Vì sao ngày càng có nhiều bạn trẻ đi “chữa lành”?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên mạng xã hội thời gian gần đây, trào lưu “chữa lành” (healing) đang nở rộ, đặc biệt là trong giới trẻ. Trào lưu này không chỉ xuất hiện trên các diễn đàn mạng xã hội mà trong các buổi cafe, gặp mặt, cụm từ “đi chữa lành” cũng trở thành câu cửa miệng mỗi khi ai đó gặp phải chuyện không hài lòng.

Xã hội ngày càng phát triển, guồng xoáy của công việc cùng nhiều áp lực trong cuộc sống khiến cho nhu cầu được ‘chữa lành’ ngày càng cao. Cũng từ đó, các cụm từ liên quan đến hoạt động “chữa lành” xuất hiện khắp các trang mạng xã hội, ví như “du lịch chữa lành“, “âm nhạc chữa lành“, đến “cách chữa lành vết thương tâm lý", xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội. Xu hướng này phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của giới trẻ ngày càng tăng.

Trào lưu ‘chữa lành’ tràn ngập trên mạng xã hội

Gần đây, những hoạt động ‘chữa lành’ xuất hiện ngày càng phổ biến, phản ánh nhu cầu cần được xoa dịu về tâm lý, giảm bớt tổn thương và loại bỏ suy nghĩ tiêu cực ngày càng nhiều. Liên Hợp Quốc đã gọi năm 2021 là "Năm chữa lành" (Year of Healing), năm gánh chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid.

Hiện nay chưa có thống kê cụ thể về số người tham gia các dịch vụ chữa lành, nhưng trên mạng xã hội, từ khóa "chualanh" và "healing" liên tục nằm trong top 100 từ khóa được tìm kiếm và sử dụng nhiều nhất. Ví dụ, từ khóa "chualanh" có hơn 240.000 bài viết với hơn 2 tỷ lượt xem, từ khóa "healing" có 11 triệu bài viết với gần 60 tỷ lượt xem. Không ít trào lưu chữa lành như thiền định, du lịch trải nghiệm, bỏ phố về quê, tham gia thể thao, workshop, nghe podcast, âm nhạc, phim ảnh, đọc sách,... được nhiều người hưởng ứng.

Trên Facebook, hàng trăm hội nhóm về ‘chữa lành’ được lập ra trong vài năm gần đây. Ngoài chia sẻ quan điểm sống, không ít tài khoản cũng giới thiệu các dịch vụ chữa lành với cam kết áp dụng phương pháp trị liệu uy tín, học phí dao động từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng một khóa.

Giải thích về nguyên nhân càng nhiều người trẻ thích chữa lành, chuyên gia Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, áp lực cuộc sống và công việc thường ngày khiến người trẻ mất cân bằng, rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng và mất phương hướng.

Từ góc độ y khoa, tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, nhu cầu chữa lành của người trẻ đang phản ánh mức độ quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày càng nâng cao. Thống kê tại Việt Nam cho thấy gần 15% dân số (khoảng 15 triệu người) đang mắc các chứng rối loạn về tâm thần. Trong đó tỷ lệ trầm cảm, lo âu chiếm 5,4% dân số. Bà nhận thấy số người trẻ đến khám do căng thẳng, mệt mỏi kéo dài tăng 15-25% mỗi năm. Nhiều bệnh nhân trước khi đến gặp bác sĩ để tham vấn từng tìm đến các khóa chữa lành, nhưng không phải ai cũng đạt được kết quả như mong đợi.

Bà cho rằng việc đổ xô tham gia các dịch vụ chữa lành có thể gây tốn tiền, mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc, học tập và quan trọng nhất là không thể giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Theo chuyên gia Vũ Thu Hương trào lưu chữa lành hiện nay phần nào phản ánh một số người trẻ có sức chịu đựng kém, dễ tổn thương, không chấp nhận khó khăn, nảy sinh tâm lý trốn tránh thực tại. Thêm vào đó, ảnh hưởng của mạng xã hội khiến một số người bắt chước, nghĩ bản thân có vấn đề về tâm lý nhưng thực chất không phải.

Dưới đây là một số ví dụ:

Bạn Ngọc Mai là sinh viên năm cuối tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ngọc Mai tâm sự: “Hiện tại mình vừa đi thực tập, vừa làm sáng tạo nội dung ở công ty. Áp lực đồng trang lứa khiến mình cảm giác như đang thụt lùi và nghi ngờ về năng lực của bản thân. Ngày nào mình cũng cảm thấy quá tải, vì vậy mình thường tìm những phương pháp chữa lành mọi người thường chia sẻ để giúp tinh thần thoải mái hơn”. Bên cạnh đó, để hồi phục lại năng lượng cho bản thân Mai chọn cách sống gần với thiên nhiên hơn, buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực, làm những việc mà cô yêu thích…

Chia tay người yêu, Ánh Ngọc lập tức xin nghỉ phép một tuần để đi du lịch nước ngoài hy vọng "chữa lành tâm hồn nhiều vết xước".Cô gái 25 tuổi ở quận Hà Đông, Hà Nội nói phải rời thành phố để chóng quên tình cũ. Công việc còn tồn đọng nhiều nhưng Ngọc cũng mặc. "Sếp không cho nghỉ phép tôi sẵn sàng nghỉ việc", cô nói. Mấy lần kết thúc những cuộc tình trước Ngọc cũng mất cả năm để cân bằng cuộc sống. Cứ hết giờ làm cô lại đi xem bói bài tarot xin lời khuyên. Tối lại triền miên nghe podcast chữa lành để dễ ngủ. “Chỉ có cách này tôi mới thấy cuộc sống trở nên dễ thở hơn", Ngọc nói.

Không chịu được "sự tổn thương" vì bị trượt phỏng vấn dù tốt nghiệp bằng giỏi, Phương Ly, 22 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tạm ngưng mọi dự định, dành thời gian đi xả stress. Hơn ba tháng thử mọi cách chữa lành như thiền, yoga, tham gia các lớp tư vấn tâm lý trực tuyến, Ly vẫn chán nản.

Không phủ nhận rằng, tác dụng của “chữa lành” có thể khiến nhiều người tự xoa dịu được vết thương tâm lý, thoát khỏi lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó, việc nhà nhà, người người muốn được chữa lành có thể tạo nên hiệu ứng đám đông, biến việc chữa lành tâm hồn trở thành trào lưu, sẵn sàng nghỉ bỏ công việc dang dở để nghỉ ngơi khi chưa thật cần thiết.

Trên thực tế, có một bộ phận giới trẻ có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, có thu nhập ổn, không phải mang trên vai gánh nặng chuyện tiền nong nhưng lại thường xuyên làm quá mọi chuyện, luôn suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực, cứ cảm thấy bản thân bị tổn thương, nhưng trên thực tế những chuyện đó chẳng đáng gì.

Cũng ít trường hợp giới trẻ xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh bằng đủ nghề để được tiếp tục con đường học vấn, những tưởng họ sẽ mạnh mẽ hơn nhưng họ lại “tích cực” than vãn, gia nhập các hội nhóm “chữa lành” trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, có không ít trường hợp chạy theo trào lưu, tìm một góc thật ‘chill’ để sống ảo, rồi đăng ảnh than thở lên mạng xã hội về cuộc sống không như ý. Đây không phải là bệnh tật, mà là một biểu hiện đáng quan ngại của việc thích sống theo trào lưu, tự cho rằng bản thân phải chịu những tổn thương không hề có từ thực tế.

Bạn có thể tự chữa lành từ đâu?

Muốn có thể tự chữa lành cho bản thân, trước hết hãy mở lòng với mọi người xung quanh, kể cả người xa lạ. Trong cơ quan, đừng quá chú trọng mối quan hệ đồng nghiệp ở khía cạnh đơn thuần là công việc, mà hãy mở rộng ra nhiều mối quan tâm khác.

- Đừng tự thu mình lại, rồi mặc nhiên đánh giá xung quanh không quan tâm và yêu quý bạn. Hãy chủ động mở rộng lòng mình ra trước, cho dù 10 lần chỉ được đáp lại 1-2 lần. Vì vấn đề là bạn sẽ thấy thoải mái cho chính bạn, chứ không cần phải được đáp lại.

- Khi có cơ hội ra ngoài để tham gia các hoạt động cộng đồng, hãy cố gắng hòa nhập càng nhiều càng tốt.

- Khi ngồi quán cà phê hoặc quán nước, hãy hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại, mang tai nghe nghe nhạc.

- Nếu những khóa học "chữa lành" mà bạn định tham gia tiêu tốn của bạn vài triệu đồng nhưng không có hiệu quả, thì bạn hãy nên sử dụng số tiền đó làm việc tốt cho người quanh mình, có thể bạn sẽ cảm thấy tâm hồn an nhiên, hạnh phúc hơn. Đó có thể là vài tấm vé số cho cụ già vẫn thường hay qua lại chỗ bạn, vài cái bánh kẹo cho con chị lao công, hay giành trả tiền ly nước vì cuộc trò chuyện thú vị tình cờ trong quán nước...

Trên thực tế, có nhiều người có thể tự “chữa lành” được cho bản thân mình và cũng có một số người “chữa lành” được cho người khác. Có một số người khi gặp khó khăn hoặc những vấn đề về tâm lý thì cảm thấy rất nặng nề, đau khổ, nhưng cùng vấn đề đó thì có người khác lại không nhìn nhận như vậy.

"Chữa lành" cho bản thân thực ra là cơ chế tự nhiên của cơ thể con người, chúng ta cần hướng vào bên trong nội tâm, lắng nghe cơ thể và tâm hồn mình, để luôn cảm thấy an yên, cân bằng dù bên ngoài xảy ra bất cứ điều gì.

Điều quan trọng nhất, chúng ta cần có những biện pháp xây dựng đề kháng cho sức khỏe tinh thần, từ đó giúp bản thân trở nên lạc quan và có tư duy định hướng đúng đắn. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần phải học cách kiềm chế cảm xúc, hình thành các kỹ năng quản lý cảm xúc và cùng lan tỏa điều tích cực.

Gia Hân tổng hợp

Đời sống


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao ngày càng có nhiều bạn trẻ đi “chữa lành”?