Bắc Kinh xóa thông tin về sản xuất xe điện dư thừa giữa những lo ngại của phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin về tình trạng dư thừa trong lĩnh vực ô tô năng lượng mới của Trung Quốc đã nhanh chóng bị xóa bỏ. Đây vốn là tâm điểm của những quan ngại gần đây của phương Tây.

Chính quyền Trung Quốc đã xóa thông tin về dư thừa sản xuất trong lĩnh vực ô tô năng lượng mới của Trung Quốc khỏi trang web chính thức. Điều này xảy ra khi cả Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đều bày tỏ những quan ngại nghiêm trọng về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc và việc bán phá giá hàng hóa ở thị trường phương Tây.

Các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng các khoản trợ cấp của chính phủ đã gây ra sự cạnh tranh ác tính, gây tổn hại cho cả nền kinh tế nội địa Trung Quốc cũng như nền kinh tế của các nước khác.

Trung tâm Giám sát Giá của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu theo dõi trên trang web chính thức của mình vào thứ 2 (22/4), cho thấy giá xe năng lượng mới ở Thâm Quyến nhìn chung đã giảm kể từ đầu năm, với mức giảm thông thường khoảng 5% đến 10%. Trong số đó, giá 10 loại xe sử dụng năng lượng mới được theo dõi đã giảm, với mức giảm lớn nhất là BYD Song PLUS New Energy (mẫu xe chủ lực DM-i 110KM). Giá giảm từ 154.800 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 21.000 USD) vào đầu năm xuống còn 139.800 CNY (khoảng 19.000 USD), giảm 9,69%.

Trung tâm giám sát cho biết, việc giảm giá ô tô năng lượng mới chủ yếu là do thị trường thừa cung, chi phí pin giảm, hiệu suất sản xuất tăng và lợi thế do toàn bộ chuỗi ngành mang lại.

Trung tâm dự đoán sự cạnh tranh về phương tiện sử dụng năng lượng mới sẽ vô cùng khốc liệt vào năm 2024. Cuộc chiến về giá có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vào ngày 26/4, thông tin trên đã không còn có thể được tìm thấy trên trang web chính thức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Tuy nhiên, cả các phương tiện truyền thông quốc tế và phương tiện truyền thông Trung Quốc đều đăng lại và trích dẫn dữ liệu trong các bài báo của họ, cho rằng cuộc chiến giá cả đối với ô tô điện và xe plug-in hybrid đã gia tăng trong năm nay do tình trạng dư cung.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết vào ngày 25/4 rằng Hoa Kỳ sẽ không loại bỏ bất kỳ lựa chọn nào để đáp trả năng lực sản xuất công nghiệp dư thừa của Trung Quốc.

Bà Yellen đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc về tình trạng dư thừa công suất.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 4, bà nhấn mạnh rằng bà đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc đang khiến thị trường toàn cầu tràn ngập với xe điện (EV), tấm pin mặt trời và các hàng hóa năng lượng mới khác, điều là kết quả của sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô về dài hạn của Trung Quốc. Sự mất cân bằng xuất hiện giữa tiêu dùng hộ gia đình yếu và đầu tư doanh nghiệp quá mức. Bà Yellen cho rằng sự hỗ trợ to lớn của ĐCSTQ đối với các lĩnh vực công nghiệp cụ thể đã làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng và đe dọa việc làm cũng như hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Thủ tướng Đức cũng nêu vấn đề này trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng này.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phủ nhận tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 16/4, nói rằng cả cung và cầu đều mang tính toàn cầu và lợi thế của ngành năng lượng mới của Trung Quốc không phải được hình thành nhờ trợ cấp của chính phủ cho các ngành công nghiệp.

Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã lên án cáo buộc của Hoa Kỳ vào ngày 23/4, cho rằng đó là “ý đồ hiểm độc nhằm kiềm chế và đàn áp sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc, nhằm tìm kiếm vị thế cạnh tranh và lợi thế thị trường thuận lợi hơn”.

