Chứng khoán Hong Kong ‘vật lộn với nanh vuốt của gấu’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình hình của thị trường chứng khoán Hong Kong thật ảm đạm. Sợ hãi đã trở thành trạng thái bình thường mới khi thành phố vật lộn trong gọng kìm của Bắc Kinh. Trong khi đó, hệ thống “Một quốc gia, hai chế độ" đang dần lụi tàn, thúc đẩy vốn đầu tư ngoại rời đi.

Thị trường chứng khoán Hong Kong đang vật lộn với thị trường giá xuống (thị trường con gấu) khi các quỹ nước ngoài rút lui vội vàng, bất chấp dòng vốn Trung Quốc đang chảy vào.

Diễn biến phức tạp này đã phủ bóng đen lên tâm lý thị trường, dẫn đến sự sụt giảm rõ rệt về sự nhiệt tình của các nhà đầu tư.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuân theo thứ bị nghi ngờ là chính sách “giữ lại Hong Kong chứ không phải người dân ở đó”, các nhà quan sát lưu ý rằng đầu tư nước ngoài, quyền tự do của con người và vốn nhân lực đang rời xa thành phố. Vị trí của họ đang bị lấp đầy bởi dòng đầu tư và sự cai trị đàn áp của Bắc Kinh.

Chỉ số Hang Seng, sau khi giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng 18.000 điểm vào ngày 18/8, tiếp tục giảm trong bảy ngày liên tiếp, sau đó là những dấu hiệu mờ nhạt về quỹ đạo đi lên.

Tuy nhiên, mức tăng nhẹ vẫn chưa đủ để giải cứu chỉ số khỏi nanh vuốt của thị trường con gấu. Phân tích xu hướng thông qua lăng kính kỹ thuật nhấn mạnh sự phục hồi ngắn hạn không đủ để kích hoạt bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào trong triển vọng chung.

Do đó, các nhà phân tích lo ngại rằng xu hướng giảm giá, thứ đã nhấn chìm thị trường chứng khoán Hong Kong, có thể tiếp tục tồn tại trong tương lai trước mắt.

Tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Hong Kong đã trải qua một sự sụt giảm đáng kể, giảm mạnh từ đỉnh cao 53 nghìn tỷ HKD (đô la Hong Kong) vào tháng 5/2021 xuống còn 36 nghìn tỷ HKD vào cuối tháng 7/2023. Sự bốc hơi gần 20 nghìn tỷ HKD này (tương đương khoảng 2.550 tỷ USD) trong khoảng thời gian chỉ hai năm đã nhấn mạnh mức độ hỗn loạn của thị trường.

Nửa đầu năm 2023 chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng chú ý về số tiền tích lũy thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn giao dịch Hong Kong. Thống kê từ nhà cung cấp dữ liệu thị trường tài chính Refinitiv cho thấy tổng cộng 28 công ty chỉ huy động được 2,2 tỷ USD trong nửa đầu năm, tổng số vốn huy động thấp nhất kể từ năm 2003. Mức thấp nhất trong 20 năm phản ánh các điều kiện đầy thách thức tại Hong Kong.

Những so sánh được rút ra từ dữ liệu do Liên đoàn Sàn giao dịch Thế giới và Bloomberg công bố vào cuối tháng 6 cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong sức cạnh tranh của thị trường Hồng Kông. Số liệu gọi vốn từ việc niêm yết cổ phiếu mới ở Hong Kong giảm và thành phố này tụt xuống vị trí thứ chín trong bảng xếp hạng toàn cầu về thị trường IPO. Sự thay đổi vị thế này cho thấy sự tụt hậu đáng chú ý về khả năng thu hút vốn của Hong Kong.

Chứng khoán Hong Kong ‘vật lộn với nanh vuốt của gấu’
Người dân tụ tập xung quanh các tác phẩm sắp đặt cho Giáng sinh vào đêm Giáng sinh ở khu Tsim Sha Tsui của Hong Kong vào ngày 24/12/2021. (Ảnh: BERTHA WANG/AFP qua Getty Images)

Tình hình tương phản ở châu Á

Một cuộc khảo sát rộng hơn về thị trường châu Á cho thấy các diễn biến tương phản của khu vực.

Trong bảy tháng đầu năm 2023, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã chứng tỏ mức tăng trưởng vượt trội, tăng 27,1%, trong khi thị trường chứng khoán Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục trong cùng kỳ.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hong Kong thể hiện một câu chuyện trái ngược khi nó phải vật lộn với những bước thụt lùi. Các nhà đầu tư nước ngoài, vốn trước đây từng ưa chuộng Hong Kong, đã điều chỉnh lại vị thế giao dịch của mình, chuyển hướng dòng vốn sang các lãnh thổ lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó, xu hướng đóng cửa của các nhà môi giới ở Hong Kong đang lan rộng. Tính đến ngày 1/8, có 24 công ty môi giới, một con số đáng kinh ngạc, đã chính thức thông báo ý định đóng cửa hoạt động trong năm dương lịch.

Là một thị trường nước ngoài mở có tầm quan trọng chiến lược, thị trường chứng khoán Hong Kong có cấu trúc độc đáo. Trong khi các công ty niêm yết của Trung Quốc đại lục cấu thành khía cạnh tài sản thì khía cạnh vốn theo truyền thống được củng cố bởi sự hiện diện nổi bật của các quỹ nước ngoài châu Âu và Mỹ.

Trong những năm qua, thị trường chứng khoán Hong Kong đã chứng minh mối tương quan đáng chú ý với thị trường chứng khoán Mỹ, một mối liên hệ được củng cố bởi hệ thống neo tiền tệ liên kết đồng HKD với đồng USD.

Thủy triều đã thay đổi trong vài năm qua. Các quỹ nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, đang rút lui một cách rất rõ ràng khỏi thị trường Hong Kong. Theo sau họ, các quỹ Trung Quốc đại lục đã đổ xô vào thị trường chứng khoán Hong Kong, tạo ra một sự thay đổi về cơ cấu một cách cơ bản. Bất chấp quỹ đạo phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán Hong Kong, vốn xoay quanh nền kinh tế Trung Quốc đại lục, không còn ăn khớp với quỹ đạo tăng trưởng đó.

Chứng khoán Hong Kong ‘vật lộn với nanh vuốt của gấu’
Mọi người tham dự Diễn đàn Tài chính Châu Á tại Hong Kong vào ngày 11/01/2023. (Ảnh: ISAAC LAWRENCE/AFP qua Getty Images)

Dòng vốn nước ngoài rời đi

Báo cáo thường niên về Hong Kong năm 2022 của Ủy ban Châu Âu, được công bố vào ngày 18/8, cho thấy số lượng doanh nghiệp nước ngoài ở Hong Kong đã giảm đáng kể 5,2% vào tháng 6/2022, so với mức so sánh trước đại dịch vào tháng 6/2019.

Xu hướng này thể hiện mạnh mẽ trong các doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại Hong Kong, với mức giảm 12,5% trong cùng kỳ. Trong khi đó, sự hiện diện của doanh nghiệp Trung Quốc tại Hong Kong tăng 17,5%. Các công ty Trung Quốc đại lục niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong năm ngoái chiếm 77% vốn hóa thị trường.

Song song với sự chuyển đổi này là sự trỗi dậy của dòng vốn Trung Quốc với tư cách là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chủ yếu của Hong Kong, chiếm 28% tổng dòng vốn FDI. Theo báo cáo của EU, trong dòng chảy ngược lại, Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn FDI ra nước ngoài của Hong Kong, chiếm tổng cộng 49%.

Nhà bình luận kinh tế và cộng tác viên của The Epoch Times, ông Alexander Liao, cho rằng những tai ương trên thị trường chứng khoán Hong Kong là do “lực kéo lùi từ nền kinh tế Trung Quốc”. Ông nói, tình hình bị trầm trọng hoá bởi “mối quan hệ không mấy dễ chịu giữa Trung Quốc và Mỹ, và trở nên tồi tệ hơn do sự xói mòn dần dần của mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’”.

Ông nói thêm: "Sự kết hợp của các yếu tố này đã thúc đẩy dòng vốn nước ngoài rời khỏi khu vực, khi các nhà đầu tư tiềm năng phải vật lộn với sự bi quan ngày càng tăng đối với quỹ đạo tương lai của chứng khoán Hong Kong. Sự không chắc chắn như vậy đã phủ bóng đen lên tâm lý đầu tư, thúc đẩy sự ngại ngần góp vốn trong môi trường này”.

Báo cáo về Hong Kong của EU nhấn mạnh sự xói mòn ngày càng sâu sắc về nhân quyền và quyền tự chủ trong khu vực. Nó lưu ý: “Trong suốt năm, các cơ quan thực thi pháp luật tiếp tục thực hiện các vụ bắt giữ vì lý do an ninh quốc gia”. “Tính đến ngày 31/12/2022, 236 người đã bị bắt theo NSL [luật an ninh quốc gia] và các luật an ninh khác, trong khi 145 cá nhân và 5 công ty đã bị buộc tội. Tỷ lệ kết án là 100 phần trăm”.

Chứng khoán Hong Kong ‘vật lộn với nanh vuốt của gấu’
Những người biểu tình hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong hôm 01/07/2020. (Ảnh: Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)

Sợ hãi là trạng thái bình thường mới

Đầu tháng 7, cảnh sát Hong Kong đã treo thưởng 1 triệu HKD cho mỗi người trong số 8 kẻ chạy trốn bị truy nã vì “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Đặc khu trưởng thành phố John Lee thề sẽ truy lùng các nhà hoạt động dân chủ “suốt đời”. Tài sản và tài khoản ngân hàng của họ đã bị đóng băng.

Doanh nhân Yuan Gong-yi, một trong những nhà hoạt động bỏ trốn, đổ lỗi cho ĐCSTQ vì đã phá bỏ khuôn khổ pháp lý của Anh vốn làm nền tảng cho hệ thống pháp luật của Hong Kong, từ đó tạo ra một môi trường bất an và sợ hãi. Hậu quả là, ông nói, dòng vốn đang chạy trốn khỏi thành phố đảo.

“Một cuộc gọi từ bộ phận an ninh quốc gia, yêu cầu ngân hàng phong tỏa tiền của ai đó và ngân hàng phải tuân thủ”, ông Yuan bình luận trong một video trên YouTube. “Nếu ngân hàng làm điều này, thì họ không nên mong đợi còn lại bất kỳ khách hàng nào - tất cả họ sẽ rời đi”.

Một cư dân Hong Kong ẩn danh, nói chuyện với The Epoch Times vào ngày 21/8, đã than thở về tình trạng pháp quyền ngày càng suy giảm sau khi luật an ninh quốc gia của Hong Kong được thực thi vào năm 2020.

“Điều bình thường mới là trạng thái sợ hãi ngăn cản sự thẳng thắn, vì ngay cả lời nói cũng có thể dẫn đến việc bị buộc tội”. Ông nói thêm, nếu ai đó nói sai, tài khoản ngân hàng của họ có thể bị đóng băng.

Vào ngày 19/8, văn phòng Hong Kong của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ đối với báo cáo của EU. Người phát ngôn của đại sứ quán cáo buộc rằng chế độ pháp quyền và môi trường kinh doanh ở Hong Kong thực sự đã cho thấy sự cải thiện trong ba năm kể từ khi luật an ninh quốc gia được ban hành, đồng thời khẳng định: “Các quyền và tự do mà cư dân Hong Kong được hưởng theo luật, bao gồm cả quyền ngôn luận, báo chí và hiệp hội được bảo vệ tốt hơn trong một môi trường an toàn hơn".

Ngược lại với lời ông nói, kể từ khi có luật an ninh quốc gia, nhiều tổ chức truyền thông độc lập ở Hong Kong đã ngừng hoạt động. Các nhà báo đã bị bắt, buộc tội và giam giữ trước khi xét xử.

Sự thay đổi được phản ánh một cách sống động trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới do tổ chức Phóng viên Không Biên giới công bố, cho thấy Hong Kong tụt dốc từ vị trí thứ 18 năm 2002 xuống vị trí thứ 148 vào năm 2022.

Trong suốt hai thập kỷ tuân theo khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”, Hong Kong tiếp tục tuân thủ hệ thống thông luật bắt nguồn từ truyền thống Anh - Mỹ.

Bất chấp các cuộc đàn áp trong vài năm qua, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vẫn tiếp tục khẳng định rằng chính sách “một quốc gia, hai chế độ” vẫn có hiệu lực và gọi đó là một hệ thống “phải được duy trì lâu dài”.

Tuy nhiên, việc áp dụng luật an ninh quốc gia đã hoàn toàn bỏ qua khuôn khổ tư pháp của Hong Kong và lấn át thông luật, làm dấy lên mối lo ngại của người dân Hong Kong cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chứng khoán Hong Kong ‘vật lộn với nanh vuốt của gấu’