Bình luận: Đằng sau việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Moody’s đã nắm bắt chính xác mức độ nghiêm trọng của tình hình nợ hiện tại của Trung Quốc và mối đe dọa mà nó gây ra đối với sự ổn định của nền tài chính Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Trong khi đó, phản ứng của Bắc Kinh không đem lại nhiều hy vọng cải thiện tình hình.

Bài bình luận

Moody's gần đây đã hướng sự chú ý vào các vấn đề tín dụng ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc, thông báo rằng họ sẽ thay đổi triển vọng về nợ của nước này từ "ổn định" sang "tiêu cực".

Độc giả có thể không thấy ngạc nhiên. Trong vài tháng qua, chúng tôi đã liệt kê và phân tích những gánh nặng lớn mà nền tài chính và kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Đứng đầu danh sách là tình trạng gần như sụp đổ của ngành phát triển bất động sản Trung Quốc và di sản với các khoản nợ đáng ngờ mà nó đã để lại trên sổ sách của các ngân hàng Trung Quốc và các tổ chức tài chính khác. Chính quyền địa phương cũng đã cho thấy rõ khoản nợ khổng lồ mà họ phải gánh chịu do nỗ lực tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, nhiều dự án trong số đó đã không thể trả đủ lợi nhuận. Những con nợ nước ngoài theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã khiến các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc phải gánh thêm các khoản nợ đáng ngờ trên sổ sách của họ. Đồng thời, sự sụt giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc và suy giảm kinh tế nói chung đã khiến nước này khó có thể bù đắp những tổn thất.

Cùng với sự thay đổi trong triển vọng nợ chung của Trung Quốc, Moody’s cũng hạ triển vọng của 8 ngân hàng quốc doanh Trung Quốc cũng như 22 chính quyền địa phương. Việc hạ cấp triển vọng cũng được ban hành đối với Hong Kong và Ma Cao. Tuy nhiên, Moody’s đã không hạ cấp chất lượng tín dụng tổng thể của Trung Quốc mà họ vẫn giữ nó ở mức A1, mức khuyến khích đầu tư, thấp hơn 4 bậc so với xếp hạng tín dụng hàng đầu của Moody’s là Aaa, và mức xếp hạng này đã duy trì kể từ năm 2017.

Động thái có vẻ kịch tính này chẳng làm được gì hơn ngoài việc thừa nhận một thực tế vốn đã khó khăn và khả năng các vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn tại Trung Quốc. Thật dễ đoán, Bắc Kinh đã chỉ trích động thái của tổ chức này, mặc dù bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng không điển hình. Bộ Tài chính Trung Quốc bày tỏ “thất vọng”, mô tả nền kinh tế Trung Quốc là “kiên cường”. Người phát ngôn của họ đã chỉ ra rằng Bắc Kinh đã thực hiện các bước để giải quyết vấn đề nợ của chính quyền địa phương và đang thực hiện các bước bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ đã không đưa ra nhiều chi tiết cụ thể.

Một số bình luận, mặc dù không phải của Bộ Tài chính, đã cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình nợ của Trung Quốc bằng cách chỉ ra rằng các khoản nợ của chính quyền trung ương Trung Quốc tương đối nhẹ nhàng hơn so với của Mỹ và Nhật Bản. Nợ của Trung Quốc, theo như được xác định, chiếm 77% tổng sản phẩm quốc nội của nước này, trong khi con số tương đương của Mỹ là 123% và của Nhật Bản là 264%.

Mặc dù tất cả những điều này là không thể chối cãi, nhưng nó lại né tránh vấn đề mà Moody's và bất kỳ phân tích trung thực nào về tình hình của Trung Quốc chỉ ra. Bắc Kinh đã giữ nợ ở mức thấp bằng cách buộc chính quyền địa phương tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, sức nặng đối với nền tài chính Trung Quốc đến từ tất cả các loại nợ, của chính quyền trung ương và địa phương cũng như của những người đi vay tư nhân. Trong bối cảnh này, việc phân loại nợ như thế nào không phải là điều quan trọng.

Moody's đã thể hiện rõ ràng sự hiểu biết của mình về vấn đề này bằng ngôn ngữ được sử dụng kèm theo thông báo hạ cấp triển vọng. Các nhà phân tích đã không phân biệt giữa nợ công và nợ tư nhân hay cấp chính quyền nào phải chịu gánh nặng lớn nhất. Họ tập trung vào gánh nặng nợ chung, phần lớn liên quan đến các dự án sẽ không bao giờ trả đủ lợi nhuận để trang trải cho các nghĩa vụ tài chính liên quan.

Bình luận: Đằng sau việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc
Tên của hãng xếp hạng Moody's trước trụ sở công ty ở New York, Mỹ, ngày 18/9/2012. (Ảnh: EMMANUEL DUNAND/AFP qua Getty Images)

Các nhà phân tích này có thể đã thấy rằng sự đổ vỡ trong ngay cả một phần của khoản nợ đáng nghi ngờ này sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng của các tổ chức tài chính Trung Quốc – thuộc sở hữu nhà nước hoặc tư nhân – trong việc tài trợ cho các khoản đầu tư liên tục cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc. Đặc biệt là khi xuất khẩu của Trung Quốc đang sụt giảm và nền kinh tế chậm lại, các nhà phân tích này kết luận rằng các vấn đề này gây ra “rủi ro lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc”.

Cách Bắc Kinh đáp trả động thái của Moody cũng không mang lại bất cứ niềm tin nào rằng Trung Quốc có thể khắc phục các vấn đề của mình. Ví dụ, giải pháp của Bộ Tài chính đối với vấn đề nợ của chính quyền địa phương là phân loại lại các khoản nợ liên quan đến cơ sở hạ tầng của họ, vốn thuộc về phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV). Nhưng việc phân loại lại không làm giảm bớt nghĩa vụ thanh toán. Nó chỉ di chuyển nghĩa vụ thanh toán trong nền kinh tế.

Rủi ro vỡ nợ vẫn là gánh nặng đối với hệ thống tài chính. Bộ Tài chính cũng thảo luận về những nỗ lực nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế nhanh hơn bằng cách tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Bộ không nói gì để giải thích cách chi tiêu đó sẽ được tài trợ như thế nào hoặc bằng cách nào các nhà quy hoạch có thể đảm bảo rằng các dự án của họ có thể thu lợi nhuận đủ để trả bất kỳ khoản nợ nào. Những lo ngại như vậy là khá hợp lý vì nhiều dự án cơ sở hạ tầng gần đây đã không mang lại lợi nhuận thích hợp.

Đây không phải là một tình huống đáng khích lệ vì ít nhất ba lý do. Đầu tiên, Moody’s đã nắm bắt chính xác mức độ nghiêm trọng của tình hình nợ hiện tại của Trung Quốc và mối đe dọa mà nó gây ra đối với sự ổn định của nền tài chính Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ hai, Bắc Kinh đã đưa ra phản ứng yếu ớt trước thực tế mà Moody’s đã nhấn mạnh. Thứ ba, phản ứng của Bắc Kinh khiến người ta không mấy tin tưởng rằng họ có ý chí giải quyết vấn đề hoặc thậm chí hiểu được những gì họ phải đối mặt.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Đằng sau việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm Trung Quốc