Giữa căng thẳng với phương Tây, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang căng thẳng, sự độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm một lần nữa gây chú ý với biện pháp thắt chặt kiểm soát xuất khẩu mới đây của Bắc Kinh.

Trung Quốc hôm thứ Ba (7/11) đã yêu cầu các công ty thương mại báo cáo thông tin xuất khẩu đất hiếm theo thời gian thực. Đây là một phần trong nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm kiểm soát chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây.

Theo một tuyên bố được công bố trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, các nhà xuất khẩu khoáng sản đất hiếm phải báo cáo ngay các chi tiết như điểm đến, số lượng, chi tiết vận chuyển và các thông tin giao dịch khác. Các hạn chế mới có hiệu lực từ ngày 31/10/2023 và kéo dài trong hai năm.

Các quy định mới là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm thắt chặt sự kiểm soát đối với đất hiếm, một nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong nhiều thứ, từ công nghệ thương mại như ô tô điện đến thiết bị quân sự. Trung Quốc, nhà cung cấp đất hiếm ‘độc quyền’ trên thế giới, đã yêu cầu các nhà xuất khẩu phải có giấy phép để vận chuyển mặt hàng nguyên liệu quan trọng.

Trách nhiệm báo cáo theo thời gian thực về đất hiếm là một phần trong quyết định của Bộ Thương mại nhằm sửa đổi các quy định xuất nhập khẩu đối với hàng hóa số lượng lớn đã được công bố hai năm trước.

Nhưng khoáng sản đất hiếm là sản phẩm duy nhất trong danh sách xuất khẩu. Các mặt hàng khác có tên trong các quy định công bố vào thứ 3 đều nằm trong danh sách nhập khẩu, bao gồm dầu thô, quặng sắt, tinh quặng đồng và phân kali.

Vị thế thống trị của Trung Quốc về đất hiếm

Hiện chưa rõ quy định mới của Trung Quốc sẽ được thực hiện như thế nào và nó sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu ở mức độ nào.

Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Theo dữ liệu do Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) tổng hợp, vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 70% hoạt động khai thác đất hiếm trên toàn cầu, tăng từ mức 59% vào năm 2021.

Ở cấp độ chế biến, Trung Quốc chiếm 85% năng lực toàn cầu trong việc biến khoáng sản khai thác thành nguyên vật liệu có thể sử dụng cho các nhà sản xuất, theo một nghiên cứu năm 2019 của Adamas Intelligence, một công ty tư vấn.

Mỹ nhập khẩu hầu hết đất hiếm từ Trung Quốc, mặc dù sự phụ thuộc đó đã giảm bớt trong những năm gần đây. Dữ liệu của USGS cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2021, Trung Quốc chịu trách nhiệm cung cấp 74% đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ, giảm từ mức 80% trong giai đoạn 2014-2017.

Giữa căng thẳng với phương Tây, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm
Một người đi xe đạp đeo khẩu trang khi đi dọc con đường bụi bặm, nơi có hàng chục nhà máy xử lý đất hiếm, sắt và than ở gần thành phố Bao Đầu ở Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)

Trong khi đó, gần như toàn bộ nguồn cung (98%) đất hiếm cho Liên minh châu Âu đến từ Trung Quốc, khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu của khối 27 quốc gia phải cân nhắc lại về sự phụ thuộc của họ trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Bắc Kinh về thương mại và sự hỗ trợ của nước này dành cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Ủy ban Châu Âu đã trình bày kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng vào đầu năm nay.

Lời cảnh tỉnh

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng sự độc quyền về đất hiếm và các nguyên vật liệu quan trọng khác làm công cụ mặc cả, đặc biệt là trong các cuộc cạnh tranh thương mại với Mỹ. Trung Quốc đã chỉ định đất hiếm là nguyên liệu chiến lược từ năm 1990.

Thật vậy, chính quyền Trung Quốc đã tạm thời chặn việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 khi căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á leo thang liên quan đến các hòn đảo tranh chấp sau vụ bắt giữ thuyền trưởng một tàu Trung Quốc.

Năm 2019, cơ quan kế hoạch nhà nước đầy quyền lực của Trung Quốc đã đe dọa hạn chế bán đất hiếm cho Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen. Huawei là gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với quân đội ĐCSTQ.

Với căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang lại sôi sục, sự thống trị của Bắc Kinh đối với các nguyên vật liệu quan trọng lại được rà soát.

Vào tháng 7/2023, Bộ thương mại Trung Quốc đã công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu hai kim loại hiếm để sản xuất chất bán dẫn – gali và gecmani – như một sự trả đũa đối với Mỹ và các nước phương Tây khác đối với những nỗ lực của họ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các con chip tiên tiến.

Theo Liên minh Nguyên liệu thô Quan trọng, Trung Quốc chiếm 80% sản lượng gali trên thế giới và 60% sản lượng gecmani trên thế giới.

Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Bắc Kinh có thể không gây ra sự gián đoạn ngay lập tức trong chuỗi cung ứng của Mỹ, nhưng các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng chúng nên là lời cảnh tỉnh đối với phương Tây, cảnh báo rằng Bắc Kinh đang tìm kiếm đòn bẩy trong cuộc cạnh tranh thương mại với Washington.

Thông báo hôm thứ Ba từ Bộ thương mại Trung Quốc được đưa ra trước cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và người đồng cấp Trung Quốc Hà Lập Phong tại San Francisco trong tuần này. Vẫn chưa chắc chắn liệu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc có được thảo luận trong cuộc đàm phán kéo dài hai ngày của họ hay không. Đây vốn là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ song phương.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng vì nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả các cuộc gây hấn quân sự của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, cũng như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư của Mỹ đối với các công nghệ tiên tiến nhằm chống lại quá trình hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh.

Cuộc gặp giữa bà Yellen và ông Hà sẽ diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), bắt đầu vào ngày 11/11/2023. Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị APEC, sự kiện có thể đánh dấu cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo sau một năm. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận liệu ông Tập có tới dự hội nghị thượng đỉnh hay không.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giữa căng thẳng với phương Tây, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm