Thủ tướng Slovakia, Fico, mới bị ám sát là ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã bị bắn sau một sự kiện chính trị vào chiều ngày 15/5. Có thông tin cho rằng ông đã được phẫu thuật khẩn cấp sau đó và thoát khỏi nguy hiểm, nhưng bạo lực có thể tạm thời làm gián đoạn sự nghiệp chính trị kéo dài hàng chục năm của ông. Vậy ông Fico là chính trị gia như thế nào?

Cựu Đảng viên Cộng sản và chuyên gia pháp lý

Theo nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, ông Fico hiện 59 tuổi và sinh vào tháng 9/1964 tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Cha ông là người vận hành xe nâng và mẹ ông làm việc trong một cửa hàng giầy. Ông Fico còn có một anh trai và một em gái, tổng cộng có ba anh chị em.

Ông Fico tốt nghiệp đại học năm 1986 với tấm bằng luật, chuyên ngành luật hình sự. Sau đó ông làm việc tại Học viện Khoa học Quốc gia Slovakia và Viện Luật, và năm 1987 ông gia nhập Đảng Cộng sản Tiệp Khắc.

Năm 1988, ông Fico kết hôn với người bạn cùng lớp đại học của ông, người sau này trở thành luật sư và phó giáo sư luật. Hai người có một con trai.

Năm 1989, phong trào dân chủ hóa ở Đông Âu đã dẫn tới Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản Tiệp Khắc. Năm 1990, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc được đổi tên thành Cộng hòa Liên bang Tiệp Khắc. Đảng Cộng sản Slovakia phát triển thành Đảng Cánh tả Dân chủ (SDL).

Năm 1992, sau sự tan rã của Liên Xô cũ, Tiệp Khắc tách thành hai quốc gia độc lập: Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia một cách không đổ máu và hòa bình được gọi là Cuộc ly khai Nhung. Ông Fico lần đầu tiên là thành viên của Quốc hội Slovakia với tư cách là thành viên của SDL.

Vào cuối những năm 1990, ông Fico cũng từng đại diện cho Slovakia trước Tòa án Nhân quyền Châu Âu và Ủy ban Nhân quyền Châu Âu.

Năm 1999, ông Fico rời SDL và thành lập một đảng mới, Đảng Dân chủ Xã hội Định hướng (Smer), đồng thời giữ chức chủ tịch đảng, với hy vọng đi theo con đường thứ ba. Kể từ đó, ông là nhân vật chủ chốt trong đảng Smer. Đảng Smer thường được mô tả là theo chủ nghĩa dân túy cánh tả.

Ngoài tiếng Slovak bản địa, ông Fico còn thông thạo tiếng Anh và tiếng Nga.

Bốn nhiệm kỳ thủ tướng, theo đuổi lập trường thân Nga và chống Mỹ

Năm 2006, Đảng Smer do ông Fico lãnh đạo đã giành được 29,1% số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Slovakia. Sau khi thành lập chính phủ liên minh với hai đảng trung tả khác, Fico lần đầu tiên trở thành Thủ tướng Slovakia. Trong chính quyền đó, ông Fico phản đối mạnh mẽ việc bổ sung các hệ thống radar và tên lửa chống đạn đạo mới cho các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Cộng hòa Séc và Ba Lan.

Năm 2010, đảng Smer tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Slovakia, nhưng tổng số ghế trong liên minh cầm quyền của ông Fico giảm mạnh khiến ông không thể thành lập nội các. Fico trao quyền cho liên minh các đảng đối lập trung hữu. Liên minh trung hữu theo đuổi lập trường thân Mỹ và thân phương Tây, phản đối quyền bá chủ của Trung Quốc và ủng hộ sự tự do, dân chủ của Đài Loan.

Vào năm 2012, ông Fico đã thúc đẩy thành công một phong trào bất tín nhiệm chống lại chính phủ liên minh trung hữu, dẫn đến một cuộc bầu cử sớm. Trong cuộc tổng tuyển cử, Đảng Smer nhận được 44,4% số phiếu bầu và giành được 83 trong số 150 ghế tại Quốc hội Slovakia. Do đó, ông Fico đã có thể thành lập nội các đa số đầu tiên của Slovakia kể từ khi độc lập và ông trở thành Thủ tướng lần thứ 2.

Năm 2014, ông Fico tranh cử tổng thống Slovakia nhưng thất bại.

Năm 2016, Đảng Smer tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội và ông Fico lần thứ 3 trở thành Thủ tướng Slovakia.

Sau vụ sát hại nhà báo điều tra người Slovakia, Ján Kuciak và vợ sắp cưới vào năm 2018, ông Fico và chính phủ của ông đã từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn lan rộng khắp đất nước. Trong suốt cuộc đời của mình, nhà báo Kuciak đã báo cáo về các vụ phạm tội liên quan đến thuế của các chính trị gia cấp cao trong chính phủ Slovakia và điều tra mối liên hệ giữa các quan chức cấp cao của chính phủ và Mafia Ý.

Năm 2023, Fizo và đảng Smer lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội với cương lĩnh thân Nga và chống Mỹ, nhưng chỉ nhận được 22,94% phiếu bầu. Ông Fico một lần nữa thành lập chính phủ liên minh trung tả và giữ chức Thủ tướng Slovakia lần thứ tư.

Sau khi ông Fico lên nắm quyền trở lại, chính phủ mới của ông ngay lập tức ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Các cuộc biểu tình quy mô lớn lại nổ ra ở Slovakia, với hàng nghìn người xuống đường biểu tình phản đối lập trường thân Nga của ông Fico và các chính sách khác, bao gồm cả việc sửa đổi bộ luật hình sự để loại bỏ chức vụ công tố viên đặc biệt về chống tham nhũng. Ngoài ra chính phủ của ông Fico còn có kế hoạch kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ông Fico đã trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất ở Slovakia, và việc ông trở lại nắm quyền đã làm dấy lên lo ngại trong số những người chỉ trích, rằng ông và đảng Smer của ông sẽ đưa Slovakia ngày càng rời xa đường lối thân Mỹ và thân phương Tây. Ông Fico đã thề sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại "có chủ quyền", ông có thái độ ngưỡng mộ Trung Quốc, cũng như Brazil và một Vatican thân Bắc Kinh.

Ông Fico và đảng Smer cũng đã dính bê bối từ lâu. Ngoài vụ sát hại nhà báo năm 2018, ông Fico còn phải đối mặt với một cáo buộc hình sự vào năm 2022 buộc tội ông là đã "thành lập nhóm tội phạm" và "lạm dụng quyền lực".

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Slovakia, Fico, mới bị ám sát là ai?