Tổng nợ địa phương Trung Quốc bằng 82,5% GDP - Quý Châu vỡ nợ, cầu cứu trung ương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nợ địa phương của Trung Quốc đã trở thành vấn đề nhức nhối từ lâu; khoản nợ tính đếm được lên tới 82,5% GDP danh nghĩa. Chính quyền trung ương Nam Trung Hải ở Bắc Kinh buộc phải làm ngơ trước lời cầu cứu công khai của các chính quyền địa phương; các khoản nợ chính quyền đang vỡ ra, nhiều tỉnh đã hoàn toàn ... bất lực.

Nợ địa phương, chưa bao gồm nợ ẩn từ các phương tiện nợ địa phương, đã trở thành vấn đề nhức nhối của Bắc Kinh trước khi dịch bệnh. Sau dịch bệnh, các khoản chi tiêu khổng lồ theo kiểu ném tiền qua cửa sổ một cách vô nghĩa vì "zero-Covid" đã đẩy nợ địa phương lên một 'tầm cao mới'. Nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc thực chất đã rơi vào tình trạng vỡ nợ từ lâu; không còn tiền để chi thường xuyên trả lương cho cán bộ công chức nữa.

Quý Châu nổ phát súng 'vỡ nợ' đầu tiên

Theo tin từ Vision Times, gần đây chính quyền tỉnh Quý Châu đã công khai tuyên bố rằng khoản nợ của chính quyền tỉnh là "nghiêm trọng" và “tỉnh không có khả năng trả nợ”. Nói cách khác là chính quyền tỉnh đã tuyên bố vỡ nợ công.

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Chính quyền tỉnh Quý Châu tiết lộ vào ngày 11/4/2023 rằng Phòng Nghiên cứu Tài chính, Thuế và Tài chính của trung tâm nghiên cứu gần đây đã đến Quý Dương, Quý An, Tuân Nghĩa, Bijie, Liupanshui và những nơi khác để thực hiện một "cuộc khảo sát đặc biệt". Cuộc khảo sát nhắm vào khả năng giải quyết các khoản nợ của chính quyền địa phương tỉnh Quý Châu. Kết quả khảo sát cho thấy nguồn lực tài chính của tỉnh Quý Châu có hạn, và "cực kỳ khó khăn" để thúc đẩy công việc xóa nợ công của chính quyền tỉnh.

Ảnh chụp ngày 10/10/2022 cho thấy các nhân viên đang phun thuốc khử trùng trên một quầy ở Sân bay Bijie Feixiong, khi sân bay chuẩn bị mở cửa trở lại sau khi đóng cửa do sự bùng phát của vi rút corona Covid-19, ở Bijie thuộc tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc. (Ảnh: STR/AFP / Getty Images)

Báo cáo về khả năng trả nợ của chính quyền tỉnh Quý Châu viết, "không thể giải quyết nó một cách hiệu quả chỉ bằng cách dựa vào khả năng của chúng ta", theo Vision Times. Giải pháp nhóm nghiên cứu đưa ra là tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quốc Vụ viện Trung Quốc (chính quyền Trung ương).

Nói cách khác, động thái này chỉ tóm gọn ở 2 ý: thứ nhất, Chính quyền tỉnh Quý Châu công khai rằng họ đã vỡ nợ; thứ hai, Quý Châu phát đi tín hiệu cấp cứu, muốn chính quyền trung ương của Thủ tướng Lý Cường cứu trợ (cấp tiền cho Quý Châu trả nợ).

Không chỉ Quý Châu, nợ địa phương khắp Trung Quốc là vấn đề rất lớn

Nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc luôn là “hộp đen” với chính quyền trung ương và Ngân hàng trung ương (PBOC). Vấn đề ở chỗ, chính quyền địa phương bất lực với việc giải quyết nợ vì nguồn thu chính là bán đất để trả nợ đã bị chặn lại vì không có giao dịch nữa… trong khi chi cho ‘zero covid' đang gặm nhấm tới tận xương hầu bao của các chính quyền địa phương.

