Tấn hài kịch marathon tiết lộ góc khuất đáng buồn của thể thao Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi đường đua trở thành sàn diễn

Trên một đường đua marathon, ở chặng nước rút căng thẳng cuối cùng…

Trong tốp dẫn đầu có 3 vận động viên da đen và một vận động viên người Trung Quốc đang chạy sát nhau. Người đàn ông Trung Quốc nghiến răng bứt tốc, còn ba người da đen kia dường như sinh ra để chạy, với những bước chân không trọng lượng và khuôn mặt bình tĩnh. Dường như thông cảm với anh bạn da vàng nặng nề, một vận động viên da đen đã có một hành động rất thân ái, anh ra hiệu cho hai người đồng chủng chạy chậm lại để anh bạn Trung Quốc vượt lên. Chưa hết, anh còn vẫy tay ra hiệu cho vận động viên người Trung Quốc nhanh chóng chuyển sang đường chạy nước rút. Quả là sự nhường nhịn hiếm thấy trong thể thao hiện đại. Cuối cùng, thì 4 người bọn họ cũng toại nguyện với kết quả vận động viên người Trung Quốc cán đích đầu tiên, ba vận động viên da đen lần lượt xếp thứ 2, 3, 4 chỉ cách nhau một giây. Một kết quả đẹp như nghệ thuật sắp đặt, thể hiện một tinh thần hữu nghị tuyệt vời.

Trong khi nhà vô địch Trung Quốc đang cúi gập người thở dốc, thì các bạn chạy da đen của anh tung tăng bên cạnh để chúc mừng, như thể họ ở cùng một đội và đã hỗ trợ nhau thành công vậy.

Nhưng không, hóa ra họ không cùng một đội. Có chuyện gì xảy ra thế này?

Giấu đầu hở đuôi

Đó là những hình ảnh trong giải half marathon Bắc Kinh 2024 vào ngày 14/4 vừa rồi. Vận động viên Trung Quốc đạt huy chương vàng tên là He Jie, còn trong số 3 chân chạy da đen nhởn nhơ kia thì hai người Robert Keter & Willy Mnangat thuộc đội tuyển Kenya, một người thuộc tuyển Ethiopia tên là Dejene Hailu.

Ngày 15/4, khi được hỏi về sự việc, Mnangat nói rằng anh để Jie vượt qua vì "hai người là bạn". Nhưng sáu tiếng sau thì câu chuyện lại thay đổi: Mnangat nói anh và ba VĐV khác được thuê làm pacer - người dẫn tốc, nhằm giúp He Jie phá kỷ lục half marathon Trung Quốc - mốc 1 giờ 2 phút 33 giây. Trên thực tế, He Jie vô địch, nhưng không thể phá kỷ lục, với thông số 1 giờ 3 phút 51 giây.

Khi được tờ SCMP phỏng vấn, Mnangat nói: "Tôi dự giải với tư cách là pacer. Sếp tôi bảo tôi đến đây, và làm pacer giúp He Jie phá kỷ lục quốc gia Trung Quốc. Khi tôi chuẩn bị xin thị thực, người đại diện của tôi từ Kenya cũng bảo tôi sẽ đến Trung Quốc để giúp chân chạy chủ nhà phá kỷ lục quốc gia".

Nhưng đó vẫn chỉ là những lời biện hộ, vì Mnangat quả thực không thể đưa ra bằng chứng rằng anh được thuê làm pacer và không dự giải half marathon Bắc Kinh 2024 với tư cách là vận động viên tranh tài.

Còn người đại diện cho 29 vận động viên Kenya trong đó có Mnangat cũng là một người Trung Quốc tên là Karen Lin. Dù vậy, khi được phỏng vấn, Lin phủ nhận liên quan đến sự việc và cáo buộc các phóng viên SCMP quấy rối. SCMP cũng không thể liên lạc được với hai vận động viên da đen còn lại là Bikila và Keter.

Theo tài liệu chính thức từ giải half marathon Bắc Kinh 2024 thì Bikila, Keter và Mnangat đều được tính là VĐV tranh tài, chứ không phải pacer. Họ cũng không ở danh sách pacer, mà các pacer đều là người Trung Quốc, có trang phục của riêng họ.

Trong buổi trò chuyện với người hâm mộ ở bản tin phát sóng trực tiếp ngày 15/4, He Jie cho rằng anh chỉ là "nạn nhân" trong sự việc này.

Như vậy là đã rõ, ở đây không có ai đang chạy marathon thật sự, ba động viên châu Phi “chạy show”, nhà vô địch Trung Quốc He Jie “chạy danh hiệu”, và sau đó khi nội vụ vỡ lở, thì tất cả những người trong cuộc đều “chạy làng”.

ba động viên châu Phi “chạy show”, nhà vô địch Trung Quốc He Jie “chạy danh hiệu” (Chụp video)

Vì sao ngày nay, người Trung Quốc vì thành tích thi đấu, sẵn sàng gian lận hay làm những việc nực cười? Nguyên nhân của nó bắt đầu từ cách nay hơn nửa thế kỷ.

Thể thao ở Trung Quốc được dùng như chiêu bài chính trị và hậu quả với các vận động viên

Ở Trung Quốc ngày nay, thể thao không chỉ là thể thao, mà thể thao là chính trị trá hình, nó có căn nguyên của nó. Ngay từ những năm 1956, Mao Trạch Đông bắt đầu sử dụng bơi lội để xây dựng hình ảnh của mình như một lãnh tụ vĩ đại có thể chất siêu phàm, thậm chí để vô hiệu hóa âm mưu hạ bệ của các đối thủ trong Đảng đối với ông ta. Năm 1956, Mao đã bơi ở 3 con sông: sông Châu Giang gần Quảng Châu, Sông Tương tại Trường Sa và sông Dương Tử tại Vũ Hán. Mao được cho đã bơi ở sông Dương Tử 11 lần trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến năm 1962, trong đó có 3 lần vượt sông chỉ riêng trong năm 1956. Hai năm sau đó, thì Trung Quốc có “Đại nhảy vọt”.

Ngày 16/7/1966 để dẹp bỏ tin đồn về sức khỏe suy yếu của mình, Mao đã bơi trên sông Dương Tử, và báo chí, truyền thông thi nhau tán tụng về vị lãnh tụ 73 tuổi bơi được 15km, tức 9 dặm trong vòng hơn một giờ, tính ra là 3,8 m/s, vượt xa tốc độ 1,7 m/s của kình ngư sau này của Trung Quốc Tôn Dương - người đã giành được huy chương vàng thế vận hội London năm 2012. Thực ra, là do Mao bơi xuôi dòng và được sông Dương tử cuốn đi. Nhưng nhân dân lại tung hô Mao cuồng nhiệt khiến ông ta có thêm nguồn năng lượng mới để quay về Bắc Kinh, hủy diệt các đối thủ chính trị trong Đại Cách mạng văn hóa bắt đầu vào 2 ngày sau đó.

Năm 1971, Mao lại lần nữa sử dụng thể thao để làm chính trị, lần này là ngoại giao bóng bàn giữa Trung Quốc và Mỹ, từ đó Bắc Kinh bắt tay với Washington cô lập Nga Xô, cán cân chiến tranh Lạnh thay đổi, Mỹ cũng bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc thì có cơ hội làm ăn mới, dẫn tới nhiều thay đổi trên bàn cờ chính trị thế giới.

Kể từ Thế vận hội Los Angeles năm 1984, Trung Quốc coi việc tranh huy chương vàng Olympic là mục tiêu duy nhất để phát triển sự nghiệp thể thao. Từ đó, thể thao phải được coi là thể diện quốc gia, huy chương vàng là cụ thể hóa mục tiêu giành vinh quang cho tổ quốc, thể hiện sự hùng mạnh và giành lấy sự khâm phục cho mô hình ưu việt của Trung Quốc trên trường quốc tế. Vì thế, chính quyền Trung Quốc không tiếc tiền để giành bằng được thành tích bằng mọi giá.

Tờ Time của Mỹ năm 2001 trích dẫn rằng cái giá để Trung Quốc giành được một tấm huy chương vàng là 8 triệu đô la Mỹ. Đến Thế vận hội Athens 2004, con số này đã tăng lên hơn 100 triệu đô la Mỹ.

Đến kỳ Thế vận hội Bắc Kinh 2008, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư với số vốn còn lớn hơn nữa. Quan chức cấp cao trong lĩnh vực thể thao Trung Quốc là Tăng Minh (Zeng Ming) từng nói: “Thể thao không theo đuổi huy chương vàng là thể thao thất bại. Việc theo đuổi huy chương vàng của nước ta là không tính đến chi phí”.

Hoàn toàn khác với Trung Quốc, thể thao ở các nước phương Tây là thể thao quần chúng. Ủy ban Olympic của các nước phương Tây là tổ chức phi chính phủ, nhà nước đầu tư rất ít vào lĩnh vực này. Mặc dù các vận động viên phương Tây tham gia các cuộc thi quốc tế để đại diện cho quốc gia của họ, nhưng họ hoàn toàn không có các mục tiêu chính trị như thể hiện quốc gia lớn mạnh và năng lực điều hành của chính quyền, hay sự ưu việt của mô hình chính trị. Huy chương cũng mang tính cá nhân nhiều hơn là “giành vinh quang cho tổ quốc”.

Trong hoàn cảnh như vậy, các vận động viên thể thao Trung Quốc đang phải gánh trên vai nhiệm vụ chính trị nặng nề, hoàn toàn xa lạ với ý nghĩa đích thực của thể thao chân chính.

Để có được tấm huy chương, các vận động viên Trung Quốc gần như bị nhốt để tập trung huấn luyện, cách biệt với gia đình, chịu sự huấn luyện tàn bạo, hà khắc, thường xuyên bị chấn thương, dẫn đến dị tật suốt đời. Tuy vậy, người được chọn thì ít, người bị loại thì nhiều, không phải ai cũng có cơ hội thi đấu trong đội tuyển quốc gia.

Và bởi vì thể thao là chính trị, nên nhiều vận động viên phải thể hiện một tinh thần mà ngoại giới không thể hiểu được, trước khi đi thi đấu thì hô khẩu hiệu trung thành và tuyệt đối tin tưởng lãnh tụ, thi đấu thành công thì lợi dụng để tuyên truyền chính trị, quảng bá hình ảnh quốc gia, lãnh tụ hay chế độ một cách nhằng nhịt bất phân.

Chẳng hạn như vào ngày 27/1/2022, trang web JBpress của Nhật Bản đưa tin, khoảng 7h26 ngày 25/1, dưới nhiệt độ -7 độ C ở Bắc Kinh, hơn 100 vận động viên và huấn luyện viên đại diện cho đoàn thể thao Trung Quốc tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn, giương cao lá cờ 5 sao và hô vang các khẩu hiệu: “Xông lên vì tổ quốc, không cô phụ nhân dân, trả ơn lãnh đạo bằng mọi giá, mãi đấu tranh cho vị trí số 1, đi theo tổng bí thư cùng hướng đến tương lai!”.

Ngày 2/8/2021, vận động viên Chung Thiên Sứ (Zhong Tianshi) 30 tuổi và Bào San Cúc (Bao Shanju) 23 tuổi đến từ Trung Quốc đã giành HCV nội dung đua xe đạp nữ ở Thế vận hội Tokyo. Sau đó, cả hai mặc đồng phục đoàn Trung Quốc màu trắng bước lên bục trao giải. Cờ năm sao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) được in trên mặt trái của đồng phục đội màu trắng, và năm vòng tròn Olympic ở phía dưới.

Ngoại giới chú ý đến việc hai người đoạt huy chương vàng cũng có một huy hiệu Mao Trạch Đông hình tròn với viền vàng đỏ trên ngực của họ. Vụ việc này đã gây ra phản ứng dữ dội trong dư luận, và nghi vấn rằng Bắc Kinh muốn các cầu thủ đeo huy hiệu Mao để cổ súy Cách mạng Văn hóa và sự ưu việt của chế độ, đồng thời việc này cũng đã vi phạm quy định cấm tuyên truyền chính trị trong “Hiến chương Olympic”.

Uỷ ban Olympic Quốc tế đang tiến hành điều tra hai nhà vô địch Trung Quốc ở nội dung đua xe đạp nước rút dành cho nữ vì đeo huy hiệu Mao Trạch Đông lên bục nhận giải. (Ảnh Epoch Times)
Uỷ ban Olympic Quốc tế đang tiến hành điều tra hai nhà vô địch Trung Quốc ở nội dung đua xe đạp nước rút dành cho nữ vì đeo huy hiệu Mao Trạch Đông lên bục nhận giải. (Ảnh Epoch Times)

Theo Điều 50 của “Hiến chương Olympic”, bất kỳ hình thức biểu tình hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc nào đều không được phép ở bất kỳ địa điểm tổ chức Olympic hoặc các khu vực khác. Các quy tắc chi tiết đã nêu rõ rằng bất kỳ hình thức tuyên truyền nào sẽ không được xuất hiện trên quần áo thể thao, phụ kiện và thiết bị. Những người vi phạm có thể bị tước quyền thi đấu và thậm chí có thể bị thu hồi thẻ tham dự.

Trong khi thi đấu, nhiều vận động viên Trung Quốc hò hét thô bạo, chửi thề, thắng cũng chửi, thua cũng chửi, thắng thì ngạo nghễ, thua thì cay cú tức tối. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin tán dương những biểu hiện này, nói rằng đây là lần đầu tiên chứng kiến những hành động “khí thế” như vậy. Việc mượn thể thao để rửa hờn dân tộc hay làm nhục đối phương cũng không khác gì tinh thần chiến lang trong ngoại giao Trung Quốc, hoàn toàn không có một chút gì thể hiện sự văn minh hay lễ độ của một cường quốc. Cũng phải thôi, nếu như bạn bị nhốt vào một nơi “ăn - tập” cách biệt với bên ngoài, nhiều năm ròng bị nhồi sọ bằng tuyên truyền chính trị, trong khi thiếu vắng sự dạy dỗ về đạo đức, văn hóa lễ nghi truyền thống… thì tất yếu sẽ như vậy.

Chẳng nói gì đến các vận động viên, ngay cả nhiều người dân Trung Quốc sống bên ngoài các trung tâm huấn luyện cũng bị kích động đến phát cuồng lên với thành tích thể thao, lấy thể thao để trút giận, rửa hờn, thể hiện sự trung thành với chế độ hay lòng yêu nước “chân chính” - biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan... thì sẽ dẫn đến hiện tượng là người thắng trở về thì được dư luận ca tụng lên mây xanh, như vận động viên trượt băng Eileen Gu; người thua thì bị xỉ vả, nhiếc móc đến hết lời, như vận động viên trượt băng khác là Zhu Yi trong Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Xong khi vận động viên không còn khả năng thi đấu, hay kiếm thêm huy chương cho đẹp mặt nhà nước, thì cũng chẳng còn khen ngợi hay chỉ trích, chỉ còn sự lãng quên trong đau đớn.

Nhiều vận động viên vì tập luyện mà mất đi sức khỏe, bị chấn thương hay dị tật suốt đời, lại không được học văn hóa đầy đủ, nên khi giải nghệ không còn có khả năng kiếm sống, đành lay lắt qua ngày với gánh nặng bệnh tật trên mình.

Chẳng hạn như Quách Bình sinh năm 1977, là á quân Cuộc thi Marathon Quốc tế, khi giải nghệ ở tuổi 26, cô không có gì ngoài trình độ văn hóa tiểu học và sức khỏe suy sụp vì chấn thương thể thao với ngón chân hoàn toàn biến dạng, không thể làm việc, nên phải sống trong túng quẫn.

Lưu Phi sinh năm 1979, là quán quân nội dung bộ ba nữ của Giải vô địch Thế giới Thể dục dụng cụ Nhào lộn, giải nghệ năm 2000 và đến nay vẫn không có việc làm chính thức, sống trong một căn phòng chật chội, còn cha cô ngủ trên chiếc giường gấp trải ngoài hành lang chật hẹp. Do tập luyện nặng nhọc, cô bị u mỡ dưới da ở vùng vai, bị trật khớp cùng chậu, hầu như không có khả năng làm việc.

Tài Lực sinh năm 1970, là nhà vô địch cử tạ Á vận hội, đã từng giành nhiều huy chương, chức vô địch quốc gia, quốc tế, phá kỷ lục Á vận hội, được mệnh danh là “Lực sĩ số 1 Châu Á”. Song đến cuối đời, anh phải sống trong nghèo khó và bệnh tật, cuối cùng qua đời ở tuổi 33. Khi anh ra đi, trên bàn còn một bát canh cải thảo đang ăn dở và nửa lọ mắm tôm.

Trương Thượng Vũ sinh năm 1983, từng giành 2 huy chương vàng tại Đại hội thể thao sinh viên Bắc Kinh năm 2001. Sau đó do bị đứt gân gót chân bên trái khi tập luyện vào tháng 1/2002 nên anh phải quay trở lại đội thể dục dụng cụ tỉnh Hà Bắc. Anh chính thức giải nghệ vào tháng 6/2005. Tháng 4/2011, sau khi đã bán cả huy chương vàng để mưu sinh, Trương đi ăn xin và biểu diễn kiếm tiền ở Thạch Gia Trang, Thiên Tân và Bắc Kinh.

VĐV TQ Trương Thượng Vũ
VĐV TQ Trương Thượng Vũ, Huy chương vàng thể dục dụng cụ, hiện phải đi ăn xin (Ảnh chụp màn hình)

Những số phận bi thảm của các vận động viên Trung Quốc trước và sau khi giải nghệ là không kể xiết.

Những vận động viên này mất cả cuộc đời vì thể thao nhưng lại không được dạy tinh thần thể thao chân chính là như thế nào.

Tinh thần Olympic và sự nhất trí của nó với văn hóa truyền thống

Tinh thần Olympic hiện đại trong thi đấu thể thao là gì? “Xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn trong Tinh thần Olympic, đòi hỏi sự hiểu biết lẫn nhau với tinh thần hữu nghị, đoàn kết và chơi công bằng - Tinh thần Olympic luôn cố gắng truyền cảm hứng và thúc đẩy thanh niên trên thế giới trở nên mức tốt đẹp nhất họ có thể đạt đến. Có thể thông qua các thử thách tương tác mang tính giáo dục và giải trí. Tinh thần Olympic tìm cách thấm nhuần và phát triển các giá trị và lý tưởng của triết lý các môn thi Olympic, trong những người tham dự và người thúc đẩy lòng khoan dung và sự hiểu biết trong thời kỳ ngày càng khó khăn mà chúng ta đang sống, để làm cho thế giới của chúng ta trở thành một nơi hòa bình hơn.”

Nhà quý tộc người Pháp Pierre de Coubertin - “cha đẻ” của Olympic hiện đại - khi đề xuất thành lập Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vào năm 1894, đã đưa ra khẩu hiệu là “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn”. Song ông Coubertin cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất của Thế vận hội không phải là giành chiến thắng mà là việc được tham gia, cũng như điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là sự thành công mà là những thử thách cam go. Điều cần thiết không phải là trông chờ vào chiến thắng mà là chúng ta đã thi đấu hết mình.”

