‘Rút ruột’ Hong Kong: Bắc Kinh giữ thành phố, ‘đuổi' người dân địa phương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đằng sau sự đi xuống về kinh tế của Hong Kong là chiến lược sẵn sàng hy sinh người dân địa phương để bắt thành phố này đi theo khuôn mẫu của Trung Quốc đại lục.

Phần một của loạt bài này xem xét cuộc khủng hoảng ở thị trường chứng khoán Hong Kong, vốn đã bị tàn phá bởi làn sóng tháo chạy của vốn nước ngoài và tâm lý bi quan khi chứng kiến đầu tư nước ngoài, quyền tự do của con người và vốn nhân lực rời xa thành phố thịnh vượng một thời.

Các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng thị trường con gấu (giá xuống) hiện tại phản ánh một chiến lược tàn bạo nhằm đưa thuộc địa cũ của Anh phải đi theo khuôn khổ của Trung Quốc đại lục - một chiến lược sẵn sàng hy sinh người dân Hong Kong để bắt thành phố này đi theo khuôn mẫu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Lựa chọn di cư

Được thúc đẩy bởi sự bất mãn ngày càng tăng với tình hình hiện tại ở Hong Kong, một lượng lớn cư dân đang chọn con đường di cư.

Dữ liệu lấy từ Cục Thống kê và Điều tra Dân số Hong Kong làm sáng tỏ quy mô của xu hướng này. Từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, gần 300.000 cư dân Hong Kong đã thực hiện bước đi quan trọng để di cư.

Kết quả từ một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Hong Kong thực hiện vào tháng 3/2022 đã tiết lộ động cơ đằng sau cuộc di cư này. Trong số những người được hỏi, 35% nhấn mạnh "tự do cá nhân" là động lực thúc đẩy, trong khi những 58% bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào môi trường chính trị trong tương lai.

‘Rút ruột’ Hong Kong: Bắc Kinh giữ thành phố, ‘đuổi' người dân địa phương
Những người biểu tình hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong hôm 01/07/2020. (Ảnh: Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)

Thêm chiều sâu cho câu chuyện là "Báo cáo thống kê số lượng sinh viên", một ấn phẩm hàng năm của Cục Giáo dục Hong Kong. Trong khoảng thời gian ba năm, từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2022, khu vực này đã mất gần 68.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Hơn nữa, khu vực này đã mất 27.000 sinh viên chỉ trong một năm, từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022. Để so sánh, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019, Hong Kong chỉ mất 2.429 sinh viên.

Đối với bà Wendy Wang, một cư dân Hong Kong chuẩn bị nhập cư vào Canada cùng con vào cuối tháng này, quyết định là rất rõ ràng. Vì lo cho tương lai con mình sau này phải chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ, bà đã quyết định rời Hong Kong.

Ông Hu Kangbang, người đại diện cho một công ty tư vấn di cư Hong Kong, nói với BBC rằng thời kỳ đỉnh cao của làn sóng di cư, kéo dài từ năm 2019 đến 2020, rất có thể đã lắng xuống.

Tuy nhiên, ông cho biết, năm nay tiếp tục chứng kiến làn sóng xin di cư, trung bình từ 450 đến 500 đơn xin di cư mỗi tháng. Trong số này, khoảng 30 đến 40 thỏa thuận đã được ký kết.

Ông Hu dự báo làn sóng di cư sẽ còn kéo dài thêm từ 3 đến 5 năm nữa. Suy ngẫm về tình hình, ông nhận xét: "Tôi cũng ước rằng mọi thứ sẽ tốt hơn, chúng ta có thể kể một câu chuyện tích cực về Hong Kong. Nhưng thực tế là dữ liệu kinh tế của Hong Kong rất kém, với khoảng 500 nghìn người di cư ròng. Khối lượng hợp đồng di cư của công ty chúng tôi không giảm một cách đáng kể, con số vẫn ổn định”.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi học giả Gary Tang của Đại học Hang Seng và học giả Samson Yuen của Đại học Baptist Hong Kong đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về vấn đề.

Trong số 1.977 người trả lời khảo sát ở Hong Kong, gần 70% đang có ý định di cư.

Trong nhóm này, 44,2% "đang cân nhắc việc di cư nhưng chưa có ngày cụ thể", 11,1% có kế hoạch di cư trong vòng 5 năm và 14% đang cân nhắc việc di cư trong vòng 2 năm. Ở khía cạnh khác, 30,8% cho biết họ "không có kế hoạch di cư".

Giữ Hong Kong nhưng không giữ người dân

Trong nhiều năm, khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” là nền tảng để đảm bảo Hong Kong vẫn thu hút được vốn nước ngoài. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia Hong Kong vào năm 2020 đã phá vỡ nền tảng này. Các nhà phân tích tin rằng ĐCSTQ không lo ngại về làn sóng rời đi của vốn nước ngoài và làn sóng di cư ồ ạt của người dân Hong Kong. Họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc này trong kế hoạch cưỡng bức giành quyền kiểm soát Hong Kong.

Nhà bình luận chính trị và cộng tác viên của The Epoch Times Ji Da, sống ở Mỹ, cho biết vào ngày 22/8 rằng ĐCSTQ đang thực hiện một chiến lược mà các nhà quan sát gọi là “giữ Hong Kong nhưng không giữ người dân ở đó”.

‘Rút ruột’ Hong Kong: Bắc Kinh giữ thành phố, ‘đuổi' người dân địa phương
Du khách đi bộ tại sảnh khởi hành của Sân bay Quốc tế Hong Kong vào ngày 30/12/2022 tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)

Việc thực thi luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, viết lại sách giáo khoa, nới lỏng các hạn chế niêm yết để cho phép dòng vốn đáng kể của Trung Quốc đổ vào và sự gián đoạn trong môi trường đầu tư của Hong Kong đều là một phần của kế hoạch này.

Từ quan điểm của ĐCSTQ, người dân Hong Kong giống như những người bất đồng chính kiến ​​trong nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử Trung Quốc, chẳng hạn như vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa và các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. ĐCSTQ coi họ là những phần tử gây bất ổn. Ông Ji nói, chiến lược của ĐCSTQ sử dụng cơ sở méo mó là “phá hủy để xây dựng lại”.

Ông nói thêm, mọi thứ đang diễn ra ở Hong Kong hiện nay và các sự kiện vẫn đang diễn ra, có thể được hiểu theo nghĩa “giữ Hong Kong chứ không phải người dân ở đó”.

Theo ông Ji, chính sách này đã hình thành vào năm 2019 và bắt đầu được tích cực thực hiện vào năm 2020. Nó bắt đầu bằng việc đàn áp mạnh mẽ "phong trào phản đối Dự luật sửa đổi Luật Dẫn độ" vào năm 2019 - loạt cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử của Hong Kong.

Chính sách cũng được quan sát thấy trong luật an ninh quốc gia, trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm "phi thuộc địa hóa" Hong Kong, sự kiểm soát giáo dục, quyền bầu cử danh nghĩa và việc hạ thấp ngưỡng dành cho người Trung Quốc đại lục đối với việc đầu tư và làm việc tại Hong Kong.

Ông nói, tất cả những hiện tượng này thể hiện sự tàn phá từng bước của ĐCSTQ đối với Hong Kong.

Rút ruột và phá huỷ Hong Kong

Vào năm 2021, nhân vật kỳ cựu của truyền thông Hong Kong và nhà bình luận chính trị Cheng Xiang đã viết một loạt bài báo có tựa đề “Biên niên sử về sự sụp đổ của Hong Kong”. Các bài báo bằng tiếng Trung đã theo dõi cách thức mà chính sách trên đã phá hủy thành phố đảo này trong suốt hai năm ngắn ngủi.

‘Rút ruột’ Hong Kong: Bắc Kinh giữ thành phố, ‘đuổi' người dân địa phương
Người đi bộ đi ngang qua chi nhánh Hang Seng ở Hong Kong vào ngày 28/10/2022. (Ảnh: ISAAC LAWRENCE/AFP qua Getty Images)

Các bài báo của ông Cheng chỉ ra rằng các sự kiện ở Hong Kong đã bám sát kế hoạch “giữ Hong Kong nhưng không giữ người dân ở đó”. Ông đã theo dõi sự phát triển của chiến lược này.

Vào tháng 6/2019, hàng triệu người Hong Kong đã phản đối Dự luật sửa đổi Luật dẫn độ của ĐCSTQ. Tháng tiếp theo, Red Flag - một tập san chuyên viết về lý thuyết chính trị - xuất bản một bài báo dài có tựa đề một phần là “Cảnh báo đối với các lực lượng chống Trung Quốc và gây hỗn loạn ở Hong Kong”. Bài báo đưa ra mười đề xuất, những điều sau đó được ĐCSTQ thực hiện trong nỗ lực xóa bỏ chế độ pháp quyền và dân chủ ở Hong Kong.

Trong số mười biện pháp được đề xuất bởi bài viết, biện pháp thứ năm là đình chỉ “một quốc gia, hai chế độ” cho đến khi đạt được mục tiêu phi thực dân hóa triệt để ở Hong Kong.

Bài báo là sự tổng hợp của các bài viết học thuật và đề xuất về tình hình Kong Kong đã được đệ trình lên chính quyền trung ương Trung Quốc. Ông Cheng nói rằng về cơ bản, nó đặt ra “tư duy mấu chốt” cho một chính sách sẵn sàng rút ruột Hong Kong cũ và bỏ rơi người dân ở đây để xây dựng lại thành phố theo hình ảnh của đại lục.

Vào ngày 23/5/2020, tờ báo thân ĐCSTQ Oriental Daily News đã đăng một bài bình luận có tựa đề “Thanh kiếm của Luật An ninh Quốc gia Hiện đã sẵn sàng—Giữ Hong Kong nhưng không giữ những kẻ bạo loạn ở đó”.

“Chính quyền trung ương quyết tâm giữ Hong Kong chứ không phải người dân ở đó”, bài báo thẳng thắn thừa nhận về kế hoạch này, mà theo đó, sẽ báo hiệu “ngày tận thế” cho phe đối lập.

Bài báo đề nghị hai triệu người Hong Kong không ủng hộ ĐCSTQ nên “đưa người già và trẻ em của họ di cư”. Sau khi rũ bỏ yếu tố nổi loạn, ĐCSTQ có thể tận dụng cơ hội để cải cách mọi mặt của chính quyền thành phố.

Thổi bùng ngọn lửa hỗn loạn

Nhà báo và cộng tác viên của The Epoch Times Wang Youqun tin rằng Trung Quốc đã tích cực thao túng tình trạng hỗn loạn năm 2019 ở Hong Kong.

Từng là người trong nội bộ ĐCSTQ, ông Wang nói đến cựu phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng, người bạn tâm tình và là “cố vấn” của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông nói rằng ông Tăng đứng đằng sau hậu trường ở Hong Kong, lợi dụng sự hỗn loạn để làm lợi cho Trung Quốc.

Ông Tăng là một "thế hệ đỏ thứ hai" và là một hoàng tử nhỏ - các thuật ngữ này ám chỉ con cái của giới tinh hoa kỳ cựu của ĐCSTQ, nhiều người trong số họ hiện đang nắm giữ các chức vụ cao. Ông ta được coi là kẻ chủ mưu đằng sau hệ thống tình báo và gián điệp của ĐCSTQ.

Năm 2003, khi đang giữ chức phó chủ tịch Trung Quốc, ông Tăng cũng đứng đầu Nhóm lãnh đạo trung ương về các vấn đề Hong Kong và Ma Cao, cơ quan điều phối chính sách của Bắc Kinh đối với hai khu vực.

Việc ông Tăng kiểm soát bộ máy tình báo khiến ông trở thành người quyền lực nhất Hong Kong.

