Hạn chế xuất khẩu kim loại chỉ càng khiến Trung Quốc thêm cô lập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hạn chế xuất khẩu kim loại là một bước đi không khôn ngoan đối với phía Trung Quốc. Các cố vấn của ông Tập Cận Bình có khả năng đang tư vấn cho ông Tập những gì ông ấy muốn nghe, dẫn đến một sai lầm chiến lược lớn.

Trong diễn biến đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gali và germani. Hai khoáng sản mà Bắc Kinh có kế hoạch hạn chế bắt đầu từ ngày 01/08 có vai trò rất quan trọng đối với các sản phẩm công nghệ cao như chip máy tính, xe điện, radar, thiết bị nhìn đêm, hệ thống phòng thủ tên lửa, sợi quang, đèn LED và ảnh vệ tinh.

Trung Quốc sản xuất khoảng 60% germani và hơn 90% gali của thế giới, mang lại cho nước này đòn bẩy.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được nhiều người coi là sự trả đũa đối với các hạn chế của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan đối với chip và thiết bị phức tạp cần thiết để sản xuất chip. Chúng cũng có thể nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt ở Trung Quốc, theo các chuyên gia được truyền thông Hong Kong trích dẫn.

Theo Reuters, một số kim loại khác, như indi, cũng sẽ bị cho vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Indi được cho là ít bị hạn chế hơn.

Thời điểm đưa ra thông báo diễn ra chỉ vài ngày trước chuyến công du Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen. Nó sẽ mang lại cho Bắc Kinh một con bài mặc cả trong nỗ lực ngăn chặn các biện pháp hạn chế của Mỹ, bao gồm cả đối với lĩnh vực điện toán đám mây.

Hạn chế xuất khẩu kim loại chỉ càng khiến Trung Quốc thêm cô lập
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 06/07/2023. (Ảnh: Mark Schiefelbein/Pool/AFP qua Getty Images)

Vào tháng 5, Bắc Kinh đã cấm chip của công ty Công nghệ Micron trong hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng của họ, bao gồm cả cơ sở hạ tầng thông tin được sử dụng bởi các ngân hàng lớn và các công ty viễn thông.

Không hiệu quả

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh thực sự nghĩ rằng các biện pháp kiểm soát mới của họ sẽ là con bài mặc cả hiệu quả, thì họ nên biết rằng Washington có các lựa chọn khác. Vào ngày 06/07, Lầu Năm Góc thông báo rằng họ có kho dự trữ chiến lược germani (mặc dù không phải là gali).

Vào ngày 05/07, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ cho biết các biện pháp kiểm soát mới của Bắc Kinh “nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác của chúng ta để giải quyết vấn đề này và xây dựng sự vững chắc trong các chuỗi cung ứng quan trọng”.

Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan cho biết: “Kiểm soát xuất khẩu… là một yếu tố tăng tốc để khiến các quốc gia bao gồm Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào nguồn cung cấp những nguyên liệu quan trọng đó của Trung Quốc”.

Hàn Quốc, một nhà sản xuất chip hàng đầu, nói rằng ngay cả tác động ngắn hạn của các biện pháp kiểm soát mới của Trung Quốc cũng sẽ là hạn chế.

Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết các biện pháp kiểm soát “chỉ là bước khởi đầu” và có thể mở rộng nếu phương Tây tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc.

Bộ trưởng kinh tế Đức cho biết, bất kỳ sự mở rộng nào, chẳng hạn như đối với lithi được sử dụng trong pin, sẽ là “có vấn đề”. Những hạn chế đối với xuất khẩu than chì của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu.

Các nguồn gali và gecmani thay thế có thể được tìm thấy ở các bang Alaska, Tennessee và Washington, và từ phế liệu tái chế.

Các kim loại này cũng có thể được mua từ Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức và Bỉ.

Một nguồn tin trong ngành cho biết, các quy trình tinh chế được tăng tốc ở các quốc gia này có thể mất vài năm để thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu hiện tại từ Trung Quốc.

Điều này sẽ làm tăng giá chip máy tính trong ngắn hạn nhưng sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong dài hạn.

Vào ngày 04/07, công ty Nyrstar có trụ sở tại Hà Lan đã thông báo rằng họ sẽ tìm cách sản xuất gali và germani tại Mỹ, châu Âu và Úc.

Một số người cho rằng rằng các hạn chế đối với gali và gecmani là không quan trọng so với than chì hoặc liti, và do đó các biện pháp hạn chế này chỉ là những lời đe dọa. Tuy nhiên, chúng dường như là không khôn ngoan ngay cả từ góc nhìn của Bắc Kinh. Chúng đã cảnh báo cho Mỹ và các đồng minh và khuyến khích việc phòng ngừa bằng cách hủy liên kết đối với các chuỗi cung ứng chiến lược từ Trung Quốc. Các cố vấn của ông Tập Cận Bình có khả năng đang tư vấn cho ông Tập những gì ông ấy muốn nghe, dẫn đến một sai lầm chiến lược lớn.

Các hạn chế của ĐCSTQ đối với các nguyên tố đất hiếm (REE) đối với Nhật Bản vào năm 2010 cũng phản tác dụng. Tokyo tương đối dễ dàng tìm thấy các nguồn thay thế, bao gồm thông qua đầu tư vào một nhà sản xuất REE của Úc và xác định các địa điểm khai thác dưới biển trong lãnh hải Nhật Bản. Các lệnh cấm đã làm tổn hại danh tiếng của Trung Quốc như một nhà cung cấp đáng tin cậy.

Ngày nay, Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng khai thác REE toàn cầu và 85% quy trình tinh chế của nó. Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này, nơi tạo ra nhiều chất thải độc hại, một phần là do luật môi trường lỏng lẻo.

Mỹ, Úc, Thái Lan và Myanmar cũng khai thác hoặc tinh chế REE, mặc dù ở mức độ thấp hơn nhiều. Việt Nam, Nga, Brazil và Ấn Độ có trữ lượng REE lớn. Nga và Cộng hòa Dân chủ Congo đều cho biết họ có thể tăng nguồn cung.

Sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với nhập khẩu REE đã giảm từ khoảng 80% trong giai đoạn 2014-2017 xuống còn khoảng 74% hiện nay. Các hạn chế đối với gali và gecmani sẽ đẩy nhanh xu hướng này trên tất cả các chuỗi cung ứng quan trọng.

Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lợi dụng ngành công nghiệp kim loại của họ để chống lại Mỹ và các đồng minh chỉ càng cô lập đất nước này về kinh tế và công nghệ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Hạn chế xuất khẩu kim loại chỉ càng khiến Trung Quốc thêm cô lập