Một Trung Quốc khó khăn bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhu cầu trong nước trì trệ, và Trung Quốc phải tìm cách tăng cường xuất khẩu thông qua việc hạ giá bán. Điều này là đặc biệt đáng chú ý, khi mà hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc vốn là một bài toán đau đầu với nhiều quốc gia.

Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ và nhu cầu trong nước bị thiếu hụt trầm trọng. Gần đây, truyền thông nước ngoài chỉ ra rằng tình trạng dư thừa công suất sản xuất của Trung Quốc đã khiến giá hàng hóa xuất khẩu giảm nhanh và Trung Quốc đang bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới.

Ngày 8/2, tờ Financial Times của Anh đưa tin, suy giảm kinh tế của Trung Quốc đang đi cùng với tình trạng dư thừa công suất, khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải hạ giá hàng hóa bán ra nước ngoài. Gần đây, giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, cho thấy nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đang bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới.

Bài báo dẫn lời ông Chetan Sehgal, giám đốc danh mục đầu tư của Quỹ đầu tư thị trường mới nổi Templeton, cho biết: “Trung Quốc sẽ xuất khẩu giảm phát sang các nước trên thế giới và bạn sẽ thấy các nước phản ứng trước tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc”.

Vào tháng 1 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn nhất trong 15 năm và chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm liên tiếp thứ 16.

Bài báo cho biết rất ít nhà kinh tế dự đoán giá cả sẽ giảm theo cách tương tự ở các nền kinh tế tiên tiến, trong khi nhiều nhà kinh tế tin rằng giảm phát ở Trung Quốc có thể có tác động đáng kể đến các thị trường mới nổi, đặc biệt là những thị trường có mối quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc.

Đồng thời, việc giảm giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng hóa những lời phàn nàn từ các nhà sản xuất phương Tây về sự cạnh tranh không lành mạnh.

Chẳng hạn, BYD, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, mới đây công bố việc giảm giá 5% đến 15% đối với xe điện bán ra ở Đức; Mercedes-Benz của Đức đã cảnh báo vào năm ngoái rằng lợi nhuận của hãng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá cả “tàn khốc” trên thị trường xe điện.

Một Trung Quốc khó khăn bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới
Những chiếc ô tô điện xuất khẩu đang chờ được xếp lên "BYD Explorer NO.1", một con tàu sản xuất trong nước nhằm phục vụ xuất khẩu ô tô Trung Quốc, tại cảng Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vào ngày 10/1/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Deutsche Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức) cho biết hồi tháng trước rằng hầu hết các công ty sản xuất khác của Đức được ngân hàng này khảo sát năm ngoái đều phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Ông Charles Robertson, người đứng đầu đơn vị chiến lược vĩ mô tại FIM Partners, cho rằng Trung Quốc đã dành 20 năm để hủy hoại ngành sản xuất của các đối thủ ở thị trường mới nổi, hoặc ít nhất là loại họ ra khỏi thị trường thế giới, và hiện nước này đang đe dọa làm điều tương tự với ngành sản xuất của các nền kinh tế tiên tiến.

Ông Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn của Mỹ, nói rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn khi đối mặt với việc xuất khẩu giảm phát của Trung Quốc. Họ có thể “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào nước này; hoặc họ có thể lợi dụng nguồn cung sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế tin rằng giảm phát của Trung Quốc sẽ không có tác động đáng kể đến giá cả toàn cầu.

Các nhà kinh tế Helen Qiao và Miao Ouyang của Bank of America cho biết giá xuất khẩu của Trung Quốc khó có thể có tác động đáng kể đến giá tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển vì nhập khẩu của Trung Quốc chiếm chưa đến 5% tổng lượng tiêu thụ hàng hóa của Mỹ.

Bàn tay của Bắc Kinh đằng sau hàng Trung Quốc giá rẻ

Sự can thiệp nhân tạo của Bắc Kinh vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc, khiến chúng có giá hết sức thấp và có sức cạnh tranh cao, vốn là chủ đề thu hút nhiều sự chú ý.

Nhà bình luận thời sự Xing Tianxing làm việc tại Mỹ cho biết để thống trị thị trường xe điện quốc tế, ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã bơm một lượng đáng kể tiền quỹ của nhà nước vào các khoản trợ cấp để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện giá rẻ nhằm chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, đây là hành vi “man rợ” nhằm chèn ép các quốc gia khác.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Điều hành EU, tuyên bố tại Nghị viện châu Âu vào ngày 12/9/2023 rằng ủy ban sẽ mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.

“Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện giá rẻ hơn. Và giá của chúng được giữ ở mức thấp giả tạo nhờ những khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước”, bà von der Leyen nói.

“Châu Âu mở cửa cho sự cạnh tranh. Không phải để chạy đua xuống đáy [các bên thi nhau cắt giảm giá trong khi hạ thấp chất lượng và tiêu chuẩn …]”, bà nói.

Bà Sigrid de Vries, tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, cho biết xe điện Trung Quốc đã ảnh hưởng đến “thị phần nội địa của các nhà sản xuất ô tô châu Âu”.

Thương hiệu ô tô Trung Quốc BYD Auto đã mở rộng sang 15 nước châu Âu, dựa vào lợi thế về giá; mẫu xe điện Atto3 của họ là mẫu xe điện bán chạy nhất ở Thụy Điển trong tháng 7/2023.

Một Trung Quốc khó khăn bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới
Những chiếc ô tô điện BYD đang chờ xếp lên tàu được xếp chồng lên nhau tại bến container quốc tế tại Cảng Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 11/9/2023. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)

Lấy ngành năng lượng mặt trời làm ví dụ, bà von der Leyen nói với các thành viên nghị viện châu Âu: “Chúng ta không quên các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến ngành năng lượng mặt trời của chúng ta như thế nào. Nhiều doanh nghiệp trẻ đã bị đẩy ra ngoài cuộc chơi bởi các đối thủ Trung Quốc được trợ cấp ở mức độ lớn. Các công ty tiên phong đã phải nộp đơn xin phá sản”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã ủng hộ quyết định của EU trong việc điều tra các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc đối với xe điện.

Ông Le Maire cho biết: “Nếu những khoản trợ cấp đó không tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế, châu Âu cần có khả năng đưa ra biện pháp ứng phó, để duy trì tính cạnh tranh và bảo vệ lợi ích kinh tế của mình”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng từ năm 2009 đến năm 2021, chế độ ĐCSTQ đã tung các khoản trợ cấp tài chính ít nhất lên tới 129,5 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 18 tỷ USD) cho ngành công nghiệp xe điện, hỗ trợ hơn 1.959.900 phương tiện EV.

Được thúc đẩy bởi các lượng tiền hỗ trợ khổng lồ, doanh số bán xe điện của Trung Quốc đã tăng hơn 260 lần trong 12 năm, từ 5.209 chiếc năm 2009 lên 1.367.000 chiếc vào năm 2020, với mức tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước trong các năm 2009, 2014 và 2015. 10 tháng đầu năm 2021, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, doanh số bán xe điện vẫn vượt 2,5 triệu chiếc.

Ông Xing tin rằng cách tiếp cận của ĐCSTQ trái ngược với cách vận hành của thị trường quốc tế, và “nó [ĐCSTQ] sử dụng kiểu cưỡng bức kinh tế này như một vũ khí chiến lược, đầu tiên là xâm chiếm thị trường nước ngoài, sau đó lôi kéo các chính trị gia lùi bước đối với lợi ích kinh tế, do đó gây ảnh hưởng hoặc thao túng hơn nữa các cường quốc phương Tây”.

Vì vậy, nếu tất cả các quốc gia đoàn kết và áp dụng các biện pháp tự bảo vệ, điều đó sẽ ngăn chặn âm mưu của ĐCSTQ, ông Xing nói thêm.

Nhân viên truyền thông Lai Yiming cho rằng việc ĐCSTQ mở rộng ra nước ngoài thông qua ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc là một “chính sách thương mại hạn hẹp” nhằm chèn ép các đối tác thị trường khác, khiến các doanh nghiệp ngoại thương của Trung Quốc chịu thiệt hại đáng kể.

Ông Lai nói: “Đó cũng là một phần trong mô hình tự hủy diệt của chế độ toàn trị”.

Giảm phát sâu, sản xuất đình trệ, xuất khẩu lao dốc

Trong khi đó, những số liệu gần đây cho thấy, “công xưởng thế giới" đang ngày càng lún sâu vào khó khăn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI - thước đo lạm phát và giảm phát) của Trung Quốc có mức giảm lớn nhất (phản ánh tình trạng giảm phát nghiêm trọng nhất) trong hơn 14 năm trong tháng 1, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) vẫn giảm, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục phải đối mặt với rủi ro giảm phát.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm thứ 5 (8/2), chỉ số CPI đã giảm 0,8% so với cùng kỳ trong tháng 1, vượt mức giảm 0,5% mà các nhà kinh tế dự đoán. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp CPI của Trung Quốc nằm trong vùng giảm phát, và cũng là đợt giảm phát dài nhất kể từ năm 2009.

