Tách rời kinh tế Trung Quốc là bài toán không dễ cho Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dường như việc tách rời kinh tế Trung Quốc không dễ dàng như những gì Washington và giới doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng. Tuy nhiên, có lẽ đó là điều nên xảy ra, khi xét đến bản chất mối quan hệ với Trung Quốc.

Xu hướng tách rời Trung Quốc của Mỹ đang gây được nhiều chú ý và có nhiều tác động. Nhưng mọi việc có lẽ không hề đơn giản. Trong bài báo “Tách rời khỏi Trung Quốc không dễ như thế", đăng ngày 28/12 trên tờ The Epoch Times, chuyên gia Milton Ezrati đã phân tích về sự tách rời và chỉ ra khó khăn của xu hướng này. Ông Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở ở New York.

Theo ông Ezrati, rõ ràng, các doanh nghiệp Mỹ và Washington muốn tách rời khỏi Trung Quốc, nếu không phải là hoàn toàn, thì ở mức độ lớn hơn trước đây.

Chính quyền Biden đang tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia và sức ép của các nhóm lợi ích quan trọng. Giới kinh doanh thì có những lý do riêng. Tuy nhiên, những nỗ lực tách rời tỏ ra khó khăn hơn những gì những bên tham gia mong đợi hoặc hy vọng.

Ngoài các nhóm lợi ích hẹp, Washington, một cách hợp lý, muốn ngăn cản tham vọng cạnh tranh với Mỹ của Trung Quốc trên các cấp độ kinh tế, ngoại giao và quân sự. Để giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng nhập khẩu và ngành sản xuất của Trung Quốc nói chung và để thúc đẩy các nguồn sức mạnh kinh tế trong nước của Mỹ, Tổng thống Joe Biden, trái ngược với những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông, đã giữ nguyên mức thuế mà cựu Tổng thống Trump áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vốn ban đầu được áp dụng vào năm 2018 và 2019.

Tách rời kinh tế Trung Quốc là bài toán không dễ cho Mỹ
Các container vận chuyển từ Trung Quốc và các nước châu Á khác được dỡ xuống cảng Los Angeles ở Long Beach, California, Mỹ, vào ngày 14/9/2019. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Tòa Bạch Ốc cũng cấm xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc và hạn chế mức độ người Mỹ có thể đầu tư vào công nghệ Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng đã từ chối cung cấp ưu đãi thuế xe điện đối với bất kỳ chiếc ô tô nào được sản xuất ở Trung Quốc hoặc có chứa một tỷ lệ đáng kể các bộ phận của Trung Quốc. Washington muốn hạn chế tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Mỹ nói chung nếu Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu các sản phẩm quan trọng, như họ đã làm trong đại dịch COVID-19 và thậm chí trong thời gian sau đó theo chính sách zero-COVID.

Các doanh nghiệp Mỹ chia sẻ một số mối lo ngại này nhưng nhấn mạnh động cơ tách rời của họ theo cách khác. Một vấn đề lớn tập trung vào chi phí. Trong vài thập kỷ sau khi Trung Quốc lần đầu tiên mở cửa với thế giới vào những năm 1970, chi phí sản xuất thấp là lý do lớn để các công ty tìm tới Trung Quốc và xây dựng cơ sở sản xuất ở đó. Nhưng hiện nay, tiền lương ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn những nơi khác ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Trung Quốc đã không còn là nơi có chi phí thấp và vấn đề quan trọng đó đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy các doanh nghiệp cân nhắc việc tách rời.

Độ tin cậy là một vấn đề khác nữa. Trước đó, Trung Quốc được coi là cực kỳ đáng tin cậy, tôn trọng hợp đồng và giao hàng đúng hạn. Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra đại dịch và trong một thời gian dài sau đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đã không giao hàng đúng số lượng hoặc đúng thời hạn dưới ảnh hưởng của các biện pháp zero-Covid-19 của Bắc Kinh. Hơn nữa, trong trường hợp khẩn cấp, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu một số sản phẩm quan trọng, đặc biệt là đầu vào dược phẩm và khẩu trang y tế. Các doanh nghiệp Mỹ muốn tránh những vấn đề tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, gần đây hơn, nỗi ám ảnh về an ninh quốc gia của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến các doanh nhân nước ngoài gặp khó khăn hơn khi hoạt động ở Trung Quốc.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như mối quan tâm chung về việc tách rời đang đạt được tiến bộ đáng kể. Theo Cục Thống kê (Census Bureau) của Mỹ, các sản phẩm của Trung Quốc chiếm tới 22% tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ trong năm 2017, trong khi từ đầu năm đến nay, chúng chỉ chiếm 13%. Nhưng những con số đáng chú ý này lại che giấu một số khó khăn trên thực tế đối với nỗ lực tách rời.

Vấn đề là người Mỹ – khi chuyển nguồn cung ứng sang Việt Nam, Indonesia hoặc thậm chí Mexico – đang phát hiện ra rằng những cơ sở tốt nhất ở đó thường thuộc sở hữu của Trung Quốc. Có vẻ như khi chính quyền Trump lần đầu áp thuế, nhiều công ty Trung Quốc đã thiết lập cơ sở ở các nước khác để tránh thuế. Ví dụ, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Đông Nam Á đã tăng từ mức tương đương khoảng 7 tỷ USD vào năm 2013, trước khi thuế quan có hiệu lực, lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2022, giai đoạn gần đây nhất có dữ liệu đầy đủ.

Tách rời kinh tế Trung Quốc là bài toán không dễ cho Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (giữa) xem xét dây chuyền lắp ráp xe máy điện khi bà đến thăm nhà máy sản xuất Selex Motors tại Hà Nội vào ngày 20/7/2023. (Ảnh: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Hiện khi các doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, họ phát hiện ra rằng các lựa chọn tốt nhất ở Việt Nam, Indonesia hoặc các nơi khác đều có mối liên hệ này với Trung Quốc. Bất chấp quyền sở hữu từ Trung Quốc, sản phẩm của các công ty này xuất hiện trong tính toán của Cục Thống kê không phải với tư cách hàng xuất khẩu của Trung Quốc mà là của nước sở tại. Vấn đề là rất quan trọng khi các cơ sở thuộc sở hữu Trung Quốc tại Việt Nam, Indonesia hoặc bất kỳ nước nào tìm kiếm nguồn đầu cho vận hành từ các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, một điều thường xảy ra.

Theo thời gian, những nỗ lực tách rời của Mỹ sẽ khắc phục được những trở ngại này. Rõ ràng từ các xu hướng mua hàng và đầu tư cũng như các cuộc khảo sát về thái độ, mong muốn đa dạng hóa khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ vẫn có sức sống bền bỉ. Các công ty Mỹ sẽ tiếp tục rời xa các nguồn cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc trong một thời gian tương đối dài. Trong khi đó, các cơ sở ở các quốc gia khác – ngay cả những cơ sở thuộc sở hữu của Trung Quốc – sẽ, trong quá trình phát triển, ít phụ thuộc hơn vào các nguồn từ Trung Quốc.

Ông Ezrati kết luận, tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, sự tách rời vĩ đại mà rất nhiều người nói đến – ở Washington và giới kinh doanh – sẽ diễn ra kém suôn sẻ hơn một chút so với những gì mà Washington hoặc các doanh nhân mong muốn.

Tách rời kinh tế Trung Quốc là bài toán không dễ cho Mỹ
Cờ Mỹ tung bay ở phía trước, đằng sau là các container tại Cảng Los Angeles vào ngày 18/6/2019 tại San Pedro, California, Mỹ. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN/AFP qua Getty Images)

Hãy cẩn thận với sự thân thiện của Trung Quốc

Gần đây, Bắc Kinh đã có các động thái “thân thiện” với Mỹ, nhằm thay đổi xu hướng tách rời từ phía chính quyền Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng có lẽ, Washington và các doanh nghiệp Mỹ cần phải cẩn thận, vì sự thân thiện đó không tốt đẹp như vẻ bề ngoài, và họ không nên bị lay động và hy vọng vào sự thay đổi từ phía Bắc Kinh.

Trên thực tế, tại những lần gặp gỡ trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 vào tháng 11 vừa qua, Bắc Kinh đã thay đổi thái độ ngoại giao chiến lang đối với Mỹ. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhắc lại rằng "không có lý do gì khiến quan hệ Trung - Mỹ bị hủy hoại.

Tách rời kinh tế Trung Quốc là bài toán không dễ cho Mỹ
Người dân biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông Tập gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong Tuần lễ Các Nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ở Woodside, California, Mỹ, vào ngày 15/11/2023. (Ảnh: Gilles Clarenne/AFP qua Getty Images )

Sự tách rời của Mỹ đóng góp không nhỏ vào sự khó khăn về kinh tế của Trung Quốc hiện nay. Rõ ràng, việc Mỹ tách rời hoàn toàn không có lợi, và chính bản thân Bắc Kinh cũng hiểu điều đó. Chuyên gia truyền thông cấp cao Cheng Xiang cho rằng sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc trong quá khứ có liên quan đến tình trạng hài hòa trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ông Cheng Xiang kể lại rằng khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đến thăm Mỹ vào năm 1979, ông Li Shenzhi, người sau này trở thành giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã đi cùng ông Đặng. Ông Li Shenzhi hỏi ông Đặng tại sao ông coi trọng mối quan hệ với Mỹ. Ông Đặng đáp: “Nhìn lại mấy chục năm qua, tất cả các nước có quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có”. Giờ đây, nhà lãnh đạo hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc hẳn phải muốn gặp Tổng thống Mỹ Biden với nụ cười trên môi và gác lại chính sách ngoại giao chiến lang vì ông muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và tìm cách cải thiện nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Cheng Xiang dẫn quan điểm của ông Liu Mengxiong, cựu thành viên Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cho rằng nguyên nhân sâu xa của các vấn đề kinh tế nằm ở chính trị. Ông Cheng Xiang cho rằng Bắc Kinh từng nói về “sự trỗi dậy ở phía đông và xuống dốc ở phía tây” và “một cộng đồng hướng đến tương lai chung cho nhân loại”, nhằm từ bỏ trật tự quốc tế do Mỹ thiết lập từ Thế chiến thứ hai. Trung Quốc luôn là kẻ thù của Mỹ và các doanh nhân nước ngoài đã e sợ, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Trung Quốc.

Vậy việc Bắc Kinh thay đổi thái độ với Mỹ có phải là một bước rút lui chiến lược? Ông Cheng Xiang nói rằng bản chất chống Mỹ của Bắc Kinh vẫn không hề thay đổi, đặc biệt là khi ông Tập lên nắm quyền.

Nhưng tại sao bây giờ Bắc Kinh lại tỏ ra ưu ái Mỹ? Ông Cheng phân tích rằng đó là chiến lược của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc). Trong chiến tranh du kích, Bắc Kinh nhấn mạnh “nói và đánh, đánh và đánh để nói”. Khi thực lực kém hơn đối phương thì Bắc Kinh sẽ thương lượng và ngược lại. Nếu Bắc Kinh không mạnh bằng Mỹ thì Bắc Kinh sẽ đàm phán.

Tách rời kinh tế Trung Quốc là bài toán không dễ cho Mỹ
Cờ Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Ngoài ra, Bắc Kinh nhấn mạnh luôn áp dụng chiến lược hai mặt là đấu tranh và hợp tác, tùy theo tình hình, nhưng mục tiêu cuối cùng là đánh bại đối thủ. Có rất nhiều dẫn chứng trong lịch sử chính quyền Bắc Kinh thể hiện điều này.

Ông Cheng Xiang cho biết Bắc Kinh hiện đang hy vọng sẽ giảm bớt áp lực của cuộc suy giảm kinh tế mà nước này đang trải qua; thứ hai là Bắc Kinh muốn “đánh lừa và làm tê liệt kẻ thù”. Ví dụ lừa dối điển hình nhất là việc đích thân ông Tập Cận Bình nói với (cựu Tổng thống Mỹ) Obama rằng Biển Đông sẽ không bị quân sự hóa, nhưng sau đó Bắc Kinh đã thiết lập căn cứ quân sự trên các đảo ở Biển Đông.

Ông Cheng chỉ ra rằng ĐCSTQ thường sử dụng đối thoại như một chiến thuật trì hoãn để câu giờ để có thể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến tiếp theo. ĐCSTQ đã lừa dối Quốc Dân Đảng trong cuộc Nội chiến Trung Quốc theo cách đó. Năm 1946, trong cuộc họp ở Trùng Khánh, Mao Trạch Đông đã hội đàm với nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch và thậm chí còn hét lên "Tưởng Chủ tịch muôn năm". Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Mao Trạch Đông đang triển khai một cuộc chiến tranh mới và phát động ba trận đánh lớn ngay sau khi trở về Diên An.

Ông Cheng Xiang cũng cho rằng ĐCSTQ đội lốt người theo chủ nghĩa hòa bình thông qua các cuộc “đối thoại” để giành được sự ủng hộ của dư luận, đồng thời sử dụng “đối thoại hòa bình” để đưa đối thủ của mình vào thế “bị cáo” vì đã phát động chiến tranh. Bắc Kinh lợi dụng điều này để giành được sự ủng hộ của người dân thường.

Ông Cheng Xiang chỉ ra rằng đằng sau khuôn mặt tươi cười của Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh APEC, "bạn phải hết sức cẩn thận. Đằng sau khuôn mặt tươi cười của ông ta, (hãy xem) những chiến lược quỷ quyệt của ông ta là gì". Ông Cheng Xiang cảm thấy thật đáng tiếc khi một số người tin rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu lại quan hệ hữu nghị thân thiện. “Tôi nghĩ ý tưởng này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về ĐCSTQ”.

Tính toán của Bắc Kinh trong bữa tối với giới doanh nghiệp Mỹ

Cũng trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ăn tối với hàng trăm CEO hàng đầu của Mỹ, với ý đồ muốn những giám đốc điều hành kinh doanh và công nghệ này sẽ trở thành người hòa giải cho mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung.

Cụ thể, vào ngày 15/11, ông Tập đã tham dự một sự kiện ăn tối với hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và các chính trị gia có ảnh hưởng tại khách sạn Hyatt Regency ở San Francisco.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập chỉ ra rằng câu hỏi chính mà mối quan hệ Mỹ - Trung phải đối mặt là “Chúng ta là đối thủ hay đối tác?” Sau đó, ông tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng trở thành “đối tác và bạn bè” của Mỹ.

Tách rời kinh tế Trung Quốc là bài toán không dễ cho Mỹ
(Ảnh: The Epoch Times, Shutterstock)

Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics Inc., nhà xuất bản Tạp chí Rủi ro Chính trị, nói với The Epoch Times rằng các CEO, những người đã trả hàng chục nghìn USD để tham dự bữa tối, đã không nghe được những gì họ muốn nghe: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ cải thiện môi trường hoạt động ngày càng khắc nghiệt cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc.

“Trong bài phát biểu, ông Tập không thừa nhận môi trường kinh doanh đang xấu đi ở Trung Quốc hay sự kiểm soát ngày càng gia tăng của ông đối với nền kinh tế. Về phía ông, đây dường như là vấn đề không thể thương lượng, điều này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ và các nước khác tiếp tục nỗ lực rời khỏi Trung Quốc”.

Vào tháng 4 năm nay, lực lượng cảnh sát của ĐCSTQ bất ngờ đột kích vào văn phòng của hai công ty tư vấn Mỹ – Bain & Co. và Capvision Group – cũng như công ty thẩm định Mintz Group. Vào tháng 5, Bắc Kinh đã cấm sử dụng các sản phẩm của Micron Technology Inc., nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất ở Mỹ, trong các máy tính xử lý cái gọi là “thông tin nhạy cảm”.

Bà Lucia Dunn, giáo sư kinh tế tại Đại học bang Ohio, nói với The Epoch Times rằng bà tin rằng sự thiếu cam kết của ông Tập trong bữa tối thực sự là một động thái có tính toán.

“Tôi chắc chắn rằng ông Tập và các cố vấn của ông có chiến lược đối phó với các CEO phương Tây. Rất nhiều tin tức kinh doanh từ Trung Quốc gần đây cho thấy nước này có thể có kế hoạch dài hạn để thu hẹp quy mô hoặc thậm chí loại bỏ các công ty nước ngoài khỏi Trung Quốc. Vì vậy, tất nhiên, ông Tập sẽ không nói về vấn đề này một cách thẳng thắn vì ông ấy cần các công ty nước ngoài đó trong ngắn hạn để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Ông ấy không muốn tạo ra bất kỳ sự lo ngại nào trong tâm trí họ, nhưng ông ấy cũng không muốn đưa ra bất kỳ lời hứa nào”, bà nói.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tách rời kinh tế Trung Quốc là bài toán không dễ cho Mỹ