Chuyên gia: Bắc Kinh cạn kiệt ý tưởng thúc đẩy kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa lúc Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề về kinh tế, sự nghèo nàn về nội dung trong cuộc họp Lưỡng hội thường niên năm nay cho thấy giới lãnh đạo nước này dường như đã cạn kiệt ý tưởng.

Giới quan sát đang rất chú ý tới những động thái của Bắc Kinh, trong lúc nền kinh tế nước này đang đối mặt với những thách thức lớn. Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh đã cạn kiệt ý tưởng. Đây là lời khẳng định trong bài báo “Bắc Kinh dường như đã cạn kiệt ý tưởng", đăng ngày 27/3, trên tờ The Epoch Times, của tác giả Milton Ezrati. Tác giả Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở ở New York.

Tác giả Ezrati cho biết, trong nhiều năm, hội nghị Lưỡng hội thường niên đã thông báo cho tất cả những người quan trọng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về định hướng của giới lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc họp năm nay cho thấy rất ít chỉ dẫn.

Chương trình nghị sự nghèo nàn như vậy chẳng có ý nghĩa gì tại những thời điểm trước đây, khi Trung Quốc còn tiến về phía trước và phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhưng năm nay, đất nước này cần có hướng đi táo bạo. Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn - một cuộc khủng hoảng bất động sản, thiếu hụt xuất khẩu, suy giảm nhân khẩu học, mất niềm tin và thái độ thù địch ngày càng tăng từ nước ngoài. Hơn bao giờ hết, Bắc Kinh cần hành động và chỉ ra đường hướng cho những hành động trong tương lai. Việc không đáp ứng được nhu cầu này tại Lưỡng hội cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đơn giản là đã cạn ý tưởng.

Có lẽ dấu hiệu đáng chú ý nhất là sự vắng mặt của cuộc họp báo truyền thống. Trong nhiều thập kỷ, mỗi cuộc họp Lưỡng hội đều dành thời gian để giới lãnh đạo Trung Quốc nói chuyện với giới truyền thông. Các quan chức cấp cao của ĐCSTQ không phải lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng những thủ đoạn lảng tránh của họ ít nhất đã chỉ ra một cách công khai những vấn đề mà họ cho là nhạy cảm hoặc khó xử. Năm nay, cuộc họp báo đã bị hủy bỏ. Chỉ có thể kết luận rằng giới lãnh đạo Trung Nam Hải lo lắng về việc bị xấu hổ.

Chuyên gia: Bắc Kinh cạn kiệt ý tưởng thúc đẩy kinh tế
Các thành viên của Ban nhạc Quân đội Giải phóng Nhân dân rời đi sau lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 5/3/2024. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Chính quyền đã công bố mục tiêu tăng trưởng thực cho năm 2024, ở mức “khoảng 5%”. Ở một khía cạnh nào đó, đó là một tuyên bố nhạt nhẽo. Nó đã được dự đoán trước và rất gần với tốc độ của năm ngoái. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, mục tiêu đó là sự thừa nhận của thất bại. Rốt cuộc, con số này chỉ bằng hơn một nửa tốc độ tăng trưởng trung bình mà Trung Quốc đạt được trong nhiều năm tính đến năm 2019. Và không rõ liệu Trung Quốc có thể đạt được tốc độ tăng trưởng đó hay không. Những nhà dự báo đã bày tỏ sự hoài nghi. Trong khi đó, các nhà chức trách không giải thích được họ dự định đạt được mức tăng trưởng đó như thế nào.

Đã có sự đề cập đến chi tiêu bổ sung cho cơ sở hạ tầng, khoản tiền trị giá 1 nghìn tỷ CNY (132,9 tỷ USD). Cơ sở hạ tầng là hình thức kích thích kinh tế mặc định của Trung Quốc. Tuy nhiên, rất ít thông tin về việc Bắc Kinh sẽ tài trợ cho những khoản chi tiêu như thế nào. Chính quyền địa phương, nguồn tài trợ cơ sở hạ tầng thông thường, phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ, một số trường hợp nghiêm trọng đến mức họ thậm chí không thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ công cho người dân.

Đúng vậy, Bắc Kinh cho biết họ sẵn sàng thực hiện bước đi bất thường là phát hành nợ chính phủ trung ương để tài trợ cho chi tiêu. Nhưng ngay cả điều đó cũng khiến người ta phải đặt câu hỏi. Chính phủ trung ương đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao kỷ lục. Việc trọng tâm được đặt vào “trái phiếu siêu dài hạn” có thể cho thấy tình hình tài chính đã trở nên khó khăn như thế nào. Thời gian đáo hạn dài sẽ trì hoãn việc trả nợ và nó cho thấy Bắc Kinh không mong đợi có được lợi nhuận ngay lập tức từ việc chi tiêu của mình.

Bắc Kinh cũng không nói nhiều về cuộc khủng hoảng bất động sản với tất cả những hậu quả bất lợi về kinh tế và tài chính mà nó mang lại cho Trung Quốc. Vấn đề này đòi hỏi hành động táo bạo, nhưng tất cả những gì ĐCSTQ tập hợp được cho đến nay chỉ là “danh sách trắng”, trong đó chính quyền địa phương sẽ lập danh sách các dự án bất động sản thất bại để tài trợ và chúng sẽ được các ngân hàng quốc doanh xem xét trước khi cấp vốn. Nhưng lượng tiền được thảo luận cho đến nay vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu.

Vài tuần trước, đã xuất hiện tin đồn về kế hoạch của ĐCSTQ nhằm kiểm soát hơn 30% thị trường nhà ở. Mặc dù một hành động như vậy sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng khác, nhưng ít nhất nó cũng đủ lớn để che giấu cuộc khủng hoảng bất động sản – không có gì táo bạo hay đáng kể như vậy xuất hiện tại Lưỡng hội.

Bắc Kinh cũng nói rất ít về vấn đề giảm phát của Trung Quốc. Chắc chắn, giảm phát là một triệu chứng hơn là nguyên nhân gây ra những thách thức của đất nước. Vấn đề một phần nằm ở sự thiếu hụt trong nhu cầu tiêu dùng và chi tiêu vốn của các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc không nói nhiều về những vấn đề này. Các nhà chức trách đã đưa ra mục tiêu lạm phát 3% trong năm nhưng không nói gì về cách họ dự định đạt được mục tiêu đó.

Đề xuất cụ thể duy nhất là lời hứa của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) về việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn mức ngân hàng đã thực hiện. Do việc cắt giảm lãi suất trước đó không tạo ra mấy phản ứng, lời hứa này dường như khó có thể là một câu trả lời thỏa đáng. Dù sao đi nữa, ngay sau khi hội nghị kết thúc, PBOC, tại cuộc họp của chính mình, đã quyết định phản đối một đợt cắt giảm lãi suất khác.

Các diễn giả đã đề cập đến các động cơ tăng trưởng mới, cái mà họ gọi là “lực lượng sản xuất mới”. Nhưng điều này không có gì mới mẻ. Như trong các tuyên bố công khai trước đây, năng lượng tái tạo, công nghệ tiên tiến và xe điện dẫn đầu danh sách “lực lượng sản xuất mới". Nhưng giống như nhiều điều khác được đưa ra tại Lưỡng hội, những tuyên bố hoàn toàn chỉ mang tính tạo cảm hứng. Không ai nói về việc ĐCSTQ có kế hoạch thúc đẩy những lĩnh vực này như thế nào ngoài những gì đã được thực hiện. Với tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Trung Quốc, điều đó là chưa đủ.

Chuyên gia: Bắc Kinh cạn kiệt ý tưởng thúc đẩy kinh tế
Những chiếc ô tô điện đang chờ được chất lên 'BYD Explorer NO.1' - một con tàu được Trung Quốc tự sản xuất để xuất khẩu ô tô, tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 10/1/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Nếu Lưỡng hội được coi là sự kiện công bố hướng đi cho tương lai của Trung Quốc thì cuộc họp năm nay đã bỏ lỡ sứ mệnh của mình, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều vấn đề kinh tế và tài chính. Có thể hướng dẫn đầy đủ và thực chất hơn sẽ xuất hiện tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng tới, nhưng xét đến diễn biến của Lưỡng hội, điều đó dường như khó xảy ra. Đơn giản là ĐCSTQ dường như đã cạn kiệt ý tưởng, ông Ezrati kết luận.

Nguy cơ Trung Quốc không thể phục hồi kinh tế

Trước đó, Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, đồng thời vẫn đang tích cực đề cao tính hấp dẫn của nền kinh tế Trung Quốc trong mắt cộng đồng đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, bất chấp bức tranh màu hồng mà ĐCSTQ cố gắng tô vẽ cho kinh tế Trung Quốc, các chuyên gia không có cái nhìn tích cực như vậy.

Rhodium Group, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, cho biết thực tế của việc lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị thu hẹp, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế, thặng dư thương mại suy giảm và tài chính của chính quyền địa phương bị tàn phá cho thấy mức tăng trưởng thực tế vào năm 2023 ở gần mức 1,5% hơn.

Trong khi đó, vào ngày 8/1, Nhóm Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới. (Bắc Kinh vẫn đang loay hoay giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch).

Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Chuyên gia: Bắc Kinh cạn kiệt ý tưởng thúc đẩy kinh tế
Hai công nhân đi bộ tới một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 21/5/2013. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP via Getty Images)

‘Lực lượng sản xuất mới' sẽ thất bại

Ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, đã đặt ra nhiều thuật ngữ mới kể từ khi nhậm chức, trong đó “lực lượng sản xuất mới” là một trong những thuật ngữ mới nhất của ông. Cụm từ này đã thu hút được sự chú ý đáng kể trong kỳ họp Lưỡng hội gần đây của ĐCSTQ, tạo ra các chiến dịch tuyên truyền và giáo dục trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, một phân tích cho thấy rằng tham vọng của ông Tập nhằm vượt qua những thách thức kinh tế của Trung Quốc thông qua nâng cấp công nghiệp toàn diện về cơ bản là phi thực tế và có thể dẫn đến sự tham nhũng trong các quan chức ĐCSTQ và thất bại.

Khái niệm “lực lượng sản xuất mới” lần đầu tiên được ông Tập đưa ra trong chuyến thăm tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 9/2023. Theo giải thích chính thức của ĐCSTQ, thuật ngữ này đề cập đến lực lượng sản xuất tiên tiến được tạo ra thông qua những đột phá công nghệ mang tính cách mạng, sự phân bổ sáng tạo các yếu tố sản xuất và sự chuyển đổi và nâng cấp sâu sắc các ngành công nghiệp.

Các phương tiện truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát đã miêu tả “các lực lượng sản xuất mới” như là việc dồn trọng tâm vào các công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các công nghệ như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và công nghệ xanh, ít carbon được nhấn mạnh là những lĩnh vực then chốt của sáng kiến này.

Chuyên gia: Bắc Kinh cạn kiệt ý tưởng thúc đẩy kinh tế
Một người lái xe máy chạy qua những chiếc xe điện mới đỗ trong bãi đậu xe dưới cầu cạn ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, vào ngày 22/05/2017. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ngoài ra, ĐCSTQ nhấn mạnh rằng việc phát triển lực lượng sản xuất mới không đòi hỏi phải phớt lờ các ngành công nghiệp truyền thống mà thay vào đó là tăng cường sự phát triển của chúng thông qua đổi mới công nghệ. Nguyên tắc này, được gọi là “thiết lập trước khi phá vỡ”, đã được ghi trong văn bản của Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào tháng 12 năm ngoái, vạch ra chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Ông Mike Sun, cố vấn đầu tư Bắc Mỹ với chuyên môn về nền kinh tế Trung Quốc, đã cung cấp cho The Epoch Times cái nhìn sâu sắc về chiến lược của ĐCSTQ. Ông giải thích rằng khái niệm “thiết lập trước khi phá vỡ” phản ánh sự trì trệ của các động lực kinh tế truyền thống của Trung Quốc, đó là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Lĩnh vực bất động sản, đóng góp gần 30% GDP của Trung Quốc, đặc biệt gặp khó khăn, gây rủi ro đáng kể cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đã có một số phát triển tích cực trong các lĩnh vực xuất khẩu, chẳng hạn như xe điện, được minh chứng bởi trường hợp của BYD Auto Co., Ltd., một công ty sản xuất đa quốc gia của Trung Quốc được niêm yết công khai, tích hợp dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AI và các đổi mới công nghệ cao khác trong hoạt động của mình. Các nhà chức trách nhắm mục đích vào việc hỗ trợ các ngành công nghiệp này và dần dần tạo điều kiện nâng cấp nền công nghiệp để giải quyết các thách thức kinh tế.

