Đảo Kim Môn: Nơi đầu tiên Trung Quốc châm ngòi cuộc chiến với Mỹ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảo Kim Môn nằm ven biển Đông Nam Phúc Kiến, tuy chỉ là hòn đảo nhỏ bé nằm đơn lẻ ngoài biển, nhưng nổi tiếng trong lịch sử với Trận pháo chiến ngày 23/8/1958 khi Mao Trạch Đông bất ngờ ra lệnh tấn công quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch trên hòn đảo này. Đó là trận pháo kích lớn nhất lịch sử Trung Quốc, khiến Mỹ, Liên Xô và toàn thế giới sửng sốt. Trong 2 giờ liền, hơn 50 nghìn quả đạn đã dội xuống hòn đảo nhỏ bé này.

Trận chiến kể trên kéo dài 21 năm, người Trung Quốc gọi là “Kim Môn pháo chiến”, người Đài Loan gọi là “8.23 pháo chiến”. Đầu năm 1979, trận chiến kết thúc do Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Từ đó Đài Loan bước vào thời kỳ cất cánh kinh tế, đến thập niên 1990 trở thành một trong bốn “Con rồng châu Á”. Trận pháo chiến trở thành cột mốc lịch sử đối với Đài Loan.

Thế nhưng ngày nay, hòn đảo lịch sử có tính trọng yếu này có thể là khởi đầu cho sự rạn nứt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Kinh tế Trung Quốc đứng trước bờ vực sụp đổ?

Một thực tế ai cũng biết là Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình hình kinh tế tiêu cực toàn diện, trong đó “cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và tiền tệ” đều đang đứng trước vực thẳm. Nhưng trước khi phân tích các phương án mà Trung Quốc có thể áp dụng, một điểm quan trọng cần phải nhìn rõ là ông Tập Cận Bình không thể từ bỏ đường lối chính sách mà ông vẫn luôn thực hiện trong 12 năm qua.

Kể từ khi bắt đầu nhậm chức, ông Tập đã dấn thân vào một cuộc chiến kéo lâu dài chống lại nguồn vốn tư nhân, nhằm giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn của chính quyền đối với nền kinh tế. Khi nguồn vốn tư nhân phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc trong 40 năm cải cách hệ thống kinh tế vừa qua, nó đã trở thành một cây đại thụ bén rễ sâu ở Trung Quốc. Để giành chiến thắng trong cuộc chiến này, đồng thời giảm thiểu tác động hết mức đối với chính phủ, ông Tập đã áp dụng chính sách “ba bước tiến, hai bước lùi” (tức là: tiến lên ba bước, bị phản đối, lùi lại hai bước, rốt cuộc vẫn tiến được một bước).

Nhìn bề ngoài, cách tiếp cận “ba bước tiến và hai bước lùi” này dường như có nghĩa là ông Tập luôn ngả nghiêng trái phải. Nhưng trên thực tế, nhìn lại những thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, không khó để nhận thấy đường hướng chính sách của ông Tập chưa bao giờ thay đổi.

Cùng với sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù các phương tiện truyền thông chính thống ngày càng ít đề cập đến cái gọi là “phương Đông đi lên, phương Tây đi xuống”, song ông Tập vẫn chưa bao giờ ngừng thúc đẩy một “cộng đồng chung vận mệnh”. Vấn đề là, có bao nhiêu người trên thế giới này, đặc biệt là bao nhiêu người ở thế giới phương Tây, sẵn sàng trở thành một cộng đồng có chung vận mệnh với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)? Vì vậy, nếu ông Tập muốn hiện thực hóa một “cộng đồng chung vận mệnh” thì điều kiện tiên quyết chỉ có thể là “phương Đông đi lên, phương Tây đi xuống”. Mà nền tảng để Bắc Kinh đạt được “phương Đông đi lên, phương Tây đi xuống” lại chính là ĐCSTQ trước tiên phải giành toàn quyền kiểm soát nền kinh tế trong nước.

