Máy tính của quan chức cấp cao Bỉ bị gián điệp Trung Quốc theo dõi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Els Van Hoof, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Liên bang Bỉ, đã lên tiếng tố cáo việc máy tính cá nhân của bà bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập từ đầu năm 2021. Đây là vụ việc mới nhất cho thấy hoạt động gián điệp ngày càng gia tăng của chính phủ Trung Quốc ở châu Âu.

Theo tiết lộ của bà Van Hoof với đài truyền hình công cộng Bỉ VRT vào ngày 25/4, bà nhận được báo cáo từ Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) vào tháng trước, ba năm sau khi vụ tấn công xảy ra.

Báo cáo của FBI cho biết vụ tấn công mạng này là một phần trong vụ kiện đối với 7 công dân Trung Quốc bị cáo buộc làm gián điệp cho Hoa Kỳ và các thành viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC). Các tin tặc Trung Quốc được cho là đã xâm nhập máy tính xách tay của bà Van Hoof thông qua một email giả mạo.

IPAC là một tổ chức quốc tế gồm các nghị sĩ tập trung vào các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, điều này khiến họ trở thành mục tiêu thường xuyên của chính phủ Bắc Kinh. Bà Van Hoof cho biết ngoài bà, có tới 400 thành viên khác của IPAC cũng đã bị tấn công mạng, bao gồm cả ông Samuel Cogolati, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Vụ tấn công được thực hiện bằng cách lừa họ mở một email vào năm 2021.

Hiện tại, tác động của vụ tấn công mạng vẫn chưa được làm rõ. Theo báo cáo của FBI, các cơ quan an ninh Bỉ đã theo dõi tung tích của những chiếc máy tính xách tay bị theo dõi từ năm 2021.

Chia sẻ với đài truyền hình công cộng Bỉ VRT về mục đích của vụ tấn công mạng nhắm vào máy tính cá nhân của mình, bà Els Van Hoof khẳng định: "Rõ ràng mục đích của họ là nhằm đe dọa và khiến chúng tôi im lặng".

Ông Chung Chih-tung, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (INDSR), cơ quan cố vấn của Bộ Quốc phòng ở Đài Loan, đã phân tích sâu hơn về vụ tấn công mạng này trên The Epoch Times vào ngày 27/4.

Ông lập luận: "Trên thực tế, đây không chỉ là hành động nhằm vào các chính trị gia Bỉ. Việc thu thập thông tin tình báo về các chính trị gia [phương Tây] sẽ được sử dụng để đe dọa và uy hiếp họ, phục vụ cho mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Điều này cho thấy sự hung hãn của ĐCSTQ xuất phát từ hệ tư tưởng đấu tranh giai cấp của họ”.

Theo ông Chung, ĐCSTQ đã thực hiện các hoạt động do thám phương Tây từ lâu, "nhưng trước đây các nước phương Tây không cảnh giác như bây giờ. Do căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây ngày càng gia tăng, ĐCSTQ đã tăng cường các hoạt động gián điệp nhằm vào họ nhằm thu thập thông tin tình báo và gây ảnh hưởng đến chính sách của các quốc gia này".

ĐCSTQ tăng cường các hoạt động gián điệp ở nhiều quốc gia khác

Các hoạt động gián điệp của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Bỉ. Đầu năm nay, chính phủ Hà Lan cũng cáo buộc ĐCSTQ tiến hành hoạt động gián điệp mạng. Thủ tướng Hà Lan đã nêu vấn đề này trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tháng 3.

Theo thông tin từ Cơ quan Tình báo Quân đội Hà Lan (MIVD), các tin tặc được ĐCSTQ hậu thuẫn đã thực hiện các hoạt động tấn công mạng nhằm vào các mạng máy tính của Bộ Quốc phòng Hà Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren tuyên bố vào thời điểm đó: "Lần đầu tiên MIVD quyết định công bố một báo cáo kỹ thuật về phương thức hoạt động của tin tặc Trung Quốc. Việc quy trách nhiệm cho những hành vi gián điệp kiểu này của Trung Quốc là điều vô cùng quan trọng. Bằng cách này, chúng ta có thể gia tăng khả năng phục hồi quốc tế trước loại hình gián điệp mạng nguy hiểm này".

Báo cáo của MIVD và Tổng cục Tình báo và An ninh Hà Lan (AIVD) nhấn mạnh rằng vụ tấn công mạng nhắm vào Bộ Quốc phòng Hà Lan không phải là hành động đơn lẻ, mà là một phần trong xu hướng gián điệp chính trị quy mô lớn hơn của Trung Quốc nhắm vào Hà Lan và các đồng minh của nước này

ĐCSTQ vẫn tiếp tục phủ nhận mọi cáo buộc về hoạt động gián điệp mạng nhắm vào các quốc gia phương Tây.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 27/4, ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), nhà nghiên cứu kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, đã vạch trần âm mưu của ĐCSTQ.

Ông Tô cho biết: "Tại Đài Loan, chúng tôi phát hiện ra các thiết bị thu tín hiệu Wi-Fi được lắp đặt bên trong đèn sân khấu. Điều này cho thấy ngày càng rõ ràng rằng ĐCSTQ đang sử dụng nhiều phương thức tinh vi để tiến hành gián điệp thông qua các thiết bị điện tử. Nhận thức được mối đe dọa này, các nước phương Tây đang bắt đầu mở rộng nỗ lực phòng thủ để chống lại hoạt động gián điệp mạng của ĐCSTQ".

Ông Chung Chih-tung cũng nhấn mạnh rằng sự phát triển của công nghệ đã thay đổi đáng kể phương thức thu thập thông tin tình báo. Theo ông Chung: "An ninh mạng đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với các nước phương Tây". Do đó, "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chiến tranh công nghệ trên thực tế là một dạng chiến tranh tình báo mới".

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ (DOJ) William Barr tham dự họp báo tại trụ sở Bộ Tư pháp cùng các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ tại Washington, D.C. vào ngày 10/2/2020. (Ảnh: Sarah Silbiger/Getty Images)
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ (DOJ) William Barr tham dự họp báo tại trụ sở Bộ Tư pháp cùng các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ tại Washington, D.C. vào ngày 10/2/2020. (Ảnh: Sarah Silbiger/Getty Images)

Trong bối cảnh các quốc gia phương Tây ngày càng tăng cường cảnh giác trước mối đe dọa từ hoạt động gián điệp của Trung Quốc, ông Chung Chih-tung cảnh báo rằng chính phủ Bắc Kinh đang không ngừng đa dạng hóa các phương tiện gián điệp, chẳng hạn như thông qua internet, xuất khẩu thiết bị điện tử, giáo dục, trao đổi và nghiên cứu văn hóa, v.v.

"Các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ mang tính toàn diện. Trên thực tế, mọi cơ quan thuộc bộ máy nhà nước đều đều có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về các quốc gia khác bằng nhiều cách thức khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của họ".

Gần đây, một phụ tá của ông Maximilian Krah, thành viên Nghị viện Châu Âu thuộc phe cực hữu Đức, đã bị bắt giữ tại Đức vì bị nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc. Vụ việc này cho thấy mức độ tinh vi và nguy hiểm của hoạt động gián điệp của ĐCSTQ, đe dọa an ninh quốc gia của các quốc gia phương Tây và cộng đồng quốc tế.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Máy tính của quan chức cấp cao Bỉ bị gián điệp Trung Quốc theo dõi