“Hoàng phi giấu mặt” của Mao Trạch Đông, uy quyền trên cả Giang Thanh, nắm trong tay bí mật Hồng triều (2/2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cô gái trẻ ở bên cạnh Mao Trạch Đông những năm cuối đời, dù chỉ là hoàng phi giấu mặt nhưng lại nắm trong tay bí mật của hồng triều. Cô gái đó là ai? Và câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào?

Lá bài chính trị

Năm 1957 tại hội nghị Moskva, Mao đã quả quyết rằng trong vòng 15 năm Liên Xô sẽ bỏ xa Mỹ trong lĩnh vực luyện kim và các ngành công nghiệp, còn Trung Quốc sẽ qua mặt nước Anh. Mao coi ngành luyện kim là chủ đạo, tin rằng Trung Quốc muốn phát triển kinh tế thì cần phải gia tăng sản lượng sắt thép. Trong đầu Mao lúc đó đã bắt đầu thai nghén một chiến lược táo bạo: “Đại nhảy vọt” – chiến dịch kinh tế bất hạnh nhất và ảo tưởng nhất trong lịch sử. Sau này, trong hồi ký của mình, Khrushchev cũng nhắc lại sự kiện này, và ví Mao như ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung.

Tuy nhiên, không một ai có thể ngăn cản được chính sách "Đại nhảy vọt". Mao trực tiếp ra chỉ thị: phải gia tăng chỉ tiêu luyện sắt, mỗi gia đình đều phải mở lò luyện sắt, đồng thời còn phải gia tăng sản lượng lương thực. Chính sách hoang đường và nực cười ấy dù không một quan chức nào trong đảng dám phản đối, nhưng toàn bộ nhân dân Trung Quốc đều gặp tai ương.

Vì để luyện sắt, người ta đã chặt cây phá rừng, thậm chí khi khan hiếm nhiên liệu họ lại phải tận dụng cả gỗ giường, gỗ bàn, gỗ tủ để làm củi đốt. Nhưng những thứ luyện ra chỉ là đống phế thải mà thôi!

Bác sĩ Lý Chí Tuy kể rằng:

“Lò luyện kim này biến những dụng cụ gia đình thành sắt vụn, nấu chảy những con dao, rồi làm thành những thanh thép. Sau đó những thỏi thép này lại được rèn thành dao. Tôi chẳng biết những thanh thép đó có đạt chất lượng cao hay không, nhưng tôi thấy thật khôi hài khi người ta nấu thép để sản xuất ra thép, nấu chảy dao để rèn thành dao. Khắp nơi ở An Huy đều có những lò luyện kim gia đình, và tất cả những lò này đều sản xuất ra những thỏi thép chẳng theo một tiêu chuẩn nào”. [1]

Chuyên gia: Các địa phương Trung Quốc phóng đại tăng trưởng GDP giống thời kỳ Đại nhảy vọt
Cảnh xây dựng lò luyện thép thô sơ trong thời kỳ "Đại nhảy vọt" (Ảnh: Jacquet-Francillon/AFP/Getty Images)

Khi nam giới bị rút khỏi đồng áng để làm việc trong những lò luyện kim, thì mọi hoạt động cày cấy cũng như thu hoạch đều dồn cả lên vai phụ nữ và trẻ nhỏ. Vậy mà đảng vẫn ra chỉ thị phải tăng sản lượng hoa màu! Hậu quả là người ta phải ngụy tạo số liệu để làm vừa lòng lãnh đạo, ai cũng lừa dối người khác và lừa dối chính mình. Lý Chí Tuy viết:

“...tất cả những thứ chúng tôi nhìn thấy qua cửa sổ (cảnh vụ mùa bội thu) đều là dàn dựng cả – một vở tuồng Trung Quốc vĩ đại có nhiều hồi được trình diễn trên khắp đất nước, và chỉ dành riêng cho Mao (...) Cả Trung Quốc là một sân khấu và toàn dân cùng trình diễn một vở kịch cho Mao chủ tịch xem”. [1]

“Có lẽ những chuyên gia về tâm lý quần chúng mới có thể giải thích được những gì đã xảy ra ở Trung Quốc vào cuối mùa hè năm 1958. Căn bệnh điên loạn tập thể đang ngự trị cả nước. Cả Mao, tác giả của chiến dịch cũng trở thành nạn nhân của căn bệnh này”. [1]

Và hậu quả là thảm họa nhãn tiền: nông nghiệp giảm sản lượng, nông dân thiếu lương thực, thành thị cũng không đủ nguồn cung ứng.

Đến năm 1959 nạn đói khủng khiếp lan ra toàn quốc. Trong Hội nghị Lư Sơn 1959, Bành Đức Hoài đã gửi tâm thư, chỉ ra những sai lầm của chính sách hoang đường “Đại nhảy vọt”. Lá thư khiến Mao giận dữ vì có người dám thẳng thắn phê bình ông.

Mao hoàn toàn không cho rằng chính sách của mình sai, điều ông quan tâm là có bao nhiêu người như Bành Đức Hoài đang ngấm ngầm phản đối sau lưng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Mao phát động các phong trào chính trị sau này, và cuối cùng là Đại Cách mạng Văn hóa vào năm 1966. Ông muốn tìm ra những người đã, đang và sắp chống lại mình.

Nhân vật đầu tiên bị thanh trừng là Lưu Thiếu Kỳ. Trong Đại hội Toàn quốc lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 năm 1968, Lưu Thiếu Kỳ bị kết tội là kẻ phản loạn, là phần tử phản đảng, "công khai chống lại chủ nghĩa Mao".

Chỉ khi đánh đổ được kẻ thù chính trị số một, Mao Trạch Đông mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Đến tháng 5/1969, Mao lại cho khôi phục chương trình tuần du bằng tàu hỏa, và lại đặt tâm tư vào những thiếu nữ non tơ. Lúc này trên tàu liên tục xuất hiện các mỹ nữ trẻ trung phơi phới. Đoàn tàu của chủ tịch lăn bánh suốt chặng đường, đến Vũ Hán, Nam Xương, Hàng Châu, tới đâu các quan chức địa phương cũng dâng lên cho lãnh tụ đủ mọi giai nhân mỹ nữ.

Trong số đó có hai cô nương do đoàn văn công tỉnh Chiết Giang tiến cống, là những tú nữ xinh đẹp tuyệt trần. Tất nhiên, chủ tịch vô cùng khoái chí và đưa họ theo về Trung Nam Hải. Một trong hai cô gái ấy mang họ Lưu. Lưu cô nương vừa mới chân ướt chân ráo đến Trung Nam Hải, lần đầu tiên trong đời được biết thế nào là cao lương mỹ vị, hải vị sơn hào, lầu vàng gác tía đầy đủ tiện nghi, mọi thứ đều vượt ngoài sức mong đợi. Lưu cô nương sung sướng đến mức nằm mơ cũng bật cười. Cô liền tiến cử với chủ tịch hai người em gái, một từ Ôn Châu, và một từ Thiệu Hưng, cả hai cùng vào cung phục vụ lãnh tụ vĩ đại.

Trong thời gian ở bên chủ tịch, Lưu cô nương cứ ngỡ rằng từ nay sẽ được sống những tháng ngày tươi đẹp, được ăn sung mặc sướng, nằm ngủ trong chăn ấm nệm êm. Nhưng cô nào đâu ngờ đằng sau cánh cổng vàng son là cạm bẫy, đã dấn thân vào chốn giang hồ sao có thể tránh khỏi bị dao đâm? Cô Lưu không hề biết rằng bản thân đã vô tình trở thành nạn nhân của cuộc chiến trên chính trường.

Lưu Thiếu Kỳ vừa rớt đài, Mao Trạch Đông liền chĩa nòng súng vào một nhân vật mà ngày ngày vẫn tỏ ra trung thành với ông, từng chỉ huy toàn dân hô vang “vạn tuế, vạn tuế”. Đúng vậy, đó chính là người kế nhiệm do đích thân Mao chỉ định, được mệnh danh là Phó Thống soái – Lâm Bưu.

Vì sao Mao lại muốn hạ thủ đối với các chiến hữu thân thiết của mình? Mao Trạch Đông nói: Người tốt trong hàng ngũ đảng đã chết hết cả rồi, những kẻ còn lại chỉ là phương giá áo túi cơm. Họ là những kẻ bề mặt làm ra vẻ ngu ngơ không có ý kiến gì, nhưng sau lưng lại ngấm ngầm phản đối, chỉ trích Mao.

Vậy vì sao sự việc Lâm Bưu lại liên quan đến chị em cô Lưu? Vì cô Lưu đến từ tỉnh Chiết Giang, vốn là địa bàn của Lâm Bưu. Lưu cô nương vì thịnh tình “có phúc cùng hưởng” nên mới tiến cử các chị em thân thiết, nhưng không ngờ điều ấy lại động chạm đến tính đa nghi của Mao Trạch Đông: Các ngươi có ý gì? Muốn cài mỹ nhân kế để theo dõi ta sao? Vậy là sau thời gian vui vẻ ngắn ngủi, chủ tịch bắt đầu quay lưng nghi ngờ ba chị em cô Lưu là nội gián do Lâm Bưu cài vào.

Kết quả là cả ba cô gái đều bị đưa ra khỏi Trung Nam Hải. Họ bị đưa đến đâu? Chúng ta không thể biết, chỉ biết rằng từ nay cô Lưu không chỉ mất đi những ngày tháng tươi đẹp, mà hơn nữa còn khiến hai em gái chịu họa lây.

Hoàng phi giấu mặt

Mặc dù xung quanh Mao không thiếu mỹ nữ trẻ đẹp, nhưng Trương Ngọc Phượng lại kề cận ông lâu hơn bất cứ cô gái nào khác, và bằng cách nào đó cô luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt của lãnh tụ.

Trương Ngọc Phượng, với tư cách thư ký riêng, tháp tùng Mao Trạch Đông trong buổi tiếp đón Tổng thống Nixon (Ảnh: Wikipedia)

Theo thời gian trôi qua, Mao Trạch Đông cũng ngày một già đi trông thấy, ông bắt đầu cần đến một người chăm lo tỉ mỉ cho cuộc sống của mình. Năm 1970, Trương Ngọc Phượng chính thức chuyển đến Trung Nam Hải, bắt đầu nhiệm vụ chăm sóc chủ tịch, trở thành thư ký riêng kiêm thư ký cuộc đời Mao.

Nhưng lúc ấy Trương Ngọc Phượng không phải là người được sủng ái đặc biệt, mà vẫn còn hai vị cô nương khác cũng có vai trò quan trọng không kém. Hai cô gái ấy đều đến từ Bộ Ngoại giao, một người tên là Vương Hải Dung, người còn lại là Đường Văn Sinh. Đường Văn Sinh công tác trong hoạt động đối ngoại, là người phiên dịch thân thiết của Mao Trạch Đông.

Cô Vương và cô Đường cứ hai ngày một lần lại đến Trung Nam Hải. Tất cả các hoạt động đón tiếp khách nước ngoài của chủ tịch đều phải qua tay hai cô gái này. Ngay cả hoạt động đối ngoại của Chu Ân Lai cũng phải thông qua Vương và Đường báo cáo lên Mao Trạch Đông, sau đó hai cô gái lại quay về truyền đạt thánh chỉ cho Chu Ân Lai. Lúc này Mao đã không còn tín nhiệm bất cứ chiến hữu thân thiết nào nữa, ông chỉ tin những mỹ nữ trẻ măng do mình lựa chọn.

Các cô gái trẻ đều tuyệt đối sùng bái Mao, họ có thể ra vào phòng ngủ và thân mật với chủ tịch bất cứ khi nào được yêu cầu. Vì thế trong mắt Mao, so với những chiến hữu từng kề vai sát cánh, thì những thiếu nữ ấy còn đáng tin hơn nhiều. Cũng nhờ đó, các cô gái bằng tốc độ hỏa tiễn thăng lên những vị trí trọng yếu: Vương Hải Dung làm trưởng Phòng Lễ tân Bộ Ngoại giao, còn Đường Văn Sinh làm phó trưởng Phòng châu Mỹ và châu Đại Dương.

Kỳ thực, Vương Hải Dung có quan hệ họ hàng xa với chủ tịch, cô là cháu họ của Mao. Sau Cách mạng Văn hóa, Vương may mắn được thăng chức làm Phó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Hai cô gái cũng được duyệt vào Ban chấp hành Trung ương khóa X và XI với thân phận ủy viên dự khuyết. Sở dĩ Vương và Đường nắm được các chức vị trọng yếu là dựa vào Chu Ân Lai. Chu biết rằng muốn vừa lòng Mao thì không gì hơn là hãy trọng dụng các cô gái từng có quan hệ thân mật với ngài.

