Họp ở Hong Kong, giới tài chính hàng đầu thế giới bày tỏ lo ngại về chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa lúc vị thế của Hong Kong đang suy giảm, hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại đây với chủ đề “Sống chung với sự phức tạp" thu hút những ngôi sao sáng trong lĩnh vực tài chính của thế giới. Tại hội nghị, chính trị trở thành một mối quan tâm lớn, cùng với đó là những chiến lược và chính sách của Bắc Kinh.

Hong Kong, từng được coi là trung tâm tài chính quốc tế quan trọng và là kênh quan trọng để đầu tư nước ngoài chảy vào Trung Quốc đại lục, đang phải vật lộn khi bản sắc của thành phố đang thay đổi.

Sự gắn kết dần dần của thành phố với Trung Quốc đại lục, thứ làm giảm đi vị thế đặc biệt của nó như một Đặc khu Hành chính, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng tài chính toàn cầu.

Sự thay đổi đáng lo ngại này được thể hiện rõ ràng tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư của Các Nhà lãnh đạo Tài chính Toàn cầu lần thứ hai diễn ra gần đây. Các nhà phân tích quan sát thấy những thay đổi đáng kể trong môi trường kinh doanh của Trung Quốc, khiến các nhà lãnh đạo Phố Wall phải tìm hiểu sâu hơn về các chiến lược và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Hội nghị thượng đỉnh với chủ đề “Sống chung với sự phức tạp” diễn ra tại Hong Kong vào ngày 7/11, thu hút những ngôi sao sáng như ông James Gorman của Morgan Stanley, ông David Solomon của Goldman Sachs, ông Colm Kelleher của UBS Group và ông Christian Sewing của Deutsche Bank, cùng với hơn 300 nhân vật nổi bật khác từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.

Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee), phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, thừa nhận sự phức tạp và thách thức ngày càng tăng. Mối quan tâm hàng đầu của những người tham dự là khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới, trong đó các yếu tố chính trị đóng vai trò quan trọng.

Ông Christian Sewing của Deutsche Bank bày tỏ lo ngại về sự leo thang địa chính trị đang nhanh chóng gây bất ổn cho các thị trường. Ông kêu gọi ngành tài chính luôn cảnh giác và thường xuyên tiến hành các bài kiểm tra sức chịu đựng.

Ông James Gorman của Morgan Stanley đã chỉ ra nguồn gốc chính trị hoặc địa chính trị tiềm tàng của các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai, nêu bật những thách thức mà các nền dân chủ trên toàn thế giới phải đối mặt.

Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại BNP Paribas, tuyên bố rõ ràng vai trò của Hong Kong đang bị suy giảm, đồng thời nghi ngờ sự hồi sinh của thành phố này như một trung tâm tài chính toàn cầu. Bà dự đoán Hong Kong sẽ chuyển đổi thành một trung tâm hải ngoại của Trung Quốc đại lục, điều sẽ tác động đến việc tạo việc làm khác với trước đây.

Tác động của Luật An ninh Quốc gia

Hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu sự xuất hiện đầy ý nghĩa của Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực tài chính đối với Trung Quốc và Hong Kong, đồng thời nhắc lại kế hoạch củng cố vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong, một chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương Trung Quốc.

Sau khi thực thi Luật An ninh Quốc gia, việc Mỹ rút quy chế đặc biệt của Hong Kong đã khiến thứ hạng gây quỹ chứng khoán mới của nước này tụt mạnh từ hạng nhất xuống hạng 11 trên toàn cầu.

Ông Hà đề xuất ba chiến lược cho Hong Kong: tăng cường cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng, mở rộng quan hệ đối tác quốc tế và tích cực tham gia vào sự phát triển của Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macao.

Bất chấp những nỗ lực này, việc ban hành Luật An ninh Quốc gia đã khiến vị thế Đặc khu Hành chính của Hong Kong bị xói mòn, khiến nó gắn kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc đại lục. Sự thay đổi này đã dẫn đến sự ra đi đáng kể của các ngân hàng quốc tế, công ty đầu tư và công ty công nghệ, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Công ty nước ngoài rời Hong Kong

Báo cáo thường niên năm 2022 của Liên minh châu Âu về Hong Kong đã vẽ ra một bức tranh đáng lo ngại: 12,5% vốn nước ngoài di cư ra khỏi thành phố, trái ngược với mức tăng 17,5% của các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục thiết lập sự hiện diện ở đó.

Số liệu thống kê của chính phủ Hong Kong càng nhấn mạnh thêm xu hướng này, cho thấy số lượng công ty nước ngoài có trụ sở tại thành phố này giảm liên tục từ năm 2019 đến năm 2022.

Lực lượng lao động tại các doanh nghiệp nước ngoài đã giảm đáng kể, với sự cắt giảm đáng chú ý tại các công ty tài chính lớn như Goldman Sachs và Morgan Stanley, giảm 25.000 trong tổng số 468.000 nhân viên.

Họp ở Hong Kong, giới tài chính hàng đầu thế giới bày tỏ lo ngại về chính trị
Cảng Victoria ở Hong Kong. (Ảnh: Bill Cox/The Epoch Times)

Phản ánh sự thay đổi này, Caton Technology, một công ty công nghệ phát thanh truyền hình với kết nối toàn cầu, đã chuyển trụ sở chính từ Hong Kong đến Singapore vào năm ngoái. Tương tự, nhà sản xuất bảng mạch TTM Technologies của Mỹ đã rời Hong Kong đến Malaysia trong năm nay.

Các giám đốc điều hành cấp cao từ nhiều công ty nước ngoài khác nhau đã nhận thấy sự khác biệt ngày càng nhạt nhòa giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Ông Rob Jesudason, người sáng lập Serendipity Capital, nhận xét về nhận thức về Hong Kong như là “một phần mở rộng của Trung Quốc”, khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia phải xem xét lại sự hiện diện của họ tại thành phố này.

Xu hướng này thể hiện rõ qua việc các tổ chức tài chính Úc Westpac và Ngân hàng Quốc gia Úc gần đây đã đóng cửa các hoạt động. Ngân hàng Quốc gia Úc lên kế hoạch ngừng hoạt động hoàn toàn tại Hong Kong vào đầu năm 2025.

Trong một động thái quan trọng, bộ phận ngân hàng toàn cầu có trụ sở tại châu Á của Tập đoàn UBS gần đây đã giảm khoảng 7% lực lượng lao động, chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở Hong Kong tham gia vào các hoạt động liên quan đến Trung Quốc. JPMorgan Chase cũng đã cắt giảm bộ phận châu Á vào tháng 6, chủ yếu ảnh hưởng đến nhân viên ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Cảnh giác trước kinh tế Trung Quốc

Song song với những diễn biến này, người ta cũng nhận thấy có sự rút đi đáng kể của vốn nước ngoài khỏi Trung Quốc đại lục. Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc báo cáo dòng vốn đầu tư trực tiếp ròng chảy ra là 11,8 tỷ USD trong quý III năm 2022, đánh dấu một đợt sụt giảm đầu tư lịch sử kể từ khi cải cách kinh tế của Trung Quốc bắt đầu vào năm 1998.

Sự đảo ngược của xu hướng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ này là một sự thay đổi đáng kể.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư của Các Nhà lãnh đạo Tài chính Toàn cầu, sự đảo ngược này là một chủ đề được quan tâm mạnh mẽ. Các nhà phân tích lưu ý rằng các nhà lãnh đạo tài chính và các tập đoàn đa quốc gia đang ngày càng áp dụng lập trường “thận trọng và cảnh giác” đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung, các thực thể này cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh, tránh xung đột. Nhưng họ ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc đối phó với các diễn biến phức tạp giữa Bắc Kinh và phương Tây.

Cố vấn đầu tư Mike Sun, với những hiểu biết sâu sắc về chính trị và kinh tế Trung Quốc, đã nói với The Epoch Times về cách tiếp cận thận trọng của các nhà lãnh đạo tại Phố Wall và các tổ chức tài chính quốc tế tập trung tại Hong Kong.

Ông lưu ý, trọng tâm của họ là “tình hình và môi trường kinh doanh đang thay đổi đáng kể ở Trung Quốc, với sự quan tâm mạnh mẽ đến việc tìm hiểu ý định và chiến lược của ĐCSTQ”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Họp ở Hong Kong, giới tài chính hàng đầu thế giới bày tỏ lo ngại về chính trị