Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Hong Kong, Ma Cao và 8 ngân hàng Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau khi hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc, Moody’s tiếp tục hạ triển vọng tín nhiệm của Hong Kong, Ma Cao. Ngoài ra, 8 ngân hàng Trung Quốc, các nền tảng tài chính của chính quyền địa phương và 4 doanh nghiệp nhà nước cũng bị Moody's hạ triển vọng tín nhiệm.

Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm của 8 ngân hàng Trung Quốc đại lục từ "ổn định" xuống "tiêu cực" vào thứ Tư (6/12) do lo ngại về nợ. Mới một ngày trước đó, hãng xếp hạng này đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc từ "ổn định" thành "tiêu cực".

8 ngân hàng bị ảnh hưởng bao gồm 3 ngân hàng chính sách và 5 ngân hàng thương mại lớn của nhà nước. Đó là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc. Mặc dù Moody's đã hạ triển vọng của 8 ngân hàng nhưng không đưa chúng vào danh sách "xem xét hạ xếp hạng".

Hôm thứ 4, Moody's đã đưa ra tuyên bố nói rằng việc hạ triển vọng của các tổ chức tài chính này chủ yếu là do việc điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín dụng của Trung Quốc từ "ổn định" sang "tiêu cực".

Moody's dự đoán việc hỗ trợ dành cho các đơn vị đang gặp khó khăn tài chính sẽ có chọn lọc hơn, dẫn đến rủi ro dài hạn về căng thẳng gia tăng cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như chính quyền khu vực và địa phương.

Công ty xếp hạng tín dụng có trụ sở tại New York cũng hạ triển vọng đối với Hong Kong và Ma Cao từ "ổn định" xuống "tiêu cực" vào thứ 4. Theo Moody's, có những dấu hiệu cho thấy quyền tự chủ của thể chế chính trị và tư pháp của Hong Kong đã suy yếu đặc biệt khi Luật An ninh Quốc gia được thực thi và hệ thống bầu cử ở Hong Kong có những thay đổi.

Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Hong Kong, Ma Cao và 8 ngân hàng Trung Quốc
Quang cảnh đường chân trời của thành phố khi một cơn bão đổ bộ vào Hong Kong vào ngày 2/4/2014. (Ảnh: Philippe Lopez/AFP/Getty Images)

Ngoài ra, Moody's cũng hạ triển vọng xếp hạng của 26 phương tiện tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc và 4 doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đưa tất cả 30 doanh nghiệp trên vào danh sách "xem xét hạ xếp hạng", điều thường có nghĩa là việc hạ xếp hạng sẽ được xem xét trong vòng 3 tháng.

Liên tiếp xuất hiện những thông tin về hạ triển vọng tín nhiệm từ phía Moody's đối với nền kinh tế Trung Quốc. Các vấn đề nhức nhối của nền kinh tế Trung Quốc cũng đã được phơi bày rõ nét sau những động thái này.

Những thách thức được phơi bày

Hôm thứ 3 (5/12), Moody's đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc từ "ổn định" sang "tiêu cực", giáng một đòn mạnh nữa vào nền kinh tế Trung Quốc. Moody's giải thích rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang nợ nần chồng chất và Bắc Kinh sẽ phải cung cấp thêm hỗ trợ tài chính, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc.

Moody's cũng cho biết, việc hạ triển vọng xếp hạng cũng phản ánh nền kinh tế Trung Quốc sẽ trải qua những thay đổi về cơ cấu, đà tăng trưởng trong trung hạn sẽ chậm lại và nguy cơ thị trường bất động sản của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp sẽ gia tăng.

Theo các chuyên gia xếp hạng, sự phục hồi của Trung Quốc đã bị cản trở bởi niềm tin yếu kém của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên kỷ lục và suy thoái kinh tế toàn cầu, thứ đang làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.

Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Hong Kong, Ma Cao và 8 ngân hàng Trung Quốc
Một người tìm việc nói chuyện với một nhà tuyển dụng tại một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Khi mà cuộc khủng hoảng nhà ở trở nên tồi tệ hơn và sự phục hồi sau các quy định khắc nghiệt về COVID-19 kém mạnh mẽ hơn dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc đang khó lấy lại được động lực trong năm nay. Vào tháng 11, dữ liệu cho thấy cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm, củng cố cho quan điểm ​​cho rằng chính quyền Trung Quốc cần phải can thiệp nhiều hơn để hỗ trợ quá trình phục hồi đang chững lại.

Trọng tâm của chính quyền Trung Quốc đã chuyển sang kích thích tài chính do thị trường bất động sản đang xấu đi, với việc tăng cường vay mượn là công cụ chính để hỗ trợ nền kinh tế. Điều đó làm dấy lên lo ngại về mức nợ của nước này, đặc biệt vì Bắc Kinh dự kiến sẽ phát hành nhiều trái phiếu hơn bao giờ hết trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế.

Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm của nhà phát triển BĐS Vanke

Là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, kết quả bán hàng của Vanke Group sụt giảm đáng kể trong năm nay. Cũng mới gần đây, Moody's đã hạ xếp hạng của Vanke xuống mức Baa3 với triển vọng tiêu cực, viện dẫn triển vọng phục hồi kinh tế Trung Quốc yếu kém và niềm tin người tiêu dùng yếu tiếp tục tác động đến sự phục hồi của ngành bất động sản.

Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Hong Kong, Ma Cao và 8 ngân hàng Trung Quốc
Logo bị hư hỏng của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Vanke tại một khu phức hợp nhà ở ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 30/8/2023. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Vào thứ 6 (24/11), Moody's Investor Service đã hạ xếp hạng Vanke hai bậc xuống Baa3, đây là mức khuyến khích đầu tư thấp nhất và chỉ cách "hạng rác" một bậc. Triển vọng xếp hạng của Vanke là tiêu cực. Lý do là công ty tiếp tục phải đối mặt với tình trạng bất ổn và doanh số bán hàng của Vanke đã sụt giảm trong 10 tháng đầu năm và “hoạt động kém hiệu quả so với thị trường rộng lớn hơn”.

Moody's cho biết trong một tuyên bố có liên quan rằng triển vọng của ngành bất động sản Trung Quốc là "đầy thách thức", với triển vọng phục hồi kinh tế chậm và niềm tin của người tiêu dùng yếu, điều này dự kiến sẽ tiếp tục kéo lùi kết quả bán hàng của Vanke.

Moody's còn chỉ ra rằng tâm lý thị trường tiếp tục suy yếu của Trung Quốc, cũng như tâm lý e ngại rủi ro ở mức cao của các nhà đầu tư đối với ngành bất động sản của Trung Quốc, cũng sẽ "làm tăng sự không chắc chắn về khả năng huy động vốn dài hạn không có bảo đảm một cách kịp thời của China Vanke".

Do sự thiếu niềm tin nghiêm trọng vào xu hướng chung của ngành bất động sản của Trung Quốc, trong năm nay, tính đến ngày 20/11, Moody's đã công bố ít nhất 39 báo cáo về việc rút xếp hạng, hạ bậc xếp hạng hoặc hạ triển vọng đối với các công ty bất động sản Trung Quốc.

Bắc Kinh đang hủy hoại Hong Kong

Vào ngày 2/11, chuyên gia Milton Ezrati, nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York, đã có một bài phân tích với tựa đề "Sự đàn áp nặng tay của Bắc Kinh đối với Hong Kong đã làm gia tăng tai ương kinh tế của Trung Quốc", đăng trên The Epoch Times. Bài viết xoay quanh việc Hong Kong đang bị huỷ hoại dưới bàn tay của Bắc Kinh.

Theo ông Ezrati, vào năm 1997, khi Vương quốc Anh chuyển giao thuộc địa cũ là Hong Kong cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã hứa sẽ giữ nguyên hiện trạng thành phố. Lãnh đạo Trung Quốc nói về “một quốc gia, hai chế độ”. Đó dường như là một lời hứa đáng tin cậy. Hong Kong đã duy trì được giá trị của mình. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, Bắc Kinh đã dùng sức mạnh phá vỡ lời hứa đó với người dân Hong Kong và thế giới. Các động thái nhằm hạn chế quyền tự do dân sự, thứ mà người dân Hong Kong đã được hưởng từ lâu, đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2019. Bắc Kinh đã dùng vũ lực dập tắt chúng.

Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Hong Kong, Ma Cao và 8 ngân hàng Trung Quốc
Một cuộc diễu hành "chống dẫn độ" với 1 triệu người làm chật cứng toàn bộ đường phố ở Hong Kong vào ngày 9/6/2019. (Ảnh: Sung Pi-Lung/The Epoch Times)

Các đặc tính cũ của thành phố vẫn còn đâu đó. Tiền vẫn chảy vào và ra khỏi thành phố một cách tự do hơn so với vào và ra khỏi Trung Quốc, nhưng sự an toàn trước đây trước sự can thiệp của Bắc Kinh - vào hoạt động kinh doanh và cuộc sống hàng ngày - đã biến mất. Theo đó, thành phố này đã mất đi sức hấp dẫn như một nơi kinh doanh không chỉ đối với người nước ngoài mà còn đối với các công ty Trung Quốc có trụ sở chính ở đó.