Phó giáo sư Sun Guoxiang của Đại học Nanhua ở Đài Loan nói với The Epoch Times rằng các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ chính sách năng lượng mới của ĐCSTQ, vốn là một phần trong các khoản trợ cấp trá hình của chính phủ nhằm thúc đẩy tình trạng dư thừa công suất hiện tại của Trung Quốc trong ngành năng lượng mới.

Bắc Kinh xóa thông tin về sản xuất xe điện dư thừa giữa những lo ngại của phương Tây
Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất tấm pin mặt trời cho đơn đặt hàng từ Ấn Độ tại một nhà máy của GCL (Group) Holding Co., Ltd ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 5/1/2022. (Ảnh: Ruan Xuefeng/VCG qua Getty Images)

Phương Tây bị báo động, Trung Quốc gặp khó khăn

Trung Quốc đang bán phá giá “ba sản phẩm xanh mới” trên khắp thế giới: tấm pin mặt trời, xe điện và pin lithium để thúc đẩy nền kinh tế, dưới khẩu hiệu phát triển “lực lượng sản xuất mới”. Điều này đã báo động EU và Hoa Kỳ.

Giáo sư Cheng Cheng-Ping của Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Yunlin của Đài Loan, nói với The Epoch Times: “Trung Quốc hiện đang phải chịu tình trạng sản xuất quá mức, giá cả trong nước giảm mạnh và giảm phát xảy ra khắp nơi. Bây giờ người dân không tiêu thụ [hàng hóa]. Nhìn về tương lai, họ ngày càng cảm thấy bi quan và bất mãn về mặt xã hội. Sự bất mãn sẽ tiếp tục trầm trọng hơn, điều này cũng sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho sự ổn định của chế độ”.

Giáo sư Qiu Wanjun, tới từ Khoa Tài chính tại Đại học Đông Bắc ở Boston, nói với The Epoch Times rằng tình trạng dư thừa công suất thực sự là một vấn đề mà ĐCSTQ phải đối mặt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa công suất là do chính sách trợ cấp của nhà nước vì Trung Quốc vẫn có một hệ thống kinh tế kế hoạch. Ngoài ra, toàn bộ môi trường kinh tế của Trung Quốc không khuyến khích những đổi mới mới.

“Mọi người đều chạy theo xu hướng một cách vội vàng, tình trạng dư thừa công suất đương nhiên sẽ xảy ra. Cuối cùng, đó sẽ không phải là cuộc cạnh tranh về chất lượng mà là cuộc chiến về giá”, ông nói.

Nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc làm việc tại Hoa Kỳ, ông Vương Hách, nói với The Epoch Times rằng cần có một khoảng thời gian điều chỉnh đối với tình trạng dư thừa công suất. Nếu là nền kinh tế thị trường tự do, sau những điều chỉnh ngắn hạn và trung hạn từ nửa năm đến hai hoặc ba năm, tình hình sẽ trở lại bình thường.

“Tuy nhiên, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình muốn sử dụng sự kiểm soát độc đoán để phát triển nền kinh tế, hoàn toàn đi chệch khỏi logic của nền kinh tế. Tình trạng dư thừa công suất đang đặt ông Tập vào tình thế rất khó khăn”, ông nói.

“Vấn đề lớn nhất là nhu cầu nội địa của Trung Quốc không đủ và cơ cấu kinh tế của nước này đã sắp xếp sai mối quan hệ giữa sức tiêu dùng và đầu tư. Cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc tiếp tục xấu đi. ĐCSTQ đã đưa ra nhiều chính sách nhưng không có chính sách nào có hiệu quả. Bây giờ, họ đang bán phá giá hàng hóa trên toàn cầu, điều này sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

Ông cho rằng chính sách bán phá giá hàng hóa mạnh mẽ trên toàn cầu của ĐCSTQ gây ra mối nguy hiểm lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu.

Ông Vương cho rằng việc bán phá giá sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nước khác. “Nhiều quốc gia đang sử dụng các chính sách thương mại và điều tra chống bán phá giá để ngăn chặn xuất khẩu ‘ba sản phẩm xanh mới’ của Trung Quốc, và sau đó một cuộc chiến thương mại sẽ nổ ra để kiềm chế ĐCSTQ về mặt kinh tế”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh xóa thông tin về sản xuất xe điện dư thừa giữa những lo ngại của phương Tây