Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm gần 20%

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia cho rằng, các nỗ lực kích thích đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh sẽ không hiệu quả, trong bối cảnh các chính sách và môi trường kinh doanh khiến doanh nghiệp nước ngoài e sợ.

Đầu tư nước ngoài tiếp tục rút khỏi Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, bất chấp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra các biện pháp khuyến khích mới.

Bộ Thương mại của ĐCSTQ công bố dữ liệu mới vào ngày 22/3, cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2 là 215,1 tỷ CNY (nhân dân tệ) (30 tỷ USD), giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. FDI của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 8 liên tiếp. Mức giảm này lớn hơn đáng kể so với con số được công bố vào tháng 1, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Thương mại đã cố gắng hạ thấp ý nghĩa của sự sụt giảm, cho biết vào hôm thứ 6 (22/3) rằng dữ liệu mới nhất đã bị ảnh hưởng bởi mức cao kỷ lục một năm trước đó, đồng thời nói thêm rằng “đầu tư nước ngoài là một hành vi của thị trường và biến động dữ liệu là bình thường và phù hợp với quy luật thị trường”.”

ĐCSTQ gần đây đã đưa ra các kế hoạch mới để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng chế độ do nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình dẫn dắt đã ưu tiên quyền lực chính trị hơn phát triển kinh tế và đã chính trị hóa môi trường kinh doanh, gây ra nỗi sợ hãi sâu sắc trong giới doanh nhân nước ngoài.

Văn phòng Tổng hợp Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch hành động nhằm tăng cường nỗ lực thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài” vào ngày 19/3, đề xuất các biện pháp khuyến khích trong 5 lĩnh vực và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường niềm tin của đầu tư nước ngoài vào sự phát triển của Trung Quốc.

Kế hoạch này bao gồm giảm các rào cản đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài, dỡ bỏ toàn diện các hạn chế đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất và thúc đẩy mở cửa nhiều hơn trong các lĩnh vực viễn thông, chăm sóc y tế và đổi mới công nghệ. Trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và trái phiếu, khả năng tiếp cận các tổ chức tài chính nước ngoài cũng sẽ được mở rộng.

Kế hoạch này cũng bao gồm các biện pháp nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn để xin thị thực vào Trung Quốc và kéo dài thời hạn hiệu lực của thị thực nhập cảnh cho nhân viên của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gia đình họ lên hai năm.

FDI vào Trung Quốc giảm gần 20%
Người dân đi bộ giữa các tòa nhà tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/10/2018. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Vốn nước ngoài tiếp tục rời Trung Quốc

Ông Wang Guo-chen, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua ở Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng lý do ĐCSTQ bổ sung kế hoạch hành động mới này là do đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm kể từ khi ra mắt kế hoạch hành động vào năm ngoái, bao gồm cả trong ngành tài chính.

“Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và cần sự hỗ trợ từ đầu tư nước ngoài, vì vậy [Thủ tướng ĐCSTQ] Lý Cường đã nhấn mạnh điều này một lần nữa [tại các cuộc họp chính trị hàng đầu ‘Lưỡng hội’ của ĐCSTQ hồi đầu tháng này]”, ông nói.

Gần đây, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị và tỷ lệ thất nghiệp chung ở thành thị của Trung Quốc đã tăng, và “với nhiều đầu tư nước ngoài hơn, vấn đề thất nghiệp có thể giảm bớt đôi chút”.

Vào ngày 20/3, Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ đã công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị Trung Quốc là 15,3%, không bao gồm học sinh sinh viên đi học. Nó đã tăng 0,7 phần trăm trong tháng 2 so với tháng trước.

FDI vào Trung Quốc giảm gần 20%
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 19/8/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Kế hoạch hành động mới được đưa ra khi nguồn vốn nước ngoài tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc.

Ông Wang cho biết: “Việc đưa ra kế hoạch hành động mới cho thấy sự lo lắng của chính quyền Bắc Kinh về việc rút đi của vốn đầu tư nước ngoài, điều này cũng có thể được thấy rõ từ cuộc gặp Mỹ - Trung vào cuối năm ngoái”.

Vào ngày 9/10/2023, khi gặp Lãnh đạo Đa số Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer (Dân chủ - New York) tại Bắc Kinh, ông Tập nói: “Nền kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ giao thoa sâu sắc và chúng ta có thể hưởng lợi từ sự phát triển của nhau”.

