Moody's hạ cấp triển vọng tín nhiệm Trung Quốc, lo ngại toàn cầu gia tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù xếp hạng tín nhiệm A1 của Trung Quốc vẫn được duy trì, nhưng việc hạ cấp triển vọng cho thấy xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc có thể sẽ bị hạ thấp trong tương lai.

Mới xuất hiện thêm một tiếng nói hưởng ứng mối lo ngại toàn cầu ngày càng tăng đối với nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc. Các chuyên gia xếp hạng tín nhiệm của Moody's hôm thứ 3 đã hạ cấp kỳ vọng của họ về triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc. Điều này đã khiến Bắc Kinh thất vọng. Chính quyền Trung Quốc vốn vẫn cho rằng nền kinh tế quốc gia này “vững bền”.

Moody's đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực do nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng và cuộc khủng hoảng nhà ở ngày càng lan rộng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo Moody's, việc hạ cấp này phản ánh bằng chứng ngày càng tăng cho thấy chính quyền có thể phải cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương và công ty nhà nước vốn đang chìm trong nợ nần, tạo ra những mối đe dọa lớn đối với tình hình tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc.

Đồng thời, trong Ghi chú Nghiên cứu Đại Trung Hoa hôm thứ 3 (5/12), công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia Úc ANZ cho biết họ dự kiến Trung Quốc sẽ “hạ cánh mềm" vào năm 2024 do những tai ương trong lĩnh vực bất động sản và giảm phát. [Hạ cánh mềm: suy giảm nhẹ sau đợt tăng trưởng nóng].

Moody's hạ cấp triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc, mối lo ngại toàn cầu đang gia tăng
Người dân xách rau sau khi đi mua đồ trong một khu dân cư ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 04/07/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

“GDP thực của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 4,2% vào năm 2024 và 4,0% vào năm 2025. Nhưng tăng trưởng danh nghĩa có thể sẽ chỉ ở mức 3,8%. Áp lực giảm phát vẫn ở mức cao với chênh lệch sản lượng [kinh tế] âm”, báo cáo của ANZ cho biết.

Tuy nhiên, Moody's đã xác nhận xếp hạng A1 của Trung Quốc vào thứ 3, cho biết nền kinh tế vẫn có khả năng cao trong việc hấp thụ các cú sốc. Nhưng hãng xếp hạng dự báo tăng trưởng GDP hàng năm sẽ giảm xuống 4,0% vào năm 2024 và 2025, và đạt mức trung bình 3,8% từ năm 2026 đến năm 2030.

Việc hạ cấp của Moody's là lần sửa đổi đầu tiên đối với triển vọng Trung Quốc kể từ khi nước này bị hạ xếp hạng xuống A1 vào năm 2017, với lý do tăng trưởng chậm hơn và nợ gia tăng. Mặc dù xếp hạng A1 vẫn được duy trì, nhưng việc hạ cấp triển vọng cho thấy xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc có thể sẽ bị hạ thấp trong tương lai.

Tuy nhiên, Bộ tài chính Trung Quốc không đồng ý với động thái này của Moody's và đã phản ứng bằng cách nói rằng họ "thất vọng" trước việc Moody's hạ triển vọng xếp hạng của nước này và rằng nền kinh tế "sẽ duy trì xu hướng phục hồi và tích cực".

“Những lo ngại của Moody’s về triển vọng tăng trưởng kinh tế, tính bền vững tài chính và các khía cạnh khác của Trung Quốc là không cần thiết. Tác động của sự suy thoái trên thị trường bất động sản đối với ngân sách công nói chung của địa phương và ngân sách chính phủ là có thể kiểm soát được và mang tính cơ cấu”, Bộ cho biết.

Bắc Kinh cũng tỏ ra khó chịu vì việc hạ cấp triển vọng diễn ra trước Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên vào giữa tháng 12, trong đó chính quyền dự kiến sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2024 và các biện pháp kích thích bổ sung.

Những thách thức

Moody's hạ cấp triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc, mối lo ngại toàn cầu đang gia tăng
Một người đàn ông sử dụng thang cuốn trước khu phức hợp nhà ở của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 21/10/2021. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Theo các chuyên gia xếp hạng, sự phục hồi của Trung Quốc đã bị cản trở bởi niềm tin yếu kém của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên kỷ lục và suy thoái kinh tế toàn cầu, thứ đang làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.

Khi mà cuộc khủng hoảng nhà ở trở nên tồi tệ hơn và sự phục hồi sau các quy định khắc nghiệt về COVID-19 kém mạnh mẽ hơn dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc đang khó lấy lại được động lực trong năm nay. Vào tháng 11, dữ liệu cho thấy cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm, củng cố cho quan điểm ​​cho rằng chính quyền Trung Quốc cần phải can thiệp nhiều hơn để hỗ trợ quá trình phục hồi đang chững lại.

“Trong ngắn hạn, rủi ro đi xuống đối với tăng trưởng vẫn còn, vì việc thu hẹp quy mô lĩnh vực bất động sản là một sự thay đổi cơ cấu lớn trong các động lực tăng trưởng của Trung Quốc đang diễn ra và có thể là lực cản đáng kể hơn đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc so với đánh giá hiện nay”, Moody's nói.

Hãng xếp hạng cho biết thêm, tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt hơn trong thời gian ngắn và trung hạn sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt và nợ của chính quyền địa phương.

Vấn đề nợ vẫn là tâm điểm

Trọng tâm của chính quyền Trung Quốc đã chuyển sang kích thích tài chính do thị trường bất động sản đang xấu đi, với việc tăng cường vay mượn là công cụ chính để hỗ trợ nền kinh tế. Điều đó làm dấy lên lo ngại về mức nợ của nước này, đặc biệt vì Bắc Kinh dự kiến sẽ phát hành nhiều trái phiếu hơn bao giờ hết trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế.

Khi thâm hụt ngân sách của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 30 năm vào tháng 10, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra tín hiệu rằng nước này sẽ không chấp nhận tình trạng tăng trưởng chậm lại nghiêm trọng hoặc các mối đe dọa giảm phát dai dẳng. Theo Bloomberg, tỷ lệ thâm hụt trên GDP hiện tại là 3,8%, cao hơn đáng kể so với giới hạn 3% có thể chấp nhận được.

Sự suy giảm kinh tế đã buộc chính quyền trung ương phải bán thêm trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (140 tỷ USD) trong năm nay. Theo chính quyền Trung Quốc, nguồn tài chính này sẽ hướng tới các dự án xây dựng và cứu trợ thiên tai, giảm một số khoản nợ ngoại bảng có mức chi phí cao hơn.

Chính quyền địa phương cũng đang ráo riết bán trái phiếu đảo nợ đặc biệt như một nguồn thu thay thế để bù đắp sự phụ thuộc vào việc bán đất trong bối cảnh ngành bất động sản suy thoái.

Theo dữ liệu gần đây nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã tăng từ 62,2% năm 2019 lên chiếm 76% sản lượng kinh tế vào năm 2022, đạt 92 nghìn tỷ CNY (12,6 nghìn tỷ USD).

Điều kiện tài chính của chính quyền địa phương sẽ tiếp tục xấu đi vào năm 2024, ANZ dự kiến một số dạng phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGVF) sẽ vỡ nợ ít nhất là trong cái gọi là thỏa thuận nợ tư nhân phi tiêu chuẩn.

“Việc thay đổi sang triển vọng tiêu cực phản ánh bằng chứng ngày càng tăng rằng chính quyền và khu vực công bao trùm sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các chính quyền khu vực và địa phương cũng như các doanh nghiệp nhà nước đang gặp khó khăn về tài chính, gây ra rủi ro tiêu cực lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc”, Moody’s nói.

Chính sách nới lỏng để thúc đẩy kinh tế

Bất chấp các vấn đề cơ cấu liên quan đến cải cách, chẳng hạn như các khoản nợ khổng lồ, nhu cầu giảm và giảm phát, các nhà phân tích xếp hạng vẫn dự đoán những cải cách sẽ tiếp tục.

"Chính sách của chính quyền vẫn sẽ mang tính nới lỏng [để hỗ trợ tăng trưởng] về mặt cơ cấu, nhằm hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp và chế ngự rủi ro tài chính hệ thống. Chính quyền sẽ cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho chính quyền địa phương và lĩnh vực bất động sản. Chúng tôi [cũng] kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau để chứng minh quan điểm nới lỏng của họ", lưu ý của ANZ cho biết.

Moody's hạ cấp triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc, mối lo ngại toàn cầu đang gia tăng
Các tòa nhà dân cư và thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 30/8/2023. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Moody’s cho biết: “Chính quyền Trung Quốc có thành tích trong việc triển khai hiệu quả các nguồn lực khổng lồ của mình để đáp ứng các thách thức về chính sách”.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư thất vọng nước ngoài tin rằng các vấn đề của Trung Quốc quá lớn và các biện pháp khắc phục được công bố cho đến nay lại quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt đáng kể.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (được Bloomberg trích dẫn), dòng vốn ròng chảy ra nước ngoài của Trung Quốc đạt 53,9 tỷ USD vào tháng 10/2023, mức cao nhất hàng tháng kể từ tháng 1/2016. Báo cáo cũng cho biết gần 54 tỷ USD đã được các khách hàng ngân hàng chuyển ra nước ngoài, điều này đang gây áp lực giảm giá đồng CNY.

Dòng vốn chảy ra ngoài được Goldman Sachs ước tính đã tăng lên 75 tỷ USD trong tháng 9.

Môi trường kinh tế Trung Quốc xấu đi trong mắt nhà đầu tư ngoại

Vào ngày 1/12, The Wall Street Journal đưa ra đánh giá, trong 10 năm qua, các nhà đầu tư toàn cầu đổ xô đến Trung Quốc trong thời kỳ kinh tế của nước này bùng nổ. Rủi ro địa chính trị trước đây không gây ra nhiều mối đe dọa nhưng hiện tại nó là yếu tố đầu tiên được các nhà đầu tư cân nhắc, khiến nhiều người không muốn đầu tư vào Trung Quốc.

Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tới một số công ty tư vấn và thẩm định nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà đầu tư tiềm năng và các công ty nước ngoài hiểu rõ rủi ro cũng như các yếu tố chính sách và doanh nghiệp khác để đưa ra quyết định đầu tư.

Các cơ quan liên quan của Bắc Kinh đã đột kích văn phòng Trung Quốc của nhiều công ty Mỹ, bao gồm Mintz Group và Bain & Co., đồng thời bắt giữ một số nhân viên địa phương.

Các nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế và cổ phần tư nhân cũng đang phải hết sức cẩn thận khi đánh giá các công ty Trung Quốc.

Tại Diễn đàn vốn cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm AVCJ được tổ chức vào tháng 11, ông Alvin Lam, đối tác điều hành tại Hong Kong của công ty đầu tư cổ phần tư nhân châu Âu CVC Capital Partners, cho biết: “Bây giờ chúng tôi phải xem xét rủi ro địa chính trị và rủi ro pháp lý cho mọi thương vụ, thậm chí trước cả khi chúng tôi bắt đầu đánh giá đúng mức độ hấp dẫn của doanh nghiệp và mô hình kinh doanh".

Ông David Vaughn, giám đốc đầu tư phụ trách chiến lược toàn cầu và ngoài Mỹ tại ClariVest Asset Management có trụ sở tại San Diego, cho biết ông dự đoán các nhà đầu tư quốc tế sẽ giảm thêm lượng nắm giữ chứng khoán Trung Quốc nếu căng thẳng địa chính trị không cải thiện.

Gần đây, nguồn vốn nước ngoài đang tích cực rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Kể từ tháng 8 năm nay, các nhà đầu tư quốc tế đã rút số vốn tương đương hơn 24 tỷ USD khỏi thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc thông qua cơ chế kết nối với Hong Kong. Cổ phiếu A là các cổ phiếu được niêm yết ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến của các công ty Trung Quốc. Dữ liệu từ Wind Information cho thấy đây là dòng vốn chảy ra lớn nhất và lâu dài nhất xảy ra thông qua cơ chế liên thông này kể từ khi nó được thiết lập vào năm 2014.

Dòng vốn chảy ra trùng hợp với làn sóng dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc. Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm 10% trong năm nay và có thể có mức giảm theo năm trong năm thứ ba liên tiếp.

Các chiến lược gia thị trường tại một số ngân hàng lớn ở Phố Wall cho biết hầu hết các quỹ phòng hộ và nhà quản lý quỹ tích cực đã bán tháo cổ phiếu Trung Quốc sẽ khó có thể quay trở lại với cổ phiếu Trung Quốc cho đến khi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và quan hệ Mỹ - Trung cải thiện đáng kể.

Các chiến lược gia tại Morgan Stanley đã cảnh báo các nhà đầu tư về khả năng của “sự phức tạp tiếp tục về địa chính trị” vào năm 2024, năm bầu cử ở Mỹ và Đài Loan.

Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo ngày 12/11 rằng các nhà đầu tư có thể bán tháo thêm 170 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc theo cái mà họ gọi là một kịch bản rất nghiêm trọng. Trong kịch bản này, quỹ hưu trí Mỹ có thể thanh lý hoàn toàn số cổ phiếu Trung Quốc mà họ nắm giữ vì lý do chính sách và địa chính trị. Hơn nữa, lượng phân bổ dành cho cổ phiếu Trung Quốc của các quỹ tương hỗ tích cực và quỹ phòng hộ có thể giảm xuống mức thấp nhất do lượng cổ phiếu Trung Quốc họ nắm giữ bị thanh lý.

Moody's hạ cấp triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc, mối lo ngại toàn cầu đang gia tăng
Ông David Solomon, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Goldman Sachs, phát biểu trong Hội nghị Toàn cầu của Viện Milken vào ngày 2/5/2022 tại Beverly Hills, California, Mỹ. (Ảnh: PATRICK T. FALLON/AFP qua Getty Images)

Ngoài ra, những động thái “xa lánh” Trung Quốc gần đây của những gã khổng lồ phố Wall cũng phản ánh một cách rõ nét những góc nhìn tiêu cực về môi trường đầu tư và kinh tế của Trung Quốc. Cần biết rằng, phố Wall vốn có một quá khứ dành nhiều ưu ái cho đất nước này.

Mới đây, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Mỹ JPMorgan Chase, cho biết nếu chính phủ Mỹ ra lệnh cho JPMorgan Chase rút khỏi Trung Quốc, họ sẽ tuân thủ. Ngoài ra, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Goldman Sachs, ông David Solomon, cảnh báo rằng hiện tại có nhiều sự không chắc chắn hơn ở Trung Quốc và Goldman Sachs đã quyết định từ bỏ chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá” đối với thị trường Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Moody's hạ cấp triển vọng tín nhiệm Trung Quốc, lo ngại toàn cầu gia tăng