PPI giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,2% so với tháng trước. Giá sản xuất các sản phẩm công nghiệp đã giảm phát trong 16 tháng liên tiếp.

Giảm phát nhà máy dài hạn đang đe dọa sự sống còn của các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc, những doanh nghiệp đang bị mắc kẹt trong các cuộc chiến giá cả bất tận để cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh đang bị thu hẹp.

Kể từ khi kết thúc lệnh phong tỏa chống đại dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc vẫn cho thấy ảm đạm và đã không thể trở lại mức phát triển trước đại dịch. Khảo sát PMI (Chỉ số quản lý mua hàng) chính thức cho thấy hoạt động của nhà máy tiếp tục giảm trong tháng 1 do niềm tin vẫn còn yếu trong bối cảnh thị trường nhà ở lao dốc, nợ chính quyền địa phương tăng cao và nhu cầu toàn cầu yếu.

Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Baoyin Asset Management, cho biết: “Dữ liệu CPI hiện nay cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực giảm phát vẫn còn tiếp diễn”.

Trung Quốc đã vật lộn với tình trạng giá cả chậm lại kể từ đầu năm 2023, buộc chính quyền phải cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục chìm trong giảm phát cho thấy động lực chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Một Trung Quốc khó khăn bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới
Một khách hàng đang xem đồ tại một khu chợ ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc vào ngày 11/4/2014. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Trước đó, dữ liệu do NBS công bố hôm thứ 4 (31/1) cho thấy hoạt động nhà máy tại Trung Quốc suy giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 1, cho thấy nhu cầu yếu sẽ tiếp tục cản trở nền kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc đã tăng nhẹ lên 49,2 trong tháng 1 từ mức 49 trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, nó vẫn ở dưới ngưỡng 50 phân biệt giữa mở rộng và thu hẹp. Con số này thấp hơn một chút so với dự đoán của các nhà kinh tế Bloomberg.

Về dữ liệu PMI chính thức, chiến lược gia thị trường mới nổi Galvin Chia của Natwest Markets cho biết: "Không có tín hiệu về một bước ngoặt".

Ông nói thêm: “Những điều ngạc nhiên này quá nhỏ để thay đổi thái độ bi quan đã ăn sâu của mọi người về triển vọng”.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán thường là một quãng thời gian trầm lắng đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, khi kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần đang đến gần và sẽ khiến hoạt động của nhà máy bị đình trệ.

Tuy nhiên, ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, tin rằng ngay cả như vậy, kết quả tồi tệ của chỉ số sản xuất tổng thể cho thấy một nền kinh tế yếu kém và triển vọng vẫn không lạc quan.

Ông Bruce Pang cho biết: "Chỉ riêng các yếu tố mùa vụ không thể giải thích một cách đầy đủ cho chỉ số PMI sản xuất bị trì trệ". Ông nói thêm: "[Trung Quốc] Vẫn cần hỗ trợ chính sách để kích thích nhu cầu xã hội một cách hiệu quả và duy trì sự phục hồi kinh tế liên tục".

Cơ sở so sánh đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ cao hơn năm ngoái và nền kinh tế sẽ không còn được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu sau đại dịch. Đồng thời, những trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế vẫn còn, với sự suy thoái của thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu kết thúc và giá cả tiếp tục giảm.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2023 giảm 4,6% so với năm trước đó, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Xuất khẩu là trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm trong đà tăng trưởng xuất khẩu là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, xuất khẩu trong tháng 12 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này một phần là do số liệu xuất khẩu trong tháng 12/2022 thấp. Vào thời điểm đó, đại dịch đang hoành hành trên khắp Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt zero-Covid, khiến xuất khẩu giảm gần 10%.

Một Trung Quốc khó khăn bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới
Một tàu chở hàng đang chuẩn bị cập bến tại cảng container của Cảng Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 6/12/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc có nguy cơ không thể phục hồi kinh tế

Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, đồng thời tích cực đề cao tính hấp dẫn của nền kinh tế Trung Quốc trong mắt cộng đồng đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, bất chấp bức tranh màu hồng mà ĐCSTQ cố gắng tô vẽ cho kinh tế Trung Quốc, các chuyên gia không có cái nhìn tích cực như vậy.

Rhodium Group, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, cho biết thực tế của việc lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị thu hẹp, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế, thặng dư thương mại suy giảm và tài chính của chính quyền địa phương bị tàn phá cho thấy mức tăng trưởng thực tế vào năm 2023 ở gần mức 1,5% hơn.

Trong khi đó, vào ngày 8/1, Nhóm Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới. (Bắc Kinh vẫn đang loay hoay giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch).

Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Một Trung Quốc khó khăn bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới