Alibaba giúp Công an Thượng Hải xây dựng hệ thống giám sát nhà báo nước ngoài và người Duy Ngô Nhĩ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo của một công ty Mỹ chuyên nghiên cứu về ngành giám sát, Tập đoàn Alibaba đang hỗ trợ Công an Thượng Hải thiết lập một hệ thống giám sát toàn diện, mục tiêu chính là các nhà báo nước ngoài và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tổ chức nhân quyền đã kêu gọi Alibaba hãy chấm dứt hành vi tiếp tay cho cái ác.

Công ty nghiên cứu ngành công nghiệp giám sát Hoa Kỳ - IPVM - đã công bố một báo cáo vào ngày 2/5 cho biết, Công an Thượng Hải đang xây dựng một hệ thống giám sát được thiết kế để theo dõi xem liệu "những cá nhân nhạy cảm" có ra vào Thượng Hải hay không. Hệ thống này sẽ gửi cảnh báo cho phía công an khi các nhà báo nước ngoài đặt chuyến bay hoặc vé tàu đến Tân Cương, hoặc khi người Duy Ngô Nhĩ đến Thượng Hải.

Theo IPVM, những cảnh báo này đều được thực hiện thông qua hệ thống kết nối giữa Công an Thượng Hải và nền tảng đám mây của Alibaba.

Theo báo cáo của IPVM, chính quyền quận Tùng Giang của Thượng Hải đã công bố vào đầu tháng 3 năm nay rằng, nhà tích hợp của Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Cự Nhất (Juyi) Thượng Hải đã giành được dự án phần mềm "Dữ liệu lớn" trị giá khoảng 315.000 USD (khoảng 7,4 tỷ VND) từ Công an Thượng Hải. Dự án này có thể cung cấp cho phía công an quyền truy cập vào dữ liệu lịch sử lưu trú khách sạn, thông tin thị thực, hồ sơ xuất nhập cảnh, thông tin hải quan, lịch sử mua vé tàu, vé máy bay, v.v.

Báo cáo cho hay, hệ thống giám sát đang được xây dựng ở Thượng Hải này có thể truy cập 34 loại dữ liệu trong “Đám mây Công an Alibaba” tại Thượng Hải (không chỉ riêng quận Tùng Giang). Nó cũng bao gồm 26 "mô hình phân loại" để tự động theo dõi các nhóm được chính quyền coi là "người nhạy cảm".

Dư luận cho rằng, việc hệ thống này liệt các nhà báo nước ngoài và người Duy Ngô Nhĩ vào nhóm đối tượng giám sát cần "quan tâm đặc biệt" như người mua bán dâm, buôn bán ma túy, nhập cư bất hợp pháp… cho thấy, Công an Thượng Hải đang coi các nhà báo nước ngoài và người Duy Ngô Nhĩ là "tội phạm".

Đến nay, Tập đoàn Alibaba vẫn chưa phản hồi về cáo buộc nêu trên, cũng như chưa trả lời các yêu cầu bình luận từ giới truyền thông.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Alibaba bị phát hiện hỗ trợ công an Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng hệ thống giám sát xâm phạm nhân quyền. Ngay từ năm 2020, Alibaba đã phát triển dịch vụ đám mây nhận dạng khuôn mặt đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác, đồng thời gửi cảnh báo cho khách hàng khi phát hiện ra người Duy Ngô Nhĩ.

Trước những nghi ngờ khi đó, Alibaba từng thừa nhận với ngoại giới rằng họ đã phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) và cho biết công ty chỉ đang “thử nghiệm” công nghệ này, "không bao giờ có ý định" nhắm mục tiêu vào một "nhóm chủng tộc cụ thể".

Về việc Alibaba giúp Công an Thượng Hải xây dựng hệ thống giám sát, tổ chức phi chính phủ quốc tế - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) - cách đây vài ngày đã nói với IPVM rằng, các công ty không nên góp phần vào việc vi phạm nhân quyền và Alibaba phải chịu các trách nhiệm liên quan. Tổ chức này cũng công khai kêu gọi Alibaba chấm dứt quan hệ hợp tác hỗ trợ cho "chương trình giám sát hàng loạt của công an" Trung Quốc.

Ngoài ra, còn một luồng ý kiến khác cho rằng, việc Tập đoàn Alibaba hỗ trợ chính quyền Trung Quốc xây dựng hệ thống giám sát vi phạm nhân quyền có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến việc niêm yết tại Mỹ của các công ty con trong tương lai. Giống như Huawei và TikTok, các công ty con của Alibaba có thể sẽ phải đối mặt với sự xét duyệt từ các chính phủ dân chủ phương Tây.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Alibaba giúp Công an Thượng Hải xây dựng hệ thống giám sát nhà báo nước ngoài và người Duy Ngô Nhĩ