Trung Quốc: Chính sách đổi mới thiết bị gia dụng cũ vấp phải phản ứng dữ dội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với nền kinh tế đang chao đảo và nhu cầu trong nước suy yếu, chính quyền Trung Quốc đang thực hiện chính sách thay thế các thiết bị cũ bằng thiết bị mới, và điều này đang gây phẫn nộ trong cư dân mạng.

Đề xuất đổi mới thiết bị cũ ban đầu được thảo luận tại các cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương và Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhà nước tổ chức vào ngày 23/2 trước “Lưỡng hội”, cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC).

Các nhà chức trách đã đề xuất biện pháp kích thích nhu cầu và chi tiêu của người tiêu dùng thông qua chương trình “đổi mới đồ cũ” dành cho thiết bị và các mặt hàng gia dụng có giá trị lớn khác.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người tham dự các cuộc họp, cho biết chương trình được đề xuất rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm chất lượng cao và chủ trương phát động làn sóng nâng cấp và thay thế thiết bị lớn.

Trong các cuộc họp, các nhà chức trách tuyên bố rằng sáng kiến “đổi mới đồ cũ” sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư và tiêu dùng. Nó cũng khuyến khích trao đổi hàng hóa lâu bền theo phương thức “đổi mới đồ cũ”, bao gồm ô tô và đồ gia dụng.

Sau đó, vào ngày 15/4, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thiết bị Điện Gia dụng Trung Quốc (CHEAA) Jiang Feng đã đăng một bài báo trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đề cập đến cái gọi là những quan niệm sai lầm phổ biến về thiết bị gia dụng.

Ông chỉ ra rằng nhiều người tiêu dùng tin rằng các thiết bị chỉ nên được thay thế nếu chúng bị hỏng và không thể sửa chữa và một số người coi việc thay thế các thiết bị là lãng phí tiền bạc.

Bài báo trích dẫn tài liệu chính thức của CHEAA, “Tuổi thọ an toàn của các thiết bị gia dụng” được xuất bản vào tháng 1/2020, trong đó nêu rõ rằng giống như thực phẩm, các thiết bị gia dụng đều có “thời hạn sử dụng”. Ví dụ, tủ lạnh và máy điều hòa không khí có thể sử dụng được 10 năm, trong khi máy giặt, máy nước nóng và máy hút mùi thường có tuổi thọ là 8 năm.

Cơ quan này cảnh báo rằng các thiết bị đã vượt quá tuổi thọ sử dụng sẽ gây ra rủi ro về an toàn - chẳng hạn như rò rỉ điện, rò rỉ khí đốt, hỏa hoạn và trục trặc cơ học - và trở nên kém hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng hơn, trong khi các thiết bị mới mang lại nhiều lợi ích, bao gồm hiệu quả sử dụng năng lượng tốt hơn và hiệu quả hoạt động được cải thiện.

Phản ứng dữ dội

Phát ngôn của ông Jiang đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.

Một người tiêu dùng nhận xét: “Trước đây, độ bền là điều bạn khoe khoang trong quảng cáo của mình, nhấn mạnh rằng nó sẽ hoạt động trong nhiều thập kỷ”.

Một cư dân mạng đăng: “Nếu bạn không bán được đồ gia dụng thì cứ nói vậy. Tại sao lại nói vòng vo để [tìm cách] cướp tiền của người ta?”

Một người khác chỉ ra rằng mọi người không mua các thiết bị mới vì họ không đủ tiền mua hoặc không muốn tiêu tiền. Ông viết: “Lý do cơ bản khiến mọi người không muốn tiêu tiền hoặc không dám tiêu tiền là vì họ không tự tin về triển vọng kinh tế”.

“Liệu chúng ta có thể nâng cấp các ống nước, ống cống, ống sưởi, ống dẫn khí đốt tự nhiên và hệ thống dây điện [thay vì các thiết bị cũ] không?” Một cư dân mạng hỏi, đề cập đến các dịch vụ tiện ích công cộng mà người này cho rằng cần được thay thế.

Một bình luận được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội nói rằng: “Khi tôi mất việc, không ai quan tâm đến hoàn cảnh của tôi. Khi tôi bị bệnh và không có đủ tiền đi khám, chẳng ai thực sự quan tâm. Khi tôi không có thu nhập và sống trong cảnh nghèo khó thì không ai quan tâm. Khi tôi không có nơi thường trú và sống cuộc sống du cư, không ai quan tâm. Khi tôi không đủ tiền nuôi sống bản thân thì không ai quan tâm... Nhưng khi tôi có đồ gia dụng đã sử dụng trong thời gian lâu mà chưa thay mới thì có người lo lắng cho sự an toàn của tôi... Đây chắc chỉ là một trò đùa thôi chứ?”

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Chính sách đổi mới thiết bị gia dụng cũ vấp phải phản ứng dữ dội