Tuy nhiên, vốn nước ngoài vẫn tiếp tục rời khỏi Trung Quốc. Vào tháng 1, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã giảm 11,7% so với cùng kỳ xuống còn 112,71 tỷ CNY (15,78 tỷ USD).

Ông Huang Shicong, một nhà kinh tế và nhà bình luận chính trị người Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng dưới áp lực của cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã chậm lại và hầu hết các nhà đầu tư đã chuyển vốn sang Ấn Độ hoặc các nước ASEAN.

Ông nói: “Dòng vốn nước ngoài liên tục chảy ra ngoài rất có hại cho nền kinh tế và đầu tư của Trung Quốc, và họ [ĐCSTQ] đã nhận ra điều này”.

“Điều quan trọng là thái độ của ĐCSTQ đối với đầu tư nước ngoài. Nó đã điều tra và trừng phạt rất nhiều công ty tư vấn nước ngoài, và môi trường chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ quá tồi tệ. Đây là những lý do quan trọng cản trở đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc”.

An toàn là mối quan tâm lớn

Vào năm 2023, ĐCSTQ đã đột kích các văn phòng tại Trung Quốc của một số công ty nước ngoài và bắt giữ cả nhân viên người Trung Quốc địa phương và nhân viên nước ngoài đang làm việc tại Trung Quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc đáp lại mục tiêu thu hút thêm đầu tư nước ngoài của ĐCSTQ bằng cách nói rằng các chính sách của Trung Quốc đã gửi đi những tín hiệu trái ngược nhau đến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sau khi nước này ban hành luật chống gián điệp sâu rộng nhắm vào các cá nhân và tổ chức nước ngoài cũng như người Trung Quốc có quan hệ với nước ngoài. An toàn là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

FDI vào Trung Quốc giảm gần 20%
Văn phòng đóng cửa của Tập đoàn Mintz được nhìn thấy trong một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/3/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

“Không phải cứ mở cửa thị trường là có doanh nhân nước ngoài đầu tư. Nếu họ mất mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, ai sẽ đầu tư?” Ông Huang cho biết.

Trong Cuộc khảo sát niềm tin kinh doanh năm 2023 của Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, một con số kỷ lục lên tới 64% số người được hỏi nói rằng kinh doanh ở Trung Quốc khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước.

Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc gần đây đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Tư duy rủi ro: Đối phó với chính trị về an ninh kinh tế”.

Hơn một nửa số người được hỏi trong cuộc khảo sát nói rằng bối cảnh kinh doanh của Trung Quốc ngày càng mang tính chính trị hơn. Báo cáo cho biết sự không chắc chắn và “các quy định hà khắc” đã làm tăng đáng kể rủi ro cho các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc và các công ty EU ở Trung Quốc buộc phải tập trung nhiều hơn vào rủi ro đối với kinh doanh.

Các biện pháp của Bắc Kinh không hiệu quả

Về việc liệu kế hoạch hành động mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài của ĐCSTQ có hiệu quả hay không, ông Huang nói: “Cho đến nay, ông Tập Cận Bình dường như vẫn chủ trương đối đầu với Hoa Kỳ. Bầu không khí chung này không hề thay đổi. Làm thế nào để thực hiện những kế hoạch này? Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó việc mở cửa những thị trường này xung đột với cái gọi là vấn đề an ninh quốc gia? Bạn sẽ giải quyết nó như thế nào? Đây là mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cái gọi là kế hoạch mở rộng đầu tư này không giải quyết được những nghi ngờ cơ bản mà mọi người có”.

FDI vào Trung Quốc giảm gần 20%
Công nhân cải tạo mái của một ngôi nhà ở Thượng Hải vào ngày 21/8/2014. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)

Ông Wang cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc rút vốn đầu tư nước ngoài là do ĐCSTQ. “Đầu tiên là luật chống gián điệp, và thứ hai là sự chú trọng của chế độ đối với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự và doanh nghiệp nhà nước, tất cả đều gây nguy hiểm cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài”.

Ông Wang chỉ ra: “Vấn đề cơ bản là ông Tập Cận Bình muốn phát triển kinh tế và ổn định chế độ nên đã tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của Đảng đối với vốn nước ngoài và các công ty nước ngoài. Vốn ngoại cũng phải nghe theo lời và mệnh lệnh của Đảng".

Ông nói: “Nếu các chính sách của ĐCSTQ không thay đổi và môi trường không thay đổi, thì cho dù bạn có đưa ra bao nhiêu ưu đãi cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hay mở cửa bao nhiêu thị trường, thì nó cũng sẽ không hiệu quả”.

Các chính sách mâu thuẫn xua đuổi đầu tư

ĐCSTQ đã đặt việc thu hút đầu tư nước ngoài là một mục tiêu quan trọng khi họ thảo luận về nền kinh tế Trung Quốc vốn đang suy thoái trong các cuộc họp Lưỡng hội gần đây.

Nhưng thế giới bên ngoài, bao gồm cả đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đã bày tỏ sự hoài nghi đối với mục tiêu của ĐCSTQ do các chính sách mâu thuẫn của nước này.

Trong báo cáo công tác của chính phủ Trung Quốc tại Lưỡng hội, ĐCSTQ đã đặt việc thúc đẩy ngoại thương và tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng.

Kể từ khi cộng đồng quốc tế phản ứng tiêu cực trước cách xử lý sai lầm của Trung Quốc đối với đại dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu. Thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn chiếm gần 30% GDP nước này, đã rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao, nhu cầu trong nước trì trệ, đầu tư nước ngoài rút lui, sự di dời của hoạt động công nghiệp và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác tiếp tục tác động xấu đến nền kinh tế của đất nước này. Đặc biệt, các công ty bất động sản lớn của Trung Quốc lần lượt vỡ nợ, khiến tình hình mà ĐCSTQ phải đối mặt càng trở nên tồi tệ hơn.

Bắc Kinh đã cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài để xoa dịu những khó khăn kinh tế trong nước trong kỳ họp Lưỡng hội. Các nhà chức trách tuyên bố rằng “chúng ta phải tập trung vào việc mở cửa thể chế để thúc đẩy việc mở cửa tài chính cấp cao với thế giới bên ngoài”. Trong khi đó, ĐCSTQ thông báo rằng các biện pháp hạn chế liên quan đối với ngành tài chính trong “Danh sách tiêu cực đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài” đã được xóa bỏ hoàn toàn, dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với các công ty nước ngoài. Giờ đây, phạm vi kinh doanh của các ngân hàng và tổ chức bảo hiểm có vốn nước ngoài hoàn toàn giống với các tổ chức tương ứng ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các công ty tài chính quốc tế vẫn tiếp tục thu hẹp quy mô kinh doanh tại Trung Quốc và rút vốn đầu tư. Morgan Stanley IM Trung Quốc đã cắt giảm 15 nhân viên kể từ tháng 12 năm ngoái trong bối cảnh khối lượng tài sản quản lý sụt giảm và hoạt động vận hành bị thua lỗ.

Ông Michael Cembalest, chủ tịch chiến lược thị trường và đầu tư của J.P. Morgan Asset Management, cho biết thị trường chứng khoán Trung Quốc là một “cái bẫy giá trị” trong báo cáo triển vọng năm 2024 của công ty.

Bà Sharmin Mossavar-Rahmani, giám đốc đầu tư bộ phận quản lý tài sản của Tập đoàn Goldman Sachs, đã khuyên các nhà đầu tư vào đầu tháng này, “Quan điểm của chúng tôi là không nên đầu tư vào Trung Quốc”, trích dẫn một loạt lý do, bao gồm cả “sự thiếu rõ ràng trong hoạch định chính sách của Trung Quốc” và “dữ liệu kinh tế chắp vá”.

Ông Vương Hách (Wang He), một nhà bình luận thời sự và cây bút cho The Epoch Times làm việc tại Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng: “Lý do đằng sau điều này là các gã khổng lồ Phố Wall đã không kiếm được nhiều tiền như họ dự định ở Trung Quốc trong nhiều năm qua. Họ ngày càng nhận thức rõ hơn về những khuyết điểm chết người của nền kinh tế Trung Quốc và bắt đầu vỡ mộng về ĐCSTQ. Mặt khác, sự phát triển kinh tế của Đông Nam Á và Ấn Độ, cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, đang vẽ lại bản đồ kinh tế châu Á, và Phố Wall hiện có những lựa chọn mới [để đầu tư]”.

FDI vào Trung Quốc giảm gần 20%
Một tấm biển phố Wall gần Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở Phố Wall vào ngày 23/3/2021 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: ANGELA WEISS/AFP qua Getty Images)

Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết hôm 14/3 rằng các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đang do dự trong việc tăng cường đầu tư vào Trung Quốc vì chính quyền ĐCSTQ đã gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn.

“Một số quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc nói rằng đầu tư của khu vực tư nhân được chào đón ở Trung Quốc, khoản đầu tư của bạn sẽ được bảo vệ. Nhưng sau đó, các công ty này cũng đang nghe thấy một thông điệp khác”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, trích dẫn các cuộc đột kích nhằm vào các công ty kiểm toán Mỹ năm ngoái và luật chống gián điệp mới sâu rộng của Trung Quốc như là những yếu tố ngăn cản hoạt động đầu tư.

Ông nói: “Tôi nghĩ những tiếng nói mà họ đang nghe từ chính quyền Trung Quốc về an ninh quốc gia - chúng là những tiếng nói mạnh mẽ và lớn nhất hiện nay”.

Ông Burns nói thêm, “Rất nhiều công ty không biết định hướng của nền kinh tế ở đây là gì và các chính sách, hướng dẫn và thông số sẽ ra sao. Và vì vậy họ không chắc chắn liệu khi họ thực hiện một khoản đầu tư lớn, đó có phải là một quyết định hợp lý hay không. Vì vậy, rất nhiều người đang giữ tiền nằm yên trong túi. Rất ít công ty rời khỏi thị trường này. Đó là một thị trường lớn, một thị trường quan trọng. Nhưng rất nhiều công ty cũng có Kế hoạch B”.

FDI vào Trung Quốc giảm gần 20%
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns phát biểu trong cuộc thảo luận bàn tròn về tài chính khí hậu tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 8/7/2023. (Ảnh: MARK SCHIEFELBEIN/POOL/AFP qua Getty Images)

Các công ty Mỹ lo ngại về quan hệ Mỹ - Trung

Theo báo cáo môi trường kinh doanh thường niên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, mối quan hệ ngoại giao mong manh giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là mối lo ngại đáng chú ý nhất đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc và Hong Kong, trong khi nhiều công ty vẫn tiếp tục báo cáo mức lợi nhuận cao hơn.

Trong khi những lo lắng về mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn đang gia tăng kể từ năm 2021, căng thẳng giữa hai nước nổi lên như mối lo ngại chính trong năm thứ ba liên tiếp trong cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham). Cũng ngày càng có nhiều lo ngại về các vấn đề như luật pháp và quy định không nhất quán, chi phí lao động ngày càng tăng, bảo mật dữ liệu và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty tư nhân Trung Quốc.

Báo cáo của AmCham lưu ý rằng ngoại trừ năm 2023, khi các hạn chế về COVID-19 nổi lên như một vấn đề quan trọng, những thách thức này thường xuyên nằm trong số hai hoặc ba mối quan tâm hàng đầu đối với các thành viên.

AmCham cho biết trong báo cáo khảo sát: “Mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng là trung tâm của một số thách thức dai dẳng đối với các thành viên, trong đó vấn đề này đang được chú ý hơn bao giờ hết, tiếp theo là sự thiếu nhất quán về quy định và chi phí gia tăng”.

Ông Sean Stein, chủ tịch AmCham Trung Quốc, cho biết: “Mặc dù thương mại song phương đã mở rộng trong những năm gần đây, sự ngờ vực giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao và quan hệ vẫn căng thẳng”.

Các câu trả lời thăm dò từ 343 thành viên AmCham được thu thập vào tháng 10/2023 trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco. Sự kiện này được coi là một bước quan trọng hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, mặc dù hai nhà lãnh đạo - đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2023 - được cho là đã tiến hành các cuộc thảo luận “sắc nét” về vô số vấn đề, nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy cuộc gặp đã giúp cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia.

Gần như tất cả các thành viên AmCham được khảo sát đều coi sự không chắc chắn trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung là yếu tố phá hoại tâm lý lớn nhất. AmCham tuyên bố rằng họ nhận thấy mối lo ngại đặc biệt mạnh mẽ về mối quan hệ kinh tế song phương đang suy yếu trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu và phát triển (R&D).

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm gần 20%