Các 'camera chạy bằng cơm' giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc thu thập thông tin và giám sát người dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở Trung Quốc có rất nhiều 'camera chạy bằng cơm' giúp đảng và chính quyền thu thập thông tin và giám sát người dân. Họ được gọi bằng những cái tên như “nhân viên thông tin duy trì ổn định”, "nhân viên mạng lưới", "nhân viên mạng lưới nhỏ" và mới nhất là “nhân viên công tác cộng đồng”. Một người làm công việc này cho hay, ngoài việc “duy trì ổn định”, họ còn phải làm rất nhiều “việc vụn vặt” khác.

Gần đây, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã ban hành văn bản "Ý kiến ​​về tăng cường xây dựng đội ngũ Nhân viên công tác cộng đồng". Khi trả lời câu hỏi của phóng viên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và người phụ trách các ban ngành khác đã yêu cầu những người làm công tác cộng đồng này “dùng cả tâm tình và gắng sức để loại trừ những khó khăn và ưu lo cho quần chúng”.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) gần đây đã phỏng vấn một số người dân ở Trung Quốc về vấn đề này. Vì vấn đề an toàn cá nhân, tên trong bài đã được thay đổi.

Bà Li Jing đến từ tỉnh Giang Tô cho biết, những người làm loại việc này đã có từ thời Covid-19, khi đó họ được gọi là “nhân viên mạng lưới”, bây giờ được gọi là “nhân viên công tác cộng đồng”. Những người làm công tác cộng đồng này đã đến nhà của bà Li Jing và họ đều còn rất trẻ, hỏi rất nhiều câu hỏi chi tiết.

Trên thực tế, việc chính quyền Trung Quốc tuyển dụng một lượng lớn nhân sự ở cấp cơ sở để thu thập thông tin và duy trì ổn định không phải là điều mới mẻ.

Ngay từ năm 2018, khái niệm “nhân viên thông tin duy trì ổn định” đã xuất hiện. Năm đó, nhiều ủy ban cư dân ở Bắc Kinh đã dán thông báo cho biết, theo yêu cầu của Thành ủy và Chính quyền thành phố Bắc Kinh, họ đang tuyển dụng những cư dân thường trú nhạy cảm về chính trị để làm nhân viên thông tin duy trì ổn định trong cộng đồng.

Đến năm 2023, những người giao đồ ăn đã được tuyển dụng làm “nhân viên mạng lưới nhỏ”. Trang web chính thức của quận Ôn Giang, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên viết: Chúng tôi khuyến khích các nhân viên giao đồ ăn trở thành "tai” và “mắt" của cộng đồng, báo cáo các mối nguy hiểm về an toàn cũng như các vấn đề khác được phát hiện trên đường phố thông qua các nhóm WeChat "mạng lưới nhỏ", các cuộc gọi điện thoại phản ánh, v.v. để kịp thời chuyển thông tin cho phường và khu dân cư.

Nhóm "nhân viên mạng lưới" và “nhân viên mạng lưới nhỏ” này được chính quyền Trung Quốc ví như “đầu dây thần kinh” hoặc “người canh giữ ẩn mình” của các khu dân cư.

Đặc biệt ‘quan tâm’ đến người nhà ở nước ngoài của cư dân

Trong cuộc phỏng vấn với VOA, bà Li Jing cho hay, những nhân viên công tác cộng đồng bà gặp lần đầu tiên là hai cô gái trẻ, trông như mới tốt nghiệp đại học. Họ lấy mẫu đơn ra và hỏi các câu hỏi theo thứ tự trong đơn, như gia đình có mấy người, mấy người thường trú ở địa chỉ này, làm nghề gì, những người không thường trú tại đây thì đang ở đâu và làm gì?

Bà Li Jing đã trả lời rằng, hơn 10 năm trước con trai bà đã sang Mỹ du học sau khi tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc, mặc dù chưa chuyển hộ khẩu nhưng đã định cư ở Mỹ. Lúc đó, 2 nhân viên kia không hỏi gì thêm và đã rời đi. Nhưng rất nhanh sau đó, họ lại đến gõ cửa nhà lần thứ hai và hỏi chi tiết về con trai bà, rằng đang học trường đại học nào ở Mỹ, hiện đang làm việc cho công ty nào, làm nghề gì và gia đình ở Mỹ có mấy người.

Bà Li Jing cho biết, bà cảm thấy hối hận vì đã nhắc đến việc con trai bà mới lấy vợ và vợ anh là người Đài Loan nhưng từ sớm đã di dân tới Mỹ. Bà kể: “Sau khi họ nghe được chuyện này, ánh mắt họ nhìn nhau rồi cầm bút ghi lại rất nhiều. Sau đó, tôi đã nói chuyện với con trai mình, con trai trách tôi và nói rằng không nên nói chi tiết về tình hình công việc và hôn nhân của nó như vậy”.

Bà Li Jing suy đoán, bà bị nhân viên công tác cộng đồng chú ý vì con trai bà đang làm việc trong một công ty công nghệ lớn ở Mỹ và con dâu bà là người gốc Đài Loan. Bà nói: "Trong số những người bạn của tôi ở thành phố này, không có ai bị nhân viên công tác cộng đồng tới nhà hỏi nhiều lần như vậy. Họ cứ tìm đến suốt, nếu hôm nào họ tới mà chúng tôi không có ở nhà, họ sẽ dán giấy thông báo trên cửa và yêu cầu chúng tôi gọi điện thoại lại cho họ, rồi hẹn thời gian lần sau lại tới”.

Ngoài việc duy trì ổn định, còn phải chạy nhiều việc vặt khác

Anh Han Yue, một nhân viên công tác cộng đồng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông xác nhận với VOA rằng, đúng là công việc của anh bao gồm việc chú ý tới mối quan hệ ở nước ngoài của các cư dân.

Anh Han Yue mô tả công việc của mình "vô cùng vặt vãnh". Ngoài việc trên, anh còn phải chú ý tới những người sống ở nước ngoài lâu năm về thăm thân.

Anh Han Yue nghe nói rằng, đồng nghiệp của anh ở các khu dân cư khác còn phải chú ý đến những cư dân là người dân tộc thiểu số; hoặc có đồng nghiệp phải tìm hiểu tình hình của những cư dân đi khiếu nại vì bị nợ lương trong một thời gian dài, sau đó báo cáo lên cấp trên. Nhưng bản thân anh Han Yue chưa từng gặp phải những tình huống này.

Ngoài ra, công việc của anh Han Yue còn bao gồm các việc như “quét sân, nhặt rác, đặc biệt là trong khoảng thời gian xây dựng thành phố văn minh năm ngoái”, “còn phải giải quyết các việc lông gà vỏ tỏi giữa các cư dân, họ cãi nhau cũng phải đi giải quyết”.

Vào tháng 3 năm nay, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra thông báo về “Phương án hành động nhằm thúc đẩy Đổi mới thiết bị trên quy mô lớn và Đổi cũ lấy mới hàng tiêu dùng”. Có không ít cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ trên Internet rằng, các nhân viên công tác cộng đồng đã tới nhà họ để kiểm tra tuổi thọ của các thiết bị điện trong nhà như tủ lạnh, TV, máy giặt, lò vi sóng, máy điều hòa, máy nước nóng và thậm chí cả quạt điện.

Anh Han Yue cho biết anh chưa nhận được yêu cầu kiểm tra những thiết bị trên, nhưng nói rằng nhiều công việc của anh là theo sát các sự việc mang tính thời sự. Ví như, khi tình trạng lừa đảo qua điện thoại tràn lan, anh phải đến tận nhà để yêu cầu người dân cài đặt App (ứng dụng) chống lừa đảo và hướng dẫn họ không trả lời các cuộc gọi đến từ nước ngoài.

‘Camera chạy bằng cơm’ sát sao hơn hệ thống camera giám sát thông thường

Ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), Giáo sư về chính phủ học tại Đại học Claremont McKenna ở Hoa Kỳ, đã chia sẻ cuốn sách mới mang tên “The Sentinel State” (tạm dịch: Quốc gia Lính canh) của ông tại một sự kiện được tổ chức tại Đại học California, San Diego vào ngày 18/4 vừa qua. Ông đã giải thích chi tiết về cách hệ thống giám sát của chính quyền Trung Quốc hoạt động.

Giáo sư Bùi đã đề cập đến một điểm quan trọng, đó là mặc dù chính quyền này đã sử dụng các công nghệ cao như dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để thiết lập một hệ thống camera giám sát mang tên “Skynet” (Thiên võng) rất tiên tiến, nhưng trên thực tế, họ vẫn chủ yếu giám sát người dân qua các tổ chức giám sát phức tạp với lượng lớn nhân viên ở tầng cơ sở.

Ông Bùi nói, đó là một mạng lưới tình báo khổng lồ bao gồm các "nhân viên thông tin duy trì ổn định", những người giao đồ ăn, v.v. Họ thu thập thông tin ở những nơi như công ty, trường đại học, khu dân cư… và có thể gửi thông tin đến các cơ quan khác nhau của chính quyền.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các 'camera chạy bằng cơm' giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc thu thập thông tin và giám sát người dân