Vì sao người nước ngoài rời bỏ Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người nước ngoài ở Thượng Hải nay đã đi đâu?

Nhắc đến Thượng Hải, là nhắc đến sự sôi động và hoa lệ, vì mấy lý do: nó rất lớn và đông dân; nó là trung tâm tài chính quốc tế; nó có nền kinh tế mạnh nhất nước; nó nằm ở miền duyên hải phía đông vốn vẫn là nơi phồn hoa đô hội; và nó cũng là nơi có nhiều người nước ngoài nhất ở Trung Quốc. Thượng Hải từng được ví như “kinh đô” của kiều dân, từng nằm trong danh sách điểm đến phổ biến nhất dành cho khách nước ngoài trên thế giới.

Nhưng đó đã là chuyện quá khứ. Hiện nay, Thượng Hải có thể coi như điển hình cho một hiện tượng đang diễn ra: người nước ngoài đang rời bỏ Trung Quốc. Một chủ quán rượu trong thành phố này tên là Graeme Allen nói rằng: "Khi đến nhà hàng và trung tâm thương mại vào cuối tuần, tôi thường là người da trắng duy nhất".

Đã từng có lúc, sinh viên nước ngoài đổ xô đến các trường đại học Trung Quốc để học tiếng Quan Thoại, ôm mộng dựng nghiệp ở nơi đây bằng cách trở thành cầu nối cho các tập đoàn đa quốc gia đầy tham vọng. Nhưng các công ty ngoại quốc đang rời bỏ Trung Quốc, và người ngoại quốc cũng thế. Họ đi đâu? Có thể xuống Đông Nam Á, hoặc Ấn Độ, hay thậm chí Trung Đông nóng bỏng v.v. đi đâu cũng còn hơn ở lại.

Năm 2023, Trung Quốc cấp 711.000 thị thực cư trú cho người nước ngoài, giảm 15% so với năm 2019. Trong khi đó, số lượng khách quốc tế lưu trú ngắn hạn, bao gồm người đi công tác, thậm chí giảm gần 70%...

Tình huống đáng báo động đến mức khiến chính quyền Trung Quốc liên tiếp có một số động thái mang tính vãn hồi, chẳng hạn như giảm phí và đơn giản hóa thủ tục xin thị thực đối với doanh nhân và khách du lịch nước ngoài. Họ cũng tăng ưu đãi về thuế cho người nước ngoài sinh sống tại đây.

Hồi đầu tháng 3, thủ tướng Lý Cường còn cam kết sẽ có những động thái tiếp theo để xây dựng lại thương hiệu "Trung Quốc - điểm đến đầu tư" tại kỳ họp thường niên của quốc hội nước này.

Vào cuối tháng 3/2024, Trung Nam Hải đã liên tiếp tổ chức 3 hội nghị quốc tế lớn: Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, và trải thảm đỏ ở Bắc Kinh đón các CEO công ty nước ngoài. Lãnh đạo ĐCSTQ là ông Tập Cận Bình ngay sau Diễn đàn Phát triển Trung Quốc đã gặp 15 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, cố gắng trấn an họ rằng nền kinh tế Trung Quốc “khỏe mạnh và bền vững”, thị trường Trung Quốc vẫn quan trọng đối với các công ty nước ngoài… song chưa khiến cho ngoại giới động lòng để có “con tim đã vui trở lại”.

Vì sao ngày nay, người nước ngoài chỉ muốn rời bỏ Trung Quốc? Và liệu Trung Quốc có thể đảo ngược tình huống này không? Có thể góc nhìn sau đây sẽ phần nào mang lại chút khám phá mới mẻ về vấn đề này.

Ai giữ được tiền và ai giữ được mạng?

Người nước ngoài đến Trung Quốc vì nhiều lý do, nhưng phổ biến nhất là tìm kiếm cơ hội làm ăn. Cổ nhân có câu “Chim chết vì mồi, người chết vì tiền”, tâm lý ấy không khó lý giải, âu đó cũng là sự thường tình xưa nay. Kể từ khi lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình mở cửa kinh tế Trung Quốc, vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt chảy vào, sản xuất và giao thương bùng nổ, nhiều người Trung Quốc đã giàu lên và doanh gia ngoại quốc cũng kiếm bộn tiền. Lúc này, Trung Quốc đang tỏ ra là một thị trường cực kỳ béo bở cho ngoại giới. Lợi nhuận thỏa thuê khiến đôi bên đều hả hê, cả doanh gia ngoại giới và chính quyền Trung Nam Hải.

Song ngày nay, tình huống ấy biến mất, những lợi thế đầu tư ở Trung Quốc biến mất vì hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, chuỗi cung ứng giá rẻ - lợi thế từng có của Trung Quốc - nay không còn nữa; Thứ hai, thị trường tiêu thụ nội địa rất yếu. Cũng phải thôi vì doanh nghiệp tư nhân phá sản, người lao động thất nghiệp, những ai còn chút tiền phải khư khư giữ lấy để phòng thân trong một tương lai quá nhiều bất trắc, chẳng mấy ai dám tiêu xài như xưa. Ngành bất động sản hấp hối, chính phủ cũng không dám chi tiêu hay đầu tư gì cả… nên thị trường tiêu thụ Trung Quốc không còn hấp dẫn.

Đó là chưa nói đến bất ổn chính trị, những xung đột xã hội gay gắt chỉ chờ cơ hội bùng phát, rồi chiến tranh với ngoại giới cận kề… tình thế này, khiến chẳng mấy ai dám mạo hiểm xuống tiền đầu tư, vì có thể mất cả chì lẫn chài. An ninh tài chính không được đảm bảo, nói nôm na là nỗi lo ngại bị mất tiền, sẽ dẫn đến suy giảm đầu tư.

Song mất tiền vẫn còn chưa đáng ngại bằng mất sức khỏe, tự do, và tính mạng.

Sau 3 năm dịch COVID hoành hành, rất nhiều người nước ngoài đã xách vali rời Trung Quốc. Nguy cơ nhiễm dịch mất mạng; mối đe dọa bị tước đoạt tự do và nhân quyền trong lệnh phong tỏa; và sự thù địch tăng lên với người nước ngoài khiến ngoại giới ngày càng e ngại việc ở lại đất nước này.

Một giám đốc người Mỹ cho biết, vào giữa năm 2023, một nhóm cảnh sát Trung Quốc đến nhà ông ở Bắc Kinh, yêu cầu kiểm tra hộ chiếu và giấy tờ chứng minh nơi làm việc của ông, trong khi một người ghi lại toàn bộ quá trình bằng điện thoại. Họ không đưa ra lý do nào cho cuộc kiểm tra, và điều này khiến ông cảm thấy lo lắng. Một chi nhánh Bắc Kinh của công ty thẩm định Mintz Group, trụ sở ở New York đã bị cáo buộc tiến hành "các cuộc điều tra thống kê liên quan đến yếu tố nước ngoài khi chưa được chấp thuận”. Văn phòng của họ bị khám xét và nhân viên của họ từng bị chính quyền Trung Quốc bắt vào năm 2023. Trung Nam Hải ngày càng siết chặt xã hội bằng luật pháp hà khắc.

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc chưa bao giờ bất trắc đến thế
Văn phòng đóng cửa của Tập đoàn Mintz trong một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/03/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Vào ngày 19/3/2024, 27 năm sau khi chủ quyền của Hong Kong được trao cho Bắc Kinh, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã nhất trí thông qua "Dự luật Bảo vệ An ninh Quốc gia" (thường được gọi là Dự luật Lập pháp Điều 23 trong "Luật Cơ bản") và cho hay, các điều lệ trong đó sẽ cùng với Luật An ninh Quốc gia Hong Kong trở thành luật lệ của chính quyền Hong Kong để xử lý tội phạm an ninh quốc gia.

Ông Ho-fung Hung, Giáo sư xã hội học tại Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, cho rằng khi các vấn đề kinh tế và xã hội cũng được coi là bí mật nhà nước, “điều đó có nghĩa là nó có thể bao gồm bất cứ thứ gì”.

Luật pháp càng mơ hồ thì càng nguy hại.

Giáo sư Ho nói tiếp: “Bởi vì các điều khoản này rất hà khắc và không được định nghĩa rõ ràng, ngay cả những doanh nhân không liên quan gì đến chính trị cũng có thể gặp rắc rối và đối mặt với nguy cơ bị lục soát văn phòng, các cá nhân sẽ bị tạm giam, bị bắt giữ hoặc bị cấm rời xuất cảnh, như rất nhiều trường hợp ở Trung Quốc đại lục”.

Sự việc càng khiến ngoại giới lo ngại và phương Tây thì ngày càng cảnh giác Trung Quốc.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản là ông Rahm Emanuel gần đây đã nhận một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông cá nhân China Talk để thảo luận về chủ đề lãnh đạo ĐCSTQ đàn áp doanh nghiệp. Ông nói: “Trung Quốc có văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ, còn ông ấy (ám chỉ Tập Cận Bình) đã bóp nát tinh thần khởi nghiệp đó. Trong quá trình đè bẹp tinh thần khởi nghiệp và thực hiện các chiến lược của Tập Cận Bình, ông ấy đã phá nát niềm tin của cộng đồng quốc tế vào Trung Quốc”. Vị đại sứ còn cho biết thêm rằng, vào 10 năm trước, các công ty nước ngoài nếu muốn gửi nhân viên đến Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, hoặc chuyển văn phòng đến Trung Quốc… thì không có trở ngại gì. Nhưng giờ đây thì khác rồi.

Ông bình luận: “Muốn gia đình của một ai đó chuyển đến sống tại một thành phố mà họ có thể bị bắt hoặc hứng chịu phong tỏa bất cứ lúc nào, điều đó là không thể; vì vậy họ (ĐCSTQ) đã đánh mất niềm tin của cộng đồng quốc tế”.

Hỏi có khác gì khi anh mời khách đến nhà, thay vì tươi cười niềm nở, thân thiện dễ mến, đường đường chính chính… anh lại đưa ra một bộ mặt đằng đằng sát khí, với dùi cui và còng số 8 trên tay, trong khi luôn miệng trấn an khách rằng: “anh hãy vào nhà chơi đi, nhà này hiếu khách, an toàn và luôn sẵn quà cho anh v.v.” thì ai mà tin được.

Nhà thông thái Hy Lạp là Aesop có câu chuyện ngụ ngôn “Sư tử và cáo”, câu chuyện như sau: “Vì già lão, sư tử không đi săn được bèn nghĩ cách sống bằng mưu mẹo: nó vào trong hang, nằm lăn ra và giả vờ ốm. Các con thú kéo đến thăm sư tử, thế là sư tử chén thịt những con nào vào hang nó. Cáo hiểu rõ sự tình, đứng bên cửa hang mà lên tiếng: ‘Sức khỏe của ngài ra sao, kính thưa ngài sư tử?’

Sư tử trả lời: ‘Tồi lắm. Mà sao cô không vào hang thế nhỉ?’

Cáo bèn đáp: ‘Tôi không vào là bởi vì theo các dấu vết chân, tôi thấy rõ là vào rất nhiều mà ra thì không”.

ĐCSTQ đã mấy lần thoát hiểm trong lịch sử, liệu có thêm lần nữa?

Sự thất bại trong điều hành kinh tế có thể khiến ĐCSTQ mất đi tính chính danh, là cái mà trên thực tế họ không có được thông qua bầu cử dân chủ hợp hiến, và dẫn tới nỗi sợ sụp đổ của họ. Trong lịch sử, đã vài lần ĐCSTQ đối diện với nguy cơ này.

Năm 1957, sau khi chính sách tập trung hóa nông nghiệp thất bại và nạn đói lan rộng, Mao Trạch Đông - chủ tịch Đảng, muốn giảm bớt căng thẳng trong nội bộ Đảng và toàn xã hội, đã khuyến khích tự do ngôn luận, với danh nghĩa là để mọi người có thể tự do phê bình ĐCSTQ. Kết quả là khoảng nửa triệu người lên tiếng đã bị bắt với tội danh “cánh hữu, phản cách mạng”.

Khi các tiếng nói phản đối vì thế câm bặt, năm 1958 Mao tiếp tục thực hiện kế hoạch “Đại nhảy vọt”, khiến xảy ra nạn đói lớn làm chết khoảng 20 đến 46 triệu người trong thời gian từ 1958 đến 1962.

Cuộc vận động thất bại này khiến uy tín của Mao xuống thấp, cảm nhận sự tồn vong cận kề, Mao khởi xướng và lãnh đạo cuộc Đại Cách mạng Văn Hóa từ từ tháng 5 năm 1966 tới tháng 10 năm 1976. Rốt cuộc, hậu quả khủng khiếp của nó còn khiến địa vị của ĐCSTQ lung lay hơn nữa. Lần này, thì ĐCSTQ khủng hoảng thật sự, nếu không cứu vãn, sẽ sụp đổ.

Năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã “hồi sức cấp cứu” cho ĐCSTQ bằng cải cách kinh tế, nới lỏng về quyền tự do làm giàu và lấy đó làm cơ sở chính danh của ĐCSTQ. Từ đó đến nay, đã hơn 40 năm, ĐCSTQ lại lâm vào bế tắc, ông Tập Cận Bình loay hoay tìm cách cứu ĐCSTQ một lần nữa để đôi bên cùng nhau nương tựa, hy vọng được muôn năm trường trị ở Thần Châu đại địa. Nhưng khác xa với thời điểm Đặng mở cửa Trung Quốc, ngày nay ngoại giới đã không còn lạ lẫm về bản chất của ĐCSTQ nữa.

