Ai chiến thắng đằng sau 'cú rơi thẳng đứng' trên thị trường chứng khoán Việt Nam?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam hôm qua đỏ lửa, một cú sốc mạnh với thị trường, niềm tin thị trường và các nhà đầu tư. Hãy cùng NTDVN điểm lại sự kiện liên quan mật thiết tới "cú sốc sập sàn" diễn ra ngày hôm qua 26/10/2023.

Tin quá tốt trước cơn bão

Mới chỉ hai tháng trước, ngày 30/8/2023, báo chí của Việt Nam hồ hởi đưa tin cổ phiếu Tập đoàn VinGroup – Công ty Cổ phần (mã cổ phiếu VIC – sàn HoSE), sẽ tăng mạnh, khoảng 25%, chủ yếu vào cuối năm, nhờ thông tin sinh lời cao trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm. Một ví dụ về mẩu tin như vậy đến từ Tạp Chí Công thương, các chuyên trang như CafeF,... đều đăng các thông tin tương tự.
Gần đây nhất, ngày 24/10/2023, trước cú rơi chỉ số Vn-Index 2 ngày, thông tin về 03 công ty niêm yết trên sàn giao dịch họ nhà Vin có báo cáo tài chính lãi lớn được tung ra.
Trang CafeF đưa tin: "Công ty CP Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) vừa công bố báo cáo tài chính quý III. Theo đó, tổng doanh thu thuần quý III đạt gần 3.333 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Việc doanh thu tăng đột biến nhờ ghi nhận doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng cao từ 136 tỷ đồng ở cùng kỳ tăng lên 1.304 tỷ đồng trong kỳ này. Trong khi hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại tiếp tục tăng trưởng ổn định".
Cũng trong ngày này, CafeF lại đưa một tin tức rất lạc quan cho các cổ phiếu dòng Vin với tiêu đề "Vingroup ghi nhận doanh thu kỷ lục gần 2 tỷ USD trong quý 3/2023 nhờ doanh số xe điện tăng và bàn giao các căn thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2,3".

Giao dịch thoả thuận

Ngay khi tin tức tốt ra, cổ phiếu dòng Vin tăng tốc. Vào thời điểm tốt nhất, giao dịch thoả thuận đã xuất hiện. Giao dịch thoả thuận là phương thức bên mua và bán tự thoả thuận các điều kiện giao dịch như giá, khối lượng, hình thức thanh toán rồi thông báo cho công ty chứng khoán của hai bên.
CafeF ngày 23/10/2023 đã đưa tin rằng giữa lúc thị trường chìm trong sắc đỏ thì cổ hiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes đã nhận được lực mua mạnh từ khối ngoại.
Giao dịch thoả thuận ngay đầu phiên chiều ngày 23/10/2023 lên tới 26 triệu đơn vị với mức giá 43.600 đồng/cổ phiếu.

Từ bán ròng, khối ngoại chuyển thành mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên cổ phiếu VHM trong phiên 23/10. Trước đó trong phiên 20/10, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng đến 18,7 triệu cổ phiếu VHM, tương đương giá trị xấp xỉ 800 tỷ đồng. Phần lớn các giao dịch cũng được thực hiện theo phương thức thoả thuận.

Tính tới ngày 23/10, VHM có 2 phiên hồi phục liên tiếp sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3. Giá trị vốn hoá thị trường theo đó “gỡ gạc” được hơn 10.000 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 194.000 tỷ đồng. Thông tin tốt tiếp tục được tung ra ngày 24/10/2023 như đề cập ở trên tiếp tục bơm thêm "thuốc kích thích" cho thị trường.

Sự kiện 'sập sàn' ngày 26/10/2023

Xuất hiện lượng bán tháo cổ phiếu mã VHM khối lượng lớn, 31 triệu cổ phiếu. Lệnh bán tháo tự động khớp giá miễn là có người mua đã lập tức kéo sập cả sàn giao dịch chứng khoán hôm qua, thứ Năm ngày 26/10.

Gần như ngay lập tức, Tập đoàn Vingroup ra thông cáo báo chí với thông điệp "trái phiếu chuyển đổi ảnh hưởng ngắn hạn và không đáng kể". Thông điệp này chủ yếu ngăn chặn lo ngại của nhà đầu tư về việc tập đoàn Vingroup phát hành trái phiếu chuyển đổi (chi tiết đề cập dưới đây), chuyển đổi thành cổ phiếu của VHM. Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại rằng cổ phiếu VHM bị pha loãng một cách bất hợp lý khi Vingroup cần dòng tiền đảo nợ.

Tuy nhiên, thông cáo báo chí của Vingroup đã không xoa dịu được thị trường. Do nhóm cổ phiếu của Vingroup có mức vốn hoá lớn (Blue chip) nên ảnh hưởng tiêu cực tới sàn giao dịch chứng khoán cả nước. Giới đầu tư chứng kiến cú rơi lịch sử trên sàn giao dịch: VNIndex về mức 1.064,95 điểm, mất 4.34%. Chỉ số chứng khoán trên sàn HNX mất 4.19%. Chỉ số HNX30 mất 7,7%.

Giá cổ phiếu 03 mã chứng khoán họ Vin giảm sàn ngày 26/10/2023 (Ảnh chụp màn hình Internet)
Nhóm 10 nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất phiên giao dịch ngày 26/10/2023 (Nguồn Vietstock)

Đảo nợ bằng trái phiếu quốc tế

Theo Bloomberg, VinGroup đang chào bán Trái phiếu có thể hoán đổi bằng đồng USD trị giá 300 triệu USD, đáo hạn vào năm 2028, lãi suất trả 9,5% đến 10% mỗi năm, thanh toán lãi suất hàng quý. Trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu VHM (giá chuyển đổi đổi ban đầu 51.635-53.880VND/cổ phiếu).
VinGroup dự định sử dụng một phần số tiền thu được để mua lại trái phiếu hiện có. VIC đề nghị mua lại số trái phiếu có thể hoán đổi trị giá lên tới 300 triệu USD - 500 triệu USD, lãi suất 3%/năm đáo hạn vào năm 2026.
Với thông tin như vậy, tức là cổ phiếu VHM bị pha loãng bởi 300 triệu USD tiền TPDN có thể trở thành cổ phiếu. Chuyển đổi vào năm 2028 (5 năm sau) nhưng giá chuyển đổi lại ở mức không hề hấp dẫn; tương đương mức giá của năm 2023. Dễ hiểu là cố phiếu của VHM bị bán tháo khi nhà đầu tư thấy nguy cơ mất giá.

Kẻ chiến thắng cuối cùng

Trên thị trường tài chính nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm gì nếu muốn mua trái phiếu lãi suất cao của VinGroup? Họ phải bảo hiểm bằng cách đánh cược vào sự xuống giá của VHM hoặc đơn giản là nhìn thấy cơ hội kiếm lời nhờ đánh cược vào sự xuống giá của VHM (bán khống).
Khối ngoại trong nước đã nắm giữ cổ phiếu của VinGroup lập tức xả hàng, toàn bộ là lệnh khớp bán tự động như mô tả ở trên. Nói cách khác, khối ngoại mượn kho hàng VHM để bán thời điểm này (bán khống), đợi giá VHM rớt thảm họ sẽ mua trả lại, kiếm lợi nhuận từ giá đi xuống của VHM. Lưu ý là suy luận này trùng khớp với thông tin mà Cafef đã đưa trước đó là "Giao dịch thoả thuận của khối ngoại đã diễn ra ngay đầu phiên chiều ngày 23/10/2023 lên tới 26 triệu đơn vị với mức giá 43.600 đồng/cổ phiếu".
Nhà đầu tư ngoại đã bán VHM với khối lượng lớn bất thường trong những này báo chí trong nước đưa tin tức tài chính tốt về VinGroup (nguồn: Viet Stock, ảnh chụp màn hình ngày 27/10/2023)
Khối ngoại kiếm bộn tiền từ bán khống phái sinh trên thị trường chứng khoán Việt Nam dù Việt Nam không có sản phẩm tài chính bán khống một cách chính thức. Nhưng TPDN phát hành ở nước ngoài của một doanh nghiệp có cổ phiếu Blue chip đã tạo điều kiện cho khối ngoại kiếm tiền bằng công cụ này.
Nói cách khác, khi tin tốt về VinGroup được tung hô kèm với tin khối ngoại mua ròng hàng của VinGroup, giá cổ phiếu VinGroup tăng vọt đã khiến các nhà đầu tư trong nước đổ tiền nhóm cổ phiếu này.
Sau đó, tin xấu rằng VinGroup phát hành TPDN bằng đồng USD ở nước ngoài với lãi suất cao xuất hiện trên Bloomberg. Song song với tin này, các nhà đầu tư nước ngoài đã kịp ký hợp đồng bán kho hàng cổ phiếu VHM mà họ đang có trong tay cho các nhà đầu tư nước ngoài bán khống hàng VHM trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nói nôm na là, hợp đồng bán khống ký ở nước ngoài, nhưng thực hiện bán hàng khi giá cao và mua lại hàng khi giá xuống để kiếm lời lại là việc của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường tài chính Việt Nam. Các nhà đầu tư ngoại kiếm bộn tiền từ bán khống VHM. Ngay ngày hôm qua họ đã lãi. Nhưng với hoạt động của nhà đầu tư tổ chức ngoại tại Việt Nam, họ đương nhiên hạch toán lỗ trong phi vụ đầu tư này. Toàn bộ lãi đã chuyển ra nước ngoài. Việt Nam thiệt đơn thiệt kép.
Có vẻ như, chỉ các nhà đầu tư trong nước mất tiền trong câu chuyện này mà thôi.
Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Ai chiến thắng đằng sau 'cú rơi thẳng đứng' trên thị trường chứng khoán Việt Nam?