10 năm thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, ông Tập liệu có cảm thấy an toàn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 15/4/2014, Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương Trung Quốc tổ chức cuộc họp đầu tiên; từ đó ngày 15/4 được coi là ngày ‘sinh nhật’ của Ủy ban An ninh Quốc gia, đến nay đã là 10 năm kể từ ngày thành lập. Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP) đã chỉ định ngày 15/4 là Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia toàn dân.

Khái niệm 'an ninh quốc gia' của ông Tập Cận Bình có hai hàm ý. Thứ nhất là an toàn chính trị của chính quyền Trung Quốc, thứ hai là an toàn cho địa vị của ông Tập Cận Bình với tư cách là lãnh đạo trung tâm của CCP, còn những thứ khác đều không quan trọng. Ủy ban An ninh Quốc gia được thành lập 10 năm, nhưng liệu ông Tập có cảm thấy an toàn thật sự hay không?

Cảm giác bất an của ông Tập về chính trị, kinh tế và ngoại giao

Hiện nay ông Tập không cảm thấy an toàn ở ba phương diện, đó là chính trị, kinh tế và ngoại giao.

Mặc dù Ủy ban An ninh Quốc gia được thành lập vào ngày 15/4/2014, nhưng trên thực tế, quyết định thành lập ủy ban này đã được đưa ra vào cuối năm 2013. Khi ấy đã xảy ra một sự kiện, đó là Tập Cận Bình bắt giữ Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu và những người khác. Cho nên, ông Tập Cận Bình quyết định thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, bởi vì ông Tập biết rằng, một khi bắt những người này thì địa vị của ông sẽ gặp phải thách thức và đe dọa rất lớn. Việc thanh trừ một loạt các nhân vật của Giang phái (phe Giang Trạch Dân) đã khiến ông Tập lo lắng rằng: Phe Giang sẽ trả thù. Tại thời điểm đó, ông Tập Cận Bình đã tạo ra một lượng lớn kẻ thù.

Thêm vào đó, việc ông Tập làm lãnh đạo suốt đời (đưa nhân mã/thân tín của mình vào các vị trí, còn những người của phe khác bị loại ra ngoài) đã khiến ông đắc tội với nhiều phe phái trong đảng, khiến các phe phái khác đoàn kết chống lại ông Tập.

Trong quá khứ, ở cấp cao CCP có nhiều phe phái, ví như tả phái có Trần Vân, Lý Tiên Niệm; cải cách phái (phái cải cách mở cửa) có Đặng Tiểu Bình; Đoàn phái có Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo… Mặc dù trong đảng có nhiều phe phái, nhưng giữa họ với nhau không phải là ‘anh chết tôi sống’, mà là ở trạng thái cân bằng, hợp tung liên hoành. Nhưng sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Tập đã biến tất cả những người của phe phái khác thành kẻ thù của mình.

Trên thực tế, một nguyên nhân khiến ông Tập Cận Bình muốn làm lãnh đạo suốt đời, đó là vì ông biết rằng: Nếu từ bỏ quyền lực, các kẻ thù sẽ đến trả thù ông. Đây là điểm đầu tiên mà ông Tập Cận Bình cảm thấy rất không an toàn. Việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia chủ yếu nhắm vào những lực lượng chống Tập trong đảng.

Thứ hai là về vấn đề kinh tế. Vấn đề này chủ yếu nhắm vào những người ngoài trung ương đảng, tức là người dân bình thường của Trung Quốc, như là tầng lớp trung lưu, bao gồm cả những người hưởng lợi từ chính sách cải cách mở cửa, thương nhân, v.v.

Khi ông Tập Cận Bình vừa mới nắm quyền, tình hình kinh tế Trung Quốc vẫn khá tốt. Năm 2014, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt tới 4 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Nhưng sau đó, ông Tập Cận Bình lại tiếp tục triển khai một loạt biện pháp để đánh vào nền kinh tế tư nhân, như là thúc đẩy sự phát triển của kinh tế quốc doanh và giảm sự tham gia của kinh tế tư nhân. Sau đó, ông Tập bắt đầu tấn công vào lĩnh vực bất động sản. Năm 2019, ông Tập áp đặt ‘ba lằn ranh đỏ’ cho lĩnh vực bất động sản.

Lằn ranh đỏ đầu tiên, đó là Tỷ lệ Tài sản/Nợ sau khi trừ đi các khoản tạm ứng phải lớn hơn 70%. Ví như một công ty bất động sản có một số tiền trong tay, nhưng số tiền này bao gồm số tiền trả trước cho căn nhà. Bạn xây một căn nhà 100 nghìn đô-la Mỹ mà có ai đó thanh toán trước, thì con số 100 nghìn đô-la Mỹ này không phải là tài sản của bạn, bởi vì bạn chưa xây xong.

Tỷ lệ Tài sản/Nợ > 70%, suy ra Tài sản bạn có phải > 70% Nợ. Bạn nợ 100 đồng, bạn phải có ít nhất 70 đồng trong tay. Đây là lằn ranh đỏ thứ nhất.

Lằn ranh đỏ thứ hai là 'tỷ lệ nợ ròng' lớn hơn 100%. Nghĩa là: (Tài sản của bạn + Khoản tạm ứng)/Nợ > 100%, tức là (Tài sản của bạn + Khoản tạm ứng) > Nợ.

Đến lằn ranh đỏ thứ ba, thì tỷ lệ Tiền mặt/Nợ ngắn hạn > 1. Tức là Tiền mặt bạn có trong tay phải đủ để trả được khoản nợ ngắn hạn. Như thế bạn mới có thể tiếp tục vay ngân hàng. Đây là ba lằn ranh đỏ. Khi ấy Evergrande đã giẫm phải cả ba lằn ranh đỏ, hiện nay Evergrande đang bị thanh lý phá sản ở Hồng Kông, còn chủ tịch Hứa Gia Ấn thì đã bị bắt.

Tiếp theo, ông Tập còn lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để trừng phạt các công ty Âu - Mỹ. Trong thời gian đại dịch, Trung Quốc còn phong tỏa các thành phố theo cách khắc nghiệt nhằm thực hiện chính sách Zero COVID, đã khiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước Trung Quốc gặp tổn thất. Gần đây ông Tập còn thực hiện ‘tân tam dạng’ (新三樣, new three), tức là ba ngành mới ở Trung Quốc là xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời và pin lithium. Trung Quốc đã bán phá giá các sản phẩm ‘tân tam dạng’, đặc biệt là xe điện sang các nước châu Âu. Trung Quốc còn ăn cắp tài sản trí tuệ, thực hiện kế hoạch ‘ngàn nhân tài’... Điều này đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài thoái vốn. Do đó, tình trạng thất nghiệp đã bắt đầu tăng cao, tiếp theo là sự sụp đổ của tài chính, bất động sản cùng với các vấn đề về như nợ địa phương và sự sụp đổ của các quỹ tín thác.

Tất cả các tầng lớp từ tầng lớp giàu có đến tầng lớp trung lưu và người dân bình thường đều bị ảnh hưởng bởi những sự sụp đổ khác nhau. Người dân bình thường mất việc làm do các nhà máy rời khỏi Trung Quốc, tầng lớp trung lưu gặp khó khăn vì sự sụp đổ trong lĩnh vực bất động sản, còn người giàu mất tiền vì sự sụp đổ các quỹ tín thác. Khi người dân Trung Quốc đói kém, họ sẽ đứng lên phản kháng. Cho nên kinh tế là nỗi bất an thứ hai của ông Tập.

Vấn đề thứ ba là về ngoại giao. Ông Tập Cận Bình luôn đứng về Nga, Triều Tiên, Taliban, Iran, đồng thời những quốc gia này đều có được sự ủng hộ từ Trung Quốc. Do đó, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và thậm chí Philippines, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đang liên tục hình thành các liên minh khác nhau, chẳng hạn như thỏa thuận quốc phòng AUKUS giữa Úc, Anh và Mỹ; Liên minh chip 4 gồm Mỹ Nhật Hàn Đài… Trong 3 năm qua, ông Biden thực sự đã làm một việc rất tốt đó là liên tục hình thành các liên minh và mở rộng vòng bạn bè ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc, đồng thời áp dụng lệnh cấm vận các sản phẩm công nghệ cao đối với Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đang hỗ trợ Nga cũng làm Mỹ rất tức giận. Cho nên, hiện nay, Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Điều này bao gồm việc các ngân hàng Trung Quốc có thể bị trừng phạt tài chính. Nếu một ngân hàng nào mà bị Hoa Kỳ trừng phạt, thì trên cơ bản là ‘bất động’ bởi vì họ đã mất đi khả năng thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ. Có thể nói rằng, ông Tập Cận Bình đang càng ngày càng có ít bạn bè trên trường quốc tế. Hơn nữa, những người bạn của Trung Quốc đều không phải là quốc gia đáng tin cậy, cũng không phải là quốc gia có thể giúp đỡ Trung Quốc. Cho nên điều thứ ba ông Tập cảm thấy bất an, đó là sự cô lập về mặt ngoại giao.

Khủng hoảng kinh tế có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị hay không?

Khi đối thoại với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ là ông Henry Paulson, cựu Phó chủ tịch nước Trung Quốc là ông Vương Kỳ Sơn từng nói một câu rất nổi tiếng rằng: 'Người Trung Quốc ăn cỏ có thể sống được ba năm. Người Mỹ các ông ăn cỏ có thể sống được bao lâu'. Ý ở ngoài lời là Trung Quốc muốn uy hiếp Mỹ 'nếu Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại thì người Trung Quốc có thể trụ được, còn người Mỹ sẽ không trụ nổi'.

Ý tưởng trong câu nói của Vương Kỳ Sơn chỉ có hiệu quả vào những năm 60 của thế kỷ trước, bởi vì thời ấy người Trung Quốc vẫn còn mang màu sắc của chủ nghĩa lý tưởng. Nhưng sau thời kỳ cải cách mở cửa, dưới sự phóng túng và tuyên truyền lâu dài của CCP, tư tưởng của người Trung Quốc đã biến thành 'vật chất chí thượng' hoặc là 'kim tiền chí thượng', tức là đặt vật chất và kim tiền lên hàng đầu.

CCP trong một thời gian dài thường nói với mọi người rằng: Đừng quan tâm đến chính trị, hãy cố gắng kiếm tiền, làm cuộc sống tốt lên mới là điều quan trọng.

Chúng ta biết rằng, vào thời đại Mao Trạch Đông hay ở Bắc Hàn, cuộc sống người ta rất nghèo, nhưng vì sao vẫn duy trì được ổn định? Chính là do hình thái ý thức khởi tác dụng.

Vào thời Mao Trạch Đông, lãnh tụ được coi như Thần để mọi người sùng bái, cho nên mới duy trì được thống trị. Người ta sẵn sàng làm việc không công cho Mao Trạch Đông, cho nên chi phí thống trị hầu như rất thấp.

Nhưng ông Tập Cận Bình lại không được như vậy, ông Tập không phải là lãnh tụ có đủ sức hấp dẫn để người ta tin theo, người dân không muốn làm việc miễn phí cho ông Tập Cận Bình giống như một loại cuồng nhiệt. Cho nên, ông Tập muốn người khác làm việc thì chỉ còn có một cách, đó là bỏ tiền ra mua sự trung thành. Đây là lý do ông Tập Cận Bình cần tiền để duy trì ổn định.

Ngày 11/3/2019, Đài phát thanh Quốc tế Pháp RFI đăng bài viết với nhan đề: ‘Chi tiêu cho an ninh công cộng ước tính 1,3 nghìn tỷ NDT, còn có chi phí duy trì ổn định ẩn mà bạn phải biết’.

Trong đó nói rằng, ngân sách duy trì an ninh công cộng của Trung Quốc chiếm 5,9% ngân sách quốc gia, tức khoảng 1,39 nghìn tỷ NDT (khoảng 4,5 triệu tỷ Việt Nam đồng), nhiều hơn cả chi phí quốc phòng.

Chi phí duy trì ổn định của Trung Quốc cao hơn chi tiêu quân sự. Điều này nghĩa là, mỗi năm Trung Quốc đều phát động chiến tranh, chỉ có điều đối tượng chiến tranh là nhắm vào người dân chứ không phải nhắm ra nước ngoài.

Chúng ta biết rằng, chiến tranh là đốt tiền. Mỗi năm CCP đều ‘chiến tranh’ với người dân. Nếu kinh tế không được nữa, phải chăng CCP sẽ thua trong cuộc chiến với người dân?

Bài viết của tờ RFI còn đưa ra một tỷ lệ rất quan trọng, đó là căn cứ theo tư liệu tài chính công khai của chính phủ, chi phí cho an ninh công cộng chủ yếu là do Trung ương và Địa phương gánh chịu, tỷ lệ là 20% đến 30% so với 70% đến 80%. Để cho dễ hình dung, lấy tỷ lệ 2/8, tức Trung ương chiếm 2, còn Địa phương chiếm 8.

Vào ngày 11/8/2023, tờ Financial Times đăng bài viết với nhan đề: 'Trung Quốc phái chuyên gia tài chính để giải quyết vấn đề nợ khu vực'.

Trong đó nói rằng, Goldman Sachs ước tính tổng nợ địa phương của Trung Quốc là 94 nghìn tỷ NDT, khoảng 13 nghìn tỷ đô-la Mỹ, chiếm 70% GDP.

Địa phương Trung Quốc đang nợ chồng chất, còn nợ ở nông thôn cũng là một con số rất lớn.

Ngày 4/9/2023, Đài phát thanh Quốc tế Pháp RFI đăng bài viết với nhan đề: ‘Thôn làng Trung Quốc cũng nợ nần chồng chất’.

Trong đó nói rằng, tổng số nợ của 700 nghìn thôn hành chính của Trung Quốc đã lên đến 900 tỷ NDT, trung bình mỗi thôn nợ 1,3 triệu NDT (khoảng 4,3 tỷ đồng).

Trung Quốc từ thôn đến huyện đều đang nợ nần chồng chất. Điều này nói lên vấn đề gì? Chính là bộ máy duy trì ổn định của Trung Quốc đang dần hết nhiên liệu.

Người dân Trung Quốc sở dĩ sợ CCP là sợ bộ máy duy trì ổn định. Nhưng trên thế gian có lý tương sinh tương khắc, điểm mạnh cũng chính là điểm yếu.

Duy trì ổn định mà dựa vào thuần bạo lực thì có chi phí cao nhất. Khi kinh tế không tốt nữa thì cơ chế ấy sẽ hết linh nghiệm.

Bản chất của quyền lực là phục tùng, một người có quyền lực là khi người khác phục tùng họ. Nhưng khi người ta không còn phục tùng nữa thì quyền lực tự nhiên bị giải thể. Sở dĩ CCP có quyền lực là vì người ta phục tùng.

Vậy thì loại phục tùng nào có chi phí thấp nhất? Phương pháp thống trị có chi phí thấp nhất, đó là dựa vào sức hấp dẫn cá nhân và quyền uy của lãnh tụ.

Chi phí cao hơn nữa đó là bỏ tiền ra. 'Bạn làm việc cho tôi, tôi phát lương cho bạn. Nếu tôi không phát lương cho bạn thì bạn không thể sống', tức là thông qua tiền bạc để mua sự trung thành. Ví như phát lương cho cảnh sát, phát thưởng cho người tố cáo... Loại chi phí thống trị này đắt hơn một chút.

Còn chi phí thống trị cao nhất đó là thuần bạo lực, để cưỡng bức người ta phục tùng. Khi chúng ta hiểu được 'bản chất của quyền lực là phục tùng', chi phí thống trị được tính như thế nào, cái nào thấp nhất cái nào cao nhất... chúng ta sẽ phát hiện một hiện tượng vô cùng thú vị, đó là vì sao Trung Quốc dùng cả bạo lực và nói dối.

Nếu bạo lực của Trung Quốc đủ để làm cho người ta sợ, vì sao phải dùng thêm nói dối? Chính là vì chi phí cho nói dối thấp hơn nhiều so với thuần bạo lực.

Trong quá khứ, Hoàng đế đều hiểu đạo lý này: 'Thiên hạ có thể lấy trên lưng ngựa, nhưng không thể trị trên lưng ngựa', tức là thống trị thuần tuý dựa vào bạo lực thì chi phí quá cao, bất cứ vương triều nào cũng không gánh nổi chi phí đó.

Khi thống trị thuần bạo lực, CCP không có cách nào duy trì lâu dài, khi duy trì ổn định áp lực cao một thời gian lại thả lỏng. Đây là lý do vì sao, sau đợt kháng nghị ở đường Ô Lỗ Mộc Tề tại Thượng Hải vào năm 2022, hay kháng nghị ở Đại học Bắc Kinh, sau khi CCP giám sát chặt chẽ và trấn áp nghiêm trọng, thì một thời gian sau lại thả lỏng.

Hay như trước đó vào năm 1999, khi Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, thì khi đó dư luận rợp trời dậy đất, tạo thành một bầu không khí khủng bố. Đại khái trải qua khoảng hơn một tuần gì đó, đột nhiên CCP thay đổi diện mạo, cảm giác dường như CCP cho bạn con đường thoát, chỉ cần bạn không tu luyện, thì việc này cho qua.

Trình tự của họ là như thế này, đầu tiên dùng bạo lực hù dọa, sau đó nói: 'Ài, kỳ thực còn có một con đường, bạn cũng không cần sợ hãi, chính phủ cho bạn con đường, bạn chỉ cần làm theo'.

Khi chúng ta hiểu được bộ logic hành xử của CCP, chúng ta sẽ biết được rằng, chi phí duy trì ổn định quá cao sẽ khiến CCP chịu không nổi.

Theo Thiên Lượng thời phân

Thuần Phong biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

10 năm thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, ông Tập liệu có cảm thấy an toàn?