Tại sao nhà đầu tư Mỹ e ngại thị trường Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một loạt các vấn đề đáng lo ngại đã khiến phố Wall thay đổi thái độ đối với thị trường Trung Quốc. Các nhà đầu tư Mỹ e ngại trước việc đầu tư vào Trung Quốc vì những lý do của riêng họ chứ không phải hoàn toàn do tuân theo đường hướng của Washington.

Đại diện cho giới đầu tư Mỹ, phố Wall đang thể hiện những động thái xa lánh thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân nào khiến phố Wall, từng là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của chính quyền Trung Quốc tại Mỹ, thay đổi thái độ?

Mới đây, chuyên gia Milton Ezrati đã có bài phân tích về chủ đề này. Bài viết có nhan đề: “Nhà đầu tư Mỹ lùi bước trước Trung Quốc", đăng ngày 26/12, trên tờ The Epoch Times. Chuyên gia Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông ở New York.

Ông Ezrati khẳng định, phố Wall dường như đang ủng hộ thái độ thù địch của Washington đối với thương mại và kinh tế Trung Quốc. Dòng đầu tư từ các nguồn vốn của Mỹ sang Trung Quốc đã bắt đầu giảm.

Theo ông Ezrati, các nhà đầu tư đã quay lưng lại với Trung Quốc vì những lý do riêng của họ chứ không phải (hoàn toàn) do tuân theo đường hướng của Washington. Họ lo lắng về gánh nặng đối với nền tài chính Trung Quốc từ các khoản nợ đáng ngờ quy mô lớn và đang ngày càng phình to. Họ đã trở nên cảnh giác với tình trạng suy giảm kinh tế nói chung của Trung Quốc cũng như sự kém hiệu quả trong chi tiêu cơ sở hạ tầng gần đây. Họ ngờ vực một cách có lý rằng, liệu bức tranh này có báo hiệu những vấn đề kinh tế cơ bản hơn ở Trung Quốc và triển vọng lợi nhuận mờ nhạt trong tương lai hay không.

Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước của Trung Quốc đã báo cáo sự sụt giảm đáng kể dòng tiền Mỹ đổ vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Cách đây không lâu, cơ quan quản lý nhà nước này đã báo cáo mức độ đầu tư cao trong các danh mục trên từ Mỹ. Năm 2018, ngay cả khi Tổng thống lúc bấy giờ là ông Donald Trump bắt đầu áp dụng thuế quan trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà đầu tư Mỹ đã mua ròng khoảng 17 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Dòng vốn ròng đã tăng lên 36 tỷ USD vào năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19.

Dòng chảy của vốn từ Mỹ sang Trung Quốc được duy trì vào năm 2021, chứng kiến dòng vốn ròng chảy vào Trung Quốc gần như đạt tới 20 tỷ USD. Nhưng vào năm 2022, đầu tư ròng gần như đã dừng lại và từ đầu năm 2023 đến tháng 10 vừa rồi - giai đoạn gần đây nhất có dữ liệu - Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn ròng chảy ra khoảng 31 tỷ USD.

Mô hình tương tự xuất hiện trong số liệu thống kê về đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Trong những năm qua, sự nhiệt tình của các nhà đầu tư Mỹ đối với Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển của một số quỹ cổ phần tư nhân chuyên đầu tư vào Trung Quốc. Theo Preqin, một công ty tư vấn tư nhân theo dõi dòng tiền vào các khoản đầu tư thay thế (không phải các khoản đầu tư truyền thống như cổ phiếu niêm yết, trái phiếu, tiền mặt), các quỹ cổ phần tư nhân định hướng Trung Quốc đã thu hút tới 140 tỷ USD chỉ ngay trong năm 2019, với hầu hết nguồn vốn đến từ các cá nhân và quỹ hưu trí. Đến năm 2021, con số đó đã giảm xuống còn 93 tỷ USD; từ đầu năm nay cho đến tháng 10, dòng vốn đó đã giảm xuống chỉ còn 4 tỷ USD.

Thái độ của Washington chắc chắn đã góp phần khiến các đầu tư phải suy nghĩ lại. Kể từ năm 2022, chính quyền Biden đã tiến hành những gì chỉ có thể được mô tả là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Bất chấp những lời hùng biện trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên các mức thuế của cựu Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc, những thứ có hiệu lực vào năm 2018 và 2019. Ngoài ra, Tổng thống Biden còn cấm bán chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc và hạn chế khả năng người Mỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Gần đây nhất, Washington đã nói rõ rằng các khoản tín dụng thuế dành cho xe điện sẽ không áp dụng cho các sản phẩm do các công ty Trung Quốc sản xuất hoặc có tỷ lệ đáng kể các bộ phận sản xuất ở Trung Quốc, bao gồm cả pin. Những nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ Mỹ không thể không ảnh hưởng đến suy nghĩ của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ có các lý do khác ngoài sự ảnh hưởng từ Washington để trở nên mất hứng thú với Trung Quốc.

