Bất động sản gặp khó, nhân tài rời đi, Hong Kong chật vật trong gọng kìm của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế Hong Kong đang gặp khó khăn. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng khi các công ty bất động sản hàng đầu đang bắt đầu thu hẹp quy mô, triển vọng kinh tế là không mấy lạc quan. Chảy máu chất xám tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Các nhà phân tích khác tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tăng tốc kiểm soát thị trường Hong Kong.

Các công ty bất động sản lớn thu hẹp kinh doanh

Vào ngày 11/11, chính phủ Hong Kong thông báo rằng mức suy giảm kinh tế trong quý III đã tăng lên 4,5% và một lần nữa hạ dự báo kinh tế cả năm xuống mức -3,2%, mức tệ hơn dự kiến. Theo bộ trưởng Tài chính Paul Chan Mo-po, triển vọng của nền kinh tế Hong Kong không lạc quan cho lắm.

Vào thời điểm suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản Hong Kong cũng tăng tốc độ sa sút kinh doanh. Các công ty bất động sản hàng đầu tại Hong Kong, Centaline Property và Midland Realty đang có kế hoạch cắt giảm đáng kể nhân lực và số lượng văn phòng trên các con phố lớn.

Người sáng lập Centaline Property, ông Shih Wing-ching, nói với một tờ báo địa phương rằng khối lượng giao dịch trên thị trường bất động sản hiện nay chỉ bằng một nửa so với bình thường và bằng 1/3 so với thời kỳ đỉnh cao. Ông dự kiến ​​sẽ đóng cửa khoảng 200 chi nhánh – một nửa số chi nhánh hiện tại của Centaline tại Hong Kong.

Ông Po Siu-ming, Giám đốc điều hành của Midland Realty, nói với The Epoch Times rằng số lượng nhân viên của công ty đã sụt giảm đi khoảng 400 người từ tháng 8 đến tháng 10.

Ông ấy giải thích: “Vì điều kiện thị trường tồi tệ, nhiều nhân viên không thể trang trải được cho một cuộc sống tử tế. Nhiều người trong số họ chỉ có thể xoay sở để có thu nhập từ 7.000 đến 8.000 HKD (đô la Hong Kong) (khoảng 1.000 USD) một tháng. Nếu tình trạng đó kéo dài, và họ khó có thể sống, họ sẽ rời bỏ vị trí của mình và tìm công việc khác”. Về số lượng chi nhánh, ông Po cho biết chưa đặt ra mục tiêu nhưng trước mắt sẽ cố gắng yêu cầu các chủ nhà giảm đáng kể giá thuê. Nếu thất bại, ông ấy sẽ đành phải chấp nhận không gia hạn hợp đồng thuê và đóng cửa các chi nhánh tương ứng. Ông tiết lộ, từ tháng 8 đến nay công ty đã đóng cửa hơn 20 - 30 chi nhánh.

Trước đó, vào ngày 04/11, ông Shih Wing-ching của Centaline đã đề cập trong bài viết trên tờ báo địa phương rằng ước tính có khoảng 30.000 đại lý bất động sản đang hoạt động trên thị trường. Tuy nhiên, với điều kiện thị trường hiện tại, chỉ có đủ phạm vi hoạt động cho 23.000 đại lý.

Bất động sản gặp khó, nhân tài rời đi, Hong Kong chật vật trong gọng kìm của ĐCSTQ
Người dân đi ngang qua một đại lý bất động sản ở Hong Kong vào ngày 13/05/2022. (Ảnh: ISAAC LAWRENCE / AFP qua Getty Images)

Ông Samuel Tse Ka-hei, một nhà kinh tế tại Ngân hàng DBS ở Hong Kong, nói với The Epoch Times vào ngày 15/11 rằng trong những tháng gần đây, thị trường bất động sản ở Hong Kong hoạt động kém. Trong tháng 10, giá bất động sản giảm 1,4% so với tháng trước và giao dịch không tốt như kỳ vọng. Việc các công ty bất động sản sa thải nhân viên hoặc đóng cửa chi nhánh để đáp ứng với điều kiện thị trường là điều bình thường. Điều này phản ánh cả tình hình kinh tế hiện tại và cách nhìn của ngành về triển vọng kinh tế không chắc chắn.

Việc giảm lực lượng lao động và thu hẹp quy mô của các công ty bất động sản là một hiện thực vi mô phản ánh những khó khăn kinh tế của Hong Kong. Trong khi suy thoái kinh tế tăng lên 4,5% trong quý III, thì mức giảm hàng năm trong chi tiêu đầu tư chung ở Hong Kong tính theo tỷ lệ phần trăm GDP là 14,3% theo giá trị thực (sau khi điều chỉnh theo lạm phát).

Ông Gary Ng Cheuk-yan, nhà kinh tế cấp cao về châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis, nói với The Epoch Times vào ngày 15/11 rằng do chính sách chống đại dịch của chính quyền Hong Kong không được nới lỏng đủ mức và lãi suất tăng, triển vọng ngắn hạn đối với doanh nghiệp và thị trường bất động sản Hong Kong vẫn sẽ có xu hướng bi quan. Và niềm tin yếu ớt vào khu vực tư nhân sẽ tiếp tục làm giảm chi tiêu đầu tư tổng thể trong quý IV.

Ông Samuel Tse cũng cho rằng khi lãi suất bên ngoài tiếp tục tăng và triển vọng kinh tế của Trung Quốc và Hong Kong là không chắc chắn, các doanh nghiệp và nhà phát triển bất động sản sẽ trở nên thận trọng hơn trong đầu tư. Và dự kiến ​​xu hướng suy giảm trong đầu tư sẽ tiếp tục.

Ông Tse nói thêm rằng trong tình hình chảy máu chất xám nghiêm trọng từ Hong Kong hiện nay, thị trường có nhiều vị trí tuyển dụng hơn; do đó, sự ảm đạm của nền kinh tế không thể được phản ánh đầy đủ bởi tỷ lệ thất nghiệp chung.

Phong tỏa Covid và chảy máu chất xám

Mặc dù chảy máu chất xám đã tạo ra không gian dễ thở cho người xin việc, nhưng nó đã gieo một “cái bẫy” vào nền kinh tế Hong Kong, và tác động này không chỉ được phản ánh trong thị trường bất động sản.

Ông Tse phân tích và chỉ ra rằng mặc dù chính quyền Hong Kong đã nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch trong quý II (21/04) nhưng chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong 2 quý vừa qua không được cải thiện đáng kể. Một trong những nguyên nhân là tình trạng chảy máu chất xám. Sự suy giảm dân số nói chung đã kéo theo sự suy giảm khả năng tiêu dùng chung.

Theo thông tin chính thức do chính quyền Hong Kong công bố, chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Hong Kong trong quý II hầu như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái khi tính theo giá trị thực. Điều tương tự cũng được ghi nhận trong quý III, với con số phần lớn không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái.

Kể từ khi Luật An ninh Quốc gia Hong Kong được thực thi vào năm 2020, Hong Kong đã ghi nhận một lượng dân số ròng rời đi (người vào trừ người ra) trong ba năm liên tiếp. Khoản rời đi ròng tăng từ 27.000 vào giữa năm 2020 lên 113.000 vào giữa năm 2022.

Bất động sản gặp khó, nhân tài rời đi, Hong Kong chật vật trong gọng kìm của ĐCSTQ
Một người đàn ông đi ngang qua biểu ngữ của chính phủ về Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong vào ngày 15/07/2020. (Ảnh: ANTHONY WALLACE / AFP qua Getty Images)

Tài chính và bảo hiểm, hai ngành công nghiệp trụ cột ở Hong Kong, đã chứng kiến tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng. Theo Cục Thống kê và Điều tra Hong Kong, số lượng việc làm trong cả lĩnh vực tài chính và bảo hiểm đã giảm xuống còn 233.000 trong quý II năm nay từ 239.000 trong quý IV năm 2019.

Ông Andy Luk Kwok-kwun, Phó chủ tịch Viện quản lý nguồn nhân lực Hong Kong, cho biết trong một chương trình phát thanh vào ngày 13/10 rằng tình trạng chảy máu chất xám ở Hong Kong đang nghiêm trọng. Viện đã tiến hành một cuộc khảo sát về “làn sóng từ chức lớn” từ tháng 8 đến tháng 9 năm nay và phát hiện ra rằng các nhà quản lý từ chức vì lý do nhập cư chiếm tổng cộng 37%, và con số này là 24% đối với các nhân viên bình thường khác.

Ông Samuel Tse tiếp tục, từ quan điểm dữ liệu, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy xu hướng di cư đang thuyên giảm, và tác động của nó đối với thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục kéo dài trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, ông ấy tin rằng khi các biện pháp “zero-COVID” chấm dứt, nhân tài có thể quay trở lại, và triển vọng có thể không bi quan như vậy.

Theo kết quả khảo sát mới nhất do Viện Nghiên cứu Dư luận Hong Kong công bố vào ngày 04/11, 88% số người được hỏi nói rằng họ biết ai đó đang có kế hoạch di cư trong vòng ba năm tới. Khoảng 50% số người được hỏi tin rằng tốc độ chảy máu chất xám từ Hong Kong trong hai năm tới sẽ tăng lên.

Thách thức kinh tế nghiêm trọng

Đối với những thách thức mà nền kinh tế Hong Kong sẽ phải đối mặt, ông Gary Ng chỉ ra rằng do các Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn cần tăng lãi suất để chống lạm phát, việc nền kinh tế Hong Kong có thể phục hồi trong ngắn hạn hay không phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có sẵn sàng nới lỏng hay không chính sách zero-COVID nghiêm ngặt đang cản trở tăng trưởng kinh tế và nới lỏng các hạn chế đối với các ngành công nghiệp khác nhau. Mặc dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy người ta có thể mong đợi về việc nới lỏng, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước trước khi dẫn đến việc bình thường hóa hoàn toàn.

Ông nói tiếp rằng trong trung hạn, Hong Kong phải đối mặt với sự cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác trong khu vực. Ngoài việc thất thoát nhân tài, chính sách tập trung nỗ lực hỗ trợ Thượng Hải của đại lục và sự cạnh tranh từ Singapore sẽ khiến tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Hong Kong bị thách thức nghiêm trọng.

Ông Ng phân tích thêm, trong những năm gần đây, chính quyền Hong Kong đã đi sau về mặt chính sách so với các thị trường khác trong khu vực, đặc biệt là về chính sách phòng chống đại dịch và xử lý nạn chảy máu chất xám. Điều này phản ánh rằng rủi ro đối với sự phát triển kinh tế nằm ở việc liệu chính phủ Hong Kong có còn coi kinh tế là ưu tiên hàng đầu khi đối phó với các cuộc khủng hoảng khác nhau hay không.

ĐCSTQ sẽ thắt chặt kìm kẹp

Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư cấp cao tại Mỹ, đã chỉ ra rằng trong cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden gần đây tại G20, hai bên đã vạch ra những lằn ranh đỏ của riêng mình, và dự kiến ​​​​Trung Quốc và Mỹ sẽ bước vào một thời gian đình chiến ngắn. Điều đó sẽ hữu ích cho Hong Kong, vì áp lực địa chính trị sẽ tạm thời giảm bớt.

Ngoài ra, mặc dù chính quyền ĐCSTQ vẫn khăng khăng áp dụng “zero-COVID động”, nhưng đó giống với một “hành động hời hợt” hơn. Tất cả các khu vực trên đại lục đã thực sự thực hiện thông lệ “một thành phố, một chính sách”. Điều này được cho là cũng có thể áp dụng cho Hong Kong. Trong tương lai, sự linh hoạt của Hong Kong trong các biện pháp phòng chống đại dịch sẽ càng trở nên linh hoạt hơn, một sự khác biệt rõ rệt so với trước đây.

Về tác động của việc tăng lãi suất, ông Mike tin rằng lạm phát của Mỹ gần đây đã giảm, và thị trường kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất của Fed sẽ sớm chậm lại. Nếu quy mô tăng lãi suất của Fed trong tháng 12 là có lợi và đúng như kỳ vọng, đó sẽ là một sự giải tỏa cho một vấn đề báo động của nền kinh tế Hong Kong.

Tuy nhiên, ông Mike cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ sẽ nhân cơ hội này để thắt chặt hơn nữa sự kìm kẹp của mình đối với Hong Kong và thúc đẩy sự phát triển của hoạt động kinh doanh CNY (nhân dân tệ) ở nước ngoài tại đây. Ông nói: “ĐCSTQ muốn hoàn thành những gì nó đang làm".

Tính đến ngày 15/11, Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong đã tăng trong ba ngày giao dịch liên tiếp, với mức tăng tích lũy là 2.262 điểm và Chỉ số KSE tăng 20%. Nó cũng đi kèm với doanh thu hơn 200 tỷ HKD (25,6 tỷ USD) trong hai ngày giao dịch liên tiếp. Tỷ giá hối đoái của đồng HKD so với đồng USD cũng mạnh lên và đóng cửa ở mức 7,8192 vào ngày 15/11.

Bảo Nguyên

Theo Ruth Lee & Harry McKenny - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bất động sản gặp khó, nhân tài rời đi, Hong Kong chật vật trong gọng kìm của Bắc Kinh