Học giả Nghiêm Thuần Câu viết: “Sau 40 năm cải cách, các doanh nhân nước ngoài giờ đây đã nhìn thấu bản chất của ĐCSTQ: Khi cần bạn thì họ gọi bạn là bố, khi không cần thì họ cho bạn nằm dưới gót giày; hôm nay có thể dùng một ít lợi nhuận để dụ bạn, ngày mai bạn có thể bị “quốc hữu hóa” vì nhiều lý do. Tóm lại đối với ĐCSTQ, cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh cũng là của tôi, ĐCSTQ có thể điềm nhiên lấy đi tài sản riêng của người khác mà không cần có lý do. Nếu không có bảo vệ pháp lý của nền kinh tế thị trường thì doanh nhân nước ngoài không thể có cảm giác an toàn, đã như vậy thì hà tất phải tự chui vào cái bẫy?”

Trên tờ Capitol Hill, chuyên gia tư vấn kinh tế Nicholas Sargen tại Fort Washington Investment viết: “Hơn nữa, Bắc Kinh hiện không có ý định làm như vậy vì họ đặt các ưu tiên chính trị lên trên các mục tiêu kinh tế. Trong tình trạng này, những nỗ lực của chính quyền nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức”.

Nỗi sợ của ông Tập Cận Bình phát tán như một bệnh dịch

Ngoại giới đã nhận thức rõ ràng rằng, Bắc Kinh đặt các ưu tiên chính trị lên trên các mục tiêu kinh tế, sự tồn vong của ĐCSTQ được đặt lên mức ưu tiên cao nhất. Còn Chủ tịch Đảng Tập Cận Bình thì đặt an ninh cá nhân mình lên trên hết thảy, vì nỗi sợ hãi đối với các dự ngôn xa xưa.

Dự ngôn Thiết Bản Đồ có nói về con chim lông trắng và tay cung thủ phản loạn. Trong đó con chim lông trắng chết rơi hẻm núi, và tay cung thủ giấu mình nơi cung đình để làm phản. Con chim lông trắng tức “bạch vũ điểu”, theo chiết tự ám chỉ ông Tập. Còn tay cung thủ phản loạn nhắm vào “Bạch đầu ông” chính là Tập Công, cũng là ông Tập. Dự ngôn Thôi Bối đồ cũng nói về “Bạch đầu ông” và sự liên quan đến cuộc đảo chính ở cung đình. Dự ngôn “Gia Cát Võ Hầu kê văn” cũng nói về việc “kẻ đầu bạc biến thành người đầu đỏ” trong cuộc chính biến hoàng cung.

Hết thảy những dự ngôn này khiến ông Tập cực kỳ lo sợ, là cơ sở cho những quyết định thanh trừng chính trị nội bộ gần đây của ông nhắm đến những tướng lĩnh bên quân đội, an ninh… đặc biệt là những ai có liên quan đến hình ảnh cung thủ, như những quân nhân ở lực lượng tên lửa, hay những người lớn tuổi đầu bạc, hoặc người mà trong tên họ mang theo bộ cung v.v. Thậm chí, để tránh điềm xấu, ông còn đảo lộn cả lịch nghỉ Tết nguyên đán năm Giáp Thìn, vì không muốn dân gian nhắc đến lễ “Trừ tịch”, vốn đồng âm với “trừ Tập”. Với sự đa nghi vô đối, ông Tập Cận Bình đã biến mình thành một Sùng Trinh đế thứ 2, là nhân vật mà ông sợ bị so sánh nhất trên đời, bởi vì đó là ông vua vong mệnh, hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Minh.

Trong một quốc gia mà quyền lực của nhà lãnh đạo cao nhất càng tập trung, càng tuyệt đối, thì ảnh hưởng cá nhân của ông ta càng lớn. Một ông vua độc tài vui thì cả nước được vui, ông giận thì cả nước phải sợ, ông đa nghi thì cả nước phải giật mình thon thót. Và như thế, những nỗi căng thẳng, sợ hãi cũng từ ông Tập phát tán đi khắp bộ máy chính trị của Trung Quốc, ngấm xuống toàn xã hội, lây lan cả cho những kiều dân ở Trung Quốc, những người vốn xưa nay chưa từng phải chịu chung nỗi đau khổ của con dân Hoa Hạ. Hãy nhìn lại Gala tiệc lễ hội mùa xuân mới đây của CCP, chỉ trừ ông Tập cố rặn một nụ cười, còn lại đều là những khuôn mặt quan chức cứng đơ, căng thẳng, sợ hãi. Quả thực, nỗi sợ tồn vong của ông Tập đã phát tán như một thứ bệnh dịch trên toàn đất nước.

Khi sợ thì phải chạy, có câu “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. Dĩ nhiên, người nước ngoài chạy còn dễ dàng hơn người Trung Quốc.

Muốn vạn quốc lai triều, phải học tập tinh thần của văn hóa truyền thống

Nhắc đến kinh đô của kiều dân thì không một đô thị nào có thể sánh được với kinh thành Trường An của Đại Đường. Từ những năm “Trinh Quán chi trị” đến “Khai Nguyên thịnh thế” đây thực sự là thành phố đa quốc gia to lớn nhất thế giới. Ở châu Âu, mãi đến thế kỷ thứ 11, quy mô của các thành phố lớn nhất như London, Paris, Venice và Florence v.v. là không quá một vạn người, thì Trường An từ hơn nghìn năm trước đã có dân số 2 triệu người. Trường An không chỉ đông đúc mà còn phong phú các sắc tộc như Ba Tư, Trung Á, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Tây Tạng, Ấn Độ, cũng như tín đồ của nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Cảnh giáo, Hỏa giáo v.v.

Thượng Hải hiện đại đã từng thu hút kiều dân đến Trung Quốc, chủ yếu để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Nhưng Trường An khi xưa giống như nơi bốn phương tụ hội, vạn quốc triều lai để học tập văn minh. Chẳng hạn không chỉ láng giềng Cao Ly, Tân La, Cao Xương, Thổ Phồn, Việt Nam, Nhật Bản mà còn có các nước phương xa tận Trung Á cũng theo con đường tơ lụa đến Trường An để triều bái học hỏi. Chỉ riêng Nhật Bản đã hơn 10 lần phái sứ đoàn đến nhà Đường để tiếp thu kiến trúc của Trường An, học hỏi văn hóa và chế độ lễ nghĩa của triều Đường, sau khi quay về đã kết hợp chúng với phong tục tập quán của dân tộc Nhật Bản, mà từ đó phát triển thành điều mà chúng ta hiện nay vẫn gọi là văn hóa, lễ nghi Nhật Bản.

Lúc này sở dĩ văn hóa Trung Hoa xán lạn, quốc lực cường thịnh, dùng uy đức mà vỗ về bốn phương khiến lân bang khâm phục kính nể… thì không thể không nhắc đến vai trò của triều đình nhà Đường và những quân chủ anh minh, tỉ dụ như Đường Thái Tông, mà điểm quan trọng nhất là sự khoan dung với mọi dân tộc. Thái độ cơ bản của Đường Thái Tông đối với các dân tộc là “thuần phục thì bảo hộ họ, phản đối thì thảo phạt”, phản đối có nghĩa là xâm phạm nội địa hoặc đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nhà Đường thì mới dùng vũ lực để giải quyết. Như vậy là thưởng phạt phân minh, ân uy gồm đủ.

Nhà Đường còn áp dụng chính sách đạt hiệu quả nhất là kết thân gần gũi, nhờ vậy những mối họa ngoại xâm của Trung nguyên trước đây nay đều đã trở thành “thông gia” của nhà Đường, điều này không chỉ ổn định mối quan hệ với các dân tộc, mà còn truyền bá tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật cho đến những kỹ thuật sản xuất Thần truyền của Trung Nguyên đến các khu vực này.

Tấm lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng của Đường Thái Tông đã cảm hóa được các dân tộc xung quanh, khiến cho vạn bang triều kiến, văn hóa Đại Đường truyền rộng khắp bốn biển, các dân tộc hiếu chiến phía Tây và phía Bắc cũng được cảm hóa, nhất loạt tôn xưng Đường Thái Tông là “Thiên Khả Hãn”.

Người Trung Hoa có câu: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, ý nói rằng biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì nó không cự tuyệt bất luận một hòn đá nhỏ nào. Nhà Đường của Đường Thái Tông là điển hình của tinh thần này.

Phong độ khí khái của các vương triều hoàng kim và các quân chủ anh minh trong lịch sử vượt xa khí lượng nhỏ nhen, tâm thái bất chính mà ĐCSTQ và lãnh đạo của nó đang thể hiện. Một khi trong não trạng không có gì cao thượng hơn suy nghĩ “ngươi phải chết để ta được sống, ngươi chịu thiệt để ta hưởng lợi” mà lại muốn vạn quốc lai triều, chẳng phải còn khó hơn lên trời?

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao người nước ngoài rời bỏ Trung Quốc?