Mai thường nghĩ rằng: "Chỉ cần mua thêm chiếc áo này nữa là mình sẽ thỏa mãn".

Nhưng trên thực tế, nhu cầu thiết yếu cô ấy cần trong lúc này là xây dựng mối quan hệ với người khác, việc mua sắm chỉ có thể tạm thời xoa dịu cảm giác trống rỗng trong lòng mà thôi.

Nếu không nhận thức được điều này, Tiểu Mai sẽ mãi mãi chìm đắm trong hành vi nghiện.

Tương tự như vậy, những người cảm thấy cô đơn và không có việc gì khiến họ cảm thấy có ý nghĩa cũng sẽ dễ bị nghiện cờ bạc, trò chơi điện tử, v.v.

Tương tự như vậy, những người cảm thấy cô đơn và không có việc gì khiến họ cảm thấy có ý nghĩa cũng sẽ dễ nghiện cờ bạc, trò chơi điện tử, v.v. (Shutterstock)
Cảm giác "mình không tốt"

Nỗi đau này xuất phát từ việc trong một thời gian dài cảm thấy bản thân không có hoặc có ít giá trị và có lòng tự trọng thấp.

Khi một người không hài lòng với bản thân và cảm thấy bất lực trước thực tế, họ sẽ tìm đến những hành vi nghiện để quên đi cảm giác giá trị bản thân thấp kém.

Tiểu Kiệt là một học sinh trung học cơ sở, luôn nghiện chơi game máy tính. Có một lần, tôi đến nhà họ và cố ý quan sát Tiểu Kiệt khi cậu bé đang chơi game. Mỗi khi đánh bại đối thủ chơi cùng, cậu ấy lại vô cùng phấn khích, sau đó nhắn tin chế giễu họ:

"Thế nào, chỉ có vậy thôi à?".

"Yếu thế vậy, mau đầu hàng đi!".

Tiểu Kiệt đắm chìm trong cảm giác mạnh mẽ của bản thân trong game. Chỉ một lát sau, bố mẹ cậu đến yêu cầu cậu làm bài tập, Tiểu Kiệt đành tắt máy tính một cách miễn cưỡng, ánh mắt như mất đi ánh sáng, cả người trở nên uể oải.

Lúc này, bố mẹ cậu bắt đầu trách móc cậu về mọi tật xấu, nào là ngồi sai tư thế, viết chữ xấu, học lực kém, không tự giác học tập,... Tiếp theo, họ kể về những thành tích của "con nhà người ta", rồi than vãn: "Sao Tiểu Kiệt không thể nghiện học tập nhỉ?".

Lúc đó, tôi chợt hiểu ra lý do tại sao Tiểu Kiệt lại như vậy.

Mỗi khi học tập, cậu bé chỉ toàn cảm thấy "mình không làm tốt", chỉ có chơi game mới khiến bản thân tốt hơn một chút, vì vậy tự nhiên cậu bé sẽ nghiện chơi game.

Thật sự hành vi nghiện không thể khiến con người ta trở nên mạnh mẽ hơn, mà nó thường mang lại cho họ ảo giác rằng "việc này dễ làm họ trở nên mạnh mẽ".

Ví dụ như những video ngắn đang thịnh hành gần đây, hầu hết đều kể về những nhân vật trông rất bình thường không có tài năng gì nhưng lại dễ dàng đạt đến đỉnh cao nhân sinh, làm cho người xem hòa mình vào đó, trải nghiệm cảm giác chiến thắng tuyệt vời, từ đó khiến họ nghiện xem video loại này.

Nếu chỉ biết trốn chạy những nỗi đau này, thì hành vi nghiện sẽ không bao giờ chấm dứt. Chỉ khi học cách nhận diện nỗi đau thực sự đằng sau hành vi nghiện, chúng ta mới có thể kiểm soát chúng thành công.

3. Ít trách móc và thấu hiểu nhiều hơn

Khi đã nhìn thấy nỗi đau ẩn sau hành vi nghiện, chúng ta cần học cách thấu hiểu bản thân trước tiên:

  • Không cần quá tự trách bản thân vì những hành vi nghiện này;
  • Thay vào đó, hãy nhìn nhận rằng bản thân đang ở trong giai đoạn khó khăn và bất lực, và đang khao khát tìm kiếm sự hỗ trợ, chỉ là tạm thời tìm sai cách.

Có lẽ một số người sẽ thắc mắc: "Rõ ràng nghiện là không tốt, vậy sao không đáng bị trách móc?".

Trên thực tế, có rất nhiều người, ngay khi nhận thức ra mình đang bị nghiện thứ gì đó, đã bắt đầu tự tấn công bản thân: "Sao mình lại tệ hại và sa đọa đến thế!".

Tuy nhiên, bạn sẽ nhận ra rằng hành động tự trách móc bản thân này sẽ không giúp giảm bớt chứng nghiện, thậm chí có thể còn khiến nó trở nên tồi tệ hơn.

Trong cuốn sách "Hoàng tử bé" có một câu chuyện ngắn gọn và ý nghĩa, giải thích lý do cứ mãi ở trong vòng xoáy của hành vi nghiện.

Một ngày nọ, Hoàng tử bé gặp một người say rượu, cậu hỏi anh ta rằng tại sao lại uống rượu:

"Vì tôi muốn quên đi" - Người say rượu trả lời.

"Bạn muốn quên đi điều gì?" - Hoàng tử bé hỏi.

"Tôi muốn quên đi sự xấu hổ" - Người say rượu nói.

"Bạn xấu hổ vì điều gì?" - Hoàng tử bé lại hỏi.

"Vì tôi uống rượu..." - Người say rượu đáp.

Đối với nhiều người, hành vi nghiện hiện tại có thể là cách duy nhất để họ chạy trốn khỏi nỗi đau.

Nếu họ cảm thấy xấu hổ vì điều đó, thì sẽ lại sinh ra nỗi đau mới, rồi tiếp tục dùng hành vi nghiện để trốn chạy, dẫn đến vòng xoáy không ngừng.

Trên thực tế, chúng ta nên hiểu rằng, hành vi nghiện tuy không tốt đẹp, nhưng đó cũng là điều mà mỗi người chúng ta đều có thể sẽ trải qua.

Suy cho cùng, ai trong đời cũng có thể gặp phải những nỗi đau, và cũng không ai có thể đảm bảo rằng bản thân luôn có cách phù hợp để thoát khỏi nỗi đau ấy.

Quay trở lại ví dụ về Lam Ánh kể trên, tôi đã nói với cô ấy: "Cảm thấy bực bội khi phải tăng ca, khi công việc gặp trục trặc là điều hoàn toàn bình thường. Khi cảm thấy khó chịu, muốn giải tỏa, nghiện một số thứ cũng là điều dễ hiểu. Chẳng có gì bất thường khi không thể cai nghiện trong thời gian ngắn".

Nghe xong, Lam Ánh không còn quá lo lắng.

Một mặt, cô ấy đi tìm những cách giảm stress tốt hơn, mặt khác, cô ấy cũng chấp nhận rằng bản thân vẫn có thể nghiện trong một thời gian ngắn.

Khi ít lo lắng hơn, sự phụ thuộc của cô ấy vào "ăn" và "mua" cũng giảm bớt phần nào.

Ít trách móc và thấu hiểu nhiều hơn. (Shutterstock)

4. Tái thiết lập cuộc sống, thoát khỏi chứng nghiện

Khi đã hiểu bản thân và giảm bớt những cảm xúc tiêu cực, bước tiếp theo, chúng ta có thể áp dụng một số mẹo nhỏ để giảm bớt chứng nghiện.

Nhận diện cảm xúc đằng sau

Khi bạn nhận ra mình đang nghiện một số thứ, hãy thử tạm ép bản thân dừng lại, sau đó ngồi xuống và sử dụng cách "viết tự do" để ghi chép lại.

Viết ra những cảm xúc hiện tại trong đầu bạn, dù là bức xúc, bực bội, cô đơn hay chán ghét bản thân... Hãy viết tất cả ra.

Điều này có thể giúp bạn nhìn thấy những cảm xúc mà bạn đã kìm nén.

Làm những việc có phản hồi tích cực

Thay vì "làm thế nào để ngừng hành vi nghiện", chúng ta nên suy nghĩ về "nếu không nghiện, tôi muốn làm gì".