Hơn 2000 năm trước, đức Khổng tử viết: “Người quân tử không việc gì phải tranh, nếu buộc phải kể sự tranh, thì chỉ có ở cuộc thi bắn tên, trước hết vái chào, nhường nhau mà lên thềm, bắn xong thì đi xuống và uống rượu, ấy là sự tranh của người quân tử”. (trích: “Luận ngữ”)

Người quân tử chú trọng đức hạnh, lấy khiêm cung làm chỗ kết giao với thiên hạ, tranh đấu là điều hết sức phải tránh. Nếu như có lúc buộc phải tranh, thì đó là khi tỉ thí bắn tên. Nhưng tranh cũng phải theo lễ. Thông thường hai người tỉ thí sẽ cùng lên lễ đài, gặp mặt nhau sẽ hành lễ mời nhau đi trước. Tỉ thí chắc chắn sẽ có kẻ thắng người thua. Nhưng sau khi tỉ thí, thì đến màn hai bên “bước xuống và uống rượu”, mà phải để người thua uống trước, biểu thị rằng điều quan trọng là đã có cơ hội so tài với nhau, chứ không phải vì để tranh danh đoạt lợi. Thậm chí, người thắng còn khiêm tốn nói: “đã nhường, đã nhường”, biểu thị rằng người kia đã nhường cho họ phần thắng.

Rõ ràng trong văn hóa truyền thống, thắng về kết quả mà thua về “Lễ” thì vẫn là thất bại, là thất bại tuyệt đối về phong phạm quân tử và cảnh giới tinh thần.

Ngày nay, nhiều vận động viên Trung Quốc vì chiến thắng có thể tranh đoạt bằng nhiều cách không đẹp, thậm chí cả gian lận mua chuộc như câu chuyện thi đấu marathon ở đầu chương trình này. Thực tế, xét về ưu thế nòi giống, người Trung Quốc nếu chỉ dựa vào sức mạnh cơ bắp sẽ không thể chiếm lợi thế so với các vận động viên da đen hoặc da trắng. Chẳng hạn, trong môn chạy bộ thì không thể cạnh tranh với các động viên châu Phi khinh linh dẻo dai; trong võ thuật hiện đại cũng lép vế với những vận động viên phương Tây hay châu Phi da thô thịt dày, thể hình cao lớn. Song nếu quay về với phương thức tập luyện của võ thuật truyền thống, thì lại là một việc hoàn toàn khác.

Một thời vàng son của võ học truyền thống đã đi vào dĩ vãng

Trung Hoa thời xưa là cái nôi của tu luyện Đạo gia, mà trong Đạo gia thì có nhiều người vừa tu luyện khí công vừa luyện võ, gọi là khí công võ thuật. Những người thành tựu trong những môn này có thể làm được những điều mà người hiện đại không ngờ được.

Cuối thời Mãn Thanh, những cao thủ võ lâm này vẫn còn nhiều vô số, những nhân vật nổi tiếng được đưa lên phim ảnh như Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp đã là giỏi, nhưng người nổi tiếng nhất chưa chắc đã là người giỏi nhất. Có một số nhân vật truyền kỳ mà hành tung của họ rất ít người được biết, chỉ có thể được kể lại bởi những người thân cận sau khi họ mất đi.

Tháng 12 năm 2000, tạp chí Võ Hồn căn cứ theo lời thuật của đại sư Hình ý quyền Lý Trọng Hiên đã đăng tải một loạt bài viết có tựa đề: “Võ lâm đã mất: Lịch sử qua lời thuật của đại sư Hình ý quyền”. Loạt bài đã gây chấn động giới võ thuật thế giới, và được ca ngợi là “Người chứng kiến cuối cùng của thời kỳ đỉnh cao cuối cùng trong võ thuật Trung Hoa.”

Lý Trọng Hiên (1915-2004) xuất thân ở gia đình có truyền thống học hành, nhưng lại thích luyện võ. Thời trẻ, ông đã từng bái sư 3 vị danh gia quyền thuật là Đường Duy Lộc, Thượng Vân Tường, Tiết Điên. Nhờ thế mà ông đã thâu nạp được những sở trường của các gia phái, đắc được ý nghĩa thâm sâu của Hình ý quyền.

Năm Lý Trọng Hiên 34 tuổi thì rút lui khỏi võ lâm về quy ẩn. Thân mang tuyệt kỹ, ẩn cư chốn phố xa mấy chục năm, không hiển lộ danh tiếng. Những năm cuối đời, ông làm bảo vệ cho một cửa hàng ở Tây Đơn trong Kinh thành để mưu sinh.

Theo lời thuật của Lý Trọng Hiên: “Người luyện võ từ cổ đại đã có thuyết ‘Đông luyện Tam cửu Hạ luyện Tam phục’. Hình ý quyền có thể luyện đến trình độ nào? Thầy Đường (Đường Duy Lộc) đã lấy ví dụ hình ảnh nói với tôi rằng: 'Từ trên vách núi dựng đứng nhảy xuống, khi sắp chạm đất thì dùng tay đập vào vách đá, tung người bay ra, bình an vô sự'".

Người thầy đầu tiên của Lý Trọng Hiên là Đường Duy Lộc, lực chân của ông vô cùng thần kỳ. Nhiều người kể rằng một buổi tối ông có thể đi được ba, bốn trăm dặm. Ông cùng với Tôn Lộc Đường đương thời được xưng hiệu là Nhị Hầu (hai con khỉ). "Thầy Đường biệt hiệu Đường Tiểu Hầu, Tôn Lộc Đường biệt hiệu Tôn Hầu Tử, là nói hai người đều có khả năng vượt tường vượt mái nhà. Hai người được gọi chung là Nhị Lộc, cùng âm với Nhị Lộc (hai con hươu), là nói rằng hai người có sức mạnh đôi chân một đêm đi được 300, 400 dặm".

"Thầy Đường đến Kinh thành, vì để tránh thi triển 'thối công' gây kinh động đến người đi đường, nên ông thường đến bên con sông yên tĩnh ngủ tới canh một rồi mới lên đường, trời sáng là đã đến Bắc Kinh rồi, trên đường còn phải lén vượt qua mấy quan ải". Có lúc tốc độ của Đường Duy Lộc còn bắt kịp tàu hỏa: "Những chuyện lạ của môn Hình ý thì không dám nói. Khi còn trẻ, một lần tôi trú ở nhà Đinh Chí Đào. Khi đó thầy Đường đã biểu diễn cho tôi xem thầy đuổi tàu hỏa. Chính là để chúng tôi ngồi tàu hỏa, thầy Đường nói: 'Thầy sẽ đuổi theo các trò'. Đến khi chúng tôi đến nhà ga, thấy thầy Đường đã đứng ở sân ga đợi chúng tôi rồi, tay đang phe phẩy quạt, trên người không có mồ hôi. Dù tìm đường ngắn cũng không thể nhanh thế này được. Tôi và Đinh Chí Đào không dám nói chuyện nữa".

Thối công và tốc độ của danh gia Bát quái quyền Tôn Lộc Đường đương thời còn có một giai thoại. "Thối công của Tôn Lộc Đường là một sự kiện tin nóng. Ông và Đoàn Kỳ Thụy ngồi trên xe mui trần, chạy ngược chiều gió, xe chạy tốc độ cao. Đoàn Kỳ Thụy đội chiếc mũ lá Panama, bị gió cuốn đi. Tôn Lộc Đường nhảy xuống xe đuổi theo chiếc mũ rồi quay lại đuổi theo xe. Tài xế còn chưa kịp biết có người nhảy xuống xe, thì Tôn Lộc Đường đã trở về ngồi trên xe rồi".

Tôn Lộc Đường luyện Bát Quái Chưởng. (Wikipedia)

Sư phụ thứ hai của Lý Trọng Hiên là Thượng Vân Tường, có công phu rất phi thường, mang biệt hiệu là Thiết Cước Phật. Ngày thường ông tùy ý luyện một bài quyền, những viên đá bên dưới chân đều bị nứt. Đó chỉ là là mới hơi thi triển chút thân thủ cỏn con thôi.

Cảm ứng mẫn tiệp mọi lúc của Thượng Vân Tường mới là tuyệt chiêu xuất quỷ nhập Thần. "Một mùa hè, một đồ đệ từ ngoài cửa sổ nhìn vào thấy Thượng Vân Tường đang ngủ, có khí độ ninh tĩnh của Phật ngủ trong chùa. Đồ đệ sinh lòng cung kính, trong lòng cảm khái rằng: 'Theo học thầy Thượng thì có thể học được thứ chân chính'. Khi đó Thượng Vân Tường liền tỉnh dậy và nói: Khi ta ngủ thì không được để người khác nhìn, người khác hễ nhìn là tỉnh giấc".

"Khi thầy Thượng ngủ, ở bên ông nói chuyện, chạy nhảy cũng không vấn đề gì, nhưng chỉ tập trung chú ý nhìn vào thân ông thì thầy Thượng sẽ tỉnh dậy. Nghe rất thần kỳ, nhưng luyện Hình ý quyền lâu ngày rồi, nhất định sẽ xuất hiện hiệu quả này".

Loại cảm ứng mẫn tiệp không thể tượng tượng nổi này chính là "Tùy theo cảm giác mà xuất thủ, có tiếp xúc ắt có phản ứng" được nói đến trong quyền phổ. Có loại cảm ứng này, không sợ khi ngủ bị hại bởi người đánh lén.

Thử tưởng tượng rằng nếu những loại công phu này mà được sử dụng để chạy thi, thì có vận động viên hiện đại nào có thể tranh giải với họ được. Nhưng những nhân vật này muốn đạt được công phu ấy lại phải tu tâm dưỡng tính, năng lực hàm dưỡng cực cao, hoàn toàn không còn muốn tranh đấu hay thể hiện. Họ không dùng công phu như một phương tiện để tiến thân, để tranh đoạt danh lợi, hay vì bất cứ mục đích không trong sáng nào khác. Công phu ấy thực ra là song hành với cảnh giới tâm tính. Người Trung Hoa xưa có câu: “cao nhân bất lộ tướng, lộ tướng phi cao nhân” chính là cái ý này.

Ngày nay những cao nhân ấy có còn không? Không thể khẳng định là không, nhưng nếu còn thì chắc chắn họ cũng không lộ diện để tranh đấu, nhất là thi đấu để vinh danh Đảng cộng sản Trung Quốc.

Thể thao chân chính là vượt qua chính mình

Một số cư dân mạng Trung Quốc đã gọi ngày 14 tháng 4 là “ngày đen tối nhất trong lịch sử các giải marathon Trung Quốc” và sẽ bị đóng đinh vào cây cột xấu hổ cho thể thao Trung Quốc, đấy là giả định rằng Bắc Kinh vẫn còn sự xấu hổ. Quả thực, người ta vẫn nói Trung Quốc ngày nay là trùm hàng giả quả không sai. Người ta cũng nói rằng văn hóa mà ĐCSTQ tạo dựng cho đất nước Trung Quốc ngày nay là văn hóa Giả - Ác - Đấu. Như chúng ta đã thấy, trong thể thao Trung Quốc, chữ Giả, chữ Ác, chữ Đấu này càng căng thẳng mạnh mẽ. Nó có phải tinh thần thể thao chân chính hay không?

Người quân tử xưa ngay cả thi bắn tên cũng không tranh đấu mà thực hành lễ nghĩa trau dồi đức hạnh, các cao nhân võ học truyền thống lấy luyện võ để thăng hoa cảnh giới đạo đức bảo vệ chính nghĩa, cha đẻ Olympic hiện đại nhấn mạnh rằng: “Điều cần thiết không phải là trông chờ vào chiến thắng mà là chúng ta đã thi đấu hết mình”. Tinh thần của thể thao chân chính là ở chỗ vượt lên chính mình, chiến thắng chính mình, không phải là vượt qua đối thủ bằng bất cứ giá nào. Những thành tích thể thao xây trên nền tảng giả tạo, ác nghiệt, tranh đấu mà mong có thể chinh phục lòng người, thế giới ngưỡng mộ thì có khác gì xây lâu đài trên cát.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Tấn hài kịch marathon tiết lộ góc khuất đáng buồn của thể thao Trung Quốc