Năm 2003, ông Giang Trạch Dân và ông Tăng đã cố gắng thông qua Điều 23 của Luật Cơ bản Hong Kong gây tranh cãi. Một cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố - với số lượng hơn 500.000 người tham gia - đã buộc chính phủ phải rút lại dự luật. Nhiều người lo ngại rằng nó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và dẫn đến cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công.

Vào tháng 3/2019, chính phủ Hong Kong được giao nhiệm vụ đề xuất sửa đổi dự luật dẫn độ của thành phố. Cùng thời gian đó, truyền thông Hong Kong đã đăng một số bài báo kêu gọi Đặc khu trưởng Carrie Lam ban hành Điều 23.

‘Rút ruột’ Hong Kong: Bắc Kinh giữ thành phố, ‘đuổi' người dân địa phương
Ngồi từ trái sang phải: Ông Zheng Yanxiong, Giám đốc Văn phòng Liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hong Kong; bà Selina Tsang, vợ của cựu Đặc khu trưởng Hong Kong Donald Tsang; và cựu Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam theo dõi buổi lễ chào cờ tại Quảng trường Golden Bauhinia để kỷ niệm 26 năm thành phố được bàn giao từ Anh sang Trung Quốc, tại Hong Kong vào ngày 1/7/2023. (Ảnh: MAY JAMES/AFP qua Getty Images)

Một năm trôi qua, thành phố chìm trong hỗn loạn khi hàng trăm nghìn người Hong Kong xuống đường biểu tình, vấp phải sự đáp trả bạo lực từ lực lượng an ninh.

Những nhà quan sát tinh tường có thể đã nhớ đến một câu nói của ông Tăng, được tờ báo Cheng Ming hiện không còn tồn tại đưa tin: “Nguyên nhân sâu xa của sự hỗn loạn chính trị ở Hong Kong là 'đấu tranh giành quyền lực', việc thành lập một 'cơ quan chính trị độc lập' ... càng hỗn loạn thì càng dễ giải quyết, tuân theo chiến lược đã định sẵn".

Bấu víu vào “Một quốc gia, hai chế độ"

Theo Tuyên bố chung Trung-Anh, sau khi chuyển giao chủ quyền từ Anh sang Trung Quốc vào ngày 1/7/1997, theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, Bắc Kinh cam kết duy trì hệ thống cũ của Hong Kong trong 50 năm.

Theo tuyên bố, cho đến năm 2047, mức độ tự trị cao của Hong Kong cũng như các quyền và tự do của người dân sẽ được bảo vệ, và rằng “luật pháp hiện hành ở Hong Kong về cơ bản sẽ không thay đổi”.

Tuy nhiên, vào tháng 5/ 2020 – chưa đầy 25 năm sau khi chuyển giao – luật an ninh quốc gia đã được thực thi. Các quyền tự do của Hong Kong đã bị thay thế bởi bàn tay kiểm duyệt nặng nề của ĐCSTQ. Vị thế trung tâm tài chính lớn thứ ba thế giới của nó đã bị hoen ố khi ĐCSTQ dán nhãn lại cho nó như một phần của nền kinh tế Khu vực Vịnh Lớn, tập trung quanh siêu thành phố công nghệ Thâm Quyến của Trung Quốc.

Bất chấp điều này, các tiếng nói ở Trung Quốc và Hong Kong vẫn tiếp tục thúc đẩy đầu tư bằng cách nhấn mạnh những lợi thế của “một quốc gia, hai chế độ”.

Những tiếng nói đó bao gồm tiếng nói của ông trùm bất động sản Raymond Kwok, người được tờ South China Morning Post trích dẫn gần đây khi ca ngợi các cơ hội phát triển lâu dài mà “một quốc gia, hai chế độ” mang lại, ngay cả khi ông tuyên bố rằng lợi nhuận đã giảm mạnh.

Ông Kwok là chủ tịch của công ty phát triển bất động sản lớn nhất Hong Kong, Sun Hung Kai Properties, đã báo cáo vào tuần trước rằng lợi nhuận của công ty này đã giảm 17% so với năm ngoái.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Rút ruột’ Hong Kong: Bắc Kinh giữ thành phố, ‘đuổi' người dân địa phương