Tại sao hành vi nghiện làm con người trở nên uể oải? Vì mặc dù chúng ta dành nhiều thời gian cho việc đó, nhưng nó cũng không mang lại phản hồi tích cực trên thực tế.

Ví dụ, dù chơi game giỏi đến đâu, thực tế vẫn tồi tệ.

Do đó, bạn có thể sắp xếp cho bản thân làm một số việc đơn giản, đồng thời có thể cải thiện trạng thái một cách thực sự.

Ví dụ như tập thể dục 10-20 phút mỗi ngày, viết nhật ký, chụp ảnh, luyện chữ, thiền định..., ngưỡng mục tiêu đặt ra không nên quá cao, con người mới dễ dàng hành động hơn.

Những việc này đều có thể giúp con người thay đổi theo hướng tốt đẹp và thiết thực, từ đó tạo ra một vòng xoáy tích cực.

Kết nối hơn với mọi người

Hãy kết bạn, thể hiện bản thân, tham gia các hoạt động và kết nối với những người mà bạn quan tâm.

Việc làm này có thể giúp chúng ta giảm bớt sự cô đơn, mặt khác, sự kết nối tích cực sẽ truyền sức mạnh cho con người và giảm bớt chứng nghiện.

Trong câu chuyện của Tiểu Mai, sau này một mặt cô ấy kết nối với tôi thông qua tư vấn, mặt khác cô ấy cũng thử tham gia một lớp học nhạc cụ, kết nối hơn với mọi người bằng con người thật của mình.

Khi sức mạnh nội tâm của cô ấy được phục hồi, cô ấy bắt đầu đối mặt lại với mối quan hệ với chồng, thể hiện cảm xúc của mình, giải quyết những rào cản trong quá khứ và tái kết nối với chồng.

Cô ấy dần nhận ra rằng ham muốn mua sắm của mình đã giảm bớt.

Bởi vì cô ấy kết nối với mọi người nhiều hơn, cảm giác trống rỗng giảm bớt, nên cô ấy không cần phải mua sắm điên cuồng để chạy trốn khỏi sự cô đơn nữa.

Hãy kết bạn, thể hiện bản thân, tham gia các hoạt động và kết nối với những người mà bạn quan tâm. (Shutterstock)
Tái cấu trúc tiêu chuẩn đánh giá

Ví dụ như trong câu chuyện của Tiểu Kiệt, sau này tôi đã nhắc nhở bố mẹ cậu ấy rằng những tiêu chuẩn quá cao sẽ khiến trẻ khó thoát khỏi chứng nghiện, cần học cách nhìn nhận những tiến bộ nhỏ trong học tập của trẻ, như vậy, trẻ mới không phải luôn luôn vì thất bại mà trốn vào thế giới game.

Đối với người trưởng thành cũng vậy, khi chúng ta mới bắt đầu cố gắng thoát khỏi chứng nghiện, hãy thử làm những điều mới và tiếp xúc với những người mới. Quá trình này có lẽ sẽ không suôn sẻ, nhưng không cần vì vậy mà chúng ta cảm thấy bản thân mình tệ hại.

Ngược lại, chúng ta càng nên nhìn nhận ra giá trị của bản thân.

Bởi vì, bất kỳ ai, khi gặp phải khó khăn hay đau khổ, chúng ta vẫn cần sẵn sàng suy ngẫm và tìm cách nâng cấp bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn trước. Đây mới là những điều tuyệt vời nhất.

Lời kết
Khi phát hiện mình có hành vi nghiện, bạn không cần quá vội vàng tự trách bản thân. Đây là một tín hiệu nhắc nhở bạn quan tâm đến nội tâm của chính mình, để nhận diện những cảm xúc đau khổ, sự trống rỗng và cô đơn, cũng như giá trị bản thân thấp ở bên trong. Đây cũng là một cơ hội để trưởng thành, hy vọng bạn có thể thực sự nhìn nhận những nỗi đau ấy, vượt qua khó khăn và lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống.

Theo Lý Hoa - Aboluowang

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phía sau hành vi 'nghiện' ẩn chứa một tâm hồn bị tổn thương