Phố Wall nhận ra có nhiều cơ hội tốt hơn một Trung Quốc rủi ro

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phố Wall liên tiếp đưa ra các đánh giá và quyết định tiêu cực liên quan tới môi trường đầu tư và kinh tế của Trung Quốc. Mới đây, những tiếng nói bất lợi về Trung Quốc đã tới từ BlackRock.

Phố Wall đã bắt đầu rút lui khỏi Trung Quốc khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại và thị trường bất động sản gặp khó khăn.

Các nhân sự cấp cao tại BlackRock Investment Institute (BII - Viện đầu tư BlackRock), một tổ chức nghiên cứu liên kết với công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, cho biết hôm thứ Tư (6/12) rằng xu hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội đầu tư tốt hơn ở các thị trường mới nổi khác ngoài Trung Quốc.

Bà Wei Li, chiến lược gia trưởng toàn cầu về đầu tư từ Viện đầu tư BlackRock, cho biết từ góc độ điều chỉnh theo rủi ro, đầu tư vào Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn, đó là lý do hãng này hạ xếp hạng đầu tư vào Trung Quốc trước đó trong năm nay.

Ông Alex Brazier, phó giám đốc Viện đầu tư BlackRock, cũng cho rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã suy yếu, khiến các nhà đầu tư có dự báo bi quan hơn.

Khi cơ cấu nhân khẩu học của Trung Quốc thay đổi và tăng trưởng năng suất chậm lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm từ 10% trước đây xuống còn 5% hiện nay. Các tổ chức quốc tế đánh giá đến cuối thập kỷ này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này có thể duy trì ở mức khoảng 3%.

Khảo sát nhà đầu tư công toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn tổ chức tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) công bố vào tuần trước cho thấy gần 40% quỹ công lớn đánh giá Ấn Độ là thị trường mới nổi hấp dẫn nhất. Chưa đến một phần tư chọn Trung Quốc (23%).

Phố Wall thức tỉnh trước rủi ro ở Trung Quốc

Sự rời đi của phố Wall, từng là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của chính quyền Trung Quốc tại Mỹ, là bằng chứng nữa cho thấy sự bùng nổ kinh tế kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc sắp kết thúc.

Một vài năm trước, BlackRock và công ty chỉ số hàng đầu MSCI đã bổ sung cổ phiếu Trung Quốc vào một số chỉ số chính, giúp Trung Quốc thu hút đầu tư từ các quỹ hưu trí và quỹ quyên tặng của Mỹ. Hai công ty này hiện đang bị Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra vì bị cáo buộc tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn chảy vào Trung Quốc, đặc biệt là tới tay các công ty quân đội.

Phố Wall nhận ra có nhiều cơ hội tốt hơn một Trung Quốc rủi ro
Cờ bay phía trên lối vào của các văn phòng BlackRock vào ngày 16/01/2014 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Andrew Burton / Getty Images)

Khi những người diều hâu (mang tư tưởng hiếu chiến) trong Quốc hội Mỹ gặp các ông trùm tài chính phố Wall vào tháng 9, một số giám đốc điều hành tài chính thừa nhận rằng các quyết định của Bắc Kinh ngày càng trở nên khó đoán hơn và không thể dựa vào dữ liệu lịch sử để quản lý các quỹ tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Một người tham gia các cuộc thảo luận liên quan cho biết, các nhà điều hành ngành tài chính Mỹ đã “phần nào thức tỉnh” trước những rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc.

Theo thông tin công khai, một số quỹ phòng hộ, bao gồm cả Bridgewater, đã giảm đáng kể lượng nắm giữ chứng khoán Trung Quốc. Carlyle và nhiều công ty đầu tư cổ phần tư nhân khác đã giảm mục tiêu gây quỹ cho các quỹ châu Á của họ hoặc ngừng hoàn toàn việc huy động vốn cho Trung Quốc. Các nhà quản lý quỹ tương hỗ như Vanguard và Van Eck đang rời khỏi Trung Quốc hoặc từ bỏ kế hoạch kinh doanh của họ tại Trung Quốc.

Các chiến lược gia thị trường tại một số ngân hàng lớn ở phố Wall cho biết hầu hết các quỹ phòng hộ và nhà quản lý tích cực đã bán tháo cổ phiếu Trung Quốc sẽ khó có thể quay trở lại với cổ phiếu Trung Quốc cho đến khi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và quan hệ Mỹ - Trung cải thiện đáng kể.

Kể từ tháng 8, hơn 24 tỷ USD vốn nước ngoài đã rút khỏi cổ phiếu hạng A của Trung Quốc. Đây là dòng vốn chảy ra lớn nhất và kéo dài nhất kể từ khi cơ chế Kết nối chứng khoán Thượng Hải - Hong Kong được thiết lập vào năm 2014.

Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm 10% trong năm nay và có khả năng sẽ giảm trong năm thứ ba liên tiếp.

Sự sụt giảm trong nguồn tiền đầu tư từ phố Wall đã khiến nền kinh tế Trung Quốc càng trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời, Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng di cư của các nhà máy sản xuất nước ngoài. Dữ liệu trong quý III cho thấy các tài sản như nhà máy và cửa hàng ở Trung Quốc lần đầu tiên chứng kiến dòng vốn nước ngoài chảy ra ròng kể từ cuối những năm 1990.

Các động thái rời xa Trung Quốc khác của phố Wall

Tờ New York Times đã tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh DealBook” vào ngày 29/11. Trong cuộc đối thoại thảo luận về tình hình eo biển Đài Loan, Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan Chase Group tin rằng Bắc Kinh sẽ không xâm chiếm Đài Loan, nhưng nếu điều đó xảy ra và chính phủ Mỹ ra lệnh cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, ông nhất định sẽ hợp tác.

Chuyên gia tài chính Đài Loan Huang Shicong cho biết: “Ngay cả khi Mỹ sẵn sàng cho phép bạn đầu tư, bạn sẽ phải đối mặt với sự bất ổn trong chính sách của Trung Quốc. Chưa kể gần đây nhiều công ty nước ngoài đã rơi vào cái gọi là các cuộc điều tra hoặc liên quan đến cái gọi là các vấn đề gián điệp. Tôi cho rằng đây không chỉ là rủi ro vận hành mà còn là rủi ro cá nhân đối với những người Mỹ đầu tư hoặc làm việc [tại Trung Quốc]”.

Ông nói thêm: “Những ngân hàng đầu tư lớn này có rất nhiều cơ hội và Trung Quốc không hẳn là cơ hội duy nhất. Trong tương lai sẽ có những thị trường như ASEAN, hay toàn bộ thị trường Ấn Độ và nhiều thị trường khác”.

Vào ngày 28/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Ngân hàng Toàn cầu, Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon cảnh báo rằng không rõ sẽ mất bao lâu để căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được cải thiện và hiện tại ở Trung Quốc đang có nhiều sự không chắc chắn hơn. Goldman Sachs đã quyết định từ bỏ chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá” đối với Trung Quốc.

Phố Wall nhận ra có nhiều cơ hội tốt hơn một Trung Quốc rủi ro
Ông David Solomon, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Goldman Sachs, phát biểu trong Hội nghị Toàn cầu của Viện Milken vào ngày 2/5/2022 tại Beverly Hills, California, Mỹ. (Ảnh: PATRICK T. FALLON/AFP qua Getty Images)

Ông Solomon cho biết 5 năm trước Goldman Sachs đã thực hiện chiến lược "tăng trưởng ở Trung Quốc bằng mọi giá", nhưng giờ đây Goldman Sachs đã thay đổi. Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể đã cắt giảm một số nguồn tài chính ở đó vì ở đó có nhiều sự không chắc chắn hơn”.

