Ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh điều tra EU bán phá giá rượu mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Căng thẳng về thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và EU. Các biện pháp trả đũa vốn thường được Bắc Kinh sử dụng như một biện pháp cưỡng bức kinh tế.

Chính quyền Trung Quốc hồi đầu tháng này đã khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh (brandy) nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), một động thái được coi là phản ứng “ăn miếng trả miếng” trước cuộc điều tra của EU về trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện (EV).

Ủy ban Châu Âu đã tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu xe điện của Trung Quốc vào tháng 9/2023, cáo buộc các khoản trợ cấp lớn của nhà nước Trung Quốc đã làm giảm giá xe điện một cách giả tạo và do đó làm bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường.

Cuộc điều tra của EU có thể sẽ dẫn đến các mức thuế trừng phạt đối với xe điện của Trung Quốc.

Đáp trả động thái của EU, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 5/1 thông báo rằng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu do EU sản xuất đã được bắt đầu vào cùng ngày và dự kiến kéo dài tới 24 hoặc 30 tháng. Nó tuyên bố rõ ràng rằng cuộc điều tra này được thực hiện theo yêu cầu của Hiệp hội đồ uống có cồn Trung Quốc, tổ chức được cho là đã nộp đơn kiến nghị vào cuối năm ngoái.

Trong ngày hôm đó, diễn biến trên thị trường của một số tập đoàn rượu lớn ở châu Âu ngay lập tức lao dốc, với cổ phiếu của Remy Cointreau, một nhà sản xuất rượu mạnh lớn, giảm mạnh 10,93% xuống còn 97 euro vào sáng hôm đó.

Theo phân tích của tập đoàn dịch vụ tài chính Oddo BHF, rượu cognac chiếm 2/3 doanh số bán hàng của công ty, trong khi Trung Quốc tiêu thụ gần 30% doanh số bán rượu cognac.

Pernod Ricard, nhà sản xuất rượu mạnh và rượu vang lớn thứ hai thế giới, chứng kiến giá cổ phiếu giảm 4,76%.

Ngay cả gã khổng lồ xa xỉ LVMH (Louis Vuitton Moët Hennessy) cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng khi cổ phiếu của công ty này giảm 1,96% do một phần hoạt động kinh doanh của công ty có liên quan đến rượu vang và rượu mạnh.

Sự lao dốc trong thị trường rượu cũng lan sang các nước EU khác; Campari, một loại rượu mùi (liqueur) điển hình của Ý, chứng kiến cổ phiếu giảm 1,99%. Diageo, công ty sản xuất rượu whisky hàng đầu của Vương quốc Anh, đã chứng kiến mức giảm 1,87%.

Nhà bình luận thời sự Xing Tianxing làm việc tại Mỹ nói với The Epoch Times vào ngày 9/1 rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nhắm mục tiêu vào rượu mạnh brandy của châu Âu như một biện pháp trả đũa nghiêm túc đối với EU vì brandy là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của các nước Châu Âu.

Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,57 tỷ USD rượu vang chưng cất, chẳng hạn như rượu cognac và rượu mạnh (brandy), 99% trong số đó có nguồn gốc từ Pháp.

Theo ông Xing, các biện pháp trả đũa tương tự thường được sử dụng để chống lại các quốc gia khác như một biện pháp cưỡng bức kinh tế của ĐCSTQ, trong đó Úc là một ví dụ rõ ràng.

Vào tháng 4/2020, Úc đã đề xuất một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus COVID-19, vốn đang lây lan khắp thế giới từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc với sự che đậy của chính quyền ĐCSTQ.

Việc chính phủ Úc nhất quyết tìm ra sự thật về dịch bệnh đã khiến ĐCSTQ tức giận. Bắc Kinh, một cách không chính thức, đã cấm nhập khẩu than, đường, lúa mạch, tôm hùm, rượu vang, đồng và gỗ tròn từ Úc. Vào ngày 27/11/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố thực hiện các biện pháp chống bán phá giá đối với rượu vang Úc, áp dụng mức thuế lên tới 212%.

Ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh điều tra EU bán phá giá rượu mạnh
Người dân nếm thử rượu vang đỏ từ Úc tại Triển lãm Thực phẩm và Nông sản ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 5/11/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Trợ cấp của Bắc Kinh đằng sau sự bùng nổ của xe điện Trung Quốc

Ông Xing cho biết, để thống trị thị trường xe điện quốc tế, ĐCSTQ đã bơm một lượng đáng kể tiền quỹ của nhà nước vào các khoản trợ cấp để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện giá rẻ nhằm chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, đây là hành vi “man rợ” nhằm chèn ép các quốc gia khác.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Điều hành EU, tuyên bố tại Nghị viện châu Âu vào ngày 12/9/2023 rằng ủy ban sẽ mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.

“Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện giá rẻ hơn. Và giá của chúng được giữ ở mức thấp giả tạo nhờ những khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước”, bà von der Leyen nói.

Ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh điều tra EU bán phá giá rượu mạnh
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo về Đạo luật Chips tại trụ sở EU ở Brussels, Bỉ, vào ngày 8/2/2022. (Ảnh: Virginia Mayo/AFP qua Getty Images)

“Châu Âu mở cửa cho sự cạnh tranh. Không phải để chạy đua xuống đáy [các bên thi nhau cắt giảm giá trong khi hạ thấp chất lượng và tiêu chuẩn …]”, bà nói.

Bà Sigrid de Vries, tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, cho biết xe điện Trung Quốc đã ảnh hưởng đến “thị phần nội địa của các nhà sản xuất ô tô châu Âu”.

Thương hiệu ô tô Trung Quốc BYD Auto đã mở rộng sang 15 nước châu Âu, dựa vào lợi thế về giá; mẫu xe điện Atto3 của họ là mẫu xe điện bán chạy nhất ở Thụy Điển trong tháng 7.

Lấy ngành năng lượng mặt trời làm ví dụ, bà von der Leyen nói với các thành viên nghị viện châu Âu: “Chúng ta không quên các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến ngành năng lượng mặt trời của chúng ta như thế nào. Nhiều doanh nghiệp trẻ đã bị đẩy ra ngoài cuộc chơi bởi các đối thủ Trung Quốc được trợ cấp ở mức độ lớn. Các công ty tiên phong đã phải nộp đơn xin phá sản”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã ủng hộ quyết định của EU trong việc điều tra các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc đối với xe điện.

Ông Le Maire cho biết: “Nếu những khoản trợ cấp đó không tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế, châu Âu cần có khả năng đưa ra biện pháp ứng phó, để duy trì tính cạnh tranh và bảo vệ lợi ích kinh tế của mình”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng từ năm 2009 đến năm 2021, chế độ ĐCSTQ đã tung các khoản trợ cấp tài chính ít nhất lên tới 129,5 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 18 tỷ USD) cho ngành công nghiệp xe điện, hỗ trợ hơn 1.959.900 phương tiện EV.

Ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh điều tra EU bán phá giá rượu mạnh
Những chiếc ô tô điện xuất khẩu đang chờ được xếp lên "BYD Explorer NO.1", một con tàu sản xuất trong nước nhằm phục vụ xuất khẩu ô tô Trung Quốc, tại cảng Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vào ngày 10/1/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Được thúc đẩy bởi các lượng tiền hỗ trợ khổng lồ, doanh số bán xe điện của Trung Quốc đã tăng hơn 260 lần trong 12 năm, từ 5.209 chiếc năm 2009 lên 1.367.000 chiếc vào năm 2020, với mức tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước trong các năm 2009, 2014 và 2015. 10 tháng đầu năm 2021, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, doanh số bán xe điện vẫn vượt 2,5 triệu chiếc.

Ông Xing tin rằng cách tiếp cận của ĐCSTQ trái ngược với cách vận hành của thị trường quốc tế, và “nó [ĐCSTQ] sử dụng kiểu cưỡng bức kinh tế này như một vũ khí chiến lược, đầu tiên là xâm chiếm thị trường nước ngoài, sau đó lôi kéo các chính trị gia lùi bước đối với lợi ích kinh tế, do đó gây ảnh hưởng hoặc thao túng hơn nữa các cường quốc phương Tây”.

Vì vậy, nếu tất cả các quốc gia đoàn kết và áp dụng các biện pháp tự bảo vệ, điều đó sẽ ngăn chặn âm mưu của ĐCSTQ, ông Xing nói thêm.

Nhân viên truyền thông Lai Yiming cho rằng việc ĐCSTQ mở rộng ra nước ngoài thông qua ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc là một “chính sách thương mại hạn hẹp” nhằm chèn ép các đối tác thị trường khác, khiến các doanh nghiệp ngoại thương của Trung Quốc chịu thiệt hại đáng kể.

Ông Lai nói: “Đó cũng là một phần trong mô hình tự hủy diệt của chế độ toàn trị”.

Gia đình ông Tập tham gia vào lĩnh vực xe điện

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU vào tháng 12/2023, một tổ chức tư vấn của Mỹ đã đăng một bài báo nói rằng sự tham gia của gia đình nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào hoạt động kinh doanh xe điện của Trung Quốc đã làm phức tạp thêm nỗ lực của châu Âu trong việc buộc Bắc Kinh tuân thủ các quy định.

Vào ngày 27/11/2023, Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), một tổ chức tư vấn của Mỹ có trụ sở tại Washington, đã công bố một bài báo cho biết Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michelle sẽ tới Bắc Kinh vào tháng sau đó để tham gia hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi cả hai đến Bắc Kinh, họ không chỉ phải đối mặt với thời tiết lạnh giá ở khu vực này mà còn phải xử lý những vấn đề phức tạp giữa Trung Quốc và châu Âu, bao gồm cả vấn đề trợ cấp xe điện.

Ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh điều tra EU bán phá giá rượu mạnh
Những chiếc ô tô điện BYD đang chờ xếp lên tàu được xếp chồng lên nhau tại bến container quốc tế tại Cảng Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 11/9/2023. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)

Bài báo nêu rằng các thành viên trong gia đình ông Tập Cận Bình tham gia vào ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc và được hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ cũng như việc xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện mới. Nhân vật chủ chốt trong số họ là ông Daniel Foa, một người Anh lớn lên ở Wimbledon và kết hôn với bà Wu Yaning, con gái của bà Qi An'an, chị gái của ông Tập Cận Bình.

Mùa hè năm vừa rồi, khi Fisker, một công ty khởi nghiệp sản xuất ô tô điện đang gặp khó khăn của Mỹ, tuyên bố sẽ thành lập một trung tâm giao hàng ở Thượng Hải, ông Daniel Foa đã xuất hiện và trở thành thành viên ban giám đốc tại Trung Quốc của công ty này.

Ông Daniel Foa chuyển đến Trung Quốc vào năm 2005, tham gia một loạt dự án liên doanh năng lượng sạch và sau đó kết hôn với bà Wu Yaning, cháu gái của ông Tập Cận Bình.

Bài báo trích dẫn lời giới thiệu về ông Daniel Foa trên tạp chí The Atlantic Magazine rằng: “Vì vậy, cùng một anh chàng từng đi chơi ở các quán bar tồi tàn dành cho người nước ngoài ở Bắc Kinh giờ đây tiếp đãi các CEO và các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn”.

Bài báo cho rằng Fisker vẫn đang trong tình cảnh khó khăn do sự cạnh tranh từ xe điện Tesla và nhiều nhà sản xuất xe điện địa phương của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc có phần cảnh giác với tỷ phú Elon Musk và muốn giảm thiểu rủi ro thông qua những người mà họ tin tưởng. Thế là ông Daniel Foa đã xuất hiện.

Bài báo chỉ ra rằng việc gia đình ông Tập Cận Bình tham gia vào ngành công nghiệp xe điện và do đó có liên quan tới tranh chấp lớn giữa Trung Quốc và EU sẽ không làm Von der Leyen và nhóm của bà ngạc nhiên mà thay vào đó sẽ làm tăng sự tự tin và năng lực đàm phán của họ với Bắc Kinh.

“Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) ngày càng sử dụng biện pháp ép buộc thương mại, tẩy chay các sản phẩm châu Âu và kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu thô quan trọng”. Bà Von der Leyen tiếp tục: “Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) thúc đẩy một trật tự toàn cầu có thứ bậc và lấy Trung Quốc làm trung tâm. Nó thúc đẩy một kế hoạch bỏ qua các quy tắc quốc tế và nhấn mạnh tầm quan trọng của lợi ích quốc gia. Điều này trái với lợi ích và giá trị của chúng tôi”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh điều tra EU bán phá giá rượu mạnh