Nguyên nhân rất đơn giản. Vốn tư nhân Trung Quốc và nước ngoài đã tạo nên kỳ tích kinh tế của Trung Quốc sẽ chỉ khiến Trung Quốc ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thị trường của phương Tây, đồng thời thúc đẩy hệ thống chính trị của Trung Quốc ngày càng bị phương Tây hóa. Song điều đó là tuyệt đối không thể, và Bắc Kinh sẽ không cho phép hệ thống kinh tế và chính trị phương Tây ngày càng bám rễ sâu ở Trung Quốc. Điều ông Tập muốn là thế giới phương Tây trở thành một phần trong “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ” của Trung Quốc, chứ không phải khiến Trung Quốc trở thành một phần của thế giới dân chủ phương Tây. Vì vậy, khi tấn công vốn tư nhân, ông Tập cũng có thể điều chỉnh nhịp độ và tốc độ thăng tiến của mình, nhưng lại không thể quay đầu lại.

Một ví dụ đơn giản là trong Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở San Francisco vào tháng 11 năm ngoái, ông Tập đã mời các lãnh đạo doanh nghiệp và tài chính Mỹ ăn tối và mời họ đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng đồng thời, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Tập đã yêu cầu chính phủ Mỹ hỗ trợ Bắc Kinh trong việc thống nhất Đài Loan. Một trong những lý do quan trọng nhất khiến vốn nước ngoài rời khỏi Trung Quốc là những rủi ro địa chính trị do căng thẳng ở eo biển Đài Loan mang lại. Vậy thử hỏi, ông Tập Cận Bình làm như vậy là đang mời gọi đầu tư nước ngoài hay là xua đuổi đầu tư nước ngoài?

Trung Quốc vừa không chi tiền để giúp đỡ những nhà phát triển bất động sản tư nhân đang gặp khó khăn, cũng như không thể thực hiện các biện pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tháo chạy khỏi Trung Quốc. Dưới sự cai trị tập trung hóa của ông Tập, các chuyên gia kinh tế đã bị gạt ra ngoài lề và những phản hồi mà các nhà lãnh đạo từng nhận được giờ chỉ còn là lời tâng bốc. Một lý do nữa là ông Tập đặt an ninh quốc gia lên trên thịnh vượng kinh tế. Trung Quốc phải chuẩn bị cho cuộc đấu tranh sắp tới với Mỹ, ngay cả khi phải trả giá. Đó là một sự thay đổi sâu sắc so với những năm 1990, và những tác động xấu của nó sẽ được cảm nhận rõ ràng ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới.

Khả năng và địa điểm có thể xảy ra chiến tranh?

Do khả năng giải quyết vấn đề từ cấp độ kinh tế là rất nhỏ, vậy nên trong quá trình quay trở lại nền kinh tế kế hoạch, một khi xảy ra những cuộc khủng hoảng chính trị, tài chính và xã hội mà không thể kiểm soát, biện pháp cuối cùng của Trung Quốc để tiếp tục sự cai trị của mình là: kiểm soát quân sự. Mà cái cớ tốt nhất để phát động thiết quân luật chính là chiến tranh.

Nhiều người cho rằng ĐCSTQ sẽ không thực sự xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, vì quân đội của họ không có đủ sức chiến đấu. Nhưng tiền đề của tuyên bố này là việc chiếm lĩnh hoàn toàn đối với Đài Loan. Bắc Kinh để giải quyết cuộc khủng hoảng đang gặp phải trong nước, vốn không cần thiết phải chiếm toàn bộ lãnh thổ Đài Loan. Tất cả những gì Bắc Kinh cần chỉ là một cái cớ để tiến hành thiết quân luật trong nước.

Bước vào tình trạng chiến tranh hoặc sẵn sàng chiến tranh với Hoa Kỳ và thế giới phương Tây là cái cớ tốt nhất để Trung Quốc thực hiện việc huy động và kiểm soát quân sự trên toàn quốc. Cách dễ gây ra tình trạng này nhất là xảy ra chiến tranh với Đài Loan, Nhật Bản hoặc Philippines. Từ việc phân tích những khả năng này, nơi có nhiều khả năng xảy ra chiến tranh nhất chính là Kim Môn, Mã Tổ và các đảo khác gần bờ biển Trung Quốc. Vì sao lại như vậy?

Thứ nhất, nó củng cố địa vị hạch tâm của ông Tập Cận Bình: Ngay cả khi quân đội Trung Quốc chỉ chiếm được một đảo Kim Môn, ông Tập Cận Bình cũng đã hoàn thành một nhiệm vụ mà các nhà lãnh đạo tối cao tiền nhiệm của ĐCSTQ là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, muốn hoàn thành, nhưng chưa bao giờ đạt được. Đây sẽ là sự đảm bảo chưa từng có để bảo vệ vị thế “nhất tôn” (lãnh đạo duy nhất) của ông Tập Cận Bình, cũng có thể cho phép đội ngũ Bộ Chính trị hiện tại có đủ công trạng để bàn giao cho đảng.

Thứ hai, nó tăng cường khả năng tuyên truyền của Bắc Kinh: Từ việc lấy duy trì sự thống trị của Bắc Kinh làm xuất phát điểm, bộ máy tuyên truyền trong hệ thống cần có được nguồn lực tẩy não khổng lồ từ chiến tranh để tẩy não xã hội Trung Quốc. Đặc biệt là khi đứng trước thách thức suy thoái kinh tế kéo dài, “đại nghiệp thống nhất” sẽ là biện pháp cuối cùng để kích động tình cảm dân tộc và tăng cường gắn kết xã hội cho chính quyền.

Thứ ba, nó tạo cớ để kiểm soát quân sự trong nước. Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ đưa đến các hành động dây chuyền từ Nhật Bản, Mỹ, Úc và toàn bộ NATO. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc thì không cần phải nói, việc huy động tương ứng các lực lượng hải quân, lục quân và không quân cũng sẽ được thực hiện. Mà tất cả những điều này đều có thể được bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc giải thích là hành vi thù địch nhằm lật đổ ĐCSTQ, và trở thành lý do để Trung Nam Hải tiến hành kiểm soát quân sự đối với các tỉnh ven biển, thậm chí cả nước.

Thứ tư, nó có lợi thế về địa lý: Đảo Kim Môn cách Trung Quốc chỉ chưa đầy 2 km, đảo Mã Tổ cách Trung Quốc cũng không đến 10 km. Quân đội quốc gia năm đó đóng quân ở khu vực này có 10 sư đoàn, quân số 100.000 người. Nhưng hiện giờ có rất ít quân. Một khi quân đội Trung Quốc mở cuộc tấn công bất ngờ, hai hòn đảo này có thể sẽ trở tay không kịp. Trung Quốc có thể đạt được những hiệu quả chính trị tiếp theo từ mưu đồ của mình với tổn thất tối thiểu.

Điều đáng nói nữa là nếu Trung Quốc kích động xung đột ở những nơi như Đông Sa hay Trường Sa, nó cũng có thể chuyển hướng sự chú ý khỏi xung đột trong nước ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, xung đột ở những khu vực này khó có thể leo thang đến mức cần phải có sự kiểm soát quân sự trên toàn quốc hoặc ở các tỉnh ven biển.

Chiến lược lâu dài của ông Tập Cận Bình

Sau khi nhậm chức, ông Tập không ngừng thắt chặt quan hệ với Nga, Iran, Triều Tiên, chế độ Taliban ở Afghanistan và các nước khác thông qua nỗ lực ngoại giao, từng bước hình thành liên minh trên lục địa Á - Âu với mục tiêu chung là chống Mỹ. Hơn nữa, dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc và sử dụng cơ chế Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) làm nền tảng, liên minh này vẫn đang không ngừng mở rộng và vươn các xúc tu của mình đến mọi nơi trên thế giới.

Nếu ĐCSTQ có ý định chuyển đổi sang một quốc gia dân chủ và để nền kinh tế Trung Quốc trở thành một phần của nền kinh tế thị trường toàn cầu, thế thì hết thảy những gì họ làm chẳng phải đang đi theo hướng hoàn toàn ngược lại sao?

Đáp án chỉ có một: Cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh” của ông Tập Cận Bình không phải là lời nói suông, mà là mục tiêu cuối cùng trong đường lối chính trị của ông. Đối với thế giới phương Tây mà nói, kết quả trực tiếp của con đường này chính là Trung Quốc muốn định hình lại trật tự quốc tế được hình thành sau Thế chiến thứ hai. Có điều, trở ngại lớn nhất cản trở việc Trung Quốc hiện thực hóa một “cộng đồng chung vận mệnh” lại chính là Hoa Kỳ. Vì vậy, việc hình thành liên minh quốc tế chống Mỹ đã trở thành nhiệm vụ tất yếu.

Nếu việc trở thành thù địch với Hoa Kỳ chỉ là chuyện sớm muộn, thế thì một khi tình hình đòi hỏi, Bắc Kinh sẽ không ngần ngại kích động một cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan. Việc chống lại Đài Loan chỉ là vấn đề thời gian.

Từ góc độ chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, thống nhất thực chất chỉ là một cái cớ. Mục đích thực sự là kiểm soát Biển Đông sau khi chiếm đóng Đài Loan, nhằm đe dọa các tuyến vận tải quốc tế của Nhật Bản và Hàn Quốc ở phía bắc, thắt chặt kiểm soát các nước Đông Nam Á, đồng thời gây ra mối đe dọa cho Úc ở phía nam.

Khi Trung Quốc không gặp bất kỳ vấn đề kinh tế nào trong vài năm qua, và vẫn nói về “những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ”, chiến lược của Bắc Kinh là để các đồng minh như Nga, Iran, Triều Tiên dẫn đầu và kích động chiến tranh ở các nơi trên thế giới. Khi Hoa Kỳ buộc phải chữa cháy khắp các nơi trên thế giới và không có thời gian để lo lắng về Trung Quốc, thì Bắc Kinh lần nữa ra tay thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, sau đó chờ cơ hội để kiểm soát Biển Đông. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ có thể chiếm được một vị trí cực kỳ thuận lợi trong cuộc đối đầu trong tương lai với thế giới phương Tây.

Tuy nhiên, phương Tây nhanh chóng thức tỉnh sau đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine, và họ đã bắt đầu dần tách rời khỏi Trung Quốc, từ đó khiến Bắc Kinh phải đối mặt với thách thức toàn diện từ nền kinh tế.

Quân đội Hoa Kỳ đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản, Philippines và các nước khác đã đi đầu trong việc giúp quân đội Hoa Kỳ xây dựng nhiều cơ sở khác nhau mà quân đội Hoa Kỳ cần để hỗ trợ phòng thủ cho Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh xâm lược vũ trang đối với Đài Loan. Tại thời điểm này, ý tưởng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của Bắc Kinh ngày càng trở nên mỏng manh. Kết quả là Trung Quốc đã phải điều chỉnh chiến lược mở rộng của mình và tìm kiếm điều tốt đẹp tiếp theo. Ưu tiên củng cố liên minh chống Mỹ ở lục địa Á - Âu.

Nhưng trong vài thập kỷ qua, người Trung Quốc đã quen với việc có cuộc sống tốt đẹp nhờ sự trợ giúp của công nghệ, đầu tư và nguồn lực thị trường từ phương Tây. Bắc Kinh cần cho Trung Quốc một lý do đủ chính đáng để tách khỏi những người bạn giàu có ở phương Tây và chấp nhận Nga, Iran, Triều Tiên và một nhóm bạn nghèo đang cần đến sự hỗ trợ, như Taliban ở Afghanistan, Belarus và 5 nước ở Trung Á. Sự thay đổi này thực sự là quá lớn, nhất là khi nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, vậy nên nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ này, Bắc Kinh cần một cái cớ có đủ trọng lượng. Việc tấn công hòn đảo Kim Môn và Mã Tổ đã trở thành cách thức lý tưởng nhất để có được cơ hội này.

Tuy nhiên chiến lược của Bắc Kinh sẽ không dễ dàng khi đối mặt với những liên minh mới nổi giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong diễn biến mới đây, ngày 9/4, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ và có một bài phát biểu quan trọng. Rõ ràng là những thông điệp từ bài phát biểu của ông Kishida có thể khiến Tập dè chừng.

Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ

Ngày 10/4, ông Kishida và ông Biden gặp nhau trong khoảng hai giờ và quyết định khoảng 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Các chủ đề tập trung vào hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Biển Đông, Biển Hoa Đông và Đài Loan, ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh và phản đối mọi nỗ lực đơn phương sử dụng vũ lực để ép buộc và thay đổi hiện trạng.

Vào ngày 11/4, ông Kishida được mời phát biểu tại cuộc họp chung của Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ. Được biết, ông Kishida là nhà lãnh đạo Nhật Bản thứ hai nhận được vinh dự này sau cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015.

Trang web tin tức quốc hội Hoa Kỳ Roll Call nhận xét rằng, khi ông Abe phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ gần 10 năm trước, mọi người đều nhìn lại, nhớ lại Chiến tranh thế giới thứ hai và chú ý xem liệu ông có xin lỗi về những gì quân đội Nhật đã làm trong Thế chiến thứ hai hay không, và liệu Nhật Bản có thể hiện sự ăn năn và bồi thường thích đáng cho những phụ nữ mua vui Hàn Quốc và những nạn nhân khác của bạo lực do quân đội Nhật Bản gây ra trong Thế chiến thứ hai hay không.

Khi ông Kishida phát biểu lần này, trọng tâm chú ý của các giới đều rất khác nhau. Trọng tâm bài phát biểu của ông là nhìn về phía trước và nói về mối quan hệ tương lai giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Thứ nhất, trong bài phát biểu, ông Kishida nhấn mạnh, Nhật Bản sễ tận sức hỗ trợ Hoa Kỳ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Hiện tại, căng thẳng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không ngừng gia tăng. Nhiều thành viên Quốc hội đảng Cộng hòa ủng hộ “Nước Mỹ trên hết” và giảm bớt các hoạt động ở nước ngoài đang có thắc mắc rằng liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong cộng đồng quốc tế hay không.

Đáp lại điều này, ông Kishida cho rằng trật tự quốc tế mới do Mỹ thiết lập sau Thế chiến thứ hai đang đứng trước một vòng thách thức và xung kích mới, và những thách thức này đến từ các quốc gia có giá trị quan hoàn toàn khác với hệ thống tư tưởng của phương Tây. Ông có thể hiểu sự mệt mỏi và vất vả của Hoa Kỳ trong việc duy trì trật tự quốc tế bằng “sức mạnh của một quốc gia”, nhưng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu là không thể thiếu.

Nếu không có sự lãnh đạo và hỗ trợ của Hoa Kỳ, Ukraine rất có thể sẽ bị tiêu diệt ngay sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ. Chính nhờ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ mà Ukraine có thể tồn tại cho đến tận bây giờ. Nếu sự bành trướng của Nga ở Ukraine không thể được kiềm chế một cách hiệu quả thì tình trạng này chẳng khác nào khuyến khích các quốc gia phá hoại trật tự quốc tế vốn dựa trên “quy tắc”.

Thứ hai, ông Kishida cũng cảnh báo về mối đe dọa của Bắc Kinh đối với trật tự quốc tế.

Nhật Bản luôn bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại các khu vực xung quanh, đặc biệt là gần Đài Loan. Ông Kishida cho biết trong bài phát biểu của mình rằng, "Tư thế đối ngoại và động thái quân sự hiện nay của Bắc Kinh đã tạo thành những thách thức chiến lược nghiêm trọng và chưa từng có, không chỉ đối với hòa bình và an ninh của Nhật Bản, mà còn đối với hòa bình và an ninh của cả thế giới”. Ông cũng lên án "mối đe dọa vô cùng cấp bách" do chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây ra. Ông Kishida cũng bày tỏ rằng Nhật Bản sẽ "cam kết duy trì trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp và hòa bình".

Thứ ba, ông Kishida nhấn mạnh sự sẵn sàng của Nhật Bản trong việc hình thành một liên minh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.

Trong thập kỷ qua, có thể nói liên minh Mỹ-Nhật đã phát triển từ “một liên minh khu vực rộng lớn” thành một “đối tác toàn cầu”. Nhật Bản ngày nay là một trong những đồng minh toàn cầu quan trọng nhất, nếu không muốn nói là đồng minh toàn cầu quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Mục tiêu quan trọng trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của ông Kishida là làm rõ tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật đối với Nhật Bản nhằm trấn an Hoa Kỳ.

Do đó, ông Kishida cho biết trong bài phát biểu của mình rằng Hoa Kỳ không bị cô lập và Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để chống lại mọi mối đe dọa và rủi ro tiềm ẩn, đồng thời xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên các khái niệm và giá trị tương đồng.

Ông nói với những người Mỹ đang “đơn thương độc mã duy trì trật tự quốc tế” rằng: Nhật Bản hiện đã sẵn sàng gánh vác trách nhiệm quốc tế cùng với Hoa Kỳ. "Tôi hiểu rằng việc gánh vác những kỳ vọng như vậy là một gánh nặng lớn lao. Mặc dù thế giới trông chờ vào vai trò lãnh đạo của các bạn, nhưng các bạn không nên gánh hết mọi trách nhiệm quốc tế”.

Ông Kishida nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật đã vượt qua sự liên kết đảng phái và đã trở thành sự đồng thuận trong giới chính trị Nhật Bản. Ông nói, “Các liên minh của chúng tôi có thể củng cố sức mạnh của chúng tôi và chúng tôi đang hợp tác với những quốc gia có chung những ý tưởng này để cùng đạt được một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Điều này cũng bằng như tuyên bố rằng Hoa Kỳ r đừng lo lắng. Nhật Bản sẽ giúp Mỹ “chặn đứng đầu đạn” ở Đông Á, và cùng nhau đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Theo truyền thông nước ngoài, bài phát biểu của ông Kishida đã nhận được sự tán dương nhất trí từ cả các thành viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Quốc hội Hoa Kỳ, đồng thời ông đã nhiều lần nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Nhiều thành viên Quốc hội đã khen ngợi bài phát biểu của ông sau đó.

Nói chung, bài phát biểu của ông Kishida tại Quốc hội Hoa Kỳ đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới thế giới bên ngoài rằng Nhật Bản sẽ sát cánh cùng Hoa Kỳ để bảo vệ tự do trên thế giới. Điều này có nghĩa là Nhật Bản từ nay trở đi sẽ đứng vững trên vũ đài chính trị, kinh tế và quân sự quốc tế, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua hình ảnh quốc tế là bảo vệ các giá trị tự do. Đây rõ ràng không phải là tin tốt với Trung Quốc.

Liệu một cuộc chiến tại đảo Kim Môn có thành hiện thực trong âm mưu toan tính của Bắc Kinh để châm ngòi cho cuộc chiến với Mỹ? Và một liên minh chặt chẽ giữa Hoa Kỳ với Đài Loan và Nhật có đủ sức mạnh sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Dường như một cuộc hoà giải Trung Mỹ sau chiến dịch Đảo Kim Môn trong quá khứ sẽ không thể lặp lại trong tương lai.

Theo Epochtimes
Viên Minh biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Đảo Kim Môn: Nơi đầu tiên Trung Quốc châm ngòi cuộc chiến với Mỹ?