Để bù đắp khoảng trống tài trợ do doanh thu bán đất thu hẹp lại, Goldman khuyến nghị chính phủ địa phương tăng hạn ngạch trái phiếu từ mức 3,65 nghìn tỷ CNY của năm nay lên hơn 500 tỷ CNY cho năm 2022. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs dựa trên 2 ngàn phương tiện nợ địa phương thu thập được để tính toán, đưa ra kết luận như sau:

  • Nợ phải trả của các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, và các tập đoàn công nghiệp - ba ngành này chiếm gần 40% tổng số nợ LGFV
  • Giang Tô đứng đầu tất cả các tỉnh về quy mô vay với khoảng 8 nghìn tỷ CNY vào năm 2020
  • Khoảng 60% trái phiếu do các nền tảng địa phương phát hành được sử dụng để trả nợ đáo hạn trong giai đoạn 2020-2021, thay vì đầu tư mới.

Nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc tồi tệ đến mức, từ cuối năm 2021, truyền thông dòng chính của Bắc Kinh đã đưa tin một số địa phương nợ lương công chức, viên chức thực thi dịch vụ công nhiều tháng không trả. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, vì 8 tháng không nhận được lương, các tài xế xe bus ở thành phố Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam đã đình công hồi tháng 11/2021. Vấn đề này được cho là do tình trạng tài chính ở nhiều địa phương Trung Quốc có thể đã cạn kiệt.

Hình ảnh các cụ già ở vùng nông thôn ở Thái An, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 7/1/2023. Việc đảo ngược chính sách zero-COVID đã gây quá tải nguồn cung thuốc, khiến nhiều người lớn tuổi ở vùng nông thôn không được tiếp cận với thuốc. (Ảnh Noel CELIS/ Getty Images)

Theo quy định do Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra vào năm 2016, các chính quyền địa phương có gánh nặng lãi vay (tức là khoản lãi vay phải trả) vượt quá 10% thu ngân sách thì chính quyền đó phải thực hiện các kế hoạch củng cố tài khóa. S&P Global ước tính rằng từ 10% đến 30% trong số khoảng 300 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc sẽ vượt ngưỡng này vào cuối năm 2022, tăng từ mức dưới 5% vào năm 2020, theo Nikkei Asian.

Chính quyền địa phương chịu phần lớn gánh nặng tài chính của chính sách không COVID của chính quyền trung ương. Ví dụ, Bắc Kinh yêu cầu bằng chứng về kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước đó để vào các nhà hàng và địa điểm công cộng, và thành phố sẽ đài thọ chi phí xét nghiệm miễn phí cho người dân.

Công ty môi giới Trung Quốc Soochow Securities ước tính rằng việc xét nghiệm Covid hàng loạt thường xuyên ở tất cả các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như Bắc Kinh và Thượng Hải, có thể tiêu tốn tới 1,7 nghìn tỷ CNY (khoảng 252 tỷ USD) mỗi năm.

Mọi thông tin về nợ, nghèo đói,... đều bị xoá

Thông tịn Quý Châu thừa nhận họ không thể giải quyết nợ công của chính quyền địa phương đã nhanh chóng lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng ngay sau đó, thông tin được cho là "tiêu cực" này lập tức bị xoá. Theo Vision Times, các bản đăng lại trên các trang truyền thông, các nền tảng lớn cũng bị xoá.

Về vấn đề này, Cai Shenkun, một học giả nổi tiếng, đã viết trên Twitter rằng vấn đề nợ của chính quyền địa phương ở Quý Châu đã có triệu chứng từ lâu.

Ông viết: "Ví dụ, Zunyi Daoqiao Construction, công ty đầu tư xây dựng đô thị lớn nhất ở thành phố Zunyi, vào cuối năm ngoái đã thông báo rằng khoản nợ 15,6 tỷ nhân dân tệ của họ đã được gia hạn trong 20 năm. Vào thời điểm đó, Zunyi Daoqiao đã đề xuất điều kiện tái cơ cấu khoản vay hết sức vô lý. Vậy mà ngân hàng đã phải chấp nhận”. Và từ năm 2014, Quý Châu đã vượt quá “ranh giới đỏ” về nợ.