Ông Sun ví cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc kích thích tiêu dùng hộ gia đình, chẳng hạn như thông qua các ưu đãi thay thế ô tô cũ và đồ gia dụng, với việc thúc đẩy truyền hình kỹ thuật số của Nhật Bản trong quá khứ. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Tác động kinh tế này cũng chỉ mang tính ngắn hạn. Chỉ là ĐCSTQ đã mở rộng chiến lược này sang bao gồm cả ngành công nghiệp xe điện”.

Hiện nay, ĐCSTQ đang quảng cáo mạnh mẽ cho “lực lượng sản xuất mới”, biến một mô hình kinh tế thành một phong trào. Ông Zeng Congqin, chủ tịch của Tập đoàn Wuliangye, đã mạnh dạn tuyên bố rằng “việc sản xuất rượu liên quan đến di truyền phân tử, vi sinh, v.v., do đó trở thành một phương tiện quan trọng để phát triển 'lực lượng sản xuất chất lượng mới'”. Tập đoàn Wuliangye là một doanh nghiệp nhà nước và là nhà sản xuất rượu lớn nhất Trung Quốc, với công suất sản xuất hàng năm là 450.000 tấn rượu.

Chuyên gia: Bắc Kinh cạn kiệt ý tưởng thúc đẩy kinh tế
Nhà máy chưng cất của Tập đoàn Wuliangye ở Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 9/11/2007. (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)

Đại học Khoa học và Công nghệ Tây An đã đi đầu trong việc thành lập “Trung tâm Nghiên cứu Lực lượng Sản xuất Mới” vào ngày 3/3, với hiệu trưởng trường đại học đích thân giám sát việc nghiên cứu lý thuyết và đổi mới công nghệ của trung tâm.

Sau đó, nhiều chiến dịch “học và hiểu” khác nhau đã được phát động trên khắp Trung Quốc, thậm chí mở rộng đến Hong Kong, với tuyên bố rằng “Hong Kong đóng một vai trò quan trọng” trong việc giải quyết những thách thức mà các đối tác phương Tây cho là “không thể vượt qua”.

Ông Sun cũng nhấn mạnh sự tăng cường nhanh chóng của hoạt động tuyên truyền xung quanh “lực lượng sản xuất mới” của ĐCSTQ, trở thành một phong trào quốc gia. Theo định nghĩa của ĐCSTQ, “lực lượng sản xuất mới” đại diện cho một sự chuyển đổi mang tính cách mạng trong ngành công nghệ, một kỳ tích mà ngay cả những nỗ lực kết hợp của Châu Âu và Hoa Kỳ cũng khó có thể đạt được. Tuy nhiên, ông Sun cảnh báo rằng sự thúc đẩy sôi nổi này có vẻ giống như một sáng kiến ​​mạnh mẽ khác tương tự “bước nhảy vọt về phía trước về chip”. Ông dự đoán rằng “lực lượng sản xuất mới” sẽ trở thành một biểu tượng khác của nạn tham nhũng trong hàng ngũ ĐCSTQ, dẫn đến sự thất bại.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Bắc Kinh cạn kiệt ý tưởng thúc đẩy kinh tế