Bằng chứng về tác hại kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng. Các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản ở Hong Kong bắt đầu rời khỏi thành phố gần như ngay lập tức sau khi Bắc Kinh đàn áp. Theo Cục Thống kê và Điều tra Dân số Hong Kong, số lượng trụ sở khu vực do các công ty nước ngoài duy trì trong thành phố đã giảm 2,4% trong năm đầu tiên sau khi các cuộc biểu tình bị dập tắt. Tính đến năm 2022, giai đoạn gần đây nhất mà cơ quan này cung cấp dữ liệu, số liệu này đã giảm gần 9% so với mức trước đây. Các công ty Mỹ dường như đang dẫn đầu cho sự ra đi. Đến năm 2022, các công ty Mỹ có trụ sở khu vực tại Hong Kong đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh. Các giám đốc điều hành cho biết họ gặp khó khăn trong việc thuyết phục những nhân viên có giá trị chuyển đến Hong Kong.

Và tất nhiên không chỉ có người Mỹ. Hai ngân hàng Úc - Westpac và Ngân hàng Quốc gia Úc - đã công bố ý định rời đi. Đáng chú ý là họ đã từng hứa sẽ ở lại sau các cuộc biểu tình để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy tài chính giữa Hong Kong và phần còn lại của Trung Quốc. Họ không còn thấy giá trị của Hong Kong nữa. Một số lượng lớn các tổ chức của Canada và châu Âu cũng đã bày tỏ ý định rời đi. Danh sách này còn rất dài. Nhìn vào danh sách, có vẻ như tốc độ rời đi đang tăng nhanh. Đặc biệt, các doanh nhân nước ngoài đến Hong Kong được khuyên chỉ nên mang theo các thiết bị được dùng trong ngắn hạn và nếu không thì hãy xóa sạch dữ liệu và ứng dụng trên thiết bị điện tử của họ.

Trong một thời gian, dòng chảy của các công ty Trung Quốc vào Hong Kong bù đắp cho sự rời đi của các công ty nước ngoài, nhưng giờ đây, ngay cả xu hướng đó cũng đã biến mất. Hong Kong không còn đóng vai trò là kênh tương tác giữa Trung Quốc và thế giới. Nó đơn giản đã trở thành một phần mở rộng của Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc không còn thấy được lợi thế của việc đặt trụ sở hoặc văn phòng khu vực tại Hong Kong. Họ có thể tập trung ở Thượng Hải, Bắc Kinh hoặc các trung tâm kinh doanh khác của Trung Quốc.

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy vinh quang đang lụi tàn của Hong Kong là những biến động thị trường chứng khoán nơi đây. Tổng vốn hóa của thị trường ngày nay ở mức tương đương khoảng 4 nghìn tỷ USD, thấp hơn khoảng 40% so với mức năm 2019. Lượng niêm yết mới đã giảm từ mức tương đương 52 tỷ USD vào năm 2020 xuống chỉ còn 3,5 tỷ USD tính từ đầu năm nay tới tháng 11. Doanh thu hàng ngày dao động quanh mức 14 tỷ USD, giảm 40% so với hai năm trước.

Ông Ezrati kết luận rằng, việc Hong Kong mất đi vị thế trung tâm tài chính và trung tâm kinh doanh đẳng cấp thế giới chỉ có thể gây thêm tổn hại cho nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn và tình hình tài chính bấp bênh của Trung Quốc. Kỳ lạ thay, Bắc Kinh có thể đang phá hủy viên ngọc quý này chỉ để đạt được sự kiểm soát chính trị công khai, những điều mà trước đây họ có thể thực hiện thông qua các biện pháp bí mật. Nhưng đó là đường lối của ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, mặc dù nó đi ngược lại mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh nhằm đạt được ảnh hưởng toàn cầu và quyền bá chủ kinh tế. Đó là một trường hợp kinh điển về việc thắng một trận chiến nhưng thua cả cuộc chiến lớn, nhưng đó dường như là quy luật bình thường dưới thời ông Tập.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Hong Kong, Ma Cao và 8 ngân hàng Trung Quốc