Cai Shenkun chỉ ra thêm rằng vào cuối tháng 6 năm 2013, tỷ lệ nợ chính quyền địa phương/GDP của Quý Châu là 67,45% và đã tăng lên 86,98% vào cuối năm 2015, đứng đầu trong số tất cả các tỉnh. Theo thông tin được kiểm toán tiết lộ, khoản nợ của chính quyền địa phương Quý Châu vào cuối tháng 6/2013 là 462,2 tỷ nhân dân tệ. Đến cuối năm 2015, con số này lên tới 913,5 tỷ nhân dân tệ, chưa tính nợ ẩn, tổng nợ công của tỉnh này tương đương với tỉnh Quảng Đông, tỉnh có tổng nền kinh tế lớn nhất.

Những người dân nghèo ở các vùng nông thôn Trung Quốc luôn dồn toàn bộ tiền cho con cái đến trường đại học. Bởi vì những phúc lợi xã hội hay hỗ trợ của chính phủ không thể đến được với những nơi xa xôi như họ.
Những người dân nghèo ở các vùng nông thôn Trung Quốc luôn dồn toàn bộ tiền cho con cái đến trường đại học. Bởi vì những phúc lợi xã hội hay hỗ trợ của chính phủ không thể đến được với những nơi xa xôi như họ. (Ảnh chụp video)

“Báo cáo thông tin chính về điều tra lấy mẫu dân số 1% năm 2015” do Cục Thống kê tỉnh Quý Châu công bố cho thấy tổng dân số của Quý Châu đã lên tới 35,295 triệu người, điều đó có nghĩa là nợ công bình quân đầu người của Quý Châu lên tới hơn 20.000 nhân dân tệ. Quý Châu là tỉnh có số lượng người nghèo khổ lớn nhất Trung Quốc, chính phủ tiết lộ số người nghèo là 4,93 triệu người; tỷ lệ người nghèo đứng đầu Trung Quốc. Trong số 88 huyện (thành phố, huyện) của tỉnh, có 66 huyện nghèo, 190 thị trấn nghèo và 9.000 thôn nghèo.

Tuy nhiên, chuyên gia Cai Shenkun nhấn mạnh "số người nghèo không được chính phủ tiết lộ vượt xa con số nêu trên". Theo tiêu chuẩn giảm nghèo quốc gia năm 2016, gần một nửa dân số của Quý Châu có thu nhập ở chuẩn nghèo. “Ở một vùng nghèo nàn lạc hậu, vay mượn điên cuồng như vậy, ngoại trừ các khu phát triển khắp miền núi, cộng đồng dân cư và nhà cao tầng, vùng núi Quý Châu chuyển biến không lớn. Nhiều nông dân vẫn sống cuộc sống nương rẫy khó khăn".

Ở Quý Châu, chính quyền chẳng có biện pháp gì ngoài đầu tư vô tội vạ để báo cáo thành tích tăng trưởng. Ngọn núi nào có thể đào lên thì đã đào lên, con đường nào có thể sửa đã sửa, đô thị nào ma cũng đã xây,...; tất cả đương nhiên là dựa vào vay nợ để đầu tư công. Trong khi đó, thu nhập của người Quý Châu chỉ đủ duy trì cơm ăn áo mặc

Các tỉnh có thể tuyên bố vỡ nợ công theo hiệu ứng domino?

Nhà kinh tế Trung Quốc, Tư Lệnh, nói với Đài Á Châu Tự do rằng sau khi Quý Châu gửi lời cầu cứu tới chính quyền trung ương, nhiều tỉnh có thể "đồng loạt" tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền trung ương.

Ông chỉ ra rằng nợ cao của chính quyền địa phương là một vấn đề mang tính hệ thống lâu dài của ĐCSTQ. Thời đại của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo trước đây, phát triển kinh tế dựa trên đầu tư công, bất chấp nợ. Khi đó, nguồn tiền từ nước ngoài đổ vào Trung Quốc đang lớn mạnh và tăng trưởng toàn cầu cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái nghiêm trọng, chính phủ thu thuế không đủ chi tiêu. Thêm vào đó, dòng vốn ngoại đang chạy khỏi Bắc Kinh sau 3 năm phòng dịch "zero-Covid"; thu hút vốn nước ngoài đang rất khó khăn. Hiện tại, ngay cả những tỉnh phát triển như đồng bằng sông Dương Tử cũng khó có thể chi nhiều tiền hơn để trợ cấp cho các khu vực nghèo khó khác trong tỉnh.