Financial Times đưa tin vào ngày 29/11 rằng Goldman Sachs đã thành lập văn phòng tại Hong Kong trong 40 năm và mở văn phòng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1994. Goldman Sachs đã thiết lập các mối quan hệ doanh nghiệp sâu sắc với Hong Kong và là một trong những công ty nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.

Ông Huang Shicong cho rằng, khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tốt đẹp trong quá khứ, Goldman Sachs chắc chắn có thể sử dụng ảnh hưởng của mình, bao gồm cả với chính phủ Mỹ hoặc chính phủ Trung Quốc, để thu được những lợi ích to lớn. Ông cho rằng, khi giờ đây, mối quan hệ giữa hai quốc gia là Mỹ và Trung Quốc xấu đi, nếu thị trường Trung Quốc là thị trường chính hoặc nếu chiến lược phát triển như vậy tiếp tục thì chắc chắn sẽ có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của họ tại Mỹ hoặc trên toàn thế giới.

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Solomon cho biết ông được khích lệ bởi cuộc đối thoại gần đây giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, nhưng cảnh báo rằng có những khác biệt sâu xa giữa hai bên.

Ông Solomon nói: “Tôi nghĩ điều này (bất đồng) sẽ mất nhiều năm để giải quyết vì có những khác biệt thực sự”.

Luật sư Liang Shaohua, cựu trưởng bộ phận pháp lý của Ngân hàng Xây dựng Bắc Kinh, cho biết: “Khi ông Tập Cận Bình đến thăm Mỹ, Trung Quốc và Mỹ dường như có quan hệ tốt đẹp trong một thời gian. Sau đó, Trung Quốc từ bỏ tuyên truyền gây hấn chống lại Mỹ, nói rằng đó là thời kỳ trăng mật. Bây giờ họ lại bắt đầu chỉ trích Mỹ. Đó là khoảng thời gian hai tuần. Theo xu hướng chung này, bất kỳ sự cải thiện nhỏ nào giữa Trung Quốc và Mỹ đều mang tính chiến thuật. Rút lui chiến lược và tách rời chiến lược là không thể tránh khỏi" [chiến lược có phạm vi thời gian bao trùm so với chiến thuật].

Bà Liang Shaohua nói: "Bây giờ nền kinh tế [Trung Quốc] đang hoạt động không tốt, không có lãi và nó đang dần đối mặt với tình trạng thù địch chính trị. Trong môi trường này, việc tồn tại ở Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn. Họ đã đúng khi từ bỏ chiến lược ban đầu về tăng trưởng bằng mọi giá. Trong tương lai, nhiều công ty nước ngoài có thể làm như vậy, đó là một mô hình thu nhỏ của sự tách rời giữa Trung Quốc và phương Tây”.

Trong khi đó, JPMorgan Chase đã hoạt động ở Trung Quốc được một thế kỷ, nơi họ tham gia vào các các hoạt động đầu tư lớn và ngân hàng doanh nghiệp, thanh toán và quản lý tài sản.

Ông Huang Shicong cho biết: “Tất nhiên, trước đây, các ngân hàng đầu tư này đóng vai trò là cầu nối kết nối các quỹ Trung Quốc với các quỹ nước ngoài, hoặc như là dấu hiệu sẵn sàng của các quỹ toàn cầu đối với Trung Quốc. Bây giờ tất cả họ đều đang rời đi, tất nhiên điều đó đồng nghĩa với một thông điệp tương đối tiêu cực có thể được đưa ra đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Mặt khác, nó sẽ cắt đứt mối liên hệ của Trung Quốc với các nguồn vốn bên ngoài, điều này chắc chắn không phải là điều tốt cho sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc”.

Các ngân hàng phương Tây đã tham gia một cách sâu sắc vào thị trường Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng, môi trường kinh doanh của Trung Quốc đang xấu đi, tổng dân số Trung Quốc ngày càng giảm, tỷ lệ sinh giảm và cơ cấu dân số ngày càng già đi. Ý định thu hẹp thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng.

Trong khi đầu tư nước ngoài tiếp tục rút khỏi Trung Quốc, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã tận dụng chuyến đi tới Mỹ trong tháng này để bày tỏ thiện chí với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, ngoại giới tin rằng ông Tập đã không xoa dịu được cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, vốn đang vô cùng lo lắng về môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt ở Trung Quốc đại lục.

Trong chuyến đi trên, tại bữa tối giữa ông Tập và giới doanh nghiệp Mỹ cùng các chính trị gia có ảnh hưởng, Giám đốc điều hành BlackRock, ông Larry Fink ngồi cùng bàn ăn với nhà lãnh đạo Trung Quốc với tư cách là một vị khách quý. Tuy nhiên, chỉ hai tháng trước, BlackRock Global Fund đã quyết định chấm dứt China Flexible Equity Fund (Quỹ Cổ phần Linh hoạt Trung Quốc) với lý do thiếu sự quan tâm của nhà đầu tư mới. Nhưng một lý do không được nêu ra là quỹ này đang bị ủy ban tuyển chọn của Hạ viện Mỹ điều tra vì bị cáo buộc chuyển các khoản đầu tư của Mỹ vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen.

Ngoài ra, tập đoàn Vanguard khổng lồ của phố Wall cũng đã thông báo với chính quyền Trung Quốc vào đầu năm nay rằng họ sẽ đóng cửa tất cả văn phòng tại Trung Quốc.

Bà Lucia Dunn, giáo sư kinh tế tại Đại học bang Ohio, nói: “Các công ty tài chính phương Tây đang bắt đầu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc vì tất cả những sự không chắc chắn về những gì đang xảy ra ở đó”. “Các quỹ này đối mặt với sự không chắc chắn và rủi ro hàng ngày, nhưng họ có các thước đo mà họ sử dụng để đánh giá mọi thứ, và họ sẽ rút lui khi mức độ không chắc chắn hoặc rủi ro tăng quá cao”.

“Rõ ràng với mọi thứ đang diễn ra trên thế giới, sự không chắc chắn về những gì Trung Quốc có thể làm với Đài Loan, Nga, Ukraine, Trung Đông, v.v. có lẽ đã thay đổi thông số thước đo đối với nhiều công ty tài chính. Vì vậy, sự tiêu cực trong giao dịch của họ với Trung Quốc có lẽ đang hiện lên lớn hơn trong tâm trí họ”, bà nói thêm.

Phố Wall từng là đồng minh quan trọng của Bắc Kinh

Vào tháng 02/2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đặt chính quyền Trung Quốc vào thế khó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã tới Washington D.C. để tìm kiếm thỏa thuận đình chiến và đã nhờ cậy sự giúp đỡ của một nhóm các ông trùm phố Wall.

Ông Lưu đã kêu gọi sự tập hợp của các giám đốc điều hành phố Wall tại một khách sạn gần Tòa Bạch Ốc, nói rằng, "Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn". Trong số những cá nhân này có ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock; ông David Solomon, khi đó là đồng chủ tịch của Goldman Sachs; và ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase. Vào thời điểm đó, ông Dimon là Chủ tịch Ủy ban Trung Quốc của Business Roundtable.

Phố Wall nhận ra có nhiều cơ hội tốt hơn một Trung Quốc rủi ro
Ông Jamie Dimon, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co., phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế Washington vào ngày 12/9/2016 tại Washington, DC., Mỹ. (Ảnh: Win McNamee / Getty Images)

Ông Lưu đã đưa ra một lời hứa. Ông cho biết, chính quyền Trung Quốc sẽ tạo ra các cơ hội mới để các công ty tài chính Mỹ có thể mở rộng hoạt động ở Trung Quốc.

Vào tháng 11 năm đó, ông Peter Navarro, cựu cố vấn kinh tế của chính quyền Trump, đã chỉ trích hành vi của các ông trùm phố Wall trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ông Navarro nói rằng: “Hãy nghĩ về điều này ngay bây giờ. Hãy xem xét ngoại giao con thoi hiện đang được thực hiện bởi một nhóm tự bổ nhiệm gồm các chủ ngân hàng phố Wall và các nhà quản lý quỹ phòng hộ giữa Mỹ và Trung Quốc. Là một phần của hoạt động gây ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc, những tỷ phú theo chủ nghĩa toàn cầu này đang gây sức ép toàn diện lên Tòa Bạch Ốc trước thềm G-20 ở Argentina”.

Ngoại giao con thoi đề cập đến một loại hình ngoại giao trong đó một hòa giải viên di chuyển qua lại giữa hai hoặc nhiều bên [vốn không thể liên hệ với nhau trực tiếp] để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán và giải quyết tranh chấp.

Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics, nhà xuất bản của “Tạp chí Rủi ro Chính trị”, nói với The Epoch Times vào ngày 11/06 rằng, các ông trùm phố Wall “đương nhiên muốn tránh xung đột quân sự và kinh tế, thứ có thể ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của công ty, bao gồm cả ở Trung Quốc. Bằng cách vận động Washington giảm rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc thay vì tách rời, thứ sẽ khiến chế độ ở Bắc Kinh phải gánh chịu nhiều tổn thất hơn, Bắc Kinh có thể sẵn sàng cung cấp một thỏa thuận ngọt ngào cho các ngân hàng để tăng lợi nhuận và tiền thưởng mà CEO nhận được theo thời gian”.

Được thúc đẩy bởi lợi ích của chính họ, các ông trùm phố Wall đã hơn một lần giúp đỡ Trung Quốc.

Vào cuối những năm 1990, khi các ngân hàng Trung Quốc đang vật lộn với hàng núi nợ xấu, Thủ tướng Chu Dung Cơ khi đó đã yêu cầu các chủ ngân hàng đầu tư Mỹ, trong đó có ông Hank Paulson, Chủ tịch Goldman Sachs và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, giúp dọn dẹp mớ hỗn độn đó.

Sau cuộc họp tháng 02/2018, ông Lưu Hạc đã tiếp cận ông Larry Fink và BlackRock để được hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống lương hưu của Trung Quốc. Ông Lưu Hạc khẳng định rằng, dân số già đi nhanh chóng có thể dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể quỹ hưu trí của Trung Quốc trong những năm tới. Sau đó, ông Fink bày tỏ rằng, BlackRock có thể giúp chính quyền Trung Quốc giải quyết vấn đề này.

BlackRock đã tuân theo các mệnh lệnh của Bắc Kinh, kể cả vào năm 2017 khi họ đề xuất sửa đổi các điều lệ của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong, chẳng hạn như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (một gã khổng lồ về dầu và khí đốt). Những thay đổi được đề xuất yêu cầu ban giám đốc của các công ty này phải xin ý kiến của chi bộ ĐCSTQ đối với các quyết định quan trọng. BlackRock đã bỏ phiếu ủng hộ những sửa đổi này, thậm chí còn tuyên bố một cách nịnh bợ: “Chi bộ đảng đã đóng một vai trò trong quản trị… làm cho việc quản trị trở nên rõ ràng và minh bạch hơn”. Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng, những sửa đổi này sẽ làm giảm ảnh hưởng của các cổ đông và củng cố vai trò của ĐCSTQ trong quản trị doanh nghiệp.

Với một quá khứ dành nhiều ưu ái cho Bắc Kinh, việc các gã khổng lồ phố Wall dường như đang quay lưng với Trung Quốc cho thấy một bước ngoặt mới. Rõ ràng những chính sách và động thái cực đoan của chính quyền Trung Quốc đã góp phần không nhỏ khiến phố Wall thay đổi thái độ.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Phố Wall nhận ra có nhiều cơ hội tốt hơn một Trung Quốc rủi ro