Giá vàng trong nước thấp thỏm trong chiến tranh tiền tệ và rủi ro toàn cầu gia tăng (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự bất ổn của giá vàng trong nước không chỉ đến từ những biến động khó lường của chiến tranh tiền tệ đương đại, nguyên nhân chủ yếu của nó đến từ chính sách độc quyền vàng, chính sách trở nên thiếu linh hoạt, cứng nhắc và gây tổn hại cho ổn định tiền tệ trong nước khi thị trường vàng quốc tế nóng lên.

Mất mát

Trong bài viết đăng trên NTDVN gần một năm trước, ngày 8/03/2022, với tựa đề "Giá vàng méo mó vì độc quyền: Vàng trong nước đắt hơn thế giới 18 triệu đồng/lượng", tác giả đã bình luận như sau: "Hãy tưởng tượng, bạn đang phải trả thêm 18 triệu đồng/lượng vàng so với giá thế giới. Nhưng đó chưa phải là vấn đề nếu khoảng chênh giữa vàng trong nước và thế giới bền bỉ ở mức 18 triệu đồng/lượng. Giả sử hôm nay bạn mua 2 lượng vàng, sau một đêm thức dậy, giá vàng trong nước đột ngột sụt giảm 10 triệu đồng/lượng mà không liên quan gì tới giá vàng thế giới, chỉ đơn giản là Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã quyết định nhập một lượng lớn vàng đáp ứng cầu trong nước làm giảm giá vàng bán ra trên thị trường. Chỉ qua một đêm, bạn mất 20 triệu đồng cho hai lượng vàng. Bạn mua vàng vốn để phòng ngừa lạm phát. Nhưng với khoản lỗ 20 triệu đồng cho 2 lượng vàng, dường như bạn đang chịu một khoản lạm phát lớn hơn nhiều so với kỳ vọng."

Và 20 tháng sau đó, ngay những ngày cuối cùng của năm 2023, giá vàng miếng SJC trong nước đột ngột giảm tới 10 triệu đồng /lượng trong vài ngày; sau một công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu giá vàng trong nước phải sát với vàng thế giới.

Hôm nay, ngày 8/1/2024, giá vàng miếng SJC trong nước vẫn giữ khoảng cách với giá vàng thế giới ở mức 11-12 triệu đồng/lượng; ở mức 75 triệu đồng/lượng (bán ra). Nhưng sự thật là người giữ vàng miếng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) độc quyền thị trường đã chứng kiến khoản đầu tư của họ được tăng thêm và mất mát chỉ sau một vài đêm. Rủi ro chính sách với người giữ vàng miếng trong nước là lớn và vẫn thường trực.

Quyền lực độc quyền

Nguyên nhân giá vàng trong nước và thế giới bị chênh lệch quá lớn, có thời điểm lên tới 18 triệu đồng mỗi lượng được cho là hậu quả của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012. Nghị định này quy định việc sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng do SBV độc quyền. Trong suốt 10 năm qua, SBV không hề phê duyệt nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng cũng như chỉ tăng lượng vàng miếng 1 lần duy nhất cách đây nhiều năm. Nguồn cung không tăng trong bối cảnh xung đột địa chính trị toàn cầu tăng cao, kinh tế suy giảm, rủi ro mất giá tiền tệ khắp toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tăng mạnh đã thúc đẩy cầu về vàng dự trữ tăng.

Ở góc nhìn vĩ mô, SBV truyền đi thông điệp rằng việc cơ quan này độc quyền vàng miếng sẽ ngăn chặn tâm lý găm giữ vàng trong dân; giảm vàng hoá, đô - la hoá sẽ ổn định thị trường tiền tệ trong nước, thúc đẩy tiền nhàn rỗi chảy đổ vào kênh tiết kiệm của ngân hàng thương mại và từ đó cung ứng vốn chi phí hợp lý vào khu vực kinh tế thực. Việc kiểm soát, kiềm chế lượng cung vàng miếng đẩy chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên cao được giải thích là nhằm khuyến khích người dân bán vàng miếng (do giá cao), giảm động lực mua vàng phòng ngừa lạm phát.

Nhưng thực tế, động lực mua vàng để phòng ngừa lạm phát và thậm chí là chờ tăng giá đã trở thành một kênh đầu tư, một văn hoá trong tiết kiệm của dân cư. Bởi vậy, nhiều người dân chỉ đơn giản chuyển tài sản từ dạng trữ vàng miếng SJC do SBV độc quyền chuyển sang vàng nhẫn vỉ hoặc loại vàng miếng khác để giảm thiểu rủi ro chính sách thúc đẩy chênh lệch giá trong nước và quốc tế quá cao (tới 20% giá trị hàng hoá).

Lợi bất cập hại

Cách quản lý độc quyền như vậy đã thúc đẩy buôn lậu vàng nguyên liệu do lợi nhuận hấp dẫn. Trong bảng cân đối cán cân thanh toán quốc tế công bố bởi SBV, tài khoản lỗi và sai sót năm 2022 lên tới 31,75 tỷ USD; một con số kỷ lục. Trong 3 quý đầu năm 2023, luỹ kế tài khoản này lên tới 18,8 tỷ USD. Để so sánh, tài khoản lỗi và sai sót năm 2022 chiếm tới 8% GDP cả nước, nhiều gấp hơn 3 lần thặng dư xuất khẩu (là 10 tỷ USD năm 2022). Tài khoản Lỗi và sai sót phản ánh nguồn tiền USD rời khỏi quốc gia mà không được hạch toán chính thức. Với Việt Nam, tài khoản này có thể bao gồm cả các khoản mua vũ khí và buôn lậu.

Dù không thể chứng minh bao nhiêu phần trăm trong số ngoại tệ không thể hạch toán chính thức là dùng để mua vàng lậu, nhưng rõ ràng tài khoản Lỗi và sai sót của Việt Nam luôn tăng mạnh mỗi khi giá vàng trong nước bỏ xa giá vàng thế giới hoặc giá hàng hoá xăng dầu có chênh lệch lớn, bất ổn lớn. Thực tế, các vụ án buôn lậu vàng tăng mạnh, năm sau lớn hơn năm trước, trở thành căn bệnh "mãn tính" mà thị trường vàng luôn thừa nhận.

Buôn lậu luôn cần USD chợ đen để thanh toán. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới áp lực cầu với USD, tác động tới ổn định tỷ giá trong nước. Có vẻ như, chính sách độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng sản xuất vàng miếng, độc quyền quyết định lượng cung vàng miếng của SBV để kiểm soát thị trường đã không có kết quả như các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng. Ngược trở lại, chính sách này còn gây thất thoát nguồn thu (do buôn lậu), thất thoát ngoại tệ mạnh và khó kiểm soát tỷ giá. Cuối cùng, độc quyền luôn tạo ra một nhóm nhỏ hưởng lợi lớn hơn do nắm được thông tin chính sách. Phần đa người tham gia thị trường có thể mất mát nhiều hơn khi chính sách thay đổi đột ngột. Người trữ vàng SJC đã chứng kiến bản thân họ mất đi 10 triệu đồng/lượng vàng chỉ sau một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như mô tả ở trên.

Chắc chắn, việc rút ngắn khoảng cách của giá vàng miếng trong nước và thế giới còn tiếp tục khi Chính phủ đã nhắm tới điều này. Quyết tâm sửa đổi Nghị định 24 đề cập ở trên đã được truyền thông rầm rộ đăng tải. Dường như SBV không còn cách nào khác sẽ phải sớm thực thi nhiệm vụ mới này. Bởi vậy, rủi ro chính sách với vàng miếng trong nước còn ở phía trước.

Điều thú vị là chính sách độc quyền nguyên liệu và sản xuất vàng miếng chỉ bộc lộ hết méo mó khi thị trường vàng quốc tế căng thẳng trong cuộc chiến tranh tiền tệ lớn nhất từ trước tới nay. Điều này đang thúc đẩy thị trường vàng quốc tế trở nên sôi động và khó dự báo như vậy? Mời các bạn đón đọc Phần 2: Vàng - Niềm kiêu hãnh bất biến và Cuộc chiến tranh tiền tệ đương đại.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Giá vàng trong nước thấp thỏm trong chiến tranh tiền tệ và rủi ro toàn cầu gia tăng (Phần 1)