Bình luận: Fitch hạ triển vọng Trung Quốc, nhưng tình hình còn tệ hơn thế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Fitch đã hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc trong khi giữ nguyên xếp hạng A+ của nước này. Dù động thái này bị Bộ tài chính Trung Quốc phản đối, nhưng tình hình của Trung Quốc trên thực tế còn tệ hơn thế.

Bài bình luận

Fitch đang lo lắng về tình hình tài chính của Trung Quốc. Đầu tháng này, trong khi tái khẳng định xếp hạng A+ vốn vẫn ở mức cao của Trung Quốc, hãng xếp hạng tín nhiệm này đã hạ cấp cái mà họ gọi là “triển vọng” của Trung Quốc. Fitch đã theo bước một hãng xếp hạng tín nhiệm khác, Moody's, vốn cũng đã làm điều tương tự vào tháng 12 năm ngoái.

Điều có thể dự đoán được là Bộ tài chính của Bắc Kinh đã phản đối, khẳng định nền kinh tế và tài chính Trung Quốc đang ở trạng thái tốt và có khả năng sẽ cải thiện. Những điều này hẳn không gây ngạc nhiên cho độc giả của chuyên mục này, vốn trong 18-24 tháng qua đã phản ánh và giải thích những thách thức kinh tế và tài chính nghiêm trọng của Trung Quốc. Thậm chí, Fitch và Moody's đã chưa đi đủ xa.

Khi đưa ra thông báo của mình, Fitch nhấn mạnh nhiều vấn đề kinh tế và tài chính của Trung Quốc. Tất nhiên, nổi bật trong danh sách đó là cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này và việc nó đã làm suy giảm doanh số bán hàng cũng như hoạt động kinh doanh như thế nào trong khu vực từng thống trị nền kinh tế Trung Quốc. Bằng cách làm giảm giá trị bất động sản, sự sụp đổ này đã làm giảm tài sản của các hộ gia đình và do đó hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng. Nhìn chung, cuộc khủng hoảng và hậu quả của nó đã làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng chung của Trung Quốc.

Nói chung, sự thất bại của các nhà phát triển bất động sản đã làm suy yếu niềm tin trong cộng đồng tài chính Trung Quốc. Không bên nào có thể chắc chắn về tình hình tài chính của bên khác, và sự ngờ vực này đã cản trở khả năng của nền tài chính Trung Quốc trong việc hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai. Fitch còn đổ lỗi cho Bắc Kinh vì đã chờ đợi nhiều năm để hành động nhằm đối phó với vấn đề quan trọng này.

Khi thảo luận về bức tranh kinh tế chung và đáng buồn này, Fitch, một cách dễ hiểu, đã tập trung vào tình hình tài chính của chính quyền. Fitch chỉ ra rằng chính quyền địa phương phải đối mặt với khó khăn nợ nần lớn. Ngay cả trước khi vụ sụp đổ bất động sản bắt đầu diễn ra vào năm 2021, chính quyền địa phương đã gánh chịu gánh nặng nợ nần chồng chất vì Bắc Kinh có thói quen yêu cầu họ sử dụng cái gọi là “trái phiếu có mục đích đặc biệt” để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Khi các chính quyền địa phương đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần này, tác động của sự sụp đổ bất động sản đã tước đi nguồn thu nhập chính của họ, khiến họ càng khó trả nợ hơn trước. Fitch ước tính rằng các chính quyền địa phương này có gánh nặng nợ gần tương đương 11 nghìn tỷ USD. Mặc dù không có cách nào để xác minh con số này, nhưng điều đáng chú ý là một số chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc trả nợ đến mức phải cắt giảm các dịch vụ công.

Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu điều chỉnh trước thực tế này. Để không tạo thêm gánh nặng cho các chính quyền địa phương đang gặp khó khăn, họ đã quyết định phát hành khoản nợ của chính mình để tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng mới nhất, có lẽ là để kích thích nền kinh tế đang lao đao. Nó sẽ phát hành khoảng 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 139 tỷ USD) trái phiếu để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Nó có kế hoạch sử dụng cái mà nó gọi là “kỳ hạn cực kỳ dài” để phát hành trái phiếu.

Quyết định này gợi ý hai điều, cả hai đều không tích cực. Thứ nhất, Bắc Kinh không mong đợi sớm nhận được lợi nhuận từ khoản chi tiêu của mình. Thứ hai, để giải quyết những lo ngại về ngân sách của mình, chính quyền muốn trì hoãn bất kỳ khoản hoàn trả nào càng lâu càng tốt.

Những ý định này hầu như không có gì đáng ngạc nhiên. Mặc dù Bắc Kinh đã chính thức công bố mức chênh lệch ngân sách trong năm nay là 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, Fitch cho rằng con số nhiều khả năng hơn sẽ đạt trên 7%. Hơn nữa, nợ chính quyền trung ương còn tồn đọng dự kiến sẽ tăng từ khoảng 56,1% GDP năm ngoái lên hơn 61% trong năm nay.

Dù được trình bày theo cách nào và hay từ nguồn nào, nó đều không phải là một bức tranh tài chính đẹp đẽ đối với Trung Quốc. Và như chuyên mục này đã cho thấy, tình hình cũng không có khả năng sớm được cải thiện đáng kể, đặc biệt là trước phản ứng yếu kém của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng bất động sản và sự phản đối chống lại thương mại của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và phần lớn thế giới đang phát triển.

Quả thực, có vẻ như chỉ có lòng tốt - hay nhiều khả năng hơn là chính trị - mới là thứ đã khiến Fitch và Moody's tập trung vào hạ triển vọng và không hạ xếp hạng hiện tại của Trung Quốc. Dù thế nào đi nữa, các vấn đề của Trung Quốc đang ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường chính và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Fitch hạ triển vọng Trung Quốc, nhưng tình hình còn tệ hơn thế