“Hoàng phi giấu mặt” của Mao Trạch Đông, uy quyền trên cả Giang Thanh, nắm trong tay bí mật Hồng triều (1/2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cô gái trẻ ở bên cạnh Mao Trạch Đông những năm cuối đời, dù chỉ là hoàng phi giấu mặt nhưng lại nắm trong tay bí mật của Hồng triều. Cô gái đó là ai? Và câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào?

Trong những ngày đầu tháng 2 năm 2024, một bức ảnh lưu truyền trong cộng đồng người Hoa đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Đó là bức ảnh chúc Tết chụp trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Trong ảnh là vị nữ sĩ tuổi đã trạc 80, tóc bạc trắng nhưng vẫn toát lên vẻ tươi tắn, thanh lịch ở độ tuổi của bà.

Nhưng đây không phải là lý do chính khiến người ta xôn xao bàn luận, mà là vì vị nữ sĩ ấy chính là Trương Ngọc Phượng, thư ký riêng của Mao Trạch Đông trong những năm cuối đời. Hơn nữa, bà còn có một danh phận đặc biệt gây tranh cãi, đó là “hoàng phi giấu mặt” bên cạnh Mao Trạch Đông.

Trương Ngọc Phượng trong bức ảnh lan truyền trên internet đầu năm 2024 (Ảnh chụp màn hình video)

Gặp gỡ

Vào tháng 10 năm 1962, một chuyến tàu đặc biệt xình xịch lăn bánh, chở đương kim lãnh tụ khởi hành từ Bắc Kinh đến thành phố Trường Sa. Bất cứ nơi nào xe lửa dừng lại, cảnh vệ và lính canh ngay lập tức sẽ bày bố dày đặc xung quanh, đến mức ngay cả một con thỏ cũng không thể lại gần. Tất cả các công xưởng và nhà máy trong khu vực đều phải đình chỉ mọi hoạt động, khắp nơi yên lặng như tờ, không ai được phép tạo ra bất kỳ tiếng ồn nào làm phiền đến giấc ngủ của lãnh tụ. Khi ấy Mao Trạch Đông vừa mới kết thúc Phiên họp Toàn thể lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa 8, và hiện đang du hành về phía nam đến thành phố Trường Sa.

Lúc này Mao Trạch Đông đã 69 tuổi, thường xuyên bị chứng mất ngủ hành hạ. Vì giờ giấc sinh hoạt quá thất thường nên mỗi khi buồn ngủ ông sẽ lên giường ngay lập tức, vậy nên xung quanh không được phép có bất cứ tiếng động can nhiễu nào. Suốt dọc đường con tàu cứ đi rồi dừng, dừng rồi lại đi… Mao đi chẳng theo lịch trình nào, bởi vì tàu chỉ chuyển bánh khi chủ tịch thức, chừng nào ông còn ngủ thì đoàn tàu còn đứng yên. Bởi vậy, chằng thể biết khi nào thì tàu chạy, hệt như giấc ngủ của Mao vậy”. [1]

Đoàn tàu vừa đến Trường Sa đã thấy bí thư tỉnh Hồ Nam là Trương Bình Hoa và những quan chức khác đang đứng đợi. Trương Bình Hoa kính cẩn chào đón Mao Trạch Đông, đêm ấy bí thư Trương còn chu đáo tổ chức buổi vũ hội – hoạt động mà ngài chủ tịch yêu thích nhất.

Để làm vừa lòng chủ tịch, Trương Bình Hoa cũng không quên chuẩn bị sẵn dàn mỹ nữ xinh đẹp trẻ trung, hơn nữa còn mời toàn thể nhân viên phục vụ trên tàu cùng tham gia. Nhưng trong cả rừng hoa Mao Trạch Đông chỉ để mắt tới một người, đó là Trương Ngọc Phượng.

Trương Ngọc Phượng thời trẻ chụp cùng Mao Trạch Đông (Ảnh: Wikipedia)

Cô gái trẻ người Đông Bắc ấy lúc này chỉ mới 17-18 tuổi, cô xuất thân từ làng Mông Đăng Thanh, tỉnh Hắc Long Giang, nổi bật với đôi mắt to tròn ngây thơ và làn da trắng nõn mịn màng. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, cô đầu quân vào ngành đường sắt làm nhân viên tạp vụ, sau đó được chọn phục vụ trên chuyến tàu riêng của Mao chủ tịch.

Vị cô nương này rất nhanh trí, hiểu được ý người khác. Biết Mao Trạch Đông thường hay đổ mồ hôi, Trương Ngọc Phượng khéo léo đặt sẵn một chồng khăn trắng trên chiếc tủ đầu giường trong phòng ngủ để chủ tịch có thể lau bất cứ lúc nào. Thấy Mao Trạch Đông thích hút thuốc, đầu mẩu thuốc lá vương vãi khắp nơi, Trương Ngọc Phượng lại siêng năng dọn dẹp, giữ cho phòng ngủ luôn ngăn nắp sạch sẽ. Những việc ấy khiến chủ tịch vô cùng hài lòng.

Dung mạo của Trương cô nương không quá nổi bật, ngoại hình cũng không thực sự kiều diễm lộng lẫy, nhiều nhất cũng chỉ có thể nói là có phần dễ nhìn. Nhưng dưới ánh đèn mờ ảo của vũ trường, Trương Ngọc Phượng xem ra cũng mi thanh mục tú, duyên dáng khả ái. Cô đã chủ động mời Mao Trạch Đông cùng khiêu vũ, và tất nhiên, ngài chủ tịch chẳng bao giờ chối từ. Trải nghiệm đêm ấy giống như vận may từ trên trời rơi xuống khiến cô quá bất ngờ và choáng ngợp: Lãnh tụ vĩ đại đang cùng ta khiêu vũ! Cô gái trẻ kích động đến mức không thốt nên lời.

Và chỉ sau vài điệu nhảy, lãnh tụ liền kéo bàn tay nhỏ bé ấy đi thẳng vào buồng ngủ. Bạn đoán xem Trương Ngọc Phượng sẽ cảm thấy thế nào? Là vỡ mộng, khiếp sợ? Hay vui sướng, ngất ngây? Điều ấy chúng ta không biết, nhưng ít nhất thì chủ tịch đã có được một đêm ân ái thỏa lòng. Mao say mê cô Trương đến mức sau đó ông đã điều chuyển Trương Ngọc Phượng từ nhóm phục vụ toa ăn sang nhóm trực nhật trong phòng riêng của mình.

Câu chuyện trên đây không phải là lời đồn thổi nơi phố chợ, mà là điều được bác sĩ Lý Chí Tuy kể lại trong cuốn sách của ông – “Hồi ký bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông”. Trong sách, rất nhiều lần Lý Chí Tuy bàn luận:

“Giữa công chúng, Mao xuất hiện như một lãnh tụ hết lòng vì nước vì dân, thân thiện, cởi mở chiếm được cảm tình tối đa của quần chúng đối với một lãnh tụ có tuổi kính mến. Nhưng cuộc đời thực Mao là kẻ háu gái. Càng về già Mao càng thể hiện sự dâm dục háo sắc đến kinh khủng gây biết bao chuyện động trời, không ai có thể đếm xuể số các thiếu nữ phải ăn nằm với Mao”. [1]

“Mao mê gái và mê nhảy đầm đến nỗi sau này, vào năm 1961, ông hạ lệnh di chuyển cả phòng ngủ của ông tới sát vách phòng nhảy để "nghỉ xả hơi" khi nhảy mệt. Tôi thường thấy Mao dắt tay các vũ công vào phòng ngủ của ông ta và rồi với tay gài then cửa”. [2]

“Ham muốn tình dục của Mao thật vô cùng. Đối với ông, tình dục và tình yêu là hai vấn đề khác hẳn nhau”. [1]

“Uông Đông Hưng từng nhận xét: “Có lẽ Mao nghĩ sắp đến ngày gần đất xa trời nên cố chiếm được bao nhiêu cô gái thì cố, cho nên Mao mới ham muốn đến như vậy”. [1]

Mao Trạch Đông luôn có các cô gái trẻ đẹp vây quanh (Ảnh dẫn qua Secretchina.com)

Bác sĩ riêng của chủ tịch

Trên đây là những dòng hồi ký của Lý Chí Tuy – bác sĩ thân cận nhất của Mao Trạch Đông. Lý Chí Tuy sinh ra trong gia đình có truyền thống y khoa ở Bắc Kinh, cụ cố của ông là Lý Đức Lập, từng làm ngự y trong Thái y viện những năm Đồng Trị thời nhà Thanh.

Lớn lên, Lý Chí Tuy kế thừa nghiệp tổ và trở thành một bác sĩ, chỉ có điều ông không học Đông y mà nghiên cứu chuyên sâu về y học Tây phương. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hiệp hòa Hoa Tây ở Tứ Xuyên (sau đổi tên thành Đại học Y khoa Tứ Xuyên), vào năm 1949, khi mới 29 tuổi và vẫn đang hành nghề bác sĩ trên một con tàu ở Sydney, Úc, Lý Chí Tuy nhận được tin ĐCSTQ vừa mới kiến lập chính quyền. Ông vui mừng khôn xiết khi nghĩ rằng từ nay quê hương đã không còn tiếng súng, những năm tháng bom rơi đạn lạc sắp kết thúc rồi. Trong lòng ông sục sôi bầu nhiệt huyết: Cuối cùng ta có thể dùng kiến thức của mình để báo đáp quê hương đất nước. Ông liền trở về Bắc Kinh, mang theo khát vọng dược cống hiến sức mình cho sự phát triển của nền y học nước nhà.

Kể từ giữa những năm 1950, Lý Chí Tuy trở thành bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, phục vụ 24/24 giờ mỗi ngày, và phải có mặt bất cứ lúc nào theo yêu cầu của chủ tịch. Bởi vì hơn một nửa số cảnh vệ và nhân viên thân cận của Mao đều không có học thức, có người thậm chí còn không biết chữ, do đó Mao Trạch Đông đánh giá rất cao trình độ học vấn của bác sĩ Lý. Ông không chỉ có nhiệm vụ giữ gìn sức khỏe cho chủ tịch, mà còn phải đóng vai trò như một người bạn đàm đạo tâm tình với Mao Trạch Đông.

Lý Chí Tuy và Mao Trạch Đông (Ảnh dẫn qua Secretchina.com)

Ngày ngày bận rộn phục vụ Mao, Lý Chí Tuy khó có thể chuyên tâm nghiên cứu để trở thành ngôi sao Thái Đẩu trong ngành y học như ước nguyện ban đầu. Mặc dù vậy ông vẫn vui vẻ, luôn nhìn Mao Trạch Đông bằng đôi mắt sùng bái, ngưỡng mộ. Trong mắt ông, Mao chủ tịch là đỉnh núi cao vời vợi, là lãnh tụ vĩ đại cứu dân tộc Trung Hoa khỏi chiến tranh khói lửa. Có vinh hạnh được phục vụ một nhân vật vĩ đại như thế, đương nhiên ông sẵn sàng cống hiến sức mình, coi đó là một vinh diệu lớn lao, cao cả.

Nhưng chỉ sau vài năm ánh sao chói lọi kia đã sớm tiêu tan, thay vào đó là nỗi hoài nghi, sợ hãi và ghê tởm. Trong hồi ký của mình, Lý Chí Tuy chia sẻ:

“Trong những năm đầu, tôi ngưỡng mộ Mao (...) Nhưng trong những năm Cách mạng Văn hoá ước mơ của tôi về nước Trung Hoa mới, về tự do, không bị đàn áp và công bằng đã tan thành mây khói. Tôi không tin vào lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, mặc dù tôi là đảng viên ĐCSTQ”. [1]

Trương Ngọc Phượng

Nói về Trương Ngọc Phượng, bác sĩ Lý cho rằng, xét cả về tuổi tác, xuất thân và học vấn, thì cô Trương đặc biệt phù hợp với khẩu vị của lãnh tụ. Lúc ấy, đương kim phu nhân Giang Thanh cũng đã gần 50, ở cái tuổi xế bóng, nhan sắc ít nhiều tàn phai, hơn nữa tính khí lại cáu bẳn, vì sợ bị thất sủng mà bà thường hay nổi cơn tam bành, điên điên cuồng loạn. Vì thế, Giang Thanh đã từ lâu không còn được chủ tịch ngó ngàng đến rồi.

Vì để thỏa mãn tinh lực dồi dào của lãnh tụ, tổng thư ký Diệp Tử Long hàng tuần đều tổ chức vũ hội, tuyển chọn những thiếu nữ tuổi xuân mơn mởn. Họ đều trẻ trung, xinh đẹp, đều có trình độ học vấn thấp để dễ bề khống chế, và đặc biệt là đều phải sùng bái Mao.

Sau mỗi buổi khiêu vũ, các thiếu nữ sẽ được đưa vào phòng ngủ của chủ tịch. Nếu trong vũ hội không có ai lọt vào mắt xanh của ngài thì Diệp Tử Long cũng sẽ tìm bằng được một cô nương trẻ tuổi đưa vào Trung Nam Hải, rón rén từ phía sau phòng ăn lẻn vào buồng ngủ của chủ tịch, chờ đến tờ mờ sáng lại có người đưa cô gái ấy ra ngoài.

Lý Chí Tuy kể rằng, Mao thay đổi tú nữ như thay đổi lá bài trên ván cờ. Một số cô gái có thể được giữ lại một thời gian, nhưng đến khi họ trở nên nhàm chán thì lãnh tụ sẽ cho tiền và để họ ra đi. Lúc ấy, “Tuyển tập Mao Trạch Đông” đã đi vào cuộc sống thường nhật của người dân Trung Quốc, mỗi xí nghiệp, cơ quan, mỗi bộ ban ngành các cấp chính phủ cho đến từng đảng viên đều phải mua và đọc “Tuyển tập Mao Trạch Đông”. Nếu chỉ tính tiền bản quyền thì Mao Trạch Đông đã kiếm được hơn ba triệu Nhân dân tệ, có thể nói ông là một trong những người giàu nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Vì thế, khoản tiền dùng để trả ơn những thiếu nữ đã ngủ cùng ông chỉ giống như vài giọt nước trên sông, nào có đáng là bao.

Mặc dù với con mắt tinh tường Diệp Tử Long luôn tìm được những cô gái làm hài lòng chủ tịch, nhưng không phải lựa chọn nào cũng hoàn hảo. Đôi lúc vẫn có những cô nương khóc lóc nỉ non không chịu ‘giao lưu thân mật’ cùng lãnh tụ vĩ đại. Khi ấy chủ tịch sẽ nổi trận lôi đình, còn cô gái thì phải chịu trừng phạt thê thảm: hoặc là bị đưa đến trại lao động cải tạo, suốt đời bị giam cầm, hoặc là bị tống vào bệnh viện tâm thần, vĩnh viễn ở lại đó. Những tú nữ bên cạnh lãnh tụ đến và đi như cá qua sông, tấp nập hết lượt này đến lượt khác không sao kể xiết.

Trương Ngọc Phượng ở độ tuổi trăng tròn, tuy đã để lại trong Mao Trạch Đông ấn tượng sâu sắc, nhưng đối với Mao thì chẳng qua vẫn chỉ là một thứ gia vị để giải trí, và để đổi mới tinh thần mà thôi. Mao Trạch Đông còn có nhiều việc quan trọng hơn cần phải tập trung tinh lực. Lúc ấy, Mao đang dồn sức vào việc chỉnh đốn những “phần tử xấu”. Trong mắt ông, bất kỳ ai không nhất trí với quan điểm của ông thì đều là “phần tử xấu”. Mao lấy lý do chống lật đổ, chống tham nhũng, chống lãng phí, để phát động các cuộc vận động tam phản và ngũ phản, khiến gần 30 triệu dân lành rơi vào vòng lao lý. Họ trở thành đối tượng công kích không phải vì bản thân có tội, mà chỉ đơn giản vì họ đã từng làm địa chủ, phú nông, nhà tư bản, hoặc là phần tử tri thức bất đồng chính kiến. Trong số họ có người bị đưa đến trại lao động, có người bị giam cầm, lại có người bị tra tấn đến chết.

Khi có người can đảm đưa ra ý kiến phản đối, Mao Trạch Đông vô cùng tức giận. Mao nói với bác sĩ Lý rằng: “Chúng ta có 600 triệu người, chết 10 triệu hay 20 triệu thì có tính là gì!”

Một lần khác, trong bài diễn văn đọc ở Moskva năm 1957, Mao tuyên bố ông sẵn sàng hy sinh 300 triệu dân. Cho dù Trung Quốc có mất đi một nửa dân số thì đó cũng chưa phải tốn thất lớn lao, vì đất nước vẫn có thể sản sinh thêm nhiều người nữa. Những câu nói như vậy khiến Lý Chí Tuy không rét mà run.

Nhưng đó vẫn chưa phải điều gì ghê gớm, bởi thảm họa lớn hơn vẫn còn nằm ở phía sau.

(Còn tiếp)

Theo Wenzhao Studio
Minh Hạnh biên dịch

Chú thích:

  • [1] Trích “Đời Tư Của Mao Trạch Đông”, Lý Chí Tuy
  • [2] Trích “Mao Trạch Ðông, Cuộc Ðời Chính Trị Và Tình Dục”, Lý Chí Tuy



BÀI CHỌN LỌC

“Hoàng phi giấu mặt” của Mao Trạch Đông, uy quyền trên cả Giang Thanh, nắm trong tay bí mật Hồng triều (1/2)