Nhà kinh tế học Tư Lệnh chỉ ra: "Một khi tình trạng nợ cao xuất hiện ở các khu vực tăng trưởng kinh tế phát triển nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như Đồng bằng sông Dương Tử và Châu thổ sông Châu Giang, tôi e rằng thị trường vốn quốc tế sẽ bán tháo một số lượng lớn nợ quốc gia của Trung Quốc với giá thấp vào một thời điểm".

Nợ địa phương ít nhất bằng 82,5% GDP Trung Quốc

Trong những năm gần đây, việc phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương (sau đây gọi là "trái phiếu đặc biệt") đã tăng lên nhanh chóng và đến cuối năm nay, dư nợ đã vượt mốc 20 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY), tương đương với 2,864 tỷ USD.

Trang First Finance and Economics đưa tin, trái phiếu đặc biệt được phát hành lần đầu tiên vào năm 2015. Lý do gọi là đặc biệt vì loại trái phiếu này được Luật Ngân sách 2015 của chính quyền Bắc Kinh cho phép hạch toán ngoài nợ công, không cần báo cáo lên trung ương.

Empty apartment developments stand in the city of Ordos, Inner Mongolia on September 12, 2011. The city which is commonly referred to as a "Ghost Town" due to it's lack of people, is being built to house 1.5 million inhabitants and has been dubbed as the "Dubai of China" by locals. AFP PHOTO/Mark RALSTON (Photo credit should read MARK RALSTON/AFP via Getty Images)
Các dự án bất động sản không có người ở thuộc thành phố Ordos, Nội Mông, hôm 12/09/2011. (Ảnh: Mark Ralston/AFP qua Getty Images)

Kể từ đó, quy mô phát hành trái phiếu đặc biệt tăng dần qua từng năm khiến cán cân nợ tăng nhanh. Theo số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc, tính đến cuối tháng 10/2022, dư nợ chính quyền địa phương trên cả nước vào khoảng 35,17 nghìn tỷ CNY, trong đó nợ trái phiếu đặc biệt là 20,71 nghìn tỷ CNY và nợ trái phiếu phổ thông khác là 14,46 nghìn tỷ CNY.

Nhưng đó chỉ là nợ chính thức, nợ địa phương ở Trung Quốc đặc biệt lớn ở khối lượng nợ ẩn. Là nợ mà các phương tiện tài chính đặc biệt của chính quyền địa phương vay từ các ngân hàng thương mại theo mệnh lệnh của các quan chức địa phương.

Trong năm 2022 vừa qua, tổng quy mô trái phiếu đầu tư đô thị (số dư nợ) lên tới 65 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY); tương đương với 55,5% GDP, khoảng 9,5 nghìn tỷ USD. Vào năm 2021, số dư nợ chịu lãi trên nền tảng Chengtou của Trung Quốc đã đạt 56 nghìn tỷ CNY.

Như vậy, 65 nghìn tỷ CNY mới chỉ là một phần nợ ẩn của chính quyền địa phương; vì mới chỉ là con số nợ trên thị trường trái phiếu. Các phương tiện nợ địa phương còn vay từ ngân hàng thương mại nữa. Điều tệ hơn là các phương tiện này cũng có các công ty con hoặc công ty thân hữu, họ lại bảo lãnh cho công ty con vay vốn từ ngân hàng thương mại. Khối nợ ẩn này chắc chắn vượt xa con số 65 nghìn tỷ CNY.

Tổng các nguồn nợ liệt kê ở trên từ trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, trái phiếu phổ thông và nợ ẩn, nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đã lên tới: 100,000 tỷ CNY; tương ứng 82,5% GDP của toàn Trung Quốc.

Ngoài ra, Wall Street Journal của Mỹ đưa tin, theo thống kê của S&P Global, nợ đọng của chính quyền địa phương năm 2022 đã vượt quá 120% tổng doanh thu, dẫn đến 2/3 các chính quyền địa phương của Trung Quốc vượt ngưỡng nợ do chính quyền trung ương đặt ra. Thậm chí 1/3 chính số chính quyền địa phương đã không thể trả lãi.