Nhưng bất luận Mao có bao nhiêu người tình đi nữa, thì vị trí của Trương Ngọc Phượng vẫn là độc nhất vô nhị, không ai thay thế được. Bởi vì chỉ có cô mới hiểu rõ thói quen sinh hoạt của Mao, chỉ có cô mới biết cách làm hài lòng Mao. Hễ rời khỏi Trương Ngọc Phượng, thì mọi hoạt động sinh hoạt và nghỉ ngơi của lãnh tụ đều trở nên hỗn loạn.

Kể từ năm 1974, cuộc sống của Mao Trạch Đông hoàn toàn dựa vào Trương Ngọc Phượng. Sức khỏe của ông giảm sút, giọng nói thều thào, một nửa người bị liệt do đột quỵ. Mao Trạch Đông nói năng khó khăn, thêm vào đó khẩu âm Hồ Nam khiến người khác không thể hiểu được, duy chỉ có Trương Ngọc Phượng mới nghe và hiểu được ý ông. Do đó Mao cần có Trương Ngọc Phượng truyền đạt lại 'thánh chỉ' cho thuộc cấp của mình.

Lúc này Trương Ngọc Phượng vừa là thư ký riêng, lại vừa là bảo mẫu chăm sóc Mao. Trên thực tế, cô đã trở thành nhân vật đứng đầu hậu cung, là “hoàng phi giấu mặt” không có danh phận chính thức.

Mao gần như dành tất cả thời gian ở bên Trương Ngọc Phượng. Trong những ngày ông đổ bệnh, Trương “đã trở thành cái bóng của ông”. Quyền lực của Trương Ngọc Phượng ngày càng lớn là nhờ vào năng khiếu đặt biệt của cô, bởi chỉ riêng cô mới hiểu được giọng nói về già rất khó nghe của Mao. Tất cả những ai muốn nghe được chỉ thị của chủ tịch thì đều phải thông qua Trương Ngọc Phượng làm trung gian phiên dịch. Dần dà, Trương Ngọc Phượng bắt đầu kiểm soát tất cả, ngay cả việc ai có thể đến thăm chủ tịch cũng đều cần cô phê chuẩn. Thậm chí Giang Thanh, phu nhân của chủ tịch, cũng phải có sự đồng ý của Trương Ngọc Phượng mới có thể vào gặp chồng mình.

Lý Chí Tuy kể rằng, vào một ngày tháng 6 năm 1976, Hoa Quốc Phong đến xin gặp Mao, nhưng vì Trương Ngọc Phượng đang nghỉ trưa nên ông không dám đánh thức cô. Hoa Quốc Phong chờ bên ngoài suốt hai tiếng đồng hồ, nhưng Trương vẫn chưa dậy. Kết quả là vị Thủ tướng Quốc vụ viện, vị tư lệnh chỉ đứng sau chủ tịch cuối cùng đành phải tay không ra về.

Sự gần gũi với chủ tịch trong những cuối đời ông đã đem lại cho Trương Ngọc Phượng quyền lực lớn hơn bất cứ ai. Phu nhân Giang Thanh biết mình lép vế, đành phải chịu nhún nhường. Vì để lấy lòng Trương, phu nhân chủ tịch phải biếu cô những món quà giá trị – khi là đồng hồ, lúc là bộ quần áo sang trọng kiểu tây, hoặc đôi lúc và vải vóc đắt tiền.

Cuối năm 1972, Trương Ngọc Phượng mang thai. Không ai biết cha của đứa trẻ là ai, là người chồng hợp pháp của cô, Lưu Tân Dân, hay là người mà cô luôn gần gũi đêm ngày, chủ tịch Mao? Ngoài bác sĩ Lý thì không ai biết đích xác câu trả lời, nhưng tất cả mọi người đều trịnh trọng đối đãi với Trương như với một bà hoàng.

Giang Thanh vừa hay tin Trương Ngọc Phượng mang thai, bà liền sai người đem tặng Trương chiếc đồng hồ mới tinh cùng với tã lót trẻ em nhập khẩu từ nước ngoài. Vì sao Giang Thanh lại đột nhiên rộng lượng đến vậy? Một nhân viên phục bên cạnh Mao tiết lộ: Ấy là vì Giang Thanh cả năm không được gặp mặt chồng, nên đành tìm cách hối lộ Trương Ngọc Phượng để mong có cơ hội được diện kiến 'thánh hoàng'.

Năm 1976, Mao Trạch Đông khi ấy đã 83 tuổi, khí lực đã tàn, tuổi thọ đã hết, ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 9 tháng 9. Trong lúc các chiến hữu năm xưa đều thở phào nhẹ nhõm. thì Trương Ngọc Phượng lại khóc sướt mướt: “Chủ tịch, ngài đi rồi, tôi phải làm sao đây?”

Giang Thanh từ lâu đã chờ đợi cái chết của Mao, bà vừa lo sợ quyền lực của mình sẽ chết theo chồng, nhưng cũng vừa hy vọng sẽ được chọn làm người thừa kế thay Mao. Lúc này Giang Thanh tươi cười bước đến, vỗ vào vai Trương Ngọc Phượng và nói: “Tiểu Trương, không cần khóc, sau này ta sẽ dùng tới cô”.

Trương Ngọc Phượng lập tức lấy lại vẻ mặt tươi tắn đáp: “Đồng chí Giang Thanh, cảm ơn bà”.

Sự việc xảy ra sau đó thì chúng ta đều biết: Giang Thanh bị bắt giam và bị phán án tù chung thân, còn Trương Ngọc Phượng thì điều chuyển công tác, sau đó trở lại làm việc trong ngành đường sắt cho tới lúc nghỉ hưu.

Sau cái chết của Mao Trạch Đông, bác sĩ Lý Chí Tuy rời khỏi Trung Nam Hải, làm viện trưởng trong bệnh viện 305. Đến năm 1988, ông đưa cả gia đình di cư tới Mỹ. Năm 1994, ông chính thức xuất bản cuốn hồi ký nổi tiếng “Hồi ký bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông”.

Lý Chí Tuy (phải) khi còn là bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông (Ảnh dẫn qua Secretchina)

Cuốn hồi ký vừa ra mắt đã làm chấn động toàn thế giới. Ngoại giới đón nhận nhiệt liệt, trong khi chính phủ Trung Quốc ra sức công kích và phản đối. Nhưng cho dù ĐCSTQ luôn tìm cách giấu kín đời tư đầy bê bối của Mao Trạch Đông, thì nhờ cuốn sách của Lý Chí Tuy, những người từng sùng bái Mao mới có thể biết được sự thật: Mao trị nước chăn dân không phải từ văn phòng chủ tịch hay cơ sở nào đó, mà là từ phòng ngủ. Biết bao thiếu nữ trinh trắng đi qua cuộc đời ông, và Trương Ngọc Phượng cũng chỉ là một trong số đó.

Là một người kề cận bên Mao Trạch Đông những năm cuối đời, hơn ai hết, bác sĩ Lý Chí Tuy đã không còn mộng tưởng về “lãnh tụ vĩ đại” nữa. Ông trải lòng mình sau cái chết của Mao Trạch Đông:

“Tôi không cảm thấy một chút gì tiếc thương cho cái chết của Mao mặc dù sau 22 năm kề cận bên ông. Hình ảnh của Mao Trạch Ðông như một vị cứu tinh dân tộc đã chết trong lòng tôi từ lâu lắm. Giấc mơ của tôi về một Trung Hoa bình đẳng đã tan nát từ nhiều năm trước đó. Tôi chẳng còn tin ở chủ nghĩa Cộng sản mặc dù tôi vẫn còn là một đảng viên. Ý nghĩ của tôi trước cái chết của Mao là một kỷ nguyên đã qua, thời đại Mao Trạch Ðông đã chấm dứt”. [2]

Theo Wenzhao Studio
Minh Hạnh biên dịch

Chú thích:

[1] Trích “Đời Tư Của Mao Trạch Đông”, Lý Chí Tuy
[2] Trích “Mao Trạch Ðông, Cuộc Ðời Chính Trị Và Tình Dục”, Lý Chí Tuy



BÀI CHỌN LỌC

“Hoàng phi giấu mặt” của Mao Trạch Đông, uy quyền trên cả Giang Thanh, nắm trong tay bí mật Hồng triều (2/2)