Chuyên gia: Bắc Kinh tăng cường kiểm soát tài chính để tránh ‘khủng hoảng quy mô lớn'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một chuyên gia, rủi ro tài chính của Trung Quốc đã trở nên lớn đến mức ông Tập Cận Bình đang lo sợ nó sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra một cuộc khủng hoảng quy mô lớn. Dường như, giải pháp của ông Tập là thắt chặt kiểm soát, và Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã đứng ra đảm nhận vai trò ổn định tài chính.

Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) đã mở rộng quyền hạn của mình để trở thành lực lượng mới dẫn dắt việc duy trì sự ổn định tài chính trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Điều này có nghĩa là dưới thời nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tăng cường hơn nữa quyền kiểm soát đối với lĩnh vực tài chính của đất nước – một vai trò mà Hội đồng Nhà nước trước đây nắm giữ – để ngăn chặn một “cuộc khủng hoảng quy mô lớn”, theo một một nhà quan sát và phân tích tài chính.

Né tránh ‘khủng hoảng quy mô lớn'

Vào ngày 30-31 tháng 10, ĐCSTQ đã tổ chức Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương – cuộc họp cấp cao nhất của hệ thống tài chính Trung Quốc – tại Bắc Kinh, với sự tham dự của tất cả các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Hội đồng Nhà nước vốn đã tổ chức sự kiện này trong quá khứ và cuộc họp trước đây được gọi là “Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia”.

Sự thay đổi trong năm nay cho thấy Ủy ban Trung ương ĐCSTQ trực tiếp tham gia vào sự hoạt động và ra quyết định trong lĩnh vực tài chính.

Trước cuộc họp này, chính quyền trung ương Trung Quốc đã thành lập một cơ quan mới - Ủy ban Tài chính Trung ương - để giám sát hệ thống tài chính, bao gồm một Văn phòng Tổng hợp xử lý các hoạt động hàng ngày.

Ông Hà Lập Phong (He Lifeng), người thân tín của ông Tập, đã trở thành giám đốc Văn phòng Tổng hợp, giám sát tài chính và báo cáo trực tiếp tới ông Tập.

Trong khi đó, Ủy ban Tài chính của Hội đồng Nhà nước và các văn phòng của nó đã bị bãi bỏ do trách nhiệm của họ đã được thay thế. Điều này cũng có nghĩa là ông Tập đã tước bỏ quyền giám sát lĩnh vực tài chính của Thủ tướng.

Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương vừa qua đã nhấn mạnh rằng cán bộ ĐCSTQ phải “tăng cường giám sát tài chính trên mọi mặt trận, phòng ngừa và giải quyết rủi ro”. Phạm vi giám sát tài chính phải được mở rộng để “bao trùm tất cả các hoạt động tài chính, không để lại khoảng trống”. Hội nghị cũng kêu gọi cán bộ tài chính “dám vung dao” và trấn áp nghiêm khắc các hoạt động tài chính trái pháp luật.

Nhà bình luận tài chính Zhang Jinglun ở Mỹ chỉ ra rằng mối quan tâm thực sự của ông Tập là sự an toàn của chính ông và của chế độ, nhưng các cách tiếp cận cứng rắn của ông không hiệu quả.

Chuyên gia: Bắc Kinh tăng cường kiểm soát tài chính để tránh ‘khủng hoảng quy mô lớn'
Người dân đứng trước màn hình video chiếu bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 3/3/2023, trước buổi khai mạc phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc vào ngày 5/3. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung vào ngày 6/11, ông Zhang nói: “Việc ông Tập Cận Bình đích thân chịu trách nhiệm giám sát tài chính chứng tỏ rằng rủi ro tài chính đã trở nên lớn đến mức ông ấy lo sợ nó sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra một cuộc khủng hoảng quy mô lớn”.

Ông Zhang cho rằng, rủi ro tài chính chính xác là kết quả của hệ thống của ĐCSTQ và những sai lầm trong chính sách của nó. Ông nói: “Cố gắng giải quyết rủi ro tài chính bằng cách sử dụng các quy định chặt chẽ hơn sẽ không mang lại ích lợi gì”.

MSS trở thành công cụ kiểm soát tài chính

Vào ngày 2/11, Đảng ủy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Đảng bộ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) đã nhóm họp để thảo luận về biên bản Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương. Chỉ thị nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì kỳ vọng thị trường ổn định và đảm bảo yếu tố mấu chốt trong việc ngăn ngừa rủi ro hệ thống.

Bộ An ninh Quốc gia cùng ngày đưa ra tuyên bố đe dọa trừng phạt những người chỉ trích nền kinh tế Trung Quốc. Điều này đã thu hút sự chú ý của thị trường toàn cầu vì cơ quan này, thường ít có vai trò và liên hệ đối với lĩnh vực tài chính, không chịu trách nhiệm giám sát rủi ro tài chính, thứ vốn là nghĩa vụ của Ngân hàng Trung ương và SAFE.

Tuyên bố của MSS viết: “Những kẻ nói về sự sụp đổ, những kẻ bán khống và những kẻ ăn cướp này đang cố gắng làm suy yếu niềm tin của cộng đồng quốc tế khi đầu tư vào Trung Quốc, nhằm mục đích kích động sự bất ổn tài chính ở nước ta”.

Chuyên gia: Bắc Kinh tăng cường kiểm soát tài chính để tránh ‘khủng hoảng quy mô lớn'
Một người phụ nữ rời khỏi tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 4/11/2020. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

Theo Bộ, chính quyền Trung Quốc thừa nhận rằng rủi ro là một phần không thể thiếu trong các hoạt động tài chính và các rủi ro và khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống nghiêm trọng sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế kéo dài, xóa sạch ngay lập tức của cải xã hội tích lũy qua nhiều năm và gây ra sự ngờ vực về tài chính, mất cân bằng xã hội và thất nghiệp hàng loạt.

Nó cũng nói rằng các cơ quan an ninh quốc gia của ĐCSTQ nên ưu tiên ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro tài chính, giám sát chặt chẽ các rủi ro an ninh quốc gia trong lĩnh vực tài chính, đồng thời trấn áp và trừng phạt các hoạt động tài chính bất hợp pháp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc

Các công ty đa quốc gia lần lượt đóng cửa hoạt động tại Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền Tập Cận Bình thắt chặt kiểm soát nền kinh tế.

Công ty quản lý quỹ tương hỗ Vanguard Group của Mỹ, công ty đầu tư lớn thứ hai trên thế giới, đang giải tán đội ngũ cuối cùng của mình ở Trung Quốc và đã ký thỏa thuận thôi việc với 10 nhân viên còn lại ở Thượng Hải, bao gồm cả người đứng đầu chi nhánh khu vực.

Tháng trước, Vanguard Group đã bán 49% cổ phần trong liên doanh với Ant Financial. Việc đóng cửa văn phòng Thượng Hải vào đầu năm tới là bước cuối cùng để rời khỏi Trung Quốc, một thị trường mà công ty từng coi là có tiềm năng to lớn.

Ngoài việc các gã khổng lồ quản lý tài sản rút khỏi Trung Quốc, các công ty tư vấn nước ngoài cũng đang rời khỏi đất nước này. Gallup đã thông báo cho khách hàng của mình vào đầu tháng này rằng họ sẽ đóng cửa hoạt động tại Trung Quốc và khuyên khách hàng nên chuyển một số dự án ra khỏi đất nước này. Gallup cung cấp dịch vụ nghiên cứu và phân tích cho các công ty phục vụ mục đích tiếp thị. Nó bắt đầu hoạt động tại Trung Quốc vào năm 1993 và có văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.

Những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc thường được phản ánh trong các cuộc thăm dò toàn cầu của Gallup, vốn từ lâu đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh không hài lòng.

Đầu năm nay, ĐCSTQ đã sửa đổi luật chống gián điệp, áp dụng định nghĩa mơ hồ về “hoạt động gián điệp”, tạo ra những rủi ro khó lường cho các công ty Mỹ và đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc.

Hơn nữa, từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, chính quyền Trung Quốc đã đột kích một số công ty nước ngoài, khiến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế ngày càng lo ngại.

Các công ty tư vấn đa quốc gia khác đang thực hiện các bước để thu hẹp quy mô hoạt động tại quốc gia này bao gồm Forrester Research và Gerson Lehrman Group.

Ông Zhang cho biết vài năm trước, ngân hàng trung ương, SAFE và công an đã cùng nhau giám sát hệ thống tài chính. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng MSS giờ đã đảm nhận vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự ổn định tài chính.

“Bạn có thể tưởng tượng được rủi ro tài chính nghiêm trọng đến mức nào. Việc ông Tập Cận Bình sử dụng loại cuộc chiến kiểm soát tài chính này để bảo vệ hệ thống tài chính có thể phản tác dụng, dẫn đến việc cộng đồng quốc tế tiếp tục bán khống Trung Quốc”, ông nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Bắc Kinh tăng cường kiểm soát tài chính để tránh ‘khủng hoảng quy mô lớn'