Chuyên gia: Chính sách kích thích tiêu dùng của Trung Quốc khiến người nghèo gánh thêm nợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, Bắc Kinh đang nỗ lực khuyến khích người dân đổi mới các thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ làm tăng gánh nặng tài chính của những người dân nghèo Trung Quốc.

Gần đây, người phát ngôn của Hiệp hội Thiết bị Điện Gia dụng Trung Quốc (CHEAA) đã đăng một bài báo khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc thay thế các thiết bị gia dụng khi chúng hết hạn sử dụng. Đây là một phần trong chính sách kích thích tiêu dùng tại Trung Quốc của ông Tập Cận Bình.

Nhiều khu vực khác nhau ở Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra các quy định và tiêu chuẩn mới để buộc người dân mua các thiết bị mới và nhu yếu phẩm hàng ngày.

Đổi cũ lấy mới

Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập của The Epoch Times ấn bản Hong Kong, đã khẳng định trên chương trình tiếng Trung “Pinnacle View” của NTD rằng mặc dù CHEAA không phải là một cơ quan chính phủ nhưng bài báo được đăng trên tờ “Study Times” của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ thể hiện quan điểm từ nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Bà giải thích rằng ông Tập Cận Bình đã đề xuất chính sách đổi cũ lấy mới để kích thích nền kinh tế vào cuối Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của ĐCSTQ năm ngoái.

Bà Quách nói: “ĐCSTQ hiện tại hoạt động dưới sự sùng bái cá nhân, trong đó tất cả các chính sách đều bắt nguồn từ riêng ông Tập Cận Bình, biến nó thành chính sách kinh tế của Trung Quốc”.

Vào ngày 13/3, Hội đồng Nhà nước của ĐCSTQ đã công bố một kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy đổi mới thiết bị và trao đổi hàng tiêu dùng trên quy mô lớn. Kế hoạch này bao gồm hai phần chính. Phần thứ nhất yêu cầu các doanh nghiệp công nghiệp thay thế các thiết bị liên quan đến cơ sở hạ tầng. Phần thứ hai liên quan đến người dân bình thường, kêu gọi trao đổi hàng tiêu dùng, bao gồm xe cộ, đồ gia dụng và đồ trang trí nhà cửa.

Bà Quách giải thích rằng khía cạnh quan trọng của chính sách mới là đưa ra các tiêu chuẩn thay thế mới vì chỉ khuyến khích thôi là không đủ để thúc đẩy mọi người. Vì thế cần phải có mệnh lệnh. Mệnh lệnh này sẽ dựa trên các tiêu chuẩn mới, chẳng hạn như tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho ô tô, tiêu chuẩn tiêu thụ điện năng cho thiết bị gia dụng, v.v. Những tiêu chuẩn như vậy đã lần đầu tiên được đưa ra tại tỉnh Quảng Đông vào ngày 6/4.

Ông Hu Liren, một cựu doanh nhân Trung Quốc sống lưu vong ở Mỹ, cho biết trên chương trình rằng ĐCSTQ hiện đang phải đối mặt với vấn đề lớn là nhiều doanh nghiệp trong nước đóng cửa và các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Một số doanh nghiệp nhà nước lớn trước đây mạnh về sản xuất và chủ yếu xuất khẩu sản phẩm đang giảm xuất khẩu đáng kể vì lý do chính trị.

“Vì vậy, họ cần tăng nhu cầu trong nước, nhưng nếu người dân không có khả năng thì liệu họ có thể làm gì?”, ông Hu Liren đặt câu hỏi tu từ. “Họ (ĐCSTQ) chỉ có thể sử dụng biện pháp kích thích tiêu dùng thông qua các biện pháp hành chính”.

Chuyên gia: Chính sách kích thích tiêu dùng của Trung Quốc khiến người nghèo gánh thêm nợ
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái, phía dưới) đứng trên bục phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 5/3/2024. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Bắt người nghèo gánh thêm nợ

Ông Thạch Sơn, biên tập viên cấp cao và cây bút chính của The Epoch Times ấn bản tiếng Trung, cho biết trên “Pinnacle View” rằng cơ cấu chuyên chế của ĐCSTQ được thiết lập trong thời kỳ khủng hoảng và được thiết kế như một hệ thống thời chiến.

Ông nói: “Hệ thống thời chiến này có nhiều lợi thế, chẳng hạn như thành thạo hơn trong việc huy động xã hội và quản lý một nền kinh tế phải đối mặt với việc bị thiếu hụt”. “Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống thiếu cơ chế giải quyết tình trạng dư thừa trong trường hợp hàng hóa dư thừa. Nó sử dụng các phương pháp tương tự mà nó sử dụng để quản lý tình trạng thiếu hụt để quản lý sự dư thừa, nghĩa là buộc người dân phải mua, tạo ra một tình huống rất đặc biệt”.

Bà Quách chỉ ra rằng tính đến tháng 2 năm nay, tiền gửi tư nhân ở Trung Quốc đạt 140 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (19,3 nghìn tỷ USD), nhiều hơn GDP hàng năm của đất nước. ĐCSTQ tin rằng chỉ cần tiêu một phần số tiền này thì nền kinh tế sẽ được kích thích rất nhiều.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, khách hàng ngân hàng tư nhân có tài sản hơn 10 triệu CNY (1,38 triệu USD) chỉ chiếm 1,88% số khách hàng và nắm giữ 81% tổng tài sản, trong khi 98,12% những khách hàng ít tài sản hơn nắm giữ 19% tổng tài sản, với trung bình chỉ 25.000 CNY (3.451 USD) mỗi người.

Bà Quách nói: “Những người thực sự giàu có không quan tâm đến việc nâng cấp tiêu dùng vì họ rất có thể đã nâng cấp rồi”. “Thay vào đó, họ quan tâm hơn đến đầu tư, tập trung vào sự an toàn của tài sản và việc gia tăng tài sản của họ. Mặt khác, [98%] người ở đáy đơn giản là không đủ khả năng chi trả cho việc nâng cấp tiêu dùng”.

Bà giải thích rằng về cơ bản, ĐCSTQ đang buộc 98% người dân có thu nhập thấp phải nâng cấp mức tiêu dùng, về cơ bản là làm tăng gánh nặng tài chính của họ. Để giải quyết vấn đề nâng cấp tiêu dùng, ĐCSTQ thực sự cần giải quyết vấn đề phân phối của cải không đồng đều. Cần phải giải quyết vấn đề chênh lệch giàu nghèo để đạt được mục tiêu hiện tại thay vì buộc những người nghèo nhất Trung Quốc phải gánh chịu thêm nợ.

“Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ bất khả thi vì những người giàu nhất Trung Quốc là những người [giới tinh hoa của ĐCSTQ] quyết định việc phân phối của cải. Vì vậy, đây là lý do tại sao hệ thống chuyên chế không thể giải quyết được vấn đề chênh lệch giàu nghèo và tại sao nó không thể mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước hoặc duy trì tăng trưởng kinh tế”, bà nói.

Trong hai phiên họp của ĐCSTQ vào tháng 3, nghiên cứu của Báo cáo Hurun cho thấy hơn 80 tỷ phú Trung Quốc đã tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội Trung Quốc. Các đại biểu tại hai kỳ họp bao gồm giới tinh hoa và các nhóm lợi ích đặc biệt của ĐCSTQ. Dưới chế độ chuyên chế, của cải sẽ không bao giờ “nhỏ giọt” tới người dân thường.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Chính sách kích thích tiêu dùng của Trung Quốc khiến người nghèo gánh thêm nợ