Lần đầu tiên trong 7 năm xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khó khăn kinh tế trong năm qua tại Trung Quốc được thể hiện rõ qua số liệu xuất khẩu sụt giảm. Các trung tâm hàng xuất khẩu của đất nước này đang phải đối mặt với các cơn gió ngược và có các kết quả hoạt động tồi tệ.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm gần 5% vào năm 2023 do nhu cầu từ các quốc gia phương Tây suy yếu trong năm qua, trong đó Mỹ dẫn đầu với mức giảm 13%.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc được các phương tiện truyền thông trích dẫn, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2023 đạt tổng cộng 3,38 nghìn tỷ USD khi tính bằng USD, giảm 4,6% so với năm trước. Mức giảm 4,6% xảy ra sau khi xuất khẩu tăng 7% vào năm 2022. Lần gần đây nhất, xuất khẩu của Bắc Kinh đã giảm 7,7% vào năm 2016. Các lô hàng của Trung Quốc đã tăng trưởng trong đại dịch COVID-19 khi người tiêu dùng ở các quốc gia phương Tây mạnh tay vung tiền trong thời gian phong tỏa. Nhưng khi nhu cầu từ Mỹ và châu Âu suy yếu trong năm qua do lãi suất tăng, xuất khẩu của Trung Quốc đã hạ nhiệt.

Xuất khẩu của Bắc Kinh sang Mỹ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong các điểm đến xuất khẩu, giảm 13% vào năm 2023. Xuất khẩu sang Đông Nam Á và Liên minh Châu Âu cũng giảm. Một ngoại lệ đáng chú ý đối với xu hướng này là Nga, với xuất khẩu từ Trung Quốc tăng 47%.

Sự sụt giảm xuất khẩu được dẫn dắt bởi sự sụt giảm hai con số trong các loại hàng hóa là các sản phẩm thô hoặc sơ cấp, bao gồm nhôm và đất hiếm. Ô tô và phụ tùng ô tô tăng 27%.

Lần đầu tiên trong 7 năm xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm
Đất chứa đất hiếm chuẩn bị chất lên tàu tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, vào ngày 5/9/2010, để xuất khẩu sang Nhật Bản. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Theo CNN, ông Lyu Daliang, người phát ngôn của Tổng cục Hải quan, cho biết trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ 6 (12/1): “Sự phục hồi kinh tế toàn cầu rất yếu trong năm qua”. “Nhu cầu bên ngoài chậm chạp đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc”.

Ông dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp “khó khăn” trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu trong năm nay. Ngoài ra, “chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương” cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.

Xuất khẩu tăng 2,3% trong tháng 12/2023, chủ yếu là do nhu cầu ô tô và phụ tùng ô tô tăng cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng động lực tích cực này không kéo dài lâu vì sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi hoạt động chiết khấu từ các nhà xuất khẩu đang tìm cách giành thị phần.

Con số xuất khẩu tích cực trong tháng 12/2023 được so sánh với thời điểm một năm trước khi xuất khẩu từ Trung Quốc sụt giảm do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trên toàn quốc. Do đó, số lượng xuất khẩu trong tháng 12/2022 thấp hơn đã góp phần làm cho dữ liệu tháng 12 gần đây nhất có vẻ mạnh mẽ hơn.

“Hướng tới năm 2024, sự phức tạp, nghiêm trọng và bất ổn của môi trường bên ngoài ngày càng gia tăng. Để thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng ổn định trong ngoại thương, cần phải vượt qua một số khó khăn và cần nhiều nỗ lực hơn nữa”, ông Wang Lingjun, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nói, theo South China Morning Post.

Xuất khẩu giảm, kinh tế gặp nhiều khó khăn

Xuất khẩu sụt giảm, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn. Trong bài phát biểu đầu năm mới, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận “một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn” và “một số người gặp khó khăn trong tìm việc làm và đáp ứng các nhu cầu cơ bản”.

Trước đại dịch, GDP của Trung Quốc vốn vẫn tăng trưởng từ khoảng 6% lên 7%. Tăng trưởng giảm xuống 2,24% vào năm 2020 và phục hồi lên 8,45% vào năm 2021. Tuy nhiên, GDP lại giảm xuống 2,99% vào năm 2022.

Trong khi theo ước tính, Trung Quốc có được mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023, thì lĩnh vực sản xuất của nước này lại đang thu hẹp. Vào tháng 12, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc đã nằm trong diện thu hẹp trong 3 tháng liên tiếp.

Lần đầu tiên trong 7 năm xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm
Công nhân làm việc trên các động cơ tại một nhà máy ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc, vào ngày 30/11/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Chuyên gia Lan Wang, giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, cho biết trong một ghi chú gần đây: “Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và phản ứng chính sách đang thay đổi của chính phủ sẽ tiếp tục dẫn đến những trở ngại cho hiệu quả hoạt động trong năm 2024 ở một số lĩnh vực trên khắp Trung Quốc”.

“[Và, trong khi] chính phủ Trung Quốc gần đây chỉ ra rằng các biện pháp chính sách trong năm tới sẽ ưu tiên phát triển, hiệu quả của các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng bậc nhất để hạn chế rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế, thứ mà Fitch Ratings dự báo sẽ giảm xuống 4,6% vào năm 2024 từ mức 5,3% vào năm 2023”.

Trong thông cáo báo chí ngày 14/12, Ngân hàng Thế giới cho biết mặc dù hoạt động kinh tế của Trung Quốc khởi sắc vào năm 2023 nhưng hiệu quả kinh tế của nước này “được đánh dấu bởi sự biến động, áp lực giảm phát đang diễn ra và niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu”. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 4,5% trong năm nay.

“Triển vọng bị che mờ bởi sự yếu kém tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu toàn cầu tiếp tục ảm đạm trong ngắn hạn, cũng như những hạn chế về cơ cấu đối với tăng trưởng, bao gồm mức nợ cao, dân số già hóa và tăng trưởng năng suất chậm hơn so với trước đây”, Ngân hàng Thế giới cho biết.

“Triển vọng kinh tế phải đối mặt với những rủi ro đáng kể. Sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản có thể vượt quá dự đoán ban đầu, ảnh hưởng đến tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng. Sau đó, điều này có thể gây áp lực lên các nhà cung cấp, chủ nợ và doanh thu của chính quyền địa phương, đồng thời dẫn đến giảm đầu tư công”.

Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc cũng dễ bị tổn thương trước căng thẳng địa kinh tế gia tăng và nhu cầu toàn cầu yếu đi, Ngân hàng Thế giới nói.

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực giảm phát, với chỉ số CPI tháng 12 giảm 0,3%, tháng thứ 3 liên tiếp nằm trong diện giảm phát, chuỗi giảm phát dài nhất kể từ 2009. PPI giảm 2,7%, vẫn tiếp tục âm trong hơn một năm. Giảm phát có thể gây ra mối đe dọa lớn cho nền kinh tế Trung Quốc vì các doanh nghiệp sẽ tránh đầu tư do lo ngại giá sẽ giảm nhiều hơn trong tương lai. Nếu Trung Quốc bị mắc kẹt trong vòng xoáy giảm phát, nó sẽ dẫn đến mức lương thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Sự sụt giảm của xuất khẩu chắc chắn đã ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế Trung Quốc.

Xuất khẩu vốn đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế Trung Quốc, và sự phát triển thịnh vượng hay xuống dốc của lĩnh vực này luôn được phản ánh rõ qua các hiện tượng trong nền kinh tế của nước này. Thật dễ hiểu khi cùng lúc với sự sụt giảm xuất khẩu, ngành sản xuất của Trung Quốc cũng đang suy giảm.

Trên thực tế, sự sụt giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc không phải là một tin tức quá bất ngờ, khi mà các trung tâm hàng xuất khẩu của Trung Quốc liên tiếp gặp phải khó khăn.

Lần đầu tiên trong 7 năm xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm
Quang cảnh một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc vào ngày 8/3/2019. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

‘Thủ đô da’ của Trung Quốc mất đơn hàng

Tân Tập (Xinji), tỉnh Hà Bắc, được mệnh danh là "Thủ đô da của Trung Quốc", hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khác nhau. Một trong số đó là việc chuyển dịch đơn đặt hàng OEM sang Đông Nam Á.

Tân Tập vốn có chuỗi công nghiệp da và lông thú hoàn chỉnh nhất Trung Quốc. Vào ngày 1/1/2024, truyền thông Hong Kong đưa tin Tân Tập được cho là có lịch sử làm đồ da 3.000 năm nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Do sản xuất da là hoạt động mang tính thời vụ nên trước đây ngành da sản xuất và bán sản phẩm vào nửa cuối năm, trong khi nửa đầu năm không có đơn hàng. Vì vậy, một số công ty chọn nhận đơn đặt hàng OEM (sản xuất cho hãng khác, gắn nhãn của hãng khác) quần áo từ các thương hiệu khác. Nhưng hiện nay, đơn hàng OEM của một số thương hiệu quốc tế đã được chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Theo các bài báo, điều này có liên quan đến đại dịch và việc tăng lương của người lao động.

Trước đại dịch, Haruko làm thợ máy tại một nhà máy OEM quốc tế lớn. Lương của nhà máy đã tăng từ 200 CNY (nhân dân tệ) năm 2007 lên 2.000 CNY vào năm 2017. Khi tiền lương tăng lên hàng năm, thương hiệu thuê nhà máy này cuối cùng đã từ bỏ hoạt động sản xuất OEM tại Trung Quốc và chuyển sang các nước Đông Nam Á.

Trung tâm bán đồ Giáng Sinh Trung Quốc dừng bán hàng sớm

Giữa tháng 12 thường là thời gian cao điểm khi mà các thương nhân trong và ngoài nước đến Nghĩa Ô (Trung Quốc) để mua đồ Giáng Sinh trước lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, đợt bán hàng Giáng Sinh năm 2023 của nhiều nhà cung cấp tại đây đã kết thúc sớm do nhu cầu ở thị trường châu Âu và Mỹ giảm và giá hàng hóa bị đẩy xuống thấp.

Theo Chỉ số hàng hóa nhỏ của Trung Quốc do Chính quyền thành phố Nghĩa Ô công bố, khi Giáng Sinh đến gần, các doanh nhân nước ngoài từ nhiều quốc gia khác nhau đã thực hiện các hoạt động bổ sung và mua dự trữ hàng cuối cùng, đồng thời thị trường bán hàng nội địa dịp Giáng Sinh cũng bắt đầu hoạt động. Cây Giáng Sinh, tất Giáng Sinh, gậy Giáng Sinh, quần áo Giáng Sinh và các sản phẩm liên quan khác có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi tại Nghĩa Ô kể từ tháng 5. Hai phần ba sản phẩm Giáng Sinh trên thế giới đến từ Nghĩa Ô.

Lần đầu tiên trong 7 năm xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm
Những cây thông Noel trong phòng trưng bày của nhà máy sản xuất cây thông Noel nhân tạo ở Nghĩa Ô, Trung Quốc, vào ngày 7/12/2016. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Nhưng vào thời điểm Giáng Sinh vẫn chưa đến, nhiều nhà cung cấp ở Nghĩa Ô đã kết thúc sớm việc bán sản phẩm Giáng Sinh.

Tờ Nikkei Asian Review hôm thứ 3 (19/12/2023) đưa tin bà Jiang, một thương gia ở Nghĩa Ô, đã cất đi những chiếc mũ, tất chân và các đồ trang trí Giáng Sinh. Bà cho biết, thời kỳ cao điểm về doanh số bán hàng dịp Giáng Sinh năm 2023 là tháng 10 và doanh số bán hàng giảm 1/3 so với năm 2022.

Thành phố Hàng hóa nhỏ Nghĩa Ô là chợ bán buôn hàng hóa nhỏ lớn nhất thế giới, với phần lớn doanh thu đến từ xuất khẩu.

Đối với nhiều nhà xuất khẩu, hoạt động kinh doanh năm 2022 tốt hơn so với năm 2023. Mặc dù trong năm 2022, Bắc Kinh vẫn chưa dỡ bỏ chính sách phòng chống dịch Covid-19 nhưng đó là lúc mà người tiêu dùng toàn cầu đang trong xu hướng tiêu dùng “trả đũa” sau đại dịch.

Năm 2023, mặc dù Bắc Kinh đã dỡ bỏ các biện pháp phòng chống đại dịch nhưng mức tiêu thụ ở Mỹ, châu Âu và các nước phương Tây là yếu, cộng với tiêu dùng nội địa trì trệ ở Trung Quốc, hoạt động kinh doanh của Nghĩa Ô diễn ra tệ hơn năm 2022.

Bà Jiang cho biết, nhu cầu từ các thị trường Nga và Trung Đông đã bù đắp phần nào nhu cầu yếu kém từ các nước tiêu dùng lớn như Mỹ và châu Âu.

Các nhà cung cấp cho biết lượng khách đến cửa hàng không giảm nhưng điều này không dẫn đến số liệu doanh số bán hàng tích cực. Một lý do là nhu cầu giảm giá.

Một người bán cây thông Noel trang trí nói với Nikkei: “Khách hàng ở Mỹ và châu Âu thường yêu cầu giảm 10% giá hàng hóa của chúng tôi, lấy lý do tỷ lệ lạm phát cao ở nước họ”.

Theo phân tích trước đó của Nikkei, 70% mặt hàng xuất khẩu chính của Trung Quốc đã được bán giảm giá trong năm vừa qua và nhiều người đã chọn cách bán lượng hàng tồn kho dư thừa ra nước ngoài với giá thấp.

Phân tích của Capital Economics, tổ chức phân tích kinh tế của Anh, cũng cho thấy kể từ thời điểm kết thúc năm 2022 đến thời điểm đánh giá vào khoảng cuối năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm khoảng 16% tính theo giá trị đồng USD. Tỷ suất lợi nhuận ròng của các nhà xuất khẩu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, nếu không tính thời gian phong tỏa ban đầu do đại dịch.

Các nhà kinh tế dự đoán mức suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chạm đáy trong những tháng tới do thương mại toàn cầu đi lên theo chu kỳ, nhưng họ không mong đợi một sự phục hồi mạnh mẽ.

Lần đầu tiên trong 7 năm xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm
Các container được nhìn thấy tại bến container của Cảng Liên Vân Cảng, thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 13/7/2023. (Ảnh: STRINGER/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc và nguy cơ bị cô lập

Trung Quốc vốn được mệnh danh là “công xưởng của thế giới". Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc vốn được xuất khẩu đi khắp thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước này. Tuy nhiên, các nước phương Tây đang dần xa lánh Trung Quốc. Nếu Trung Quốc bị cô lập, hoạt động xuất khẩu sẽ không còn, và Trung Quốc sẽ mất đi một lĩnh vực then chốt.

Gần đây, một đoạn video của nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc Gelong, phân tích tình hình kinh tế hiện nay ở Trung Quốc, đã được lan truyền trên cộng đồng mạng Trung Quốc. Trong video này, ông Gelong đã thảo luận về hiện tượng "ba số 0" trong lưu thông kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và kêu gọi công chúng "hết sức cảnh giác" về điều này.

Video này xuất phát từ kênh truyền thông cá nhân “Nói chuyện chứng khoán, nói tiền bạc, nói chuyện trời đất” của ông Gelong. Trong tập này, ngay từ đầu, ông Gelong đã thẳng thắn chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể thực sự trở thành một “nền kinh tế hòn đảo” (bị cô lập) và buộc phải theo đuổi “lưu thông nội bộ”, bởi vì một số dữ liệu quan trọng trong “lưu thông bên ngoài” về cơ bản hiện nay đã “trở về số 0” ở Trung Quốc.

Vị tiến sĩ tài chính đã thảo luận về ba khía cạnh sau đây trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, những thứ đang có xu hướng "trở về số 0":

Thứ nhất, khách nước ngoài tới Trung Quốc giảm về 0.

Ông Gelong cho biết trong quý đầu tiên của năm 2019 trước khi đại dịch Covid bùng phát trên diện rộng, hơn 3,7 triệu người đã đến Trung Quốc từ nước ngoài; tuy nhiên, con số trong quý I năm 2023 chỉ là 52.000 người và số liệu này chưa bằng một phần nhỏ so với năm 2019, giảm 98,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số 52.000 khách du lịch, 56% đến từ Hong Kong và 22% đến từ Ma Cao. Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng 10.000 “người nước ngoài” thực sự đến từ các nước khác.

Lần đầu tiên trong 7 năm xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm
Hành khách tại khu vực đến của các chuyến bay quốc tế tại Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 8/1/2023. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Ông cho rằng đây là điều “cực kỳ khó tưởng tượng” đối với một quốc gia có diện tích đất liền lớn thứ ba thế giới. Người nước ngoài không còn đến Trung Quốc, điều đó không chỉ có nghĩa là chuỗi ngành du lịch inbound (từ nước ngoài tới Trung Quốc) đã sụp đổ mà còn có nghĩa là Trung Quốc có thể rơi trở lại tình trạng bị phong tỏa, không ai quan tâm hoặc ít người quan tâm, giống như họ đã từng bị vào những năm 1970. “Điều khác biệt là lần này không phải chúng ta [người Trung Quốc] không cho người khác đến mà là người khác tự họ không đến”.

Ông nói: “Chúng ta thường lo lắng về việc vốn đầu tư nước ngoài rút đi. Thực tế, điều triệt để hơn việc rút vốn đầu tư nước ngoài là các khách hàng nước ngoài đã không còn đến nữa. Họ đã đến Mexico, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia".

Thứ hai, chuyến bay giảm về 0.

Trước đại dịch, mỗi tháng có hơn 3.800 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ, trung bình hơn 100 chuyến mỗi ngày. Giờ đây, chỉ có 4 đến 6 chuyến bay thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ mỗi ngày, “về cơ bản là con số 0”.

Ông Gelong đặc biệt chỉ ra: Trong 70 năm qua, 70% tổng thặng dư ngoại thương của Trung Quốc đến từ Mỹ. Bạn có thể nghĩ mà xem, trong một môi trường không có chiến tranh hay dịch bệnh, mỗi ngày chỉ có 4 đến 6 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ. Nó có nghĩa là gì?

Thứ 3, dòng tiền giảm về 0.

Tính đến cuối năm 2023, chỉ có 8 quỹ ngoại tệ được huy động ở Trung Quốc; so với 114 vào cùng kỳ năm trước; và 792 trong cùng kỳ năm trước nữa. Trong nửa đầu năm 2023, các quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào Trung Quốc chỉ huy động được 1,4 tỷ USD. So với gần 50 tỷ USD nửa đầu năm 2021, số liệu này cũng “cơ bản tiệm cận con số 0”.

Ông Gelong kết luận rằng: dòng người, hậu cần và vốn là ba yếu tố cốt lõi của phát triển kinh tế. Nguyên nhân chính xác khiến các dữ liệu quan trọng nói trên “giảm về 0” cần được phân tích rõ ràng. Nếu nó là do đại dịch gây ra thì vẫn còn cơ hội sửa chữa, điều chỉnh; nhưng nếu nguyên nhân là do chiến tranh thương mại và xích mích chính trị thì có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua “xu hướng đảo chiều cơ cấu dài hạn”, và đó thực sự có thể là vấn đề của một thế hệ. "Gánh nặng là không thể chịu đựng nổi".

Cuối cùng, ông nhấn mạnh một lần nữa: Trung Quốc là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa trong vài thập kỷ qua, và hơn 60% năng lực sản xuất của Trung Quốc là để phục vụ thị trường bên ngoài. Nếu Trung Quốc đi theo con đường cô lập bên trong và bên ngoài, nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa trở thành “nền kinh tế hòn đảo” thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Nếu không thể thực hiện được những thay đổi cơ bản, “chúng ta [người Trung Quốc] sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn khó có thể bù đắp được”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Lần đầu tiên trong 7 năm xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm