Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Người dân hoan nghênh, chính quyền lại tung nhiều 'chiêu trò nhỏ nhặt'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 24-26/4. Tại điểm dừng đầu tiên là Thượng Hải, ông Blinken được bố trí nghỉ tại Peace Hotel (Khách sạn Hòa bình). Ở trước cửa khách sạn và trên mạng, người dân Trung Quốc đều thể hiện sự hoan nghênh với ông Blinken. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã ‘hạ cấp’ tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ ở sân bay. Ngoài ra, cách khách sạn này không xa, quân đội Trung Quốc còn bố trí 2 tàu chiến, điều này được truyền thông Trung Quốc cắt nghĩa là hành động “cảnh cáo” Hoa Kỳ.

Chuyên cơ của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải vào hôm thứ Tư (ngày 24/4), ông chính thức bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai trong nhiệm kỳ của mình.

Theo truyền thông Trung Quốc, lần này Trung Quốc chỉ cử ông Khổng Phúc An (Kong Fu’an), Giám đốc Văn phòng Ngoại vụ Thành phố Thượng Hải - một quan chức cấp Sở, đến đón ông Blinken.

Ngày 24/4/2024, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (đầu tiên từ phải sang) đến Thượng Hải và được chào đón bởi ông Khổng Phúc An (thứ ba từ trái sang), Giám đốc Văn phòng Ngoại vụ Thành phố Thượng Hải, và ông Nicholas Burns (thứ hai từ trái sang) - Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc. (MARK SCHIEFELBEIN/POOL/AFP via Getty Images)

Nghi lễ tiếp đón lần này còn không bằng hồi tháng 6 năm ngoái khi ông Blinken đến Bắc Kinh. Khi đó, người được cử đi đón ông Blinken là ông Dương Đào (Yang Tao), Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và Châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, dù chỉ là cấp Vụ nhưng vẫn là một quan chức thuộc "hệ thống quốc gia".

So với sự "tiếp đón lạnh nhạt" của chính quyền Trung Quốc, dư luận nước này dường như lại thể hiện mặt tích cực đối với chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken.

Khách sạn mà Trung Quốc sắp xếp cho ông Blinken ở lần này là Peace Hotel (Khách sạn Hòa bình).

Theo một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, vào tối ngày 24/4, quốc kỳ của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã được kéo lên trước cửa Khách sạn Hòa bình. Khi đoàn xe của ông Bliken tiến vào, trước cửa khách sạn đã có rất đông người chờ đợi sự xuất hiện của Ngoại trưởng Mỹ.

Trong phần bình luận bên dưới video này, có không ít cư dân mạng Trung Quốc để lại bình luận bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Blinken. Những lời khen ngợi của các cư dân mạng dường như cũng hàm ẩn sự bất bình của họ về việc chính quyền Trung Quốc ủng hộ Nga.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn bí mật ủng hộ Nga. Một trong những chủ đề trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Blinken là cố gắng thay đổi lập trường của Trung Quốc trong việc hỗ trợ Nga.

Ngoài ra, theo một bài báo do trang NetEase của Trung Quốc đăng tải, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Ngoại trưởng Mỹ trùng với dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, và một căn cứ hải quân thuộc Chiến khu Đông Bộ Trung Quốc cũng đã đặc biệt sắp xếp một hoạt động ra mắt hai tàu chiến trên Bến Thượng Hải.

Hai chiến hạm đó là "Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Zibo (Tri Bác)" và “Tàu cứu hộ y tế trên biển Peace Ark (Con tàu Hòa bình)”.

Đánh giá từ vị trí căn phòng nơi ông Blinken ở, ông có thể nhìn thấy “tàu khu trục Zibo” từ cửa sổ phòng mình. Bài báo trên NetEase cho rằng, đây là một lời cảnh cáo với Hoa Kỳ rằng đừng dễ dàng thách thức giới hạn cuối cùng của Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc đã đặc biệt thả neo “tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Zibo” (số hiệu thân tàu 156) gần Khách sạn Hòa bình nơi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở khi tới Thượng Hải. (Ảnh chụp màn hình)

Nhà bình luận độc lập người Hoa, ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), viết trên nền tảng X (tên cũ là Twitter) rằng: “Nơi đầu tiên mà ông Bliken được hạ cánh lại không phải là Bắc Kinh (thủ đô), máy bay chỉ có thể đáp xuống Thượng Hải. Không có thảm đỏ, cũng không có quan chức cấp cao nghênh đón. Đây là tiêu chuẩn tiếp đón mà các quan chức cấp cao của Mỹ nhận được [khi đến Trung Quốc] trong những năm gần đây, điều này chỉ khiến các chính trị gia Mỹ thấy chán ghét”.

Ông Trịnh Khâm Mô (Zheng Qinmo), Phó giáo sư tại Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Tamkang ở Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 25/4 rằng, cách Trung Quốc tiếp đón ông Blinken như vậy tất nhiên là không đồng đẳng. Ông Trịnh cho rằng, điều này cho thấy Bắc Kinh cảm thấy không tự tin và lép vế nên đã làm ra những chiêu trò nhỏ này để lấy lại chút thể diện với người dân trong nước.

“Lần này, chính quyền Trung Quốc thực sự đã nhận thức được tình hình và cảm nhận được khí thế của ông Blinken trong chuyến đi này. Đặc biệt là khi ông Blinken đã công bố bằng chứng về việc Trung Quốc viện trợ cho Nga trong cuộc họp với ngoại trưởng các nước G7 trước đó. Rõ ràng là ông Blinken đến đây để đưa ra thông điệp. Vậy nên Bắc Kinh chỉ có thể dùng những chiêu trò nhỏ nhặt này để mị dân trong nước”, ông Trịnh nói.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Người dân hoan nghênh, chính quyền lại tung nhiều 'chiêu trò nhỏ nhặt'