Tại sao nhà đầu tư Mỹ e ngại trước Trung Quốc?
Một công nhân đang thao tác với pin ô tô tại một nhà máy của Công ty TNHH Pin xe điện Xinwangda, công ty sản xuất pin lithium cho ô tô điện và các mục đích sử dụng khác, ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 12/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Đứng đầu danh sách lo ngại của họ là khoản nợ đáng ngờ khổng lồ đang càng tăng của Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư tại Mỹ đã gặp rủi ro với các khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Hầu hết các công ty này đều có nguy cơ vỡ nợ. Những tổn thất và tổn thất tiềm ẩn liên quan đương nhiên đã khiến tất cả các nhà đầu tư cảnh giác khi gửi thêm tiền sang Trung Quốc. Hơn thế nữa là gánh nặng mà khoản nợ xấu này gây ra cho toàn bộ nền tài chính Trung Quốc. Có những lo ngại rằng ngay cả những công ty không tiếp xúc trực tiếp với các khoản nợ của các nhà phát triển cũng sẽ bị suy yếu về mặt tài chính vì họ có quan hệ với các công ty có tiếp xúc trực tiếp.

Sau đó là vấn đề với khoản nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Rất ít người Mỹ trực tiếp bị ảnh hưởng từ khoản nợ này. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng bất kỳ khoản đầu tư nào vào Trung Quốc đều có thể bị ảnh hưởng nếu việc thanh toán các khoản nợ của chính quyền địa phương bị đình chỉ hoặc trì hoãn hoặc nếu gánh nặng do khoản nợ gây ra làm chậm chi tiêu của chính quyền địa phương. Ở mức độ tổng quát hơn, các nhà đầu tư Mỹ lo ngại rằng gánh nặng nợ xấu, bất kể nguồn gốc là gì, sẽ hạn chế khả năng của ngành tài chính Trung Quốc trong việc hỗ trợ các dự án mới, thứ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và do đó ảnh hưởng đến lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào Trung Quốc.

Tại sao nhà đầu tư Mỹ e ngại trước Trung Quốc?
Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Ngoài vấn đề vỡ nợ còn là việc tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung đang chậm lại ở Trung Quốc. Ngay cả những người lạc quan cũng ngần ngại trước thông tin này. Suy cho cùng, sức hấp dẫn ban đầu của việc đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc là do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đáng tin cậy từng có của đất nước này, thứ hứa hẹn mang lại lợi nhuận hấp dẫn. Điều đặc biệt gây lo ngại là những nỗ lực gần đây nhằm kích thích kinh tế thông qua chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh không còn mang lại những tác động tích cực mạnh mẽ như trước đây. Mặc dù rất ít người trong cộng đồng đầu tư đưa ra lời giải thích cho những thất bại này, nhưng các nhà đầu tư lo ngại rằng chúng có thể báo hiệu một bước ngoặt cơ bản và tiêu cực trong bản chất của nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ riêng mối lo ngại đó, thậm chí không cần phải có các chi tiết cụ thể, cũng đủ thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.

Đối mặt với tất cả những vấn đề này - chưa kể đến việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần như bị ám ảnh về an ninh quốc gia, khiến việc thu thập dữ liệu cần thiết cho các quyết định đầu tư gần như không thể thực hiện được (Trung Quốc thắt chặt kiểm soát thông tin để bảo vệ an ninh quốc gia) - thật dễ hiểu tại sao phố Wall lại mất đi sự nhiệt tình to lớn từng có đối với việc đầu tư vào Trung Quốc.

Từ quan điểm của Bắc Kinh, sự thay đổi thái độ của các nhà đầu tư Mỹ là đáng lo ngại. Trung Quốc cần đầu tư bên ngoài để giúp củng cố tình hình tài chính yếu kém và đưa kỹ năng và kiến thức về công nghệ và kinh doanh vào đất nước này. Bởi vì những lo ngại của phố Wall khiến Trung Quốc không thể có được đầu vào cần thiết đó, nên ở đây có nguy cơ xảy ra lời tiên tri tự ứng nghiệm về tình trạng trì trệ của kinh tế và thậm chí suy thoái, ông Ezrati kết luận.

Các động thái rời xa Trung Quốc của phố Wall

Gần đây, liên tiếp xuất hiện các động thái thể hiện sự xa lánh Trung Quốc của phố Wall.

Các nhân sự cấp cao tại BlackRock Investment Institute (BII - Viện đầu tư BlackRock), một tổ chức nghiên cứu liên kết với công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, cho biết vào hôm thứ Tư (6/12) rằng xu hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội đầu tư tốt hơn ở các thị trường mới nổi khác ngoài Trung Quốc.

Bà Wei Li, chiến lược gia trưởng toàn cầu về đầu tư từ Viện đầu tư BlackRock, cho biết từ góc độ điều chỉnh theo rủi ro, đầu tư vào Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn, đó là lý do hãng này hạ xếp hạng đầu tư vào Trung Quốc trước đó trong năm nay.

Ông Alex Brazier, phó giám đốc Viện đầu tư BlackRock, cũng cho rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã suy yếu, khiến các nhà đầu tư có dự báo bi quan hơn.

Tại sao nhà đầu tư Mỹ e ngại trước Trung Quốc?
Cờ bay phía trên lối vào của văn phòng BlackRock vào ngày 16/01/2014 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Andrew Burton / Getty Images)

Khi những người diều hâu (mang tư tưởng hiếu chiến) trong Quốc hội Mỹ gặp các ông trùm tài chính phố Wall vào tháng 9, một số giám đốc điều hành tài chính thừa nhận rằng các quyết định của Bắc Kinh ngày càng trở nên khó đoán hơn và không thể dựa vào dữ liệu lịch sử để quản lý các quỹ tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Một người tham gia các cuộc thảo luận liên quan cho biết, các nhà điều hành ngành tài chính Mỹ đã “phần nào thức tỉnh” trước những rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc.

Theo thông tin công khai, một số quỹ phòng hộ, bao gồm cả Bridgewater, đã giảm đáng kể lượng nắm giữ chứng khoán Trung Quốc. Carlyle và nhiều công ty đầu tư cổ phần tư nhân khác đã giảm mục tiêu gây quỹ cho các quỹ châu Á của họ hoặc ngừng hoàn toàn việc huy động vốn cho Trung Quốc. Các nhà quản lý quỹ tương hỗ như Vanguard và Van Eck đang rời khỏi Trung Quốc hoặc từ bỏ kế hoạch kinh doanh của họ tại Trung Quốc.

Ngoài ra, vào ngày 29/11, tờ New York Times đã tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh DealBook”. Trong cuộc đối thoại thảo luận về tình hình eo biển Đài Loan, Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan Chase Group tin rằng Bắc Kinh sẽ không xâm chiếm Đài Loan, nhưng nếu điều đó xảy ra và chính phủ Mỹ ra lệnh cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, ông nhất định sẽ hợp tác.

Tại sao nhà đầu tư Mỹ e ngại trước Trung Quốc?
Ông Jamie Dimon, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co., phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế Washington vào ngày 12/9/2016 tại Washington, DC., Mỹ. (Ảnh: Win McNamee / Getty Images)

Vào ngày 28/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Ngân hàng Toàn cầu, Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon cảnh báo rằng không rõ sẽ mất bao lâu để căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được cải thiện và hiện tại ở Trung Quốc đang có nhiều sự không chắc chắn hơn. Goldman Sachs đã quyết định từ bỏ chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá” đối với Trung Quốc.

Ông Solomon cho biết 5 năm trước Goldman Sachs đã thực hiện chiến lược "tăng trưởng ở Trung Quốc bằng mọi giá", nhưng giờ đây Goldman Sachs đã thay đổi. Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể đã cắt giảm một số nguồn tài chính ở đó vì ở đó có nhiều sự không chắc chắn hơn”.

Cần chú ý rằng, phố Wall vốn có quá khứ giành nhiều sự ưu ái cho Bắc Kinh.

Vào tháng 02/2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đặt chính quyền Trung Quốc vào thế khó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tới Washington D.C. để tìm kiếm thỏa thuận đình chiến và đã nhờ cậy sự giúp đỡ của một nhóm các ông trùm phố Wall.

Ông Lưu đã kêu gọi sự tập hợp của các giám đốc điều hành phố Wall tại một khách sạn gần Tòa Bạch Ốc, nói rằng, "Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn". Trong số những cá nhân này có ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock; ông David Solomon, khi đó là đồng chủ tịch của Goldman Sachs; và ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase. Vào thời điểm đó, ông Dimon là Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc của Business Roundtable.

Vào cuối những năm 1990, khi các ngân hàng Trung Quốc đang vật lộn với hàng núi nợ xấu, Thủ tướng Chu Dung Cơ khi đó đã yêu cầu các chủ ngân hàng đầu tư Mỹ, trong đó có ông Hank Paulson, Chủ tịch Goldman Sachs và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, giúp dọn dẹp mớ hỗn độn đó.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao nhà đầu tư Mỹ e ngại thị trường Trung Quốc?