Ảm đạm 2024: Kinh tế thế giới chìm trong suy thoái sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bước vào năm 2024, các chỉ số vĩ mô đang dẫn báo một gam mầu xám loang rộng khắp toàn cầu. Ngày càng có nhiều nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái hoặc ngấp nghé ngưỡng cửa suy thoái. Mong mỏi hạ cánh mềm của các nền kinh tế lớn đang trở nên thách thức hơn. Triển vọng kinh tế Việt Nam ngày một khó khăn.

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP hơn 200%) so với các nền kinh tế có quy mô tương đương, tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc. Cả ba khu vực kinh tế này đều đang chìm trong suy thoái (Anh, Đức, EU) hoặc tăng trưởng chậm lại (Mỹ, Trung Quốc). Điều này đang tác động tiêu cực tới đơn hàng của doanh nghiệp trong nước, cả FDI và doanh nghiệp nội.

Sắc xám

Kinh tế Đức: GDP năm 2023 giảm 0,3% so với năm 2022 với sự trì trệ trong nửa đầu năm và suy giảm 2 quý cuối năm. Như vậy, sau năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đây là lần suy giảm thứ hai của nền kinh tế Đức trong 10 năm qua. Tỷ lệ lạm phát cao, lãi suất tăng và nền kinh tế toàn cầu suy yếu là những nguyên nhân chính khiến đầu tầu kinh tế của EU rơi vào suy thoái.

Kinh tế Anh: GDP quý III và IV/2023 giảm liên tiếp, tương ứng là 0,1% và 0,3%, đẩy nền kinh tế vào suy thoái kỹ thuật. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ chốt đều giảm. Năm 2023, kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0,1% - mức yếu nhất kể từ năm 2009 khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (ngoại trừ năm 2020 phong toả do đại dịch Covid-19).

Kinh tế EU: EU nhận định khu vực EURO sang năm 2024 với tình hình kinh tế yếu hơn và hạ dự báo triển vọng tăng trưởng 0,4 điểm% xuống còn khoảng 0,8% và dự báo lạm phát các năm 2023, 2024, 2025 lần lượt là 3,2%, 2,7% và 2,2%. Tăng trưởng kinh tế khu vực trong quý IV/2023 chỉ đạt 0,1% so cùng kỳ sau khi hầu như không tăng trong quý III. Cả năm 2023, tăng trưởng kinh tế khu vực đạt 0,5%, thấp nhiều so với mức 3,4% năm 2022.

Kinh tế Mỹ: Doanh số bán lẻ bất ngờ giảm nhiều hơn kỳ vọng của thị trường, giảm 0,8% trong tháng 1/2024. Trong khi đó, sản lượng sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng giảm 0,5% so với tháng trước, trong đó sản lượng công nghiệp giảm 0,1% (ngược với dự báo tăng 0,3%).

Kinh tế Nhật: Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 15/2/2024, Nhật Bản - từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, đáp ứng định nghĩa về một cuộc suy thoái kinh tế. Trong quý 4 vừa qua, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của đất nước mặt trời mọc chứng kiến mức giảm hàng năm 0,4%, sau khi giảm 3,3% trong quý 3 theo số liệu công bố lần hai. Trước đó, trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, giới chuyên gia dự báo kinh tế Nhật tăng trưởng 1,4% trong quý 4. Nếu tính trên cơ sở quý sau so với quý trước, kinh tế Nhật giảm 0,1% trong quý 4/2023, thay vì tăng 0,3% như dự báo của chuyên gia.

Kinh tế Trung Quốc: ảm đạm hơn cả những nền kinh tế lớn ở trên, Trung Quốc chìm sâu vào giảm phát và dự trữ ngoại hối đang giảm nhanh khi thị trường BĐS vỡ bong bóng, thị trường hoàn toàn không phản ứng với chính sách tiền tệ nới lỏng hết mức của chính phủ. Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) cũng giảm tốc mạnh hơn dự báo thị trường và đã 4 tháng liên tiếp; chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2009. Tháng 1/2024, CPI giảm 0,8%.Lạm phát giá sản xuất (PPI) giảm 16 tháng liên tiếp, tính cả năm 2023, PPI của Trung Quốc giảm 3%, theo Trading Economy.

Tác động tiêu cực tới doanh nghiệp Việt

Trong bối cảnh cả thế giới rơi vào suy thoái, tiêu dùng suy giảm mạnh thì kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng suy yếu tăng trưởng bởi vì tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc xuất khẩu. Điều dễ thấy là thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang dần bị thu hẹp do cầu yếu, đơn hàng doanh nghiệp khó mở rộng trong năm 2024 nếu kinh tế Mỹ, EU, Nhật và Trung Quốc không phục hồi như kỳ vọng.

Hơn nữa, trước tình hình lạm phát chưa tích cực như kỳ vọng, chỉ số giá nhà sản xuất của Mỹ bất ngờ tăng mạnh, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) chắc chắn sẽ chậm lại quá trình đảo chiều chính sách, có thể vào quý 2/2024. Điều này khiến Việt Nam, cũng giống với các nền kinh tế đang phát triển khác trong khu vực, phải đối mặt với rủi ro dòng vốn ngoại đảo chiều, rời khỏi biên giới quốc gia để trú ẩn ở đồng USD có lãi suất đang ngày càng chênh lệch lớn hơn so với tiền đồng Việt Nam.

Nhưng rủi ro từ Trung Quốc với Việt Nam là lớn nhất. Tình trang dư cung hàng hoá của Trung Quốc đang thúc đẩy dòng hàng hoá rẻ này tràn vào Việt Nam bằng nhiều con đường chính thức và phi chính thức. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thị trường ngay tại sân nhà trong khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

Khi Trung Quốc giảm phát do dư cung lớn, các doanh nghiệp nội địa buộc phải tham gia vào cuộc chiến giảm giá với doanh nghiệp Trung Quốc khiến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang các nước yếu đi. Đồng thời, áp lực giảm phát ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn thế giới và làm cho tổng cầu suy giảm. Điều này có thể gây ra các thách thức trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, hàng hoá của Việt Nam mất đi lợi thế chi phí nguyên liệu thô rẻ hơn khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm.

Cuối cùng, do trừng phạt thương mại của Mỹ nhắm vào khu vực hàng hoá mà Trung Quốc đang dư cung nên Trung Quốc có thể tìm kiếm các con đường lẩn thuế, trốn thuế của Mỹ qua nước thứ ba như Việt Nam. Dòng vốn đầu tư FDI với mục tiêu lẩn thuế, trốn thuế có nguồn gốc từ Trung Quốc (có thể qua Singapore, Hong Kong,...) vào Việt Nam không tạo ra giá trị gia tăng bền vững, không mang lại công nghệ cao và quản trị doanh nghiệp tốt hay tạo công ăn việc làm cho Việt Nam như các dòng vốn FDI khác trong khi lại tranh thủ tận dụng các ưu đãi thuế, khai thác tài nguyên và có thể gây ô nhiễm môi trường của Việt Nam. Điều này không chỉ làm suy giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia mà còn có thể đẩy Việt Nam vào tình thế cũng bị áp thuế trừng phạt.

Thanh Đoàn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ảm đạm 2024: Kinh tế thế giới chìm trong suy thoái sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam?