Chuyên gia: Dư thừa thép Trung Quốc còn mang ý nghĩa chiến lược

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vấn đề dư cung trong sản xuất thép của Trung Quốc không chỉ là vấn đề về mặt kinh tế. Đằng sau đó là tham vọng của chính quyền Bắc Kinh.

Tình trạng dư cung sản xuất thép của Trung Quốc đã là vấn đề trong một thời gian dài. Thay vì giảm sản lượng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại gia tăng hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước tiếp tục giảm và sự gia tăng xuất khẩu thép giá rẻ của Trung Quốc đã gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu. Theo một chuyên gia, đằng sau đó còn là tham vọng của chính quyền Bắc Kinh.

Năm ngoái, xuất khẩu thép thô ròng của Trung Quốc đạt 856,81 triệu tấn, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu thép đạt 902,64 triệu tấn, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất kể từ năm 2016.

Tờ Wall Street Journal đưa tin các nước như Brazil, Việt Nam, Ấn Độ, Anh, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc.

Vào ngày 20/4, Chile, quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, đã công bố mức thuế quan tạm thời từ 25% đến 34% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó, nhà sản xuất thép lớn nhất Chile, Huachipato, đã quay lại tiếp tục sản xuất. Nhà máy này đã thông báo tạm dừng sản xuất vô thời hạn vào ngày 20/3 vì không thể cạnh tranh với các sản phẩm thép của Trung Quốc, vốn rẻ hơn khoảng 40%.

Tổng thống Joe Biden gần đây đã kêu gọi tăng thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc từ mức 7,5% hiện nay lên 25%. Ông nói với các công nhân thép ở Pittsburgh rằng các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang không cạnh tranh mà đang gian lận.

Mexico tuyên bố vào cuối năm ngoái rằng họ sẽ áp thuế gần 80% đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc.

Nhu cầu nội địa giảm

Trong khi phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ thế giới, nhu cầu thép nội địa ở Trung Quốc lại tiếp tục giảm. Sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã khiến nhu cầu thép sụt giảm mạnh và do hạn chế tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc, nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã bị dừng lại.

Theo ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC, ngành xây dựng bất động sản của Trung Quốc thường chiếm khoảng 25% nhu cầu thép toàn cầu trong một năm điển hình.

Một báo cáo do Viện Nghiên cứu và Kế hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc công bố vào cuối năm ngoái cho biết nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2023, và dự kiến ​​sẽ giảm thêm 1,7% trong năm nay.

Trong hai tháng đầu năm nay, ngành chế biến kim loại đen (kim loại có chứa sắt), đại diện cho ngành thép Trung Quốc, báo cáo mức lỗ tổng cộng 14,61 tỷ CNY (nhân dân tệ) (2 tỷ USD), mức lỗ cao nhất trong tất cả các ngành công nghiệp.

Nhà bình luận thời sự Trung Quốc Vương Hách nói với The Epoch Times vào ngày 23/4 rằng chính sách mở rộng năng lực sản xuất thép của ĐCSTQ hàm chứa những suy tính mang tính chiến lược. Chế độ này đang tìm cách giành quyền thống trị về sản xuất trước Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay nó có thể trở nên phản tác dụng do nhu cầu trong nước giảm và thuế quan tăng trên toàn thế giới.

Chiến thuật hung hăng để mở rộng

ĐCSTQ đã sử dụng các chiến thuật hung hăng để mở rộng ngành thép của mình, tìm cách đạt được vị thế độc quyền trong ngành thép toàn cầu.

Vào tháng 9/2016, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước của Hội đồng Nhà nước (SASAC) của ĐCSTQ đã thông báo rằng Tập đoàn Baosteel và Tập đoàn Sắt thép Vũ Hán sẽ thực hiện việc tái tổ chức chung và được đổi tên thành Tập đoàn Thép Baowu Trung Quốc, thường được gọi là Baowu. Trong những năm tiếp theo, Baowu liên tiếp mua lại 14 nhà sản xuất thép trên khắp Trung Quốc, trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Do ảnh hưởng đến lợi ích đặc biệt của nhiều quan chức chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân, nhiều giám đốc điều hành của các công ty thép đã bị bắt trong quá trình tổ chức lại các nhà sản xuất thép thành một tập đoàn khổng lồ, nhưng ĐCSTQ đã không tiếc công sức để đạt được mục tiêu của mình.

Những động thái này cho thấy ĐCSTQ đang tích cực mở rộng các nhà sản xuất thép lớn do nhà nước hậu thuẫn và loại bỏ sự cạnh tranh từ các đối thủ tư nhân.

Vào tháng 6/2023, Hiệp hội Thép Thế giới đã công bố “Số liệu về Thép Thế giới”. Theo dữ liệu sản xuất thép thô năm 2022, trong số 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có 27 công ty thép của Trung Quốc. Trong số 10 nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, có 6 công ty thép của Trung Quốc.

Tham vọng toàn cầu

Bất chấp phải đối mặt với phản ứng dữ dội toàn cầu, ĐCSTQ vẫn tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất thép như một phần trong chiến lược toàn cầu của mình.

Ông Vương tin rằng ĐCSTQ luôn có tham vọng toàn cầu. “Mối nguy hiểm lớn nhất hiện nay là trường hợp ĐCSTQ muốn xâm lược Đài Loan, với nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang với Mỹ và Nhật Bản. Trong trường hợp đó, việc sản xuất vũ khí và đạn dược sẽ là ưu tiên hàng đầu”, ông nói.

Ông giải thích rằng trong Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ là quốc gia công nghiệp hóa lớn nhất thế giới và năng lực công nghiệp khổng lồ của nước này đã đặt nền tảng vững chắc cho cuộc chiến. Trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, có thể thấy cả hai bên đều khá kiệt sức. Các kho đạn của phương Tây gần như cạn kiệt và Nga phải nhờ Triều Tiên tiếp tế. Điều này cho thấy chiến tranh hiện đại đòi hỏi rất nhiều năng lực công nghiệp và sản xuất.

Ông Vương cho biết: “Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 trong tổng cộng của thế giới”. “Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu cộng lại không đạt được mức như Trung Quốc. Nếu ĐCSTQ muốn tiếp tục phát triển ngành sản xuất của mình thì phải dựa vào ngành thép. Vì vậy, tình trạng dư thừa thép của Trung Quốc không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chiến lược. Một khi chiến tranh nổ ra, ĐCSTQ hy vọng rằng sự hỗ trợ công nghiệp cho chiến tranh sẽ vượt xa sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Dư thừa thép Trung Quốc còn mang ý nghĩa chiến lược