Vì sao doanh nghiệp kinh doanh vàng không 'thắm thiết' với đấu thầu vàng của NHNN?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tin tức trên thị trường vàng trong nước được mong đợi nhất ngày hôm nay là việc đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước bị huỷ bỏ. Lý do là doanh nghiệp không mặn mà tham gia đấu thầu. Điều này thúc đẩy giá vàng miếng SJC tăng thêm khoảng 600.000 đồng mỗi lượng. Điều gì khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà?

Theo thông báo trước đó vào ngày 19/4, sáng hôm nay (ngày 22/4/2024), vào lúc 10h sáng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng với tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Tuy nhiên, theo thông báo phát đi gần nhất, Ngân hàng Nhà nước hủy phiên đấu thầu vào sáng nay. Dự kiến, NHNN sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 10h sáng (23/4/2024).

Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng giảm sâu, về mức 2.376,7 USD/ounce, giảm gần 16 USD/ounce so với phiên liền trước. Giá vàng thế giới hiện tương đương hơn 73 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC của Việt Nam khoảng 10 triệu đồng mỗi lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, vàng quốc tế có thời điểm tăng tới 2.402 USD/ounce do lo ngại xung đột tại Trung Đông.

Theo cổng thông tin Chính phủ, để chuẩn bị cho đấu thầu vàng miếng ngày 22/4/2024, NHNN đã gửi thông báo tới 15 công ty sản xuất, kinh doanh vàng có đủ năng lực tham gia đấu thầu, dự kiến sẽ tổ chức phiên đấu thầu lúc 10h sáng ngày 22/4/2024. Tuy nhiên, tại thời điểm đáng lẽ phải diễn ra phiên đấu thầu, NHNN phải thông báo hoãn lại sang ngày mai, ngày 23/4/2024. Lý do là số lượng doanh nghiệp tham gia không đủ cũng như chưa đặt cọc đủ tiền cho việc tham dự đấu thầu.

Điều này khá bất ngờ vì thị trường vẫn kỳ vọng NHNN tăng nguồn cung vàng miếng để giá vàng trong nước liên thông hơn với giá vàng thế giới. Nhưng xét từ góc độ kinh doanh, trúng thầu cũng không phải miếng bánh béo bở.

Thứ nhất, chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới vốn rất phi lý, lại trở nên bấp bênh hơn do ảnh hưởng bởi chính sách và các động thái của chính phủ. Điều này có nghĩa là, qua một đêm, người nắm giữ vàng SJC có thể mất hoặc tăng thêm vài triệu đồng mỗi lượng. Chính sách như vậy đã thúc đẩy thị trường vàng nhẫn phát triển, lấn át thị trường vàng miếng SJC. Trong khi chênh lệch giá SJC trong nước và thế giới càng cao thì chênh lệch vàng nhẫn vỉ cũng đẩy lên cao hơn; hiện ở mức 2 triệu đồng/chỉ. Các chênh lệch giá luôn tạo ra thị trường béo bở cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng.

Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng đều đang nhắm vào thị trường vàng nhẫn đóng vỉ vốn rất hiệu quả, cầu tăng mạnh cùng với sức nóng của vàng thế giới cũng như lãi suất huy động danh nghĩa từ ngân hàng thương mại quá thấp, chưa vượt qua kỳ vọng lạm phát 12 tháng tới, không hấp dẫn dòng tiền tiết kiệm đổ vào khu vực này, mà dòng tiền trú ẩn ở vàng bùng phát. Với sản phẩm nhẫn vàng đóng vỉ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng chủ động hơn, sinh lời tốt.

Thứ ba, lý do quan trọng nhất: giá vàng đấu thầu mà NHNN đưa ra còn cao hơn giá trên thị trường hiện nay; điều này khiến các doanh nghiệp không muốn tham gia đấu thầu. Các nhà phân tích chính sách luôn nhấn mạnh rằng việc đấu thầu vàng không giải quyết vấn đề thị trường (cung cầu) và giá mà còn làm trầm trọng thêm các méo mó này. Mà điểm mấu chốt ở đây là đấu thầu vàng bản chất là NHNN thiết lập giá cho thị trường vàng. NHNN bán buôn đã đưa ra mức giá còn cao hơn giá thị trường khiến các doanh nghiệp có tham gia đấu thầu sẽ buộc phải đẩy giá lên cao. Trả lời phỏng vấn của NTD Việt Nam về vấn đề này, ông H, người kinh doanh vàng trong hơn 20 năm qua chia sẻ rằng: "giá vàng SJC đấu thầu của NHNN hôm nay mức thấp nhất là 82 triệu đồng mỗi lượng trong khi giá vàng (bán buôn) trên thị trường [giao dịch giữa các doanh nghiệp] vàng là 81,5 triệu đồng/lượng". Điều này giải thích tại sao doanh nghiệp không mặn mà với đấu thầu vàng của NHNN.

Bản chất cơ chế đấu thầu giá vàng miếng chính là NHNN, với vai trò bán buôn, đã thiết lập giá thị trường cho doanh nghiệp vàng. Doanh nghiệp kinh doanh vàng khi tham gia đấu thầu và phân phối lại sẽ không thể để vàng miếng SJC ở giá thấp hơn, họ phải tìm kiếm lợi nhuận và giá vàng trong nước luôn cao hơn nhiều giá vàng thế giới khi cầu tăng mạnh như hiện nay. NHNN lại độc quyền trong việc thiết lập giá, quyết định nhập và xuất vàng nguyên liệu, NHNN muốn phòng ngừa rủi ro thị trường nên mức giá khó lòng có thể để thấp theo giá vàng thế giới, đặc biệt trong bối cảnh vàng thế giới biến động khó lường như vậy. Câu chuyện của thị trường đã bị chính một cơ quan quản lý nhà nước can thiệp. Thực chất, tồn tại xung đột lợi ích tại NHNN khi cơ quan quyền lực này vừa quản lý thị trường, vừa quản lý nguồn cung, tự xác định giá cả; tức là vừa quản lý nhà nước, vừa kinh doanh. Điều này làm méo mó cung - cầu và giá trên thị trường vàng.

Rõ ràng, ngay cả việc tăng thêm nguồn cung vàng miếng cho thị trường thông qua đấu thầu cũng không phải là giải pháp căn cơ, hữu hiệu làm liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới. Với diễn biến như thế này, phiên đấu thầu vàng ngày mai có thể diễn ra với mức giá sàn thấp hơn.



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao doanh nghiệp kinh doanh vàng không 'thắm thiết' với đấu thầu vàng của NHNN?