Theo thống kê của truyền thông Trung Quốc, cho đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ của tất cả các tỉnh ở Trung Quốc đều đang tăng lên, trong đó tỷ lệ nợ của Hắc Long Giang, Tân Cương, Thiên Tân và Quý Châu tăng mạnh nhất, đều vượt quá 400%. Tỷ lệ nợ ngày càng lớn dẫn đến việc chính quyền địa phương yếu kém, thậm chí mất khả năng trả nợ.

Theo "Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách trung ương và địa phương năm 2022 và Dự thảo ngân sách trung ương và địa phương năm 2023", tổng thâm hụt tài khóa và trái phiếu đặc biệt mới năm nay tổng cộng là 7,68 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 660 tỷ nhân dân tệ so với năm ngoái .

Trung Nam Hải không dám cứu nợ địa phương

Vào tháng 1/2023, ông Lưu Côn (Liu Kun), Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, đã trả lời phỏng vấn truyền thông về “tầm quan trọng trong việc ngăn chặn rủi ro nợ của chính quyền địa phương". Ông nói, "bước tiếp theo, sẽ tiếp tục phá vỡ những kỳ vọng cơ bản của chính quyền địa phương" và thúc đẩy cái gọi là "chuyển đổi định hướng thị trường của các công ty là phương tiện tài chính địa phương", v.v.

Trước đó, Bộ Tài chính Trung Quốc đã có công văn trả lời đề xuất của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Trong đó cũng nhấn mạnh về “nguyên tắc trung ương không cứu trợ” rủi ro nợ địa phương và sẽ thực hiện “con ai nhà nấy lo”.

Cái gọi là “thúc đẩy chuyển đổi định hướng thị trường của các công ty là phương tiện tài chính địa phương” bao gồm việc: cấm chính quyền địa phương thành lập các công ty tài chính mới, cấm tiết lộ thông tin tài chính có liên hệ với tín dụng của chính quyền địa phương, tước bỏ các chức năng tài chính của chính quyền đối với các khoản nợ và tài sản của công ty tài chính, v.v.

Rõ ràng, các biện pháp này sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ở các địa phương từ gốc rễ, mà chỉ tập trung vào việc "duy trì sự ổn định" và đùn đẩy trách nhiệm.

Rõ ràng, bộ tài chính Trung Quốc không hề có biện pháp xử lý và không thể xử lý khối nợ địa phương quá lớn này. Lý do đơn giản là Trung Quốc còn có một công cụ mà nước khác không có: quyền lực tuyệt đối của chính quyền với tài sản của dân cư. Chỉ bằng một mệnh lệnh hành chính, các khoản vay nợ của chính quyền địa phương với khu vực tư nhân có thể lập tức quốc hữu hoá. Đây có thể là lý do chuyện "vỡ nợ" theo nguyên tác thị trường là không thể xảy ra, trung ương cũng không cảm thấy cần phải cứu trợ trả nợ cho các chính quyền địa phương.

Thêm vào đó, nợ chính quyền địa phương đã lên tới cả 100 nghìn tỷ nhân dân tệ (như phân tích ở trên), nếu trung ương gánh khoản nợ này, họ chỉ có cách in tiền ra để trả, lạm phát sẽ bùng phát nghiêm trọng, đồng nhân dân tệ sẽ mất giá. Lúc đó, chiến lược quốc tế hoá nhân dân tệ mà Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy sẽ lại về vị trí xuất phát.

Cuối cùng, chính quyền địa phương chỉ cần báo cáo thành tích tăng trưởng nên họ sẵn sàng xây hàng chục thành phố ma, hàng triệu căn hộ ma... Nếu các khoản đầu tư vô trách nhiệm như vậy được cứu trợ bởi chính quyền trung ương thì tương lai chính quyền địa phương sẽ tạo ra "cạm bẫy nợ" cho chính quyền trung ương. Đây là điều mà Trung Nam Hải không thể chấp nhận.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Tổng nợ địa phương Trung Quốc bằng 82,5% GDP - Quý Châu vỡ nợ, cầu cứu trung ương