Dương Diên Chiêu dùng trận Hỏa ngưu đánh bại Hàn Xương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo “Tống sử”, Dương Diên Chiêu là một danh tướng thời Bắc Tống có công trấn giữ biên ải, chống Liêu hơn 20 năm, khiến người Liêu (Khiết Đan) vô cùng khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Lục Lang tinh là chính là khắc tinh của mình, còn Dương Diên Chiêu trí dũng song toàn giống như Lục Lang tinh hạ phàm, nên người Liêu gọi ông là "Dương Lục Lang".

Từ thời nhà Nguyên, câu chuyện về Dương Diên Chiêu và Dương gia tướng ở phủ Thiên Ba hết lòng trung nghĩa, tận trung báo quốc đã bắt đầu xuất hiện rộng rãi trong hí kịch, tiểu thuyết, bình thư, nhận được rất nhiều sự yêu mến của quảng đại quần chúng. Trong bài viết này, tác giả chỉ trích dẫn, tóm tắt những giai thoại truyền miệng trong dân gian, để chia sẻ với bạn đọc những câu chuyện anh hùng, lưu truyền ngàn đời của Dương Lục Lang.

Trận Hỏa ngưu là chiến thuật kinh điển được danh tướng Điền Đan nước Tề sử dụng trong trận đánh ở thành Tức Mặc vào thời Chiến Quốc. Khi đó, danh tướng Nhạc Nghị nước Yên dẫn quân liên minh sáu nước tấn công nước Tề, trong vòng nửa năm đã chiếm được hơn 70 thành trì, chỉ còn lại hai thành Cử và Tức Mặc chưa bị công phá.

Khi nước Tề sắp diệt vong, Điền Đan đã dũng cảm nhận lệnh trấn giữ thành Tức Mặc. Chỉ với 5000 quân, ông đã chống lại liên quân hùng mạnh trong nhiều năm, và sử dụng thành công trận Hỏa ngưu để phá vỡ phòng tuyến của quân Yên, giúp nước Tề hồi sinh.

Tuy nhiên, sau danh tướng Điền Đan, trận Hỏa ngưu đã trở thành một chiến thuật kinh điển thất truyền, có rất ít trường hợp áp dụng thành công. Mãi đến đầu thời Bắc Tống, tạị Ích Tân Quan (nay là thành phố Bá Châu, tỉnh Hà Bắc), danh tướng Dương Diên Chiêu đã thành công sử dụng trận Hỏa ngưu để đánh bại năm vạn kỵ binh thiết giáp của Hàn Xương, tái hiện lại chiến thuật kinh điển này.

Sau thất bại đầu tiên của đội quân kỵ binh thiết giáp, Hàn Xương vẫn không từ bỏ ý định, chuẩn bị quay lại phản công. Ở phía quân Tống, Dương Diên Chiêu đã sớm nhận được tin tức quân trinh thám báo cáo rằng, Hàn Xương chuẩn bị dẫn quân tấn công Ích Tân quan. Vì thế, Dương Diên Chiêu đã triệu tập các tướng sĩ để thảo luận cách phòng thủ.

Mạnh Lương và Tiêu Tán đề nghị rằng: “Đội kỵ binh thiết giáp vô cùng dũng mãnh. Lần trước nhờ dụ địch thành công, chúng ta mới có thể giành được chiến thắng. Lần này e rằng khó có thể sử dụng lại cách cũ, chúng ta nên dựa vào địa thế hiểm trở để phòng thủ thì hơn”.

Nhạc Thắng nói tiếp: “Trước Ích Tân quan là vùng đồng bằng rộng lớn, gần như không có chỗ hiểm trở để phòng thủ. Chúng ta nên chuẩn bị trảm mã đao, rìu lớn và các loại vũ khí hạng nặng khác để chém đứt chân ngựa của chúng, lấy mạnh chế mạnh”.

Dương Diên Chiêu suy nghĩ một lúc rồi nói: “Đúng vậy, phòng thủ lâu ắt sẽ thất bại. Quan này gần như không có địa hình hiểm trở, rất khó phòng thủ. Kỵ binh thiết giáp có sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ, sẽ là một mối họa lớn. Để tìm cách đánh bại kẻ thù, trước mắt tạm thời hãy chuẩn bị theo đề nghị của Nhạc Thắng”.

Sau khi bàn bạc xong, Dương Diên Chiêu ra lệnh cho các tướng sĩ chuẩn bị vũ khí mới đồng thời tăng cường luyện tập. Nhận định đội quân thiết giáp của nước Liêu vô cùng dũng mãnh, ngay cả khi dùng trảm mã đao để phá vỡ đội hình của chúng chắc chắn cũng sẽ phải chịu rất nhiều tổn thất. Vì vậy Dương Diên Chiêu không ngừng suy nghĩ về kế sách để đánh bại quân địch nhưng mãi không có ý tưởng nào.

Một ngày nọ, Dương Diên Chiêu cùng các tướng lĩnh cưỡi ngựa ra trước Ích Tân quan để quan sát khu vực chiến trường, nhìn thấy trước mặt là một cánh đồng rộng lớn, có những người chăn thả gia súc đang chăn trâu và cừu. Với sự dẫn dắt của người chăn, trâu và cừu đi thành đàn một cách trật tự và gọn gàng. Những người chăn gia súc nhìn thấy các tướng sĩ liền chạy đến chào hỏi và nhiệt tình mang trà sữa ra tiếp đãi, nói rằng: “Cảm ơn Nguyên soái và các tướng sĩ đã bảo vệ biên giới để chúng tôi được an cư lạc nghiệp”.

Dương Diên Chiêu cùng các tướng sĩ đáp lễ và xuống ngựa trò chuyện một cách thân mật. Trong lúc nói chuyện, những người chăn gia súc nói rằng: “Con trâu này không dễ để trở thành trâu cày, tôi và các anh em đã phải bỏ ra rất nhiều công sức mới có thể huấn luyện được nó quen với việc cày bừa. Phải huấn luyện theo tính nết của nó và cho nó ăn cỏ ngon đúng giờ. Tôi đã phải theo cha học hơn mười năm mới nắm được bí quyết này! Đây cũng là một loại kiến thức!”

Nghe xong, Dương Diên Chiêu chợt có một ý tưởng về kế sách đánh tan quân địch! Ông cúi đầu chào và cảm ơn người chăn trâu, nói: “Cảm ơn anh, mấu chốt để đánh bại quân địch nằm ở những con trâu này, tôi muốn mượn những con trâu của anh!”

Dương Diên Chiêu ra lệnh dùng một khoản tiền và lương thực để mua trâu. Do số lượng không đủ nên ông còn cho tướng sĩ đi khắp nơi tìm mua. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Dương Diên Chiêu đã gom được hơn một nghìn con trâu. Sau đó, ông chỉ huy các tướng sĩ xây dựng một trận địa dài và hẹp theo hướng Bắc Nam trước Ích Tân quan. Quân Liêu muốn tấn công chắc chắn phải đi qua trận địa này. Dương Diên Chiêu dựng hàng rào xung quanh, huấn luyện một ngàn con trâu ở đây, chuẩn bị cho trận Hỏa ngưu.

Trang bị cho hỏa ngưu (trâu lửa) trong "Võ kinh tổng yếu" của Tằng Công Lượng và Định Độ thời nhà Tống (Ảnh thuộc miền công cộng)

Dương Diên Chiêu cho gọi những người chăn trâu đến hướng dẫn binh sĩ huấn luyện trâu. Ông làm nhiều bù nhìn rơm, sau đó mặc lên bộ giáp của quân Liêu rồi giấu thức ăn mà trâu thích dưới lớp áo giáp, để trâu quen với việc phải tìm cách xé rách giáp để tìm thức ăn. Dương Diên Chiêu còn cho buộc dao nhọn và giáo dài vào thân trâu, huấn luyện chúng lao thẳng về phía trước đâm thủng bù nhìn, đến lúc đó sẽ châm lửa vào đuôi trâu để tăng tốc độ lao về phía trước.

Sau một thời gian, quân Tống lại dùng ngựa gỗ bọc giáp và bù nhìn để mô phỏng kỵ binh nước Liêu, cho trâu thực hành tấn công ngựa gỗ, khiến chúng quen với việc phải phá hủy ngựa gỗ và bù nhìn mới có được thức ăn. Cứ như vậy huấn luyện liên tục một tháng, đàn trâu hơn nghìn con đã dần dần quen với phương pháp chiến đầu này.

Hàn Xương dẫn theo năm vạn quân thiết kỵ hùng hậu quay trở lại

Trong khi Dương Diên Chiêu gấp rút chuẩn bị cho chiến tranh, nước Liêu ở phương Bắc cũng ráo riết tiến hành kế hoạch đánh xuống phía nam.

Sau lần thất bại trước của đội kỵ binh thiết giáp, lần này Hàn Xương dẫn theo Gia Luật Hưu Ca, Gia Luật Sa, Đại Bằng và hơn mười vị tướng lĩnh khác cùng với năm vạn thiết kỵ đến Ích Tân quan để khiêu chiến. Dương Diên Chiêu đã sớm nhận được tin tức nên dẫn theo các tướng Nhạc Thắng, Dương Hưng, Mạnh Lương và nhiều người khác bố trí xong trận địa trước Ích Tân quan để đón địch.

"Tú tượng nam bắc Tống chí truyện" - Gia Luật Sa (Ảnh thuộc miền công cộng)

Hàn Xương nhìn thấy Dương Diên Chiêu liền mắng: "Dương Lục Lang! Lần trước ta chủ quan nên thua trận, lần này ta sẽ không bị mắc lừa nữa. Ngươi có gan thì hãy đánh trực diện với đội quân kỵ binh thiết giáp của ta, chớ dùng những mánh khóe vớ vẩn".

Dương Diên Chiêu đáp: "Hàn Xương! Dùng binh không ngại dùng mưu, từ xưa đến nay vẫn vậy. Hãy nhìn xem, ta đã bày sẵn trận địa trước cửa ải, nếu ngươi không phá nổi thì đừng hòng vào trong, hãy đánh trực diện một trận cho tử tế".

Lúc này, Gia Luật Hưu Ca và Gia Luật Sa cũng xông ra khiêu chiến, mắng rằng: "Dương Lục Lang! Lần trước ngươi đã giết anh em của ta là Gia Luật Khánh, vô số binh sĩ Đại Liêu của ta cũng chết vì mưu kế của ngươi. Lần này ta phải khiến người nợ máu phải trả bằng máu, để ngươi biết sự lợi hại của đội quân kỵ binh thiết giáp chúng ta".

Sau khi Hàn Xương ra lệnh, Gia Luật Hưu Ca, Gia Luật Sa và hơn mười vị tướng lĩnh Liêu khác dẫn theo năm vạn quân thiết kỵ trực tiếp tấn công ồ ạt, lao thẳng về phía trận địa.

Dương Diên Chiêu cũng lập tức ra lệnh, hàng vạn mũi tên buộc cỏ từ phía quân Tống bắn ra. Đội kỵ binh thiết giáp của nước Liêu lập tức giơ khiên lên đỡ. Với những bộ áo giáo được rèn từ thép tinh luyện, thì những mũi tên này hầu như không thể gây hại gì, chỉ có thể cắm được một ít cỏ lên đội quân thiết giáp. Hàn Xương cười nói: "Dương Lục Lang, mũi tên của ngươi thật vô dụng, lần này ngươi xong đời rồi".

Thế nhưng lúc này, quân Tống ở phía sau lại tiếp tục dùng máy bắn đá, bắn ra vô số bao cỏ lớn trộn lẫn đất sét về phía đội kỵ binh thiết giáp. Những bao cỏ này cũng không có sức sát thương gì. Hàn Xương và các tướng lĩnh nước Liêu nhìn nhau, không hiểu ý đồ của quân Tống là gì.

Không lâu sau, đội hình kỵ binh thiết giáp bắt đầu tan rã. Hóa ra trong những bao cỏ này có trộn lẫn đậu, kê, rau dại và các loại ngũ cốc mà ngựa và trâu thích ăn khiến những con chiến mã này kéo nhau cúi đầu xuống thưởng thức.

Dương Diên Chiêu nhìn thấy tình hình, lập tức ra lệnh cho quân Tống di chuyển sang hai bên, cửa chính trận địa mở rộng, hàng nghìn con trâu lao ra. Sừng của trâu được buộc dao nhọn, hai bên thân buộc giáo dài, khoác áo choàng có hình mây, ngực trước trang bị giáp sắt, đuôi trâu còn buộc rơm đang cháy. Những con trâu này đã đói từ lâu, nhìn thấy đội kỵ binh nước Liêu cưỡi ngựa, chúng tưởng là mang thức ăn đến, bèn hung hãn xông vào tấn công. Quân Liêu chưa bao giờ nhìn thấy thế trận này. Những con ngựa chiến bị nhiều con mãnh thú hung hãn mặc giáp sắt tấn công khiến chúng càng hoảng sợ, kéo nhau bỏ chạy thục mạng.

Đội kỵ binh thiết giáp ở phía trước bị đánh bại, đội hình hỗn loạn, nhóm quân phía sau cũng bại như núi lở. Cứ như vậy, từng hàng từng hàng của đội kỵ binh thiết giáp sụp đổ hoàn toàn, quân lính tan rã. Quân sĩ của nước Tống cầm trảm mã đao, rìu lớn và các loại binh khí hạng nặng khác tấn công mãnh liệt theo phía sau đàn trâu. Khi ấy, tiếng chém giết rung trời, đội quân thiết giáp thương vong nặng nề. Nhìn thấy đòn tấn công có hiệu quả, Dương Diên Chiêu lệnh cho Dương Hưng, Trần Lân, Sài Cảm dẫn quân kỵ binh tấn công từ hai bên sườn. Từ đó, quân Tống dần chiếm được ưu thế.

Hàn Xương thấy vậy, chuẩn bị cho toàn bộ đội quân dự bị phía sau tham gia chiến đấu để xoay chuyển thế cục. Lúc này, Đại Bằng khuyên rằng: "Thưa tướng quân, quân Tống có vũ khí mới có thể khắc chế quân ta, tình hình chiến đấu bất lợi; cộng thêm thất bại lần trước, hiện nay đã tốn thất gần một nửa số binh sĩ. Kỵ binh thiết giáp là lực lượng tinh nhuệ của quân ta, nếu mất hết toàn bộ sẽ là tổn thất không thể nào bù đắp của Đại Liêu chúng ta. Chi bằng chúng ta rút quân, còn núi xanh sợ gì không có củi đốt".

Hàn Xương do dự một lúc, thấy rằng khó có thể chiến thắng, đành ra lệnh cho toàn quân rút lui. Dương Diên Chiêu thấy quân Liêu đã rút, cũng không truy kích nữa. Quân Tống đã thành công đánh bại đội quân kỵ binh thiết giáp hùng mạnh một cách trực diện. Trận chiến này kết thúc với chiến thắng vang dội.

Sau chiến tranh, Dương Diên Chiêu tấu lên triều đình, dựa theo công lao để ban thưởng cho các tướng sĩ và trả lại trâu cho người dân. Trận địa này cũng trở thành một bức bình phong kiên cố bảo vệ Tân Ích quan.

Sau này, hai nước Tống - Liêu bước vào thời kỳ đình chiến, nơi đây dần có người dân di cư đến sinh sống, trở thành thôn xóm. Để ghi nhớ câu chuyện lịch sử Dương Diên Chiêu dùng trận Hỏa ngưu để đánh bại quân địch năm xưa, người dân địa phương đã đặt tên cho nơi đây là "Trấn Ngưu đầu" (sau đổi tên thành Trấn Ngưu Đà), và đổi tên con sông nhỏ ở phía bắc thị trấn thành "Sông Ngưu Hà".

Ngưỡng Nhạc - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo:

  • "Dương Lục Lang uy chấn Tam quan khẩu" - Nhà xuất bản nhân dân Hà Bắc xuất bản năm 1984, Triệu Phúc cùng Lý Cự Phát sưu tầm
  • "Dương gia tướng ngoại truyện"- Nhà xuất bản Nhi đồng Hà Bắc xuất bản năm 1986, Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Dương Diên Chiêu dùng trận Hỏa ngưu